HÀNH ĐỘNG GƯƠNG MẪU CỦA ĐẢNG VIÊN LÀ PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, vậy thì, theo đó, các thành viên của Đảng, những người đảng viên phải là những người “tiên phong”, những người gương mẫu đi đầu trong các lĩnh vực, các công việc, mọi lúc, mọi nơi. Gương mẫu là “thuộc tính” của người đảng viên; đã là đảng viên phải gương mẫu; ai không gương mẫu thì không xứng đáng là đảng viên của Đảng và nếu đã là đảng viên mà không gương mẫu thì nên tự xin ra khỏi Đảng.
Năm 1951, trong bài viết “Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải như thế nào”(2), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng Lao động Việt Nam gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất. Nó sẽ gồmnhững người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động, những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Như thế là rõ. Ai mà không như thế thì không xứng đáng là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam”(3). Theo tư tưởng của Bác Hồ, đã là đảng viên phải gương mẫu, “Nói tóm lại: người đảng viên – dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng”(4); đảng viên nào không làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc thì người đó không xứng đáng là đảng viên của Đảng.
Đảng ta thực hành lãnh đạo bằng xác định chủ trương, đường lối, bằng công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Hành động gương mẫu của đảng viên là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng và cũng là một bảo đảm trên thực tế việc giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên; thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ”.
Trong các lĩnh vực, các công việc, mọi lúc, mọi nơi, đảng viên gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng thì mới lôi cuốn được nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Đảng viên đi trước làng nước theo sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mỗi đảng viên là người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng, Chính phủ cho quần chúng biết rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”(5). Người nhấn mạnh, hành động gương mẫu của đảng viên “… làm cho dân tin Đảng, phục Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và Chính phủ”(6). Như vậy, hành động gương mẫu là một biểu hiện khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của đảng viên, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; đảng viên nào không gương mẫu là đã tự tước đi vai trò lãnh đạo của mình; không những thế, họ còn làm suy giảm sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ: “Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”(7).
LÀM CHO DÂN TIN, DÂN PHỤC, DÂN YÊU, DÂN NOI THEO
Nội dung, yêu cầu gương mẫu của người đảng viên rất rộng, gương mẫu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; gương mẫu trong lời nói và việc làm; gương mẫu mọi lúc, mọi nơi;… Nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong các nhiệm kỳ đã xác định rất rõ nội dung gương mẫu của người đảng viên. Vấn đề đặt ra là, mỗi đảng viên phải luôn tự ý thức về vai trò tiên phong của người đảng viên để luôn có hành động gương mẫu. Người đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải luôn “tự soi, tự sửa, tự rèn” theo nội dung tư cách đảng viên, theo tiêu chí gương mẫu để có hành động gương mẫu ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc. Gương mẫu là trách nhiệm và danh dự, nghĩa vụ và quyền lợi, là chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, là phẩm giá của người đảng viên.
Hiện nay, có thể thấy rất rõ rằng, cơ cấu xã hội của đảng viên rất đa dạng về giai tầng, nghề nghiệp, nơi cư trú, dân tộc, địa vị xã hội, lứa tuổi,… người đang công tác, người đã nghỉ hưu,… Vì thế, có lẽ cần cụ thể hóa hơn nữa, sát thực tiễn hơn nữa nội dung gương mẫu của các đảng viên trên các cương vị, ở các lĩnh vực, các đơn vị, ngành nghề,… để đảng viên dễ nhớ, dễ làm và để việc giám sát của tổ chức đảng, các thành tố của hệ thống chính trị và nhân dân với hành động gương mẫu của đảng viên thực chất hơn, hiệu quả và hiệu lực hơn. Trong bài viết “Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải như thế nào”, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nội dung gương mẫu của người đảng viên, sau đó Người chỉ ra nội dung gương mẫu của đảng viên là quân nhân, công nhân, nông dân, trí thức. Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh nên cần chú trọng cụ thể hóa hơn nữa nội dung hành động gương mẫu của đảng viên phù hợp với sự đa dạng cơ cấu xã hội của đội ngũ đảng viên hiện nay. Thời gian tới cần tập trung “nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày”(8).
Vấn đề căn cốt để mỗi đảng viên luôn có hành động gương mẫu là, mỗi người luôn phải thấm nhuần và thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, “dĩ công vi thượng”; luôn biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trước hết, trên hết; luôn tự ý thức vị thế, vai trò, danh dự người đảng viên; luôn biết đấu tranh với hành vi tiêu cực của mình và các đồng chí của mình, chủ động phòng chống và loại trừ chủ nghĩa cá nhân để không có hành vi tiêu cực, không suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. “Mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”(9).
Đảng viên gương mẫu là những người luôn cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “…Khi chúng ta phụ trách một công việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, chúng ta cũng phải nhớ đến việc đó có quan hệ với cách mạng, ảnh hưởng đến cách mạng. Chúng ta phải toàn tâm toàn lực làm cho thành công, làm tròn nhiệm vụ…. Tư tưởng ta thông như vậy, thì gặp việc gì chúng ta cũng cẩn thận, cố gắng, quyết tâm làm cho vươt mức. Thế là lòng trách nhiệm”(10).
Vấn đề quan trọng nhất, cái đích của hành động gương mẫu của đảng viên là phải làm cho dân dân tin, dân phục, dân yêu, dân noi theo. “… người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải làm thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”; “Đảng viên nào không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chưa xứng đáng là một người đảng viên của Đảng lao động Việt Nam”(11). Hành động gương mẫu của đảng viên củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Dân tin Đảng, theo Đảng sẽ tạo dựng sức mạnh to lớn bảo đảm cho thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. “Thế trận lòng dân”, “sức mạnh nội sinh”, “tinh thần dân tộc”, “đoàn kết dân tộc” được xây dựng từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn gốc từ hành động gương mẫu của mỗi đảng viên.
TẠO DỰNG MÔI TRƯỜNG ĐỂ PHÁT HUY HÀNH ĐỘNG GƯƠNG MẪU
Hành động gương mẫu là hệ quả tổng hợp của nhiều yếu tố, của quá trình tu dưỡng, rèn luyện và sự tự ý thức về tính tiên phong gương mẫu của mỗi người đảng viên; đồng thời là sự giáo dục, kiểm tra, giám sát của các tổ chức, các lực lượng và nhân dân. Như vậy, để phát huy hành động gương mẫu của người đảng viên phải khơi dựng, củng cố, phát huy sự tự tu dưỡng, rèn luyện, sự tự ý thức về tính tiên phong trong mỗi người đảng viên; đồng thời, phải phát huy vai trò của các thiết chế chính trị, văn hóa, xã hội, tạo dựng sức mạnh tổng hợp, môi trường lành mạnh để nuôi dưỡng, phát huy hành động gương mẫu của người đảng viên.
Định kỳ hằng tháng, hằng quý, hằng năm các tổ chức đảng (chi bộ, cấp ủy đảng) đều tổ chức sinh hoạt. Trong sinh hoạt, các tổ chức đảng đạt được tốt các tính chất cơ bản: lãnh đạo, chiến đấu, giáo dục, nhất là tính chiến đấu sẽ giúp tổ chức đảng, các đảng viên nhận biết hành động gương mẫu của đảng viên để phát huy, thấy được những biểu hiện tiêu cực, không gương mẫu của đảng viên để phê phán, ngăn chặn. Chất lượng sinh hoạt của các tổ chức đảng tạo dựng môi trường để phát huy vai trò tiên phong gương mẫu và ngăn chặn hành vi tiêu cực, suy thoái, không gương mẫu của đảng viên. Vấn đề đặt ra là, phải đảm bảo bầu không khí dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của các tổ chức đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”; nếu “…không thực hiện tự phê bình và phê bình, thì nhiều khuyết điểm nhỏ sẽ cộng thành khuyết điểm to, nó sẽ có hại cho công tác”(12).
Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp có chức năng giám sát. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, tuyệt đại đa số cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ chủ chốt đều là đảng viên. Vì thế, về cơ bản, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp là giám sát các đảng viên giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị các cấp. Vấn đề đặt ra là phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp; khắc phục căn bệnh hành chính, thành tích trong hoạt động giám sát. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cần phối kết hợp chặt chẽ việc phát huy hành động gương mẫu của đảng viên và hành động gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức; phát huy sức mạnh tổng hợp hoạt động kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng các cấp với hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp, tạo dựng “mạng lưới” kiểm tra, giám sát hành vi của đảng viên, qua đó mà phát huy vai trò gương mẫu và ngăn chặn hành vi tiêu cực, suy thoái, không gương mẫu của đảng viên. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: “Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”(13).
Trong tâm thức của mỗi người Việt luôn tự ý thức, tự hào về cội nguồn, về gia đình, dòng họ, làng xã,.. Danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, làng xã là một giá trị văn hóa truyền thống mà mỗi người luôn nuôi dưỡng trong suy nghĩ và hành động; họ luôn cố gắng sống tốt để góp phần vun đắp, nâng cao danh dự gia đình, dòng họ, làng xã và luôn lo sợ khi mà việc làm của mỉnh tổn hại đến thanh danh của gia đình, dòng họ, làng xã. Trong việc phát huy hành động gương mẫu của đảng viên, có lẽ cũng nên sử dụng giá trị văn hóa truyền thống này để vừa nuôi dưỡng hành động gương mẫu và ngăn chặn hành vi tiêu cực, không gương mẫu của đảng viên. Và bằng cách nào đó, cũng nên lồng ghép hành động gương mẫu của đảng viên vào trong “quy ước”, “hương ước” của dòng họ, làng xã; để người dân căn cứ vào đó mà giám sát hành động gương mẫu của đảng viên, tạo dựng phương thức đa dạng trong giám sát của người dân với đảng viên; thông qua thiết chế văn hóa dòng họ, làng xã để phát huy vai trò giám sát của người dân đối với đội ngũ đảng viên. Tuy vậy, cũng cần ngăn ngừa việc lợi dụng tính cộng đồng dòng họ, làng xã để tạo dựng các nhóm lợi ích, gây ra các tác động tiêu cực trong hành vi của đảng viên.
Tầng sâu của hành động gương mẫu là sự đấu tranh, giằng xé về lợi ích, giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích nhóm,… Trong nền kinh tế thị trường, khi mà vấn đề lợi ích được đề cao trong xã hội thì cuộc đấu tranh về lợi ích ngày càng hiện rõ, căng thẳng và quyết liệt trong mỗi con người đảng viên. Toan tính về lợi ích trong mỗi đảng viên diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trong mọi lúc, mọi mơi, mọi công việc, không loại trừ ai. Sự toan tính đó có thể có ý thức, cũng có thể “vô thức”, mang tính “bản năng”. Bảo đảm hài hòa các lợi ích sẽ giúp đảng viên hăng hái gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, mọi lúc, mọi nơi. Trong giải bài toán lợi ích, mỗi đảng viên luôn thấm nhuần quan điểm tư tưởng “dĩ công vi thượng”, luôn biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trước hết, trên hết; đồng thời, mỗi người đảng viên luôn đấu tranh có hiệu quả với chủ nghĩa cá nhân, “… thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”(14), thực hành gương mẫu trong mọi công việc, mọi lúc, mọi nơi./.
PGS.TS. Phạm Xuân Hảo
__
(1) (8) (14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.2, tr.238, 237, 237.
(2) (3) (4) (5) (6) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.6, tr.188-190, 188, 189, 189, 189, 189-190.
(7) (9) (13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr. 184, 184, 184,.
(10) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2000, t.7, tr. 257, 576.
Nguồn: tuyengiao.vn
- Nhiệm vụ của Công an xã trong phối hợp với Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (23.12.2024)
- Tình cảm của Bác Hồ dành cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.2024)
- Trình tự giải quyết, xử lý vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (22.12.2024)
- Công bố Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Luật Dữ liệu (20.12.2024)
- Điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu vũ khí (20.12.2024)
- Tăng cường phối hợp tổ chức công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (18.12.2024)
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (18.12.2024)
- Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí (17.12.2024)
- Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp triển khai Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp (14.12.2024)