Chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Tổ chức tấn công, trấn áp tội phạm… Đó là các giải pháp được nêu ra tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 do Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành nhằm bảo đảm cho người dân được đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Tổ chức tấn công, trấn áp tội phạm
Theo Chỉ thị, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bảo vệ an toàn tuyệt đối các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước và các lễ hội đầu năm. Chủ động nắm chắc tình hình liên quan đến an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong - ngoài; bảo đảm an ninh thông tin, an toàn mạng quốc gia; giữ vững an ninh nội địa, bảo đảm an ninh trong công dân, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện phức tạp, không để hình thành "điểm nóng" về an ninh, trật tự; tăng cường các biện pháp phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép.
Tổ chức tấn công, trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy; phát hiện và xử lý nghiêm các loại tệ nạn xã hội. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn không để diễn ra tình trạng đốt pháo nổ trái phép trong dịp Tết.
Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có phương án hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là liên quan đến sử dụng rượu, bia, chất cấm khi điều khiển phương tiện giao thông. Tăng cường rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy; chủ động sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn trên toàn quốc. Bảo đảm an ninh, an toàn các cơ sở giam, giữ, giáo dục, giáo dưỡng; thực hiện các chế độ, chính sách với phạm nhân, học sinh, trại viên trong dịp Tết.
Ảnh minh hoạ (chinhphu.vn)
Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến
Theo đó, để triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương:
Theo dõi sát, nắm chắc tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến;
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ,… chú trọng các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán;
Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có phương án bảo đảm nguồn cung năng lượng như điện, xăng dầu cho thị trường trong nước giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tuyệt đối không để thiếu hụt trong mọi tình huống.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024; chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, nhất là rét đậm, rét hại, sương muối, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở bò để hạn chế thiệt hại, bảo đảm ổn định sản xuất; hỗ trợ kịp thời hạt giống cây trồng, vật nuôi, vaccine, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật… theo quy định cho các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho Nhân dân vui Xuân đón Tết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá, nhất là gạo, thịt lợn và các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, tránh trình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Đồng thời, chủ động kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, hồ chứa, đê sông, đê biển sau mùa mưa bão; vận hành hợp lý, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, có kế hoạch bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân và nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất, thủy điện; tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, có giải pháp ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Sẵn sàng phương án phục vụ bệnh nhân dịp Tết
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mùa Đông - Xuân, dịch bệnh nguy hiểm mới nổi có khả năng xâm nhập vào nước ta. Theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây, bùng phát lan rộng trong cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vaccine, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, thực hiện ứng trực 24/24 giờ. Chủ động các phương án sẵn sàng nhân lực, đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị…; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
Đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhất là về chất lượng thuốc, thuốc giả, thuốc không được phép lưu hành.
Không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn Tết do không có phương tiện vận chuyển
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn Tết do không có phương tiện vận chuyển; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, xe theo quy định; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trước, trong và sau dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhất là các tuyến kết nối khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đầu mối giao thông lớn và khu vực tổ chức Lễ hội. Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe và các điểm du lịch, lễ hội. Yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt. Thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, chở quá số người, tăng giá vé trái quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về kế hoạch phục vụ vận tải Tết; thông báo công khai về Kế hoạch công tác phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân và số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải có liên quan để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của hành khách và người dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ VHTT&DL tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, quản lý lễ hội của địa phương trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kịp thời ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan...; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên cho tăng trưởng, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm an toàn hệ thống.
Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu căn cứ vào tình hình thực tiễn, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới phù hợp với điều kiện, khả năng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không sử dụng ngân sách Nhà nước…
Lê Văn Thịnh (Tổng hợp)
- Nội dung cơ bản của Dự thảo luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (29.10.2024)
- Không thỏa hiệp với tham nhũng, tiêu cực (28.10.2024)
- Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (26.10.2024)
- Những điều cần biết về thuốc lá điện tử (25.10.2024)
- Ban hành mới và sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực Quản lý xuất nhập cảnh (18.10.2024)
- Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (16.10.2024)
- Nhận diện thủ đoạn “diễn biến hoà bình” chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học CSND góp phần bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng (16.10.2024)
- Mối quan hệ giữa Mặt trận Việt Nam với nhân dân, các tổ chức trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội (14.10.2024)
- Lịch sử phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10.10.2024)