Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Tìm hiều về tác động của nước biển dâng đối với đồng bằng sông Cửu Long

Ngày đăng: 21.11.2022

Nước biển dâng là sự dâng mực nước của đại dương trên toàn cầu, trong đó không bao gồm triều cường, nước dâng do bão… Nước biển dâng tại một vị trí nào đó có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với trung bình toàn cầu vì có sự khác nhau về nhiệt độ của đại dương và các yếu tố khác[1]. Phạm vi tác động của nước biển dâng hầu hết là các quốc gia có đường bờ biển, trong đó Việt Nam là một trong các quốc gia chịu tác động lớn từ nước biển dâng.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nếu mực nước biển dâng cao 100cm, diện tích có nguy cơ ngập ở các vùng như: 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; khoảng 17,15% diện tích TP. Hồ Chí Minh; 47,29% diện tích đồng bằng sông Cửu Long… Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập rất cao. Nếu mực nước biển dâng 80cm, sẽ có khoảng 31,94% diện tích có nguy cơ bị ngập. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Cà Mau (64,42%) và Kiên Giang (66,16%). Nếu mực nước biển dâng 100cm sẽ có khoảng 47,29% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập, cao nhất là tỉnh Cà Mau khoảng 79,62%[2].

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên khoảng 39,7 nghìn km2 tương ứng 12,2 % diện tích của cả nước, dân số khoảng 18 triệu người chiếm khoảng 19% dân số cả nước. Đây là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông – lâm – thủy sản của cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước: chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu[3]. Từ đó, cho thấy đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn có trọng trách đảm bảo an ninh lương thực của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải chịu tác động mạnh từ sự biến đổi khí hậu khi thường xuyên sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng; triều cường và bão mạnh ngày càng bất thường. Đặc biệt, dòng sông Mê Kông không được các quốc gia thượng nguồn chia sẻ một cách công bằng. Thực tế đòi hỏi người dân ở đây phải thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất…. để thích ứng.

Cũng trong kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020 cho thấy những tác động của nước biển dâng đối với đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới là rất đáng lo ngại. Từ đó, đe dọa đến kinh tế, cuộc sống của người dân và môi trường của đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể như sau:

- Tác động đầu tiên là sự gia tăng xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa. Sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn, đe dọa tới an ninh lương thực của quốc gia. Diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Cá nước ngọt dự kiến sẽ suy giảm vì diện tích đất đồng bằng và dòng sông nhiễm mặn gia tăng. Ngược lại, các loại các nước mặn, lợ sẽ phát triển. Diện tích nuôi tôm, sò và hải sản khác có thể gia tăng trong tương lai.

- Ở khu vực trung và hạ lưu, do phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao, diện tích chứa lũ giảm và nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lụt. Cung cấp nước sạch chỉ đảm bảo được cho 60-65% dân số đô thị và tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều đối với nông thôn. Mặt khác, nguồn nước để cấp nước ở các khu vực nông thôn cũng đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn là nhiễm mặn và ô nhiễm[4].

- Nước biển dâng cao cũng tác động lớn đối với tài nguyên đất. Ước tính hàng trăm ngàn hecta đất bị ngập, hàng triệu người có thể bị mất nhà cửa. Khi mực nước biển dâng còn làm hệ thống đê biển có nguy cơ tràn và vỡ ngay cả khi không có các trận bão lớn. Ngoài ra, do mực nước biển dâng cao làm chế độ dòng chảy ven bờ thay dổi sẽ gây xói lở bờ. Đối với hệ thống đê bao và bờ bao, mực nước biển dâng làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước các con sông dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy từ thượng nguồn sẽ làm cho đỉnh lũ tăng thêm, uy hiếp sự an toàn của các tuyến đê bao và bờ bao.

- Nông dân, ngư dân và người dân nghèo sẽ là các đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề do thiếu tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để kịp thời đối phó với sự thay đổi do nước biển dâng. Trong tương lai sẽ có sự dịch chuyển dòng di cư của người dân ở các vùng ven biển chịu tác động nặng nề do nước biển dâng lên các đô thị, khu vực ít bị chịu ảnh hưởng. Điều này khiến các quy hoạch đô thị bị ảnh hưởng, đảm bảo trật tự xã hội sẽ là một thử thách. Môi trường đô thị sẽ bị tác động xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số.

- Nước biển dâng cao và sự xâp nhập mặn nhiều trong tương lai được dự đoán là sẽ ảnh hưởng lên động, thực vật của các khu vực ven biển. Các loài cây chịu mặn sẽ phát triển tốt hơn và rừng lấn ra biển. Ngược lại, các thực vật cần sống trong nước ngọt một thời gian như cây Tràm hay nước lợ như Dừa nước, cây Bần sẽ bị suy thoái nếu mua khô hạn kéo dài và nhiễm mặn gia tăng, chúng sẽ có khuynh hướng phát triển vào phía nội địa và như vậy bờ sông các khu vực gần biển sẽ bị xói lở nhiều hơn trong tương lai.

Qua những tác động trên, cần thực hiện một số giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực từ nước biển dâng đối với đồng bằng sông Cửu Long[5]:

- Tăng cường năng lực, nhận thức, ý thức và hành vi bảo vệ môi trường – sinh thái, giảm thiểu các tác nhân làm nước biển dâng cao hơn;

 - Đề xuất và thử nghiệm các mô hình thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh mới: các kiểu nhà, ngoại cảnh, các thiết bị phòng tránh nước biển dâng ở mức cộng đồng;

- Nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng và vật nuôi có khả năng chịu đựng ngưỡng thời tiết khí hậu khắc nghiệt hơn, điều chỉnh lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng – vật nuôi phù hợp;

- Xây dựng quy chuẩn xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với diễn biến mực nước biển dâng trong tương lai. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy kết nối trong vùng, liên vùng cần đặt ra những vấn đề về quy hoạch để bảo đảm sự kết hợp hài hòa, thống nhất và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều;

- Lồng ghép các biện pháp thích nghi với nước biển dâng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực;

- Xây dựng và duy trì mạng lưới thông tin, nâng cấp hệ thống cảnh báo thời tiết – thiên tai;

- Tăng cường hợp tác quốc tế và quốc gia, thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin trong và người nước ngoài.

-------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2009. Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam;

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012. Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam;

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016. Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam;

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020. Kịch bản Biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020;

5. Cục Quản lý Tài nguyên nước, 2018. Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt khu vực TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, định hướng quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất;

6. Trần Thục và nnk, 2015. Cập nhật xu thế thay đổi mực nước biển khu vực biển Việt Nam. Tạp chí Khí tượng Thủy văn, 657, 25-31.

 


Tác giả: Ngô Trung Dũng

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 26
  • Tuần: 314
  • Tháng: 814
  • Tổng: 1100200