Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT với nhiều điểm mới đáng chú ý. Theo đó, Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021 và áp dụng với các khóa trúng tuyển từ ngày có hiệu lực.
1. Chuẩn đầu vào phải có ngoại ngữ bậc 3
Trước đây, các điều kiện về hạng tốt nghiệp hay năng lực ngoại ngữ dự tuyển vào chương trình thạc sĩ đều không được quy định cụ thể trong Quy chế tuyển sinh thạc sĩ ban hành kèm Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT.
Tuy nhiên, theo Điều 5 Quy chế mới ban hành kèm Thông tư 23/2021, người dự tuyển trình độ thạc sĩ sẽ phải đáp ứng các điều kiện:
- Đã tốt nghiệp hoặc đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp. Đối với chương trình định hướng nghiên cứu thì hạng tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực học tập, nghiên cứu
- Có năng lực ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trong đó, ứng viên phải có 01 trong các văn bằng chứng chỉ sau:
a) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài; hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mà chương trình được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ nước ngoài;
b) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do chính cơ sở đào tạo cấp trong thời gian không quá 02 năm mà chuẩn đầu ra của chương trình đã đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ đạt trình độ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục của Quy chế này hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
2. Được tổ chức tuyển sinh online
Theo khoản 2 Điều 6, cơ sở đào tạo được tổ chức tuyển sinh theo các phương thức: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở đào tạo được tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp.
Trong khi đó, theo quy chế tuyển sinh và đào tạo cũ, các trường chỉ được tổ chức tuyển sinh trực tiếp theo phương thức thi tuyển đối với người Việt Nam và xét tuyển đối với người nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ tại Việt Nam.
3. Không giới hạn số lần tuyển sinh trong năm
Tại khoản 1 Điều 6 Quy chế ban hành kèm Thông tư 23 quy định, việc tuyển sinh có thể được tổ chức một hoặc nhiều lần trong năm chứ không còn giới hạn 2 lần mỗi năm như trước.
Trong đó, việc tổ chức tuyển sinh sẽ do cơ sở đào tạo quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ theo quy định hiện hành.
4. Cho phép chuyển đổi tín chỉ và đăng ký trước học phần
Căn cứ Điều 4, người học được xem xét công nhận và chuyển đổi tín chỉ của một số học phần khi đã học một chương trình đào tạo thạc sĩ khác hoặc đã tốt nghiệp một chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù. Số tín chỉ được công nhận và chuyển đổi không vượt quá 30 tín chỉ.
Bên cạnh đó, sinh viên đang học chương trình đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định có thể được đăng ký học trước một số học phần của chương trình thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ.
Đây là một trong những quy định mới được bổ sung nhằm liên thông giữa các trình độ giáo dục đại học, tạo điều kiện cho các trường xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học liên thông với trình độ thạc sĩ.
5. Quy định cụ thể về địa điểm, thời gian học tập
Điều 7 Quy chế mới quy định cụ thể địa điểm tổ chức đào tạo là trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo. Các hoạt động thực hành, thực tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế có thể được tổ chức ở ngoài cơ sở đào tạo nhưng không vượt quá 20% khối lượng chương trình đào tạo.
Đối với các ngành về lĩnh vực sức khỏe, việc tổ chức đào tạo tại các cơ sở thực hành được thực hiện theo quy định của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của chương trình và phải được thể hiện trong kế hoạch giảng dạy.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 7 còn quy định, thời khóa biểu của người học phải thể hiện thời gian, địa điểm, hoạt động dạy và học của từng lớp học thuộc các khoá học, hình thức và chương trình đào tạo.
Kế hoạch giảng dạy, học tập các học phần trong chương trình đào tạo được bố trí đều trong các tuần của học kỳ. Trường hợp cần thiết phải xếp lịch học tập trung thời gian thì số giờ giảng đối với mỗi học phần không vượt quá 15 giờ/tuần và 04 giờ/ngày.
So với quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ cũ, các quy định trên đều là nhưng yêu cầu mới bổ sung mà trước đây chưa có.
6. Bổ sung hình thức đào tạo vừa học vừa làm
Về hình thức đào tạo, Điều 3 Quy chế ban hành kèm Thông tư 23 bổ sung thêm hình thức vừa làm vừa học cho chương trình định hướng ứng dụng thay vì chỉ quy định hình thức đào tạo chính quy như trước đây.
Thời gian học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học sẽ dài hơn ít nhất 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo.
7. Không còn quy định đào tạo thạc sĩ từ 1 - 2 năm
Trước đây, thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ được quy định từ 01 - 02 năm học (theo khoản 3 Điều 3 Quy chế ban hành kèm Thông tư 15).
Tuy nhiên, theo Điều 3 Quy chế ban hành kèm Thông tư 23 quy định về thời gian đào tạo, thời hạn này đã bị bãi bỏ, đồng thời chỉ yêu cầu thời gian học tập phù hợp với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể, khoản 2 Điều 3 quy định thời gian đào tạo như sau:
a) Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa phải phù hợp với thời gian quy định trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời bảo đảm đa số học viên hoàn thành chương trình đào tạo;
b) Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học dài hơn ít nhất 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo;
c) Thời gian tối đa để học viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo.
8. Giới hạn số lượng tín chỉ đăng ký trong năm
Để tránh trường hợp học dồn bất hợp lý, quy chế mới đã bổ sung quy định về số lượng tín chỉ tối đa học viên được đăng ký trong 1 học kỳ. Cụ thể, Theo khoản 5 Điều 7:
Cơ sở đào tạo quy định quy trình đăng ký học tập trước khi bắt đầu mỗi học kỳ theo từng chương trình đào tạo, khối lượng tín chỉ tối đa và tối thiểu trong mỗi học kỳ học viên được phép đăng ký.
Trong đó, tổng số tín chỉ tối đa trong một năm học không được quá 45 tín chỉ đối với hình thức chính quy và không được quá 30 tín chỉ đối với hình thức vừa làm vừa học.
9. Quy định về phương thức đào tạo trực tuyến
Tại khoản 7 Điều 7, Bộ Giáo dục đã cho phép cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không quá 30% tổng khối lượng chương trình đào tạo khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng, đồng thời bảo đảm chất lượng không thấp hơn so với các lớp học trực tiếp.
Bên cạnh việc tổ chức các lớp học trực tuyến, theo khoản 8 Điều 7, hình thức đánh giá trực tuyến cũng sẽ được áp dụng khi bảo đảm sự tin cậy, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp.
Số điểm đánh giá qua hình thức trực tuyến đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần, trừ luận văn và học phần tốt nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều
9 và Điều 11 của Quy chế này.
10. Tăng số lượng tín chỉ cho luận văn tốt nghiệp
Về hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, Điều 8 quy định, học viên theo học chương trình định hướng nghiên cứu phải thực hiện một đề tài nghiên cứu có khối lượng từ 12 đến 15 tín chỉ (trước đây yêu cầu tối thiểu 7 tín chỉ) với kết quả được thể hiện bằng luận văn.
Ngoài ra, học viên được thực hiện luận văn trong thời gian ít nhất 06 tháng.
11. Nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ
Theo điểm b khoản 1 Điều 12 Quy chế ban hành kèm Thông tư 23, một trong những điều kiện để học viên được công nhận tốt nghiệp thạc sĩ là có trình độ ngoại ngữ đạt yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trước thời điểm xét tốt nghiệp; được minh chứng bằng một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Trong khi đó, trước đây, theo Quy chế cũ ban hành kèm Thông tư 15/2014, chuẩn đầu ra ngoại ngữ trình độ thạc sĩ sẽ do người đứng đầu cơ sở đào tạo quy định theo đề nghị của hội đồng khoa học đào tạo, nhưng tối thiểu phải từ Bậc 3/6 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Cao Hà
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Nguyễn Văn Phước (19.07.2024)
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Hồ Văn Sang (30.05.2024)
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Lê Quốc Phương (16.02.2024)
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Cao Tiến Hùng (22.12.2023)
- Khai giảng lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ Nghiệp vụ điều tra mở tại Công an Thành phố Hồ Chí Minh (07.12.2023)
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Nguyễn Thanh Dũng (01.11.2023)
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Tạ Văn To (30.10.2023)
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Nguyễn Đình Nhựt (15.09.2023)
- Trang thông tin về những đóng góp mới của Luận án NCS Lê Thanh Hồng (15.09.2023)