NHIỀU THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC TRONG HƠN 30 NĂM PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS Ở VIỆT NAM
Thành tựu đầu tiên phải kể đến là sự cam kết chính trị mạnh mẽ, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Ngay từ năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa VII) đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về lãnh đạo công tác phòng, chống AIDS, đây là kim chỉ nam cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong suốt 10 năm. Đến năm 2005, trước những diễn biến mới của dịch HIV/AIDS, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 54/2005/CT-TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Gần đây, năm 2017, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, theo đó đã xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ “Cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS”. Năm 2020, Ban Bí thư cũng đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 54/2005/CT-TW và đã có những định hướng mới cho phù hợp với mục tiêu công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay.
Quốc hội Việt Nam đã kịp thời thể chế hóa đường lối, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Năm 1995, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành “Pháp lệnh Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng Suy giảm miễn dịch mắc phải ở người”. Đến năm 2006, Quốc hội Khóa XI đã thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS tại kỳ họp thứ 9, đưa Việt Nam là 1 trong 2 nước đầu tiên trên thế giới ban hành Luật phòng, chống HIV/AIDS. Ngày 16/11/2020 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, với các kỷ lục là Luật đầu tiên được xem xét, thông qua trong một kỳ họp.
Chính phủ cũng đã ban hành ba Nghị định về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ba Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu và giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn. Đặc biệt gần đây nhất, tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc.
Thành tựu thứ hai là mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS đã được xây dựng, phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao qua từng thời kỳ. Ngay khi Việt Nam chưa phát hiện các trường hợp nhiễm HIV, Bộ Y tế đã chủ động thành lập “Tiểu ban phòng chống SIDA” và sau đó là “Uỷ ban Quốc gia phòng chống SIDA” trực thuộc Bộ Y tế. Tiếp đến Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm. Đồng thời, Cơ quan chuyên trách giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS đó là “Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam” thuộc Bộ Y tế đã ra đời vào năm 2005 là một quyết định kịp thời, minh chứng cho sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm quyết tâm đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này. Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại các địa phương cũng đã được thành lập và kiện toàn liên tục theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, đã có 63/63 tỉnh thành phố thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật trong đó có Khoa Phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra chúng ta cũng đã huy động được sự tham gia của các tổ chức dựa vào cộng đồng, người nhiễm HIV và các nhóm có hành vi nguy cơ, các tổ chức xã hội chủ động, tích cực trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Thành tựu thứ ba là Việt Nam đã triển khai đa dạng và hiệu quả dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.
Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi được coi như “vắc xin” hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS. Công tác truyền thông liên tục được đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức; huy động sự tham gia của các mạng lưới, cộng đồng người nhiễm HIV và nhóm có hành vi nguy cơ vào các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ cho chính cộng đồng. Ngoài các kênh truyền thông trực tiếp và đại chúng, trong những năm gần đây truyền thông qua mạng xã hội đã được áp dụng phổ biến, đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin nhanh chóng đến các đối tượng đích trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.
Hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đã có sự thay đổi hết sức quan trọng từ nhận thức và quan điểm của lãnh đạo cũng như người dân. Giai đoạn đầu, việc phân phát bơm kim tiêm, bao cao su… không được pháp luật và xã hội chấp nhận. Bao cao su còn được coi là vật chứng của tệ nạn xã hội; cấp phát bơm kim tiêm được coi là tiếp tay cho ma túy trái phép... Tuy nhiên, đến nay việc cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su đã bao phủ ở tất cả các tỉnh/thành phố có nhu cầu cần can thiệp. Điều trị nghiện các chất dựng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cũng đã được tất cả 63 tỉnh, thành phố với 340 cơ sở điều trị, hơn 200 cơ sở cấp phát thuốc tại xã phường, đang điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện. Bên cạnh Methadone, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine cũng đang được triển khai thí điểm tại 6 tỉnh, mang lại cho người nghiện những lựa chọn mới trong điều trị thay thế. Gần đây, Việt Nam đã triển khai biện pháp dự phòng mới đó là “Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV”, gọi tắt là PrEP và đã dự phòng cho hàng chục ngàn người khỏi lây nhiễm HIV.
Mở rộng và đa dạng các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV. Tư vấn xét nghiệm HIV được coi là một trong các biện pháp quan trọng giúp phát hiện người nhiễm HIV để từ đó tư vấn, hỗ trợ để họ tham gia điều trị ARV sớm, cải thiện sức khỏe, giảm tử vong, đồng thời có các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm HIV cho người khác. Ngoài xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, hiện nay tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm lưu động và tự xét nghiệm HIV cũng đã được triển khai với mỗi năm có khoảng 3 triệu mẫu xét nghiệm HIV được thực hiện, qua đó phát hiện được 8-10 ngàn người nhiễm HIV mỗi năm.
Điều trị HIV/AIDS liên tục được mở rộng, chất lượng điều trị của Việt nam đứng trong nhóm 4 nước hàng đầu thế giới. Điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS bắt đầu được triển khai tại Việt Nam từ năm 2002 cho khoảng 500 bệnh nhân và sau đó mở rộng nhanh chóng độ bao phủ và nâng cao chất lượng điều trị. Đến nay có 446 cơ sở điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc, 652 trạm y tế xã cấp phát thuốc ARV, ngoài ra còn có các cơ sở điều trị trong trại giam; trung tâm cai nghiện ma túy v.v.. Hơn 150 nghìn bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV). Kết quả xét nghiệm tải lượng vi-rút HIV cho thấy tỷ lệ bệnh nhân đang điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 96% và dưới ngưỡng phát hiện đạt 94%. Với những tỷ lệ này, Việt Nam cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ là 4 nước có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng đầu thế giới.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao. Trong những năm qua, các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai rộng rãi: xét nghiệm để phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV; điều trị dự phòng bằng thuốc; điều trị, theo dõi, chăm sóc cho cặp mẹ con sau khi sinh. Tỷ lệ lây truyền HIV sang cho con liên tục giảm, từ khoảng 6% năm 2012 xuống dưới 2% trong những năm gần đây.
Thành tựu thứ tư là cơ chế tài chính được đổi mới, đảm bảo sự bền vững cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Trong hơn 30 năm qua, Việt nam đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, cả về tài chính và chuyên môn, kỹ thuật. Trước năm 2012 khoảng 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS là từ nguồn viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, các nguồn viện trợ bắt đầu cắt giảm. Để đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS, bù đắp những thiếu hụt do kinh phí phòng, chống HIV/AIDS, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1899/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020". Nhờ có Đề án này, các nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS đã tăng lên nhanh chóng, tất cả các địa phương đã phê duyệt đề án và phân bổ tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS và đặc biệt là bảo hiểm y tế đã chi trả cho điều trị HIV/AIDS từ năm 2019. Nhờ đó, tỷ lệ tài chính trong nước trong tổng chi cho phòng, chống HIV/AIDS đã tăng từ 27% (năm 2014) lên 57% năm 2020.
Với tất cả những nỗ lực nói trên, sau hơn 30 năm, chúng ta đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV, số người mắc AIDS và số người tử vong liên quan đến HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong hơn 15 năm qua. Theo ước tính của các chuyên gia, trong 15 năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã tránh cho khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV và khoảng 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam đã kiểm soát được tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3% như mục tiêu Chiến lược quốc gia đã đề ra.
NHIỀU KHÓ KHĂN THÁCH THỨC VẪN ĐANG Ở PHÍA TRƯỚC
Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành công rất đáng ghi nhận trong thời gian qua, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, HIV/AIDS vẫn là vấn đề nổi cộm về y tế công cộng, là nguyên nhân hàng đầu về gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Ước tính, Việt Nam hiện có từ 230.000 đến 240.000 người nhiễm HIV. Ngoài ra, mỗi năm vẫn phát hiện thêm khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới. Các hành vi lây nhiễm HIV gần đây có những diến biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp, lây truyền HIV qua đường tình dục và lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng nhanh.
Thứ hai là sự thay đổi tổ chức và nguồn nhân lực phòng, chống HIV/AIDS. Sau khi sáp nhập các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh dẫn tới nhân lực cho phòng, chống HIV/AIDS có nhiều biến động. Sự tham gia của các tổ chức cộng đồng, nhân viên tiếp cận cộng đồng, đồng đẳng viên... vẫn phụ thuộc nhiều vào các dự án viện trợ, tính bền vững chưa cao.
Thứ ba là những thách thức về tài chính. Để đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS, cần tăng cường đầu tư cao hơn nữa cho phòng, chống HIV/AIDS trong những năm tới, nhưng các nguồn tài chính đều có hạn. Kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS hiện vẫn còn dựa nhiều vào các nguồn viện trợ quốc tế. Bảo hiểm y tế đã hỗ trợ chi trả phần điều trị, nhưng các hoạt động khác như tư vấn xét nghiệm, truyền thông, can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV, giám sát dịch... cần có nguồn và cơ chế tài chính bền vững. Ngoài ra, trong năm qua, dịch COVID-19 cũng đã gây không ít khó khăn cho toàn xã hội nói chung và công tác phòng, chống HIV/AIDS, làm ảnh hưởng đến tiếp cận các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Bài học kinh nghiệm thành công đầu tiên trong hơn ba mươi năm phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Đảng; Quốc hội và Chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 54/2005/CT-TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới cũng đã nhận định: các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự thay đổi tích cực về nhận thức, trách nhiệm, sự vào cuộc, từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra rằng: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS; vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp chưa được phát huy mạnh mẽ.
Do vậy, để đạt được mục tiêu “chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030”, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn tới của cần tập trung vào các trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phòng, chống HIV/AIDS theo tinh thần Nghị quyết 20 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị, là một trong những tiêu chí để đánh giá hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên, tiêu chí xây dựng tổ khu phố, thôn, bản, gia đình văn hóa. Chúng ta cũng cần rà soát, bổ sung quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS theo hướng đồng bộ, thống nhất với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm; lồng ghép, phối hợp các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Thứ hai, cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan khác. Ban hành cơ chế, chính sách và tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia bền vững của các tổ chức xã hội trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục triển khai chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em bị nhiễm HIV, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, Nhà nước cần tiếp tục nâng mức đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương, bảo đảm bù đắp nguồn lực thiếu hụt do viện trợ quốc tế cắt giảm; mở rộng chi trả từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục huy động các nguồn viện trợ quốc tế; tăng cường huy động sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo cung ứng kịp thời và đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Thứ tư, tập trung triển khai rộng rãi và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cả về nội dung và hình thức, bảo đảm bao phủ mọi đối tượng, tới các cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh thiếu niên và nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tăng cường biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tạo sức lan tỏa đến mọi người dân. Mở rộng các giải pháp can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV, chú trọng can thiệp cho nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định của pháp luật; đổi mới và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và điều trị nghiện các chất ma túy khác; đa dạng các mô hình điều trị nghiện ma túy, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở, cấp thuốc nhiều ngày cho người bệnh; triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho các nhóm nguy cơ cao; đẩy mạnh các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Mở rộng và đa dạng hóa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV; mở rộng các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV. Đẩy mạnh việc kết nối các dịch vụ, từ dự phòng, tư vấn, xét nghiệm đến điều trị HIV/AIDS và các hỗ trợ xã hội cần thiết khác. Mở rộng và đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS; huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng. Theo dõi, giám sát và dự báo kịp thời tình hình dịch HIV/AIDS; triển khai các nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS. Ưu tiên triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việt Nam đã có bài học kinh nghiệm hơn ba mươi năm phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên bối cảnh phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới và Việt Nam cũng đã có những thay đổi, do vậy việc lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS cần được đẩy mạnh và cần có những thay đổi trong tình hình mới. Với sự thay đổi đó, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiến tới ”... chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” như Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS đã đề ra./.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long
Cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế
- Đoàn kết, hợp tác xây dựng thành công thế giới hoà bình, phát triển bền vững (25.09.2024)
- Giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng trong tác phẩm Di chúc với công cuộc đổi mới hiện nay (27.08.2024)
- Viết cho ai, một nội dung cơ bản trong tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh (19.06.2024)
- Giao thương Việt Nam - Campuchia tăng trưởng nhanh (08.06.2024)
- Nêu gương đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao tính thuyết phục trong công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới (02.06.2024)
- Những bài học trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh (20.05.2024)
- Học Bác, làm việc tốt mỗi ngày (19.05.2024)
- Thông qua tuyên bố chung Hội nghị thường niên Bộ trưởng Công an, Nội vụ 03 nước Campuchia - Lào - Việt Nam (29.03.2024)
- Bộ Công an Việt Nam - Bộ Nội vụ Campuchia đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số (11.01.2024)