Chiều 12/9/2023, tại Hà Nội, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Thư ký Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) do ngài David Shannon, Phó Tổng Thư ký làm Trưởng đoàn.
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, đại diện các tổ chức tài trợ kỹ thuật quốc tế đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), Trung tâm phân tích và Báo cáo giao dịch Australia (AUSTRAC).
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lương Tam Quang chào mừng ngài David Shannon và Đoàn công tác APG đến Việt Nam làm việc và hỗ trợ Bộ Công an Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (PCRT/CTTKB) do Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) chỉ định trong vòng 2 năm từ năm 2023 - 2025. Bộ Công an trân trọng cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của Ban Thư ký APG đối với Việt Nam nói chung và Bộ Công an nói riêng trong thời gian qua.
Trao đổi tóm tắt tình hình, kết quả đạt được về triển khai thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam thuộc nhiệm vụ của Bộ Công an, Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ, sau khi APG thông qua Báo cáo đánh giá đa phương đối với Việt Nam và đưa ra 83 khuyến nghị hành động về hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thực hiện Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 586/KH-BCA-A04 ngày 29/11/2022 triển khai thực hiện.
Toàn cảnh buổi làm việc
Đồng thời, Bộ Công an đã có những chỉ đạo quyết liệt các đơn vị nghiệp vụ, cơ quan điều tra, Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành triển khai những hành động nhằm khắc phục những thiếu hụt về cơ chế phòng, chống tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố; đẩy mạnh thực thi pháp luật về điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Về hoàn thiện hành lang pháp lý, Thứ trưởng Lương Tam Quang cũng cho biết, Bộ Công an Việt Nam đã đẩy mạnh phối hợp với NHNN, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tham mưu Quốc hội, Chính phủ hoặc trực tiếp ban hành các văn bản hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Hiện Bộ Công an đang tiến hành các thủ tục trình Chính phủ thông qua việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2013/NĐ-CP ngày 11/10/2013 của Chính phủ quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Bộ Công an cũng đang nghiên cứu, đề xuất việc lập đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo khuyến nghị của APG sau đánh giá đa phương.
Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cơ quan điều tra các cấp về điều tra tài chính, điều tra song song tội phạm nguồn của tội rửa tiền với tội rửa tiền; chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp đẩy mạnh công tác nắm tình hình, rà soát các đối tượng, vụ việc để phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền, xử lý triệt để các vụ việc nghi vấn liên quan đến rửa tiền, tăng cường công tác tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ tội phạm nguồn của tội rửa tiền và tội rửa tiền, đáp ứng các yêu cầu, khuyến nghị quốc tế và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm rửa tiền nói riêng.
Về mặt thực thi pháp luật, Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ, thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với NHNN và các bộ, ngành thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố (Báo cáo NRA) giai đoạn 2018 - 2022; trực tiếp bổ sung đánh giá nguy cơ của một số loại tội phạm nguồn của tội rửa tiền theo khuyến nghị của APG (tội phạm có tổ chức, buôn bán người, vận chuyển hàng hóa hoặc tiền tệ bất hợp pháp qua biên giới, tội phạm môi trường, tội tài trợ khủng bố).
Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho cơ quan điều tra các cấp về điều tra tài chính, điều tra rửa tiền trong quá trình điều tra tội phạm nguồn; phối hợp chặt chẽ với NHNN và các tổ chức quốc tế như AUSTRACK, Cảnh sát Newzeland tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác điều tra về rửa tiền, tội phạm nguồn của tội rửa tiền của Bộ Công an.
Thứ trưởng Lương Tam Quang và Ngài David Shannon cùng các đại biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh: “Việc Ban Thư ký APG đồng hành cùng Việt Nam nói chung và Bộ Công an Việt Nam nói riêng trong giai đoạn này thể hiện sự quan tâm của APG đối với chúng tôi. Bộ Công an đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của APG”.
Thứ trưởng Lương Tam Quang bày tỏ, Bộ Công an Việt Nam mong muốn Ban Thư ký và đặc biệt là ngài Phó Tổng Thư ký sẽ nỗ lực hỗ trợ Việt Nam nói chung, Bộ Công an Việt Nam nói riêng để hướng dẫn một cách cụ thể, khả thi việc thực hiện từng hành động thuộc nhiệm vụ của Bộ Công an Việt Nam trong Kế hoạch hành động của FATF đưa ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, ngài David Shannon chân thành cảm ơn Bộ Công an và Thứ trưởng Lương Tam Quang đã dành thời gian làm việc với Đoàn công tác của APG về những vấn đề liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
Thời gian tới, ngài David Shannon mong muốn Bộ Công an tiếp tục phối hợp với APG trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, APG cũng luôn sẵn sàng hợp tác với Bộ Công an về đào tạo và kỹ thuật để Việt Nam thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền.
Lan Anh
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi truy cập vào đường link do shipper gửi (14.11.2024)
- Bình đẳng giới trong một số lĩnh vực và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới (14.11.2024)
- Một số quy định pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam (13.11.2024)
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới 2024 (13.11.2024)
- Một số vấn đề về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới (07.11.2024)
- Khái lược lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (04.11.2024)
- Sự cần thiết ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cảnh vệ năm 2024 (01.11.2024)
- Phiên họp thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030 (31.10.2024)
- Nội dung cơ bản của Dự thảo luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (29.10.2024)