Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay

Ngày đăng: 19.07.2024

Qua bao chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đến ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân (CAND) vẫn còn giữ vẹn nguyên vai trò như sợi chỉ đỏ trong các mặt công tác của lực lượng CAND. Cứ mỗi khi nhắc đến tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, mỗi chúng ta đều không quên được quan điểm, lời dạy của Bác, vừa khẳng định bản chất của Công an, vừa khẳng định sứ mệnh của người chiến sỹ CAND: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc…[1]

 

Trải qua những đổi thay của thời đại, vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước vẫn luôn được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Đúc kết từ thực tiễn cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc là vô cùng quan trọng. Trong 6 điều không nên và nên làm (5-4-1948), Người nói: “Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”[2].

Theo chủ nghĩa duy vật lịch sử, quần chúng nhân dân là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử, lực lượng quyết định sự phát triển của lịch sử. C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: “tư tưởng căn bản không thể thực hiện được cái gì hết. Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn.”[3] Vai trò chủ thể sáng tạo lịch sử, quyết định tiến trình phát triển lịch sử của quần chúng nhân dân được thể hiện ở các mặt sau: thứ nhất, quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của mọi xã hội, trực tiếp tạo ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của con người và xã hội; thứ hai, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra những giá trị tinh thần của xã hội, hoạt động của quần chúng là cơ sở hiện thực và là cội nguồn phát sinh những sáng tạo văn hoá tinh thần của xã hội, mọi giá trị sáng tạo tinh thần dù qua phương thức nào thì cũng hướng đến nhân dân; thứ ba, quần chúng nhân dân là lực lượng và động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng và cải cách trong lịch sử.

Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự vận dụng, phát triển sáng tạo vào trong điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nước ta. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành cơ sở quan trọng để Người có phương pháp nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo những giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại để hình thành tư tưởng của mình về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn an ninh, trật tự. Trong Bài nói chuyện tại Trường Công an Trung ương trung cấp khóa II, Bác Hồ chỉ rõ: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.”[4]

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, công tác Công an phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm quần chúng của Đảng theo phương châm “lấy dân làm gốc”. Dù kẻ địch có âm mưu thâm độc đến đâu, nhưng nếu chúng ta giữ được lòng dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, thì địch “ba đầu, sáu tay” cũng bị thất bại. Hay nói cách khác, vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự là vô cùng quan trọng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải việc của một vài người. Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự thể hiện cụ thể qua các khía cạnh sau:

Một là, nhân dân là chủ thể của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhân dân là chủ thể của đất nước, chủ nhân của mọi quyền lực, nhân dân làm chủ, nhân dân là chủ, cho nên trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT), nhân dân cũng giữ vai trò chủ thể. Nhân dân tham gia vào sự nghiệp bảo vệ ANTT với tư cách là chủ thể có vai trò quan trọng, lực lượng quyết định sự thành công của sự nghiệp bảo vệ ANTT.

Hai là, bảo vệ an ninh, trật tự là nhiệm vụ của nhân dân.

Trong quan niệm của Người, nhiệm vụ bảo vệ ANTT, trước tiên là của CAND - lực lượng chuyên trách bảo vệ ANTT. Song bảo vệ ANTT đồng thời cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân. Bảo vệ ANTT liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân, xuất phát từ bản chất của chế độ ta, của Nhà nước ta là do nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ, nhân dân vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ bảo vệ ANTT cùng với những lực lượng chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược này.

Ba là, nhân dân là cội nguồn của mọi sức mạnh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân là cội nguồn của mọi sức mạnh bảo vệ ANTT được hiểu là: sức mạnh của nhân dân là điểm gốc, cội nguồn sản sinh ra mọi sức mạnh trong sự nghiệp bảo vệ ANTT; mọi thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trât tự là xuất phát từ sức mạnh to lớn của nhân dân.

 

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh: TL.

 

Bốn là, nhân dân là mục tiêu, là động lực của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Trên cơ sở phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cơ sở, phương pháp để nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của nhân dân một cách toàn diện, ở mọi khía cạnh khi khẳng định: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết.”[5] Nhân dân là mục tiêu cao nhất của sự nghiệp bảo vệ ANTT xuất phát từ bản chất của nhà nước ta là nhà nước vì dân, bao nhiêu lợi ích đều thuộc về nhân dân. Sự nghiệp bảo vệ ANTT của ta trước hết phải vì dân, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, bảo vệ tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp bảo vệ ANTT của nhân dân thể hiện ở chỗ, trong sự nghiệp đó, “Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, nhân dân giúp đỡ ta ít thì thành công ít, nhân dân giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”[6]. Nhân dân thực sự trở thành động lực quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ ANTT trong bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn nào của tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam đã cho thấy những đóng góp của quần chúng nhân dân ở mọi miền đất nước, thuộc các tầng lớp, trong các dân tộc đã quyết định thắng lợi của công tác Công an dưới sự lãnh đạo của Đảng trong các giai đoạn cách mạng. Để có được sự giúp đỡ to lớn, quý báu đó của quần chúng, lực lượng CAND Việt Nam với bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra đã luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, nhận thức đầy đủ về vai trò và sứ mệnh của quần chúng nhân dân; vận động, thuyết phục, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia vào các mặt công tác chiến đấu ngày càng tự giác, hiệu quả. Thông qua công tác, chiến đấu, trong mối quan hệ với nhân dân đã làm cho quần chúng nhân dân thấy rõ bản chất cách mạng của CAND Việt Nam là Công an của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về phương pháp, biện pháp công tác, mục tiêu bảo vệ và đối tượng đấu tranh của Công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Công an phải:

1. Nhận rõ nhiệm vụ của Công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân.

2. Để làm tròn nhiệm vụ thì phải luôn luôn đoàn kết nội bộ, nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, khinh địch, tự mãn.

3. Phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.

4. Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được.”[7]

Đồng thời, Người dặn dò cán bộ, chiến sĩ Công an: “Làm Công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm Công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân.”[8]

        Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhận định tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng lớn, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe doạ bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược. Các mối đe doạ độc lập chủ quyền, lợi ích chiến lược của đất nước, nhất là Biển Đông, vấn đề an ninh phi truyền thống, vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, sự chống phá của các thế lực thù địch…Đồng thời, Đảng khẳng định giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội cũng xác định: “Thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”[9] Do đó, “Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”[10] là một trong những điều kiện cần thiết và quan trọng, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới đất nước trong thời gian tới. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đặc biệt phải làm để dân tin, dân phục, dân yêu, phải là những cán bộ dân vận giỏi nhất, cán bộ dân vận tốt nhất. Cụ thể, trong Bài nói tại Hội nghị Cán bộ Công an, ngày 29 tháng 4 năm 1963, Người nhấn mạnh: “Phải ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù của nhân dân, tích cực phòng và chống gián điệp biệt kích. Muốn đạt kết quả đó thì Công an phải hết lòng giúp đỡ nhân dân và dựa vào lực lượng hùng mạnh của nhân dân... Làm tốt những việc đó, thì chúng ta nhất định thắng được địch. Đảng và Chính phủ tin vào lòng tuyệt đối trung thành và ý chí kiên cường phấn đấu của các đồng chí. Toàn thể cán bộ và chiến sĩ Công an phải cố gắng vượt mọi khó khăn, làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của Công an cách mạng, xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân, của Đảng và Chính phủ.”[11]

         Như vậy, để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT vào thực hiện nhiệm vụ chiến lược của đất nước, lực lượng Công an nhân dân cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau đây:

        Một là, chú trọng nghiên cứu, học tập, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT, nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp này. Mỗi cá nhân, đơn vị cần hoàn thiện lý luận về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng quan trọng này. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, phương án công tác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp từ quần chúng nhân dân, huy động sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

       Hai là, phối hợp với các lực lượng, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền đến người dân hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, tập trung vận động quần chúng nhân dân thực hiện và bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT, nhất là ở cơ sở thì cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội khác đi sâu tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng chiến lược này.

       Ba là, các cấp uỷ Đảng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng CAND cần tích cực, chú trọng xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, từ hoà giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường cũng như ở địa bàn cơ sở. Từ đó, trở thành nguồn hỗ trợ tích cực cho lực lượng CAND trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT trong giai đoạn hiện nay.

      Bốn là, chú trọng chăm lo xây dựng lực lượng Công an cơ sở làm tốt công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT. Để vận động quần chúng nhân dân tham gia ngày càng có hiệu quả trong công tác bảo vệ ANTT, đội ngũ lực lượng Công an cơ sở phải có phẩm chất đạo đức trong sạch, năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm. Mỗi cán bộ cơ sở phải sát dân, bám sát cơ sở, bám địa bàn. Hằng năm mở các lớp bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ về chính trị, pháp luật, đảm bảo chế độ, chính sách cho lực lượng Công an cơ sở và các tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được nòng cốt phong trào quần chúng ở mỗi số nhà, cụm dân cư, từng tuyến phố, trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các tổ chức đoàn thể. Góp phần nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, ý thức trách nhiệm và sức chiến đấu của lực lượng Công an cơ sở trong tình hình mới.

       Năm là, xây dựng lực lượng Công an nhân dân có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu cần phải được xác định là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn lực lượng cũng như của từng cán bộ, chiến sỹ. Đây cũng là điều kiện, cơ sở để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và đặc biệt là sự tham gia của quần chúng nhân dân góp ý, đánh giá, xây dựng lực lượng CAND. Để làm được điều này, cần phải chú trọng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng quan điểm, tác phong dân chủ, quần chúng cho cán bộ, chiến sỹ. Tăng cường hiệu quả quán lý cán bộ, chiến sỹ theo điều lệnh CAND; kết hợp với giáo dục Sáu điều Bác Hồ dạy CAND; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lực lượng Công an. Đồng thời, tiếp tục thực hiện và triển khai sâu rộng việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hoá vì nhân dân phục vụ”,…

       Sáu là, xây dựng và thực hiện tốt chế độ, chính sách khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự là một trong những nội dung công tác cần thiết để nâng cao sự tích cực đóng góp của quần chúng nhân dân vào sự nghiệp bảo vệ ANTT. Trong quá trình phát huy vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT, cần tăng cường xây dựng và thực hiện tốt chế độ, chính sách khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể nhân dân điển hình trong tham gia vào sự nghiệp bảo về ANTT để kích thích nhân dân, tạo động lực để nhân dân thêm hào hứng, chủ động và tích cực hơn trong thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động bảo vệ ANTT cũng như trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng CAND, nhất là Công an cơ sở tại địa bàn các xã biên giới, vùng dân tộc, vùng tôn giáo, vùng ven biển.

        Tóm lại, trên cơ sở nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT, để nâng cao hơn nữa vai trò của nhân dân trong công tác này, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức chủ động, tích cực tham gia bảo vệ ANTT tại địa bàn, góp phần tích cực vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt, phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Muốn vậy, vấn đề có tính cốt lõi là phải bảo vệ quyền và lọi ích hợp pháp của người dân; kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội. Có thể mới có thể tổ chức và động viên, quy tụ nhân dân phát huy cao độ tính tích cực, tự giác trong công tác bảo vệ ANTT. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trách nhiệm lớn lao này là của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời, để phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTT, cần làm tốt công tác nghiên cứu, nắm tình hình, nắm rõ tâm tư và nguyện vọng của quần chúng, từ đó đề ra nội dung, yêu cầu phù hợp phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTT. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 

1. Tô Lâm (2017), Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021.

5. Trần Quốc Tỏ (2024), Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh mới, tạp chí Cộng sản, Link: https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/phat-huy-suc-manh-to-lon-cua-nhan-dan-trong-su-nghiep-bao-ve-an-ninh-quoc-gia-bao-dam-trat-tu-an-toan-xa-hoi-trong-boi-canh-moi .

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.498-499.

[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 501.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.181.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.366.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 38.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.366.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 119.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.365.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.96.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.248.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 55.

 

 

Đại úy Ngô Thị Thùy Trang – Khoa Luật

Trịnh Hửu Luân – B1 QLHC D30S

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 15083
  • Tuần: 100000
  • Tháng: 100000
  • Tổng: 1100201