Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Khi nhắc đến thiếu niên, nhi đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương và quan tâm đặc biệt, Bác nói “…cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập…”. Trong những năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiện nay ở nước ta, Luật Trẻ em năm 2016 là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cùng với đó Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Cục Trẻ em tham mưu Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Quyết định số 856/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em; Quyết định số 1354/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em; Quyết định số 1216/QĐ-UBQGVTE của Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em về ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về trẻ em. Với nhiều điểm mới trong quy định pháp luật về các nội dung: Quyền và bổn phận của trẻ em, chính sách và biện pháp cơ bản về chăm sóc, giáo dục, văn hóa, thông tin, đặc biệt là bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em… Luật trẻ em năm 2016 và các văn bản pháp lý có liên quan đã nhanh chóng được đưa vào đời sống xã hội một cách sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của mỗi cá nhân trong việc chăm sóc và bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước.
Thời gian qua, các ban ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân ở các địa phương trên cả nước đã có sự nỗ lực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền trẻ em; bố trí và vận động nguồn lực đảm bảo thực hiện quyền trẻ em. Theo thống kê từ năm 2017 đến năm 2021, tổng kinh phí phân bổ hằng năm cho công tác trẻ em thông qua ngành LĐ-TB&XH của 63 tỉnh, thành trung bình khoảng 150 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết việc triển khai Luật trẻ em năm 2016 cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại nhất định của công tác như việc phân bổ nguồn lực trong một số hoạt động còn chưa phù hợp, hiệu quả; các chế tài xử lí vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em còn gặp phải vướng mắc khi thực hiện; đội ngũ nhân lực, cộng tác viên làm công tác trẻ em tại địa bàn cơ sở còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, năng lực, trình độ đều chưa thực sự đảm bảo; những địa bàn vùng sâu vùng xa, trình độ nhận thức của gia đình, cộng đồng còn thấp cũng gây khó khăn cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trẻ em…
Vì vậy, để những quy định của Luật trẻ em năm 2016 tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh truyền thông về pháp luật về trẻ em. Sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời đến quần chúng nhân dân. Để góp phần đưa Luật Trẻ em năm 2016 cũng như các văn bản pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, nên đưa nội dung truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình và trẻ em vào những khung giờ vàng, trên các kênh truyền thông phổ biến. Nội dung tuyên truyền có thể là cách nhận biết dấu hiệu bị bạo lực, các điều khoản liên quan đến luật pháp, đặc biệt là các chế tài xử phạt, thông tin về các khung hình phạt đối với người có hành vi bạo hành trẻ em. Các thông tin về các hình thức dịch vụ trợ giúp, giáo dục tham vấn người bị bạo lực lẫn người có hành vi bạo lực, thông tin về các đường dây nóng… để trẻ em, gia đình, dân cư dễ dàng tiếp cận.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em ở các tổ dân phố, thôn, xóm… là người nắm rõ nhất tình hình trẻ em cũng như nhu cầu của các em, là người dễ tuyên truyền về những nội dung của Luật Trẻ em năm 2016 cho bố mẹ cũng như chính các em hiểu về Luật trên địa bàn của mình. Các cơ quan, bàn ngành chức năng cần có sự quan tâm, chỉ đạo và bố trí, kêu gọi ngân sách thỏa đáng để thực hiện tốt công tác trẻ em. Vấn đề này cũng đã được nêu tại Điều 90 của Luật Trẻ em 2016, theo đó giao UBND các cấp “Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền trẻ em; bố trí và vận động nguồn lực đảm bảo thực hiện quyền trẻ em...”, “UBND cấp xã giao nhiệm vụ cụ thể về thực hiện quyền trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em...”.
Thứ ba, tăng cường tổng kết, thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến nâng cao nhận thức người dân về Luật trẻ em năm 2016 cũng như bảo vệ và chăm sóc trẻ em một cách toàn diện. Kịp thời chấn chỉnh những vi phạm, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện công tác trẻ em, phát huy những ưu điểm và khắc phục hạn chế tại từng địa phương.
Trên thực tế, Luật Trẻ em năm 2016 chính thức có hiệu lực từ năm 2017 đã tạo bước chuyển trong thực hiện quyền trẻ em, nâng cao chất lượng việc bảo vệ và chăm sóc mầm non tương lai của đất nước. Nhờ đó, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác trẻ em đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành cũng như các tổ chức xã hội và bản thân gia đình trẻ em cần nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hiện thực hóa những mục tiêu trong Luật Trẻ em năm 2016 để Luật thực sự là công cụ hữu hiệu bảo vệ trẻ em./.
------------------
Tài liệu tham khảo
- Bộ LĐ-TB&XH (2021), Báo cáo về kinh phí phân bổ hằng năm cho công tác trẻ em các năm từ 2017 – 2021;
- Quốc hội nước CHXHCNVN (2014), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
- Quốc hội nước CHXHCNVN (2007), Luật phòng, chống bạo lực gia đình;
- Quốc hội nước CHXHCNVN (2016), Luật trẻ em;
- Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em;
- Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em;
- Quyết định số 856/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em; Quyết định số 1354/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em;
- Quyết định số 1216/QĐ-UBQGVTE của Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em về ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về trẻ em;
Tác giả: Vũ Phương - Hoài Phương
- Ý nghĩa lịch sử của cách mạng Tháng 8/1945 (18.08.2024)
- Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng (18.08.2024)
- Lấp khoảng trống pháp luật về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông (18.08.2024)
- Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (16.08.2024)
- Quy định mới về phân loại tai nạn giao thông có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2024 (15.08.2024)
- Nhận diện âm mưu lợi dụng bạo loạn, biểu tình ở một số nước nhằm kích động “cách mạng màu” tại Việt Nam (12.08.2024)
- Đảm bảo công bằng xã hội trong phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (07.08.2024)
- Những điểm mới cơ bản của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (21.07.2024)
- Chính phủ bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy (19.07.2024)