Nhân dịp đồng chí Hoàng Mai (khi đó là Giám đốc Sở Công an Khu XII), đã gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh tờ báo “Bạn dân” – nội san của Công an Khu XII số tết, vào ngày 11 tháng 3 năm 1948, Bác Hồ đã gửi cho đồng chí Hoàng Mai bức thư. Trong đó Người đã nêu lên “tư cách người Công an cách mệnh” là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành
Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép
Đối với công việc, phải tận tụy
Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo”.
Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mạng có nội dung vô cùng sâu sắc, phong phú với đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học, thể hiện đầy đủ bản chất của Công an nhân dân. Sáu điều dạy của Người là mô hình hoàn chỉnh về nhân cách của người cán bộ, chiến sĩ CAND. Trong cấu thành nhân cách đó gồm nhiều mối quan hệ xã hội trọng yếu nhất, cơ bản nhất đó là với bản thân, với đồng sự, với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân, với công việc và với địch. Các quan hệ trên được cấu trúc trong một thể cân đối hoàn chỉnh lấy hoạt động làm nền tảng để giải quyết các mối quan hệ xã hội đó sẽ tạo nên những giá trị đạo đức của người cán bộ, chiến sỹ CAND. Phân tích 6 điều Bác Hồ dạy về “tư cách người Công an cách mệnh” đã làm sáng tỏ ý nghĩa lý luận đối với công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân thể hiện ở các nội dung sau:
Một là, Về lời dạy đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách người Công an cách mệnh: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”
Đạo đức cần, kiệm, liêm, chính được Bác Hồ chỉ ra cho lực lượng Công an trong nhiều lần, ở nhiều bài viết. Trên báo Cứu quốc, bác Hồ với bút danh Lê Quyết Thắng đã từng viết bài về “Cần, kiệm, liêm, chính”. Người khẳng định “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người.”[1]
Khi căn dặn về tư cách người Công an cách mệnh thì lời dạy đầu tiên của Người nhắc: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”.
Cần, kiệm, liêm, chính là những đức tính không thể thiếu, luôn phải được đặt lên hàng đầu đối với người cán bộ, chiến sỹ CAND. Trong đó:
“Cần” là trong công tác Công an, phải giáo dục cho mỗi cán bộ chiến sỹ phải làm việc một cách cần mẫn, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm và tỉnh táo; phải xây dựng một ý chí vững chắc, không ngại khó khăn, gian khổ. Cần hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa trung bình với thái độ làm việc cầm chừng.
“Kiệm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”[2]; phải luôn chú ý bảo vệ của công. Yêu cầu cơ bản của tiết kiệm là làm việc có chỉ tiêu, có kế hoạch, phân định rạch ròi từng công việc trong từng thời gian cụ thể, từ đó phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn nhất, hiệu quả tốt nhất. Cùng với thực hành tiết kiệm, cần không ngừng chống lại thói xa hoa, tham ô, lãng phí. Người chỉ rõ “tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”[3]. Người cũng kêu gọi “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm”, “tiết kiệm sức lao động”, “tiết kiệm thời gian”, “tiết kiệm tiền của”, đặc biệt là “vừa thi đua tăng gia sản xuất, vừa thi đua tiết kiệm” để đưa sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc nhanh chóng thành công.
“Liêm” là một phẩm chất đạo đức quan trọng không thể thiếu đối với mỗi người cán bộ cách mạng nói chung. Đó là, liêm khiết, trong sạch, không lạm dụng của công, không tham lam địa vị, quyền lực, tiền tài. Người luôn nhắc nhở “làm công an không phải làm quan cách mạng”[4] mà là làm “đầy tớ” cho nhân dân[5], thực sự phục vụ nhân dân. Việc gì có lợi cho Đảng, cho dân dù nhỏ cũng làm, việc gì sai trái, làm hại Tổ quốc, ảnh hưởng đến Đảng, lợi ích của nhân dân thì dù nhỏ cũng hết sức tránh.
“Chính” theo Người là không tà, là thẳng thắn, việc thiện dù nhỏ cũng cố làm, việc ác dù nhỏ cũng cố tránh. Đức tính chính trực của người cán bộ, chiến sỹ Công an cách mạng thể hiện ở chỗ: phải biết tôn trọng lẽ phải, làm theo lẽ phải; tránh những việc trái với lợi ích của nhân dân, trái với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế, người Công an cách mạng nếu chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà thiếu dũng khí đấu tranh bảo vệ chân lý thì kỷ cương phép nước khó có thể được thực hiện nghiêm minh.
Tìm hiểu đạo đức Bác Hồ, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ rõ: “Người ta hay nhắc đến những điều Người thường căn dặn: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nhưng phải hiểu điều cao quý đó với ý nghĩa và tinh thần theo học thuyết Mác - Lênin, theo nhân sinh quan của người cộng sản”[6]. Đó là luận chứng chỉ đạo giúp cho ta hiểu một cách khoa học tinh thần, nội dung cơ bản lời dạy của Bác. Phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính khi được chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng bằng những tư tưởng khoa học và cách mạng mới trở thành nền tảng và tiền đề để tạo ra và bảo vệ vững chắc những phẩm chất tốt đẹp khác của con người, xuyên suốt mọi phạm vi, lĩnh vực hoạt động, mọi mối quan hệ xã hội. Cần, kiệm, liêm, chính không chỉ là những chuẩn mực đạo đức chung cho toàn xã hội mà nó còn có những đặc thù riêng cho từng ngành, từng người, từng lĩnh vực xã hội cụ thể với những đặc trưng riêng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị tại Lớp nghiên cứu khoá I và Lớp bổ túc khoá VI Trường Công an Trung ương, năm 1958: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân… phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp Công an và Công an mới thành công được. Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành khác thì công việc mới thắng lợi”. Đây đều là những lời căn dặn sâu sắc mà giá trị tồn tại mãi đến ngày sau.
Hai là, Về lời dạy thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách người Công an cách mệnh: “Đối với đồng sự, phải than ái giúp đỡ”
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh giáo dục cán bộ chiến sỹ CAND cần có tinh thần đoàn kết thương yêu đồng chí, đồng đội, thân ái giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện và công tác. Và đây cũng là truyền thống quý báu của lực lượng CAND Việt Nam. Biểu hiện của người cán bộ, chiến sỹ CAND biết giữ gìn sự đoàn kết nội bộ được thể hiện bởi sự yêu thương đồng chí, đồng đội, đồng cam chịu khổ; phát huy dân chủ, thẳng thắn đấu tranh, phê bình và tự phê bình; tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Thân ái giúp đỡ đồng chí, đồng đội phải thể hiện thái độ chân thành, trung thực, cầu thị trong quá trình học tập, rèn luyện, công tác; mọi biểu hiện che giấu khuyết điểm, bao che những hành vi thiếu trung thực, thiếu lành mạnh là những biểu hiện thiếu thân ái, giúp đỡ với đồng chí, đồng đội.
Ba là, Về lời dạy thứ ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách người Công an cách mệnh: “Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”
Lòng trung thành của người cán bộ, chiến sỹ CAND với Đảng, với Nhà nước và với nhân dân là giá trị truyền thống quý báu của lực lượng CAND, là bản chất của người chiến sỹ Công an cách mệnh. Lòng trung thành được thể hiện bởi bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng của người cán bộ chiến sỹ CAND. Lòng trung thành được hình thành trên cơ sở giác ngộ cách mạng, lòng yêu mến đồng chí, đồng đội, lòng yêu nghề và nó được hình thành, trau dồi và tôi luyện qua thực tiễn công tác, chiến đấu, thắng không kiêu, bại không nản, nó còn thể hiện bởi ý chí vươn lên sang tạo trong công tác chuyên môn.
Bốn là, Về lời dạy thứ tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách người Công an cách mệnh: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”
Lực lượng Công an nhân dân từ dân mà ra, vì dân mà phục vụ cho nên phải gần dân, kính trọng và lễ phép với nhân dân. Kính trọng, lễ phép với nhân dân không chỉ dừng lại ở lòng tôn trọng, gần gũi bảo vệ, chăm lo cho lợi ích của nhân dân mà phải hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biết được những trăn trở, bức xúc trong nhân dân từ đó từng bước tháo gỡ. Đây là tiền đề để xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa lực lượng Công an với nhân dân.
Năm là, Về lời dạy thứ năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách người Công an cách mệnh: “Đối với công việc, phải tận tụy”
Một điều tuy ngắn nhưng bao quát được yêu cầu về tinh thần, thái độ đối với công việc. Đây là phẩm chất chung của mỗi cán bộ, đảng viên, càng phải là phẩm chất cần phải có của mỗi chiến sỹ công an cách mạng. Tận tụy với công việc được thể hiện ở sự làm việc bền bỉ, có tính chủ động, sáng tạo, xuất phát từ động cơ đúng đắn và trong sáng vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Luôn xây dựng ý thức chăm lo đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, hình thành tác phong làm việc chu đáo, khoa học, nền nếp, có hiệu quả thiết thực. Đã phụ trách công việc gì thì quyết tâm làm cho bằng được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Đó cũng chính là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức cao cả của người chiến sỹ Công an nhân dân.
Sáu là, Về lời dạy thứ sáu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách người Công an cách mệnh: “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”
Cương quyết đối với kẻ địch là một nguyên tắc bất di bất dịch. Cách xử thế thứ hai đối với kẻ địch lại phải khôn khéo; là một vấn đề cơ bản có tính chiến lược của cách mạng, có quan hệ biện chứng với tư tưởng, ý chí cương quyết với địch. Tinh thần cương quyết, khôn khéo là vũ khí sắc bén, là nguyên tắc, phương châm hoạt động của người cán bộ, chiến sỹ CAND. Quán triệt lời dạy của Bác, người cán bộ, chiến sỹ CAND cần phải xây dựng cho mình bản lĩnh chiến đấu, lập trường kiên định, không hoang mang, dao động trước những khó khăn, thử thách để ngày càng trưởng thành trong công tác.
Ra đời trong những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử, được Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện; các cấp, các ngành, nhân dân và bạn bè quốc tế hết lòng tin yêu, đùm bọc, phối hợp, giúp đỡ; lực lượng công an nhân dân không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, trở thành lực lượng vũ trang cách mạng, trọng yếu, tin cậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân.
Cho đến ngày nay, lời dạy của Người đã trở thành huấn thị đối với lực lượng Công an nhân dân. Những điều Bác dạy về “tư cách người Công an cách mệnh” vẫn còn sống mãi, vẫn còn nguyên giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[7].
Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, hội nhập quốc tế, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, đất nước bước vào giai đoạn phát triển cao hơn, Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Để Nghị quyết đi vào đời sống, hiện thực hóa, việc quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động, các đề án, dự án thành phần thì nghiên cứu, làm rõ những điểm mới, nội hàm, nội dung, xác định tiêu chí, lượng hóa để lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá trong thực tiễn là rất cần thiết.
Phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng công an nhân dân nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân, thấm nhuần 6 Điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII; phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, vừa bảo đảm an ninh, trật tự, vừa chống dịch; xứng đáng là lá chắn phòng, chống đại dịch COVID-19; “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, chỗ dựa vững chắc của nhân dân; vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr. 117.
[2] HCM toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, T.5, tr. 636.
[3] HCM toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, T6, tr. 485.
[4] Trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với học viên lớp Trung cấp khoá 2, Trường Công an Trung cấp, năm 1951
[5] Trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường Công an Trung cấp - Khoá I, năm 1950
[6] Phạm Văn Đồng (1974), Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1974, tr.7-31.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 157 – 158.
Tác giả: Thanh Tâm - Thùy Trang
- Khai giảng Khóa 23 - Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới (16.06.2016)
- Tổng kết phong trào Judo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 (03.06.2016)
- Cách xóa dấu vết trên Internet nhằm tránh bị rò rỉ thông tin cá nhân (16.04.2016)
- Xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả với quan điểm sai trái, thù địch (11.04.2016)