Theo kết quả điều tra của UNICEF năm 2016 cho thấy, 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng. Đây là một con số đáng báo động khi hiện nay, số lượng thanh, thiếu niên và trẻ em nước ta tiếp xúc với mạng xã hội, môi trường số ngày càng tăng (Việt Nam có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội tính đến tháng 01/2024, tương đương với 73,3% tổng dân số; trong đó, trẻ em chiếm khoảng 30%). Công nghệ thông tin phát triển cộng với việc toàn cầu hóa và những bất cập trong quản lý trang mạng xã hội đã khiến tình trạng xâm hại tình dục, đặc biệt là đối với trẻ em trên mạng diễn biến phức tạp song rất ít trường hợp được xử lý.
Ảnh minh hoạ
Cũng trên cơ sở khảo sát của của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trung bình trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 – 7 giờ/ngày; chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 -17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Trẻ rất dễ rơi vào bẫy của người lạ trên mạng, tiếp cận với những nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm; bị phát tán thông tin riêng tư, bị bắt nạt trực tuyến, bị lôi kéo, quấy rối, lừa đảo, tống tiền, dọa nạt, ép tham gia các hoạt động phi pháp. Đặc biệt đối với các vấn đề về xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường số thường diễn ra bằng nhiều hình thức khác nhau như những đối tượng xấu tìm cách tiếp cận, làm quen, và gạ gẫm trẻ em tham gia vào các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm. Chúng có thể dùng những hình ảnh và tin nhắn này để ép buộc, đe dọa khiến các em phải vâng lời làm theo các yêu cầu khác. Trẻ em cũng có nguy cơ bị dụ dỗ hoặc xúi giục để tự chia sẻ hình ảnh và video khiêu dâm của chính bản thân mình trên mạng Internet. Sử dụng người chưa thành niên trình diễn khiêu dâm là một hình thức xâm hại tình dục trẻ em hết sức nghiêm trọng.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến đáng kể trong việc tăng cường luật pháp quốc gia nhằm đối phó với tình trạng xâm hại đến trẻ em nói chung. Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã có nhiều quy định quan trọng mới nhằm bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục nói chung cũng trên môi trường số một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự hiện nay chưa đề cập cụ thể đến hành vi dụ dỗ trẻ em qua nền tảng công nghệ thông tin hay các phương thức khác trên môi trường số. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định những tội danh mới liên quan đến việc dụ dỗ, gạ gẫm hoặc mồi chài trẻ em qua mạng, theo đó nghiêm cấm việc giao tiếp với trẻ em nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi thực hiện hành vi xâm hại tình dục với trẻ. Điều này cho phép các cơ quan điều tra can thiệp ngay lập tức khi có bằng chứng rõ ràng về việc dụ dỗ trẻ em, trước khi hành vi xâm hại tình dục thực sự diễn ra. Đây cũng là cơ sở để các nhà làm luật tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung các quy định, nhất là các chế tài mang tính hình sự liên quan đến bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục trên môi trường số.
Bên cạnh hoàn thiện quy định pháp luật, để góp phần chống lại việc xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường số, gia đình, Nhà trường và xã hội cần chung tay vào việc kiểm soát, quan tâm hơn đến quá trình tham gia vào môi trường số của con em minh, giáo dục các em những kiến thức cơ bản và cần thiết để tự bảo vệ bản thân. Theo đó, tổ chức UNICEF cũng đưa ra những lời khuyên để chống lại xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường số như sau:
Một là, nói KHÔNG với những yêu cầu không minh bạch, tin cậy: Không làm quen và trò chuyện với người lạ. Nếu đã lỡ kết bạn thì bỏ chế độ kết bạn và chặn người mà mình không quen biết ngoài đời thực. Không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng. Tuyệt đối KHÔNG chia sẻ thông tin, hình ảnh nhạy cảm, tâm trạng riêng tư lên mạng xã hội hay bất kỳ môi trường số nào.
Hai là, tăng cường KIỂM SOÁT sự an toàn của môi trường số: Thoát khỏi chương trình, trang thông tin, phòng chat, xóa phần mềm ứng dụng, tắt máy tính hay điện thoại. Không chia sẻ vị trí định vị của bạn khi sử dụng các ứng dụng trên mạng.
Ba là, kịp thời THÔNG BÁO cho cá nhân/tổ chức đáng tin cậy: Chia sẻ với bố mẹ, thầy cô – người mà các em tin tưởng, gọi cho Tổng đài 111 về các vấn đề rắc rối, lo lắng mà em gặp phải để được tư vấn, trợ giúp. Tuyệt đối không GIẤU KÍN các vấn đề này khiến nó ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ em.
Bốn là, biết cách KIỀM CHẾ trước khi hành động trên môi trường số: Cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ, bình luận một nội dung, hình ảnh của người khác. Không nên a dua, có những bình luận ác ý, hay hành vi khiếm nhã khi tương tác trên không gian mạng, vì nên nhớ, các hành động của các em có thể ảnh hưởng xấu, gây đau khổ cho bạn bè và những người khác.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, việc xâm hại đến trẻ em có tác động vô cùng tiêu cực đến sự phát triển của nhân loại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường số hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết khi mà công nghệ Internet phủ sóng rộng rãi và trẻ em có nhiều điều kiện tiếp xúc với môi trường này từ khi còn rất sớm. Đây không chỉ là nhiệm vụ của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà đòi hỏi cần có sự chung tay càng sớm càng tốt của toàn xã hội để bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước./.
Tác giả: Hồng Phương - Nho Nam
- Tin bảo vệ luận án của NCS Trần Hữu Tiến (26.11.2018)
- Title of thesis: Investigating the scene of extortion cases by the Criminal Investigation on So (24.11.2018)
- Ngăn ngừa hành vi lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc về quyền con người (01.11.2018)
- Giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử (01.10.2018)
- Hiến máu tình nguyện được tặng dịch vụ khám chữa bệnh (12.09.2018)
- Sôi động cùng mùa giải chào mừng năm học mới (17.08.2018)
- Nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng anh cho cán bộ, giảng viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (06.07.2017)
- Từ 01/01/2020 sẽ ghi âm, ghi hình khi hỏi cung trên cả nước (04.07.2017)