Sáng 28/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 và được thực hiện trong 3 năm, trừ trường hợp Quốc hội có quyết định khác.
Theo đó, Nghị quyết này quy định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Vật chứng, tài sản thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này.
Nghị quyết này áp dụng đối với các đối tượng sau đây: Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến tán thành quy định phạm vi thí điểm các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản áp dụng trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Một số ý kiến đề nghị, không nên áp dụng thí điểm ở giai đoạn "tiền tố tụng" (giải quyết nguồn tin tội phạm), chỉ nên thí điểm các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản đã được kê biên, phong tỏa.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo
Tuy nhiên, theo quy định tại Chương IX Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS), giai đoạn khởi tố vụ án bắt đầu từ thời điểm cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và có quyền thu giữ vật chứng, đồ vật, tài liệu; vụ việc là quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự.
"Vì vậy, việc áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là phù hợp với nguyên tắc của Bộ luật TTHS. Quy định này đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan cân nhắc kỹ nhằm thể chế hóa đầy đủ Kết luận số 87 của Bộ Chính trị", bà nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia biểu quyết
Về ý kiến một số đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi thí điểm áp dụng đối với cả vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; mở rộng áp dụng đối với các vụ việc, vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật Hình sự, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được thí điểm theo nghị quyết này là cơ chế mới, chưa được quy định trong pháp luật TTHS. Để bảo đảm thận trọng khi tổ chức thực hiện, phạm vi thí điểm chỉ nên giới hạn trong các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Trước mắt, chưa nên mở rộng phạm vi thí điểm sang các loại vụ việc, vụ án khác.
Có ý kiến đề nghị, trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng gửi tiền đã thu giữ vào tài khoản mở tại ngân hàng thì cần quy định rõ phải gửi vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn và phải xác định rõ kỳ hạn gửi tối thiểu là 2 tháng.
Quang cảnh hội trường
UBTVQH nhận thấy rất xác đáng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo nghị quyết đã bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 3 quy định các trường hợp được "gửi tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn" đối với khoản tiền đã thu giữ hoặc phong tỏa chờ xử lý. Đối với quy định về kỳ hạn gửi, tùy từng vụ án cụ thể, kỳ hạn tiền gửi sẽ được xem xét phù hợp với thời hạn tố tụng. Vì vậy, UBTVQH đề nghị không quy định rõ kỳ hạn gửi trong nghị quyết mà giao cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện.
Phương Thủy - Lê Hòa
- Công điện của Thủ tướng về triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2025 (04.04.2025)
- Đề cao sức mạnh văn hóa tinh thần, tăng "đề kháng", ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị - Bài 2: Nhiễm virus văn hóa độc hại, phá bỏ tương lai, làm ô tạp văn hóa dân tộc (02.04.2025)
- Đề cao sức mạnh văn hóa tinh thần, tăng đề kháng, ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị - Bài 1: Những giá trị to lớn của “sức mạnh mềm” (01.04.2025)
- Luận điệu xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với những thương, phế binh chế độ cũ (31.03.2025)
- Phê phán các luận điệu xuyên tạc về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (30.03.2025)
- Những điểm mới của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (28.03.2025)
- Cảm nhận về cuốn sách “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân - Sáng ngời tư cách người Công an cách mạng” (28.03.2025)
- “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao” (21.03.2025)
- Minh chứng sống động phản bác “Văn kiện 50” của tổ chức Việt Tân (21.03.2025)