Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022

Ngày đăng: 21.10.2021

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính...
 

Ảnh minh họa.

Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) gồm 16 chương 171 điều, quy định về hoạt động BVMT; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động BVMT. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời.

 

Cùng với đó, Luật này đã quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT, bao gồm: Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về BVMT. Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường. Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

 

Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 

Che giấu, hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch, thông tin, gian dối trong hoạt động BVMT dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên. Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động BVMT. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về BVMT …

 

Đáng chú ý, Luật BVMT năm 2020 đã quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công an và lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, trong đó quy định Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về an ninh; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT (Điểm c Khoản 1 Điều 160).

 

Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tiến hành kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm môi trường; khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường và thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về BVMT cùng cấp để phối hợp; phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về BVMT trong các trường hợp khác đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Hằng năm, gửi văn bản thông báo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT đến cơ quan quản lý nhà nước về BVMT cùng cấp để tổng hợp, theo dõi. 

 

Đồng thời, bổ sung hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về BVMT có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường (Khoản 2 Điều 161)…

 

Nguồn: http://bocongan.gov.vn/

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN