Cùng với sự ra đời của Đoàn 559 (ngày 19-5-1959) làm nhiệm vụ vận tải trên bộ, sau một thời gian thử nghiệm và gấp rút chuẩn bị lực lượng, phương tiện, ngày 23-10-1961, Đoàn 759 chính thức được thành lập, làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược theo đường biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Trong ba tháng cuối năm 1962, liên lục 4 chuyến tàu đầu tiên là “Phương Đông 1” đến “Phương Đông 4”, dưới sự điều khiển của các thủy thủ có kinh nghiệm đi biển, mang theo gần 112 tấn vũ khí lần lượt rời bến Đồ Sơn vượt biển, cập bến Cà Mau an toàn. Thành công của 4 chuyến hàng đầu tiên mở ra một phương thức vận tải mới trên biển để cung cấp vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Hành trình trên biển, những con tàu có kích thước lớn, lại không có vật che khuất, che đỡ, dễ bị địch phát hiện đánh phá, nên công tác bảo đảm bí mật được đặt lên hàng đầu. Tất cả các con tàu của Đoàn 759 đều không sơn số hiệu chính thức của mình, mà mang số hiệu giả nhằm đánh lạc hướng của địch. Vì vậy, các cán bộ, chiến sĩ nói vui là tàu không số, sau dần thành quen gọi đơn vị là “Đoàn tàu không số”. Cũng để bảo đảm bí mật con đường và phương thức vận chuyển mà cán bộ, chiến sĩ của “Đoàn tàu không số” luôn có tinh thần cảm tử khi thực hiện nhiệm vụ. Trong tình huống bị địch phát hiện đánh phá, vây ráp, nếu không thể phá vây, cán bộ, chiến sĩ sẽ kích nổ bộc phá được cài sẵn từ trước để hủy tàu, xóa dấu vết, quyết không để người, tàu, vũ khí, tài liệu rơi vào tay quân thù. Trước khi tàu “Phương Đông 1” lên đường, thuyền trưởng đã hứa trước các đồng chí lãnh đạo Trung ương và đơn vị: “Quyết tâm và quyết tử trong công tác, tích cực cùng anh em lái thuyền về đến miền Nam”, từng người cũng tuyên thệ: “Sẵn sàng quyết tử hy sinh”.  

Quyết tử cùng những con tàu

Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam. (Ảnh tư liệu).

Từ năm 1962 đến đầu năm 1965, những con tàu của “Đoàn tàu không số” đã cùng những cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 (sau là Đoàn 125) dũng cảm, mưu trí, táo bạo đương đầu với muôn vàn thử thách khắc nghiệt của biển khơi, bí mật vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, thực hiện thành công 90 chuyến, chở được hơn 5.000 tấn hàng hóa, vũ khí cung cấp cho chiến trường, nhất là chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Đêm 15-2-1965, sau khi cập bến Vũng Rô (thuộc địa phận huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) an toàn và hàng trên tàu được bốc dỡ hết, nhưng Tàu 143 không thể rời bến trong đêm do trục trặc kỹ thuật, đành phải neo lại bến. Ngày hôm sau, địch phát hiện con tàu, liên tục cho máy bay đánh phá. Trước tình thế vô cùng nguy cấp, cấp ủy, chỉ huy Tàu 143 quyết định cho nổ 500kg bộc phá đã cài sẵn trong khoang máy để hủy tàu, xóa dấu vết. Do con tàu bị bom địch làm nghiêng hẳn về một bên, các thủy thủ của tàu không thể lặn vào khoang máy để điểm hỏa bộc phá, buộc phải dùng bộc phá phụ để kích nổ. Tuy nhiên, bộc phá cài sẵn vẫn không nổ, con tàu không phá hủy được hoàn toàn mà chỉ vỡ làm đôi và chìm xuống biển. Mỹ-ngụy cho biệt kích người nhái tới chỗ tàu chìm lặn mò, tìm được một số tài liệu và vũ khí của ta chưa kịp hủy. Từ đây, con đường bí mật trên biển vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam bị Mỹ-ngụy phát hiện. Yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, làm cho việc vận chuyển đường biển càng thêm bội phần khó khăn, gian khổ, hiểm nguy.

Mặc dù địch tăng cường kiểm soát, phong tỏa trên biển, trên không và bờ biển miền Nam, song “Đoàn tàu không số” vẫn tiếp tục lên đường bằng phương thức vận chuyển chiến đấu mới. Các con tàu được cải dạng thành tàu đánh cá của nước ngoài, hành trình theo một tuyến đi mới, xa bờ, qua nhiều vùng biển lạ, nguy hiểm. Giai đoạn này, cùng với những chuyến hàng vận chuyển thành công, cũng không ít chuyến bị tổn thất, hy sinh do địch vây giáp gắt gao. Chỉ trong đêm 29-2 rạng ngày 1-3-1968, ba tàu của ta là 165, 43B, 235 gặp địch đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh.

Tàu 165 đang trên đường vào bến thì gặp 8 tàu chiến địch bao vây, nổ súng bắn sang. Sau một thời gian chiến đấu hết sức anh dũng, ngoan cường nhưng không phá được vòng vây, ta đã cho nổ bộc phá, quyết không để tàu và vũ khí rơi vào tay giặc. 18 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cùng với con tàu.

Tàu 43B đang chạy theo hành trình thì gặp máy bay trực thăng và 6 tàu chiến địch bao vây, xả đạn về phía con tàu. Sau nhiều giờ đọ súng quyết liệt với địch, ta hạ được một máy bay và một tàu chiến của địch. Trước tình thế phải chiến đấu với lực lượng địch đông gấp nhiều lần, Chi bộ tàu hội ý gấp, quyết định hủy tàu. Ba khối bộc phá cài sẵn được đồng loạt kích nổ, Tàu 43B tan thành từng mảnh hòa vào lòng biển. Ba đồng chí đảng viên anh dũng hy sinh, 14 người còn lại thì 12 đồng chí bị thương dìu nhau bơi vào bờ, thoát khỏi sự truy lùng của địch.

Tàu 235 bị địch theo dõi khi đang chuyển hướng vào bờ, đã khôn khéo luồn qua đội hình phục kích của địch, rồi nhanh chóng thả các bao hàng xuống biển để bến sẽ đến vớt sau. Khoảng 2 giờ 20 phút ngày 1-3-1968, phát hiện tàu ta ở gần bờ, 7 tàu chiến địch hình thành thế bao vây, thi nhau bắn về phía tàu ta. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ác liệt; nhiều cán bộ, chiến sĩ trên Tàu 235 hy sinh và bị thương. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bị thương ở đầu nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy chiến đấu, anh hô lớn: “Chúng ta sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trên con tàu này”. Không thể phá vòng vây dày đặc của địch, ta buộc phải hủy tàu. Là hai người rời tàu sau cùng, để hỗ trợ cho anh em lên trước rút khỏi khu vực, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã kiên cường chiến đấu, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch và anh dũng hy sinh. Tàu 235 có 20 người thì 14 người hy sinh, 6 người còn lại thoát khỏi vòng vây của địch. Tri ân tinh thần chiến đấu dũng cảm và công lao của Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, sau này, một hòn đảo trên quần đảo Trường Sa được đặt tên là đảo Phan Vinh.

Quyết tử cùng những con tàu

Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, một trong những huyền thoại có thật của "Đoàn tàu không số". (Ảnh tư liệu)

Tổn thất, hy sinh không làm cho cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” chùn bước. Với quyết tâm “đi thành, đánh thắng”, bằng các phương thức và tuyến đi mới, những năm sau đó, nhiều chuyến hàng của “Đoàn tàu không số” đã cập bến thành công, kịp thời cung cấp vũ khí cho chiến trường, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tinh thần cảm tử cùng những chiến công và sự hy sinh to lớn của “Đoàn tàu không số” thể hiện sâu sắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, tô đậm bản chất và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tinh thần ấy đã và đang được cán bộ, chiến sĩ toàn quân phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

TRẦN NAM CƯỜNG

Nguồn: qdnd.vn