Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Những chỉ dẫn của Bác Hồ về cải tạo tư tưởng của đảng viên

Ngày đăng: 01.10.2019


Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951).
(Ảnh tư liệu: TTXVN)

       
        VÌ SAO PHẢI CẢI TẠO TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG VIÊN?
        Thứ nhất, xuất phát từ nguồn gốc ra đời của Đảng ta. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một tất yếu lịch sử, là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam: “… Đảng ta có cơ sở khắp cả nước, Đảng đã thu hút những người cách mạng nhất, ưu tú nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng có chính cương, đường lối đúng. Đảng lãnh đạo toàn dân đoàn kết kháng chiến, tranh được nhiều thắng lợi. Đó là thành tích vẻ vang của Đảng ta. Những khuyết điểm của Đảng là: giáo dục và tổ chức kém, cho nên số đảng viên đông (hơn 70 vạn) nhưng chất lượng kém. Nhiều đảng viên và cán bộ ta rất hy sinh tận tụy, làm gương mẫu trong mọi việc, được quần chúng kính phục và yêu mến. Nhưng số đông cán bộ và đảng viên ta chưa được rèn luyện trong đấu tranh, chưa được cải tạo tư tưởng, lập trường giai cấp vô sản không vững”(2); Đảng ta là đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc; thành phần vào Đảng không thuần nhất mà tập hợp nhiều giai tầng khác nhau. Do đó, mỗi đảng viên mang trong mình tư tưởng, lập trường giai cấp, thái độ chính trị khác nhau, nhất là đảng viên không xuất thân giai cấp công nhân: “Trong xã hội còn giai cấp, thì người ta ai cũng có giai cấp và giai cấp tính”(3). “Những đảng viên không xuất thân từ giai cấp vô sản, càng phải đặc biệt rèn luyện, cải tạo tư tưởng đến cùng”(4).
        Thứ hai, xuất phát từ trình độ không đồng đều của đảng viên. Trong Đảng, chẳng những thành phần không thuần nhất mà còn có những lứa tuổi khác nhau, kinh nghiệm hoạt động cách mạng khác nhau. Đặc biệt, đối với những đảng viên mới, nếu họ không được cải tạo tư tưởng để trau dồi phẩm chất của cách mạng và nâng cao trình độ mọi mặt thì rất khó làm tròn nhiệm vụ đảng viên. Hồ Chí Minh khẳng định: “…đảng viên mới, chưa kinh qua sự rèn luyện lâu dài. Cho nên họ cần phải tự rèn luyện và tu dưỡng nhiều trong những cuộc đấu tranh cách mạng, mới có thể thành người cách mạng chắc chắn”(5). Hơn nữa, có những đảng viên vào Đảng nhưng chưa gột rửa những tâm lý, thói hư, tật xấu và chưa từ bỏ tư tưởng “bấp bênh” của tiểu tư sản và trí thức cũ, thậm chí “Có nhiều đảng viên chưa hiểu rõ giai cấp vô sản và giai cấp tiểu tư sản khác nhau thế nào. Có đảng viên, người vào Đảng, nhưng tư tưởng thì chưa vào Đảng. Trong đầu óc những đảng viên ấy còn chứa những thứ xấu xa của giai cấp bóc lột; họ chưa thật hiểu tư tưởng vô sản là gì, Đảng là gì”(6)... Những đảng viên như thế, Hồ Chí Minh cho rằng, họ càng phải cải tạo tư tưởng.
        Thứ ba, xuất phát từ nhiệm vụ nhận thức và cải tạo thế giới của người cộng sản, của giai cấp vô sản. Theo Hồ Chí Minh, đây là vừa là nhiệm vụ lớn lao, vừa là trách nhiệm cao cả của đảng viên: “Giai cấp vô sản và Đảng của vô sản phải gánh cái trách nhiệm hiểu biết thế giới và cải tạo thế giới…, biến đổi Việt Nam và thế giới đen tối thành Việt Nam và thế giới quang vinh”(7). Để hoàn thành sự nghiệp vĩ đại ấy, người đảng viên tất yếu phải cải tạo mình, trong đó phải cải tạo tư tưởng: “…phải cải tạo thế giới khách quan…, đồng thời phải cải tạo thế giới chủ quan của mình, cải tạo tư tưởng, tình hình và sự hiểu biết của mình”(8).
        Thứ tư, xuất phát từ quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, cho nên, Đảng và mỗi đảng viên phải thường xuyên không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, bởi như Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(9). Xây dựng Đảng luôn đòi hỏi đi liền với đổi mới và chỉnh đốn. Đổi mới và chỉnh đốn Đảng có quan hệ hữu cơ gắn bó chặt chẽ. Đổi mới là từ bỏ những gì lạc hậu, lỗi thời, kìm hãm, tạo ra những nét mới, tiến bộ, đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển. Chỉnh đốn là loại bỏ thoái hóa, biến chất, hư hỏng, vi phạm, chỉnh lại cho đúng những sai lệch. Đổi mới, chỉnh đốn nhằm nâng chất lượng lên tầm cao mới vì mục tiêu tồn tại và phát triển vững chắc tiến bộ.
        CẢI TẠO NHƯ THẾ NÀO?
        Về đối tượng, theo Hồ Chí Minh: “Trong xã hội còn giai cấp, muốn cải tạo tư tưởng cho tất cả mọi người trong một giai cấp là một điều không thể làm được... Song cải tạo cá nhân thì quyết làm được và cần phải làm”(10). Hồ Chí Minh cho rằng, trong Đảng cũng vậy, đối tượng cải tạo tư tưởng là từng đảng viên, song phải có đối tượng, trọng tâm, trọng điểm cụ thể.
        Chẳng hạn như, đối với đảng viên xuất thân từ tiểu tư sản, Hồ Chí Minh cho rằng: “Giai cấp này là một trong những động lực cách mạng, là bạn đồng minh tin cậy của giai cấp công nhân. Nói chung thì họ thừa nhận sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Họ hăng hái kháng chiến cứu nước. Trải qua mấy năm kháng chiến, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, chưa được thiết thực cải thiện. Trong tư tưởng và hành động, họ thường lung lay. Chúng ta phải cố gắng giúp đỡ họ cải thiện đời sống, cải tạo tư tưởng, rèn luyện chí khí và giữ vững lập trường phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến”(11).
        Hay như đối với đảng viên xuất thân từ trí thức và giai cấp nông dân: “Đảng và Chính phủ rất chú ý đến việc giúp đỡ anh em trí thức cũ tiến bộ, cải tạo tư tưởng, đồng thời đào tạo ra trí thức mới từ lớp công nhân, nông dân ra. Trí thức không có bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi. Nhưng mà việc cải tạo, việc giáo hóa trí thức (bất kỳ là đảng viên hay không đảng viên) của Đảng còn rất ít nên ảnh hưởng sự giáo dục đế quốc còn sâu, sâu lắm. Các cô, các chú cần nhận rõ việc cải tạo đấy là phải tự nguyện tự giác, mình muốn giúp đỡ kháng chiến, kiến quốc thì phải tự nguyện cải tạo”(12). Đối với đảng viên là nông dân: “Cần phải giáo dục những đảng viên mới. Cần phải cải tạo tư tưởng cho đảng viên nông dân”(13).
        Về phương châm cải tạo tư tưởng đảng viên phải kiên trì, nhẫn nại. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “… cải tạo là một cuộc đổi người cũ thành người mới…, một cuộc đấu tranh gay go và lâu dài. Vì vậy, người ngoài không cưỡng bức được, không vội vàng được, không nên yêu cầu quá cao, mà phải chịu khó giúp đỡ, tiến dần từng bước”(14). Theo đó, cải tạo tư tưởng đảng viên không được chủ quan, nóng vội, phải tiến hành có tổ chức, có kế hoạch với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng và của mỗi đảng viên. 
        Về phương thức, Hồ Chí Minh yêu cầu phải kết hợp nhiều hình thức và phương pháp khác nhau để cải tạo tư tưởng cho đảng viên. Người đặc biệt coi trọng phát huy vai trò của tổ chức đảng và của mỗi đảng viên, cụ thể: 1) Đảng phải khéo lãnh đạo. Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng “phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”(15), “Nhờ Đảng khéo lãnh đạo cho nên nhân dân ta đã thành công trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ”(16). Theo đó, khéo lãnh đạo tức là mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải khéo trong xây dựng đường lối, chính sách; khéo trong tổ chức thực hiện, vận động, tuyên truyền, thuyết phục, đoàn kết quần chúng; khéo trong sử dụng cán bộ; trong kiểm tra, kiểm soát… “Khéo lãnh đạo,... là một cách rất hay để cải tạo tư tưởng cán bộ, để xây dựng đạo đức trong sạch, để đẩy mạnh công việc kháng chiến và kiến quốc”(17). Khéo lãnh đạo còn là phải tìm ra khâu đột phá, trong đó, coi giáo dục lý luận cách mạng là mấu chốt: “Đảng phải luôn luôn giáo dục đảng viên về lý luận cách mạng. Đối với những đảng viên xuất thân là trí thức, tiểu tư sản, nông dân thì Đảng phải ra sức cải tạo tư tưởng khiến cho những đồng chí ấy thành những chiến sĩ của giai cấp công nhân”(18). 2) Đảng viên phải có quyết tâm chính trị rất cao. Suy đến cùng, mọi sự giáo dục, rèn luyện của tổ chức đảng chỉ có thể đạt được khi mỗi đảng viên có quyết tâm chính trị rất cao trong tự cải tạo tư tưởng của mình: “trước hết là phải liên hệ lý luận với thực tế công tác và tư tưởng của mình, để tự cải tạo mình, nâng cao sự tu dưỡng của mình về lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin”(19).
        CẢI TẠO TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG VIÊN ĐỂ PHÒNG CHỐNG VÀ ĐẨY LÙI MỌI BIỂU HIỆN SUY THOÁI
        Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về cải tạo tư tưởng của đảng viên chẳng những là kim chỉ nam trong nhận thức và hành động của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng trước kia, mà còn có giá trị to lớn, đã và đang tiếp tục soi sáng công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng của đội ngũ cán bộ đảng viên hiện nay, nhất là đối với đảng viên là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị. Vận dụng những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về cải tạo tư tưởng của đảng viên hiện nay cần có quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng, của mỗi đảng viên. Do đó, cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung phương hướng, giải pháp chủ yếu sau:
        Một là, toàn Đảng và mỗi đảng viên phải thấu triệt và thực hiện nghiêm chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về cải tạo tư tưởng của đảng viên. Theo đó, các tổ chức Đảng và đảng viên từ cơ sở đến Trung ương, nhất là các đảng viên là cán bộ chủ chốt thường xuyên quán triệt đầy đủ, sâu sắc và vận dụng sáng tạo những lời dạy của Hồ Chí Minh về tính cấp thiết và phương thức cải tạo tư tưởng của đảng viên; coi đây là khâu đột phá để phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng.
        Hai là, phát huy cao độ tinh thần “tự soi, tự sửa” của mỗi đảng viên. Mỗi người tự kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, quyết tâm tự gột rửa, sửa chữa tư tưởng và hành động xấu. Việc “tự soi, tự sửa” để cải tạo tư tưởng phải được tiến hành một cách chủ động, ngăn chặn từ xa, đẩy lùi từ sớm, ngay từ khi nó bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ, trong hành động của mình và điều quan trọng là phải thực hiện thường xuyên như lời căn dặn của Bác Hồ: “ngày nào cũng ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”(20).
        Ba là, Đảng phải tăng cường “lãnh đạo tư tưởng” để thực hiện cải tạo có hiệu quả tư tưởng đảng viên trong thời kỳ mới. Vì theo Hồ Chí Minh: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”(21). Người đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng của Đảng và yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập để nâng cao trình độ lý luận, chính trị một cách thực chất. Song song với đó, Đảng phải thực hiện có chất lượng, hiệu quả những nội dung liên quan đến đấu tranh tư tưởng.
        Theo đó, công tác tuyên giáo trong bối cảnh mới phải tích cực đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ một cách hiệu quả. Trong đó, cần có quyết tâm chính trị cao trong: “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”(22).
Bốn là, cải tạo tư tưởng đảng viên hiện nay phải kiên trì và chắc chắn. Cải tạo tư tưởng là một cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, đồng thời là cuộc đấu tranh giữa tình cảm và lý trí, giữa sự cầu thị và tính bảo thủ, giữa mặt tốt và mặt xấu… trong tư tưởng mỗi đảng viên; thực chất là cuộc đấu tranh “ai thắng thắng ai” giữa tư tưởng vô sản với tư tưởng tư sản. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Trong Đảng thường có đấu tranh tư tưởng, đó là do mâu thuẫn giữa các giai cấp trong xã hội và mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ phản ánh vào trong Đảng. Nếu trong Đảng không có mâu thuẫn và đấu tranh tư tưởng để giải quyết mâu thuẫn, thì sinh mệnh của Đảng cũng hết”(23). Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, không đơn giản, vì thế một mặt, phải có tinh thần cách mạng tiến công; mặt khác, phải kiên trì và chắc chắn bởi: “Trong nội bộ, cần phải trải qua đấu tranh tư tưởng, mới đi đến nhất trí được. Chúng ta phải hết sức kiên nhẫn để đạt cho được sự nhất trí ở trong Đảng”(24)./.
 
        Trung tá, TS. Hà Sơn Thái
        Phó Chủ nhiệm Chính trị
        Lữ đoàn Công binh 543 - Quân khu 2
        _______________________________

        (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.12, tr.356.
        (2) (3) (7) (8) (10) (11) (14) (20) (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.395, 159,129, 130, 160-161, 393, 161, 82, 568.
        (4) (5) (6) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.299; tr.299; tr.299.
        (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.
        (12) (13) (15) (17) (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.56, 279, 279, 140, 276.
        (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.492.
        (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.97.
        (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.309.
        (22) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2016, tr.200-201.
(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.452.

Tác giả: Thạch Minh Tuấn

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 11332
  • Tuần: 33420
  • Tháng: 100001
  • Tổng: 100001