1. Mở đầu
Việc thi hành các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự như tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là những hoạt động quan trọng nhằm bảo đảm hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 dù đã tạo cơ sở pháp lý bước đầu cho công tác quản lý, giam giữ người bị tạm giữ, tạm giam, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Quá trình thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã phát sinh một số khó khăn, bất cập, điển hình như:
- Một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự;
- Các quy định của Luật hiện hành chưa thực sự bao quát đầy đủ các loại biện pháp ngăn chặn, như biện pháp “cấm đi khỏi nơi cư trú” chưa được điều chỉnh rõ ràng, dẫn đến lúng túng trong thực tiễn thi hành.
- Một số nội dung chưa bảo đảm tốt quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.
- Một số quy định của Luật chưa thực sự phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc những vấn đề nêu trên; căn cứ vào quan điểm; đường lối của Đảng về cải cách tư pháp đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như các Nghị quyết trong nhiệm kỳ Đại hội. Lãnh đạo Bộ Công an trên cơ sở sự phân công của Chính phủ đã tích cực chỉ đạo công tác tổng kết thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 trong thời gian qua, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc bộ, gấp rút chuẩn bị những nội dung đề xuất đề sửa đổi, bổ sung luật này hướng tới những mục tiêu cụ thể như:
Thứ nhất, Khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại trong điều kiện thực tế của Việt Nam ở mức độ cao nhất có thể;
Thứ hai, Nội dung của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định, luật định. Vì vậy trong nội dung Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong thi hành các biện pháp ngăn chặn theo đúng tinh thần và nội dung của Hiến pháp;
Thứ ba, Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 phải đồng thời đảm bảo được mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng và thi hành các biện pháp ngăn chặn;
Thứ tư, Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 phải góp phần tích cực vào thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
2. Các nội dung Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 được thiết kế trên tinh thần kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, đồng thời sửa đổi, bổ sung những điểm mới quan trọng, cụ thể như sau:
Một là, Mở rộng phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật
- Tên gọi mới được đề xuất là: “Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú”, thể hiện rõ hơn phạm vi điều chỉnh.
- Bổ sung các quy định liên quan đến việc thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý hiện nay.
Hai là, Bổ sung giải thích từ ngữ liên quan đến đối tượng áp dụng
- Bổ sung giải thích từ ngữ về người bị cấm đi khỏi nơi cư trú; sửa đổi giải thích từ ngữ về thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo hướng thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Việc sửa đổi này tạo sự thống nhất trong cách hiểu trong Luật và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
- Làm rõ trách nhiệm của người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong việc chấp hành quyết định và báo cáo định kỳ.
Ba là, Bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân
- Quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam và người bị cấm đi khỏi nơi cư trú, nhất là quyền tiếp xúc với luật sư, nhận khám chữa bệnh, gửi nhận thư tín, khiếu nại, tố cáo…
- Tăng cường các biện pháp bảo vệ người bị giam giữ trước hành vi bạo hành, xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự.
Bốn là, Quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan liên quan
- Làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
- Quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, Công an cấp xã và các cơ quan thi hành án trong giám sát, quản lý người bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Năm là, Quy định mới về chế độ quản lý, chăm sóc, giáo dục người bị giam giữ
- Nâng cao chất lượng ăn, ở, chăm sóc y tế, hoạt động thể chất và tinh thần cho người bị tạm giữ, tạm giam theo hướng nhân đạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
- Quy định cụ thể về chế độ thăm gặp thân nhân, gửi nhận đồ dùng thiết yếu, bảo đảm yếu tố nhân văn trong quá trình thi hành biện pháp ngăn chặn.
Sáu là, Ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát
- Bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu điện tử, đặc biệt trong giám sát người bị cấm đi khỏi nơi cư trú thông qua thiết bị định vị, phần mềm quản lý.
- Tạo điều kiện hiện đại hóa công tác quản lý, bảo đảm hiệu quả, minh bạch, giảm tiêu cực.
3. Kết luận
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là yêu cầu cấp thiết, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, phù hợp với xu thế hội nhập, cải cách tư pháp, và bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công lý trong xã hội.
Cán bộ, chiến sĩ cần chủ động tìm hiểu những điểm mới của của dự thảo luật, đồng thời tiếp tục phát hiện những điểm hạn chế, bất cấp trong luật hiện hành. Từ đó tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất để các cơ quan chuyên môn của Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy định của luật trước khi trình Quốc Hội xem xét, thảo luận và thông qua.
Thượng tá Đinh Phan Quỳnh – Khoa Luật
- Luận điệu xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với những thương, phế binh chế độ cũ (31.03.2025)
- Phê phán các luận điệu xuyên tạc về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (30.03.2025)
- Những điểm mới của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (28.03.2025)
- Cảm nhận về cuốn sách “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân - Sáng ngời tư cách người Công an cách mạng” (28.03.2025)
- “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao” (21.03.2025)
- Minh chứng sống động phản bác “Văn kiện 50” của tổ chức Việt Tân (21.03.2025)
- Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 trong Công an nhân dân (21.03.2025)
- Quy định về xét tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” (21.03.2025)
- Hướng dẫn về việc bố trí Điều tra viên, Cán bộ điều tra ở Công an cấp xã (21.03.2025)