Sáng 22/8/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm: tư pháp; nội vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tham dự, trả lời chất vấn về những giải pháp trọng tâm đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng.
Trước đó, chiều 21/8/2024, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an về tình hình tội phạm trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp. Đông đảo cử tri cho rằng, Chính phủ cần tổ chức một lực lượng chống tội phạm trên không gian mạng nhiều hơn, bài bản, đầy đủ hơn để đủ sức ngăn chặn tội phạm này.
Bộ trưởng Lương Tam Quang trả lời chất vấn , sáng 22/8
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, vấn đề tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao không chỉ riêng ở Việt Nam. Đây là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống mà các nước trên thế giới đều phải đối mặt. Hiện nay, Liên hợp quốc đang đề xuất Hiệp định tội phạm mạng quốc tế của Liên hợp quốc, sẽ ký kết trong thời gian tới và Bộ Công an Việt Nam sẽ là một trong những thành viên tham gia ký kết Hiệp định này.
"Loại tội phạm này có 3 đặc điểm dẫn đến khó phát hiện, xử lý là: không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao; hầu hết đời thực có cái gì thì trên mạng có cái đó, và đời thực chỉ có một thì trên mạng có thể nhân lên nhiều lần. Do vậy, giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này cũng phải có tính đặc thù" - Bộ trưởng nhận định.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi chất vấn, chiều 21/8
Về giải pháp của lực lượng Công an đã và đang thực hiện, ngoài những giải pháp như hoàn thiện hành lang pháp lý; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; điều tra, xử lý nghiêm tội phạm, Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân, đây được xem là "căn cước trên không gian mạng" để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động phục vụ quản lý Nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo.
Thứ hai, phải ứng dụng, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản của ngân hàng, loại bỏ những tài khoản ảo, làm sạch tài khoản thuê bao di động, loại bỏ sim rác, qua đó hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo.
Thứ ba, Bộ Công an cũng đang củng cố, nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. "Theo Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là một trong 6 lực lượng phải tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025. Do đó, chúng tôi cũng rất cần sự ủng hộ, vào cuộc, tăng cường tiềm lực của các địa phương và các nguồn lực xã hội khác", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung chất vấn
Bộ Công an cũng đã bố trí lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Công an các địa phương, 63 tỉnh, thành, đây là lực lượng chủ công cùng các lực lượng khác của Bộ Công an được nâng cao kỹ năng, phương tiện để đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao theo hệ đối tượng đấu tranh của mình.
Bộ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, việc giải quyết tội phạm này còn là vấn đề lâu dài, là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị, nhưng nếu thực hiện tốt các giải pháp đột phá nêu trên thì sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Đồng chí Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Bộ Công an khuyến cáo với cử tri, người dân tự mình nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó, đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc điện thoại của người lạ, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật và quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, không cung cấp những thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch điện tử và giao dịch trực tuyến.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Hồng Giang - Quỳnh Vinh
https://bocongan.gov.vn/
- Quyết tâm chinh phục mọi thử thách (08.10.2024)
- Ký kết thành công Hợp đồng nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Quốc gia do đồng chí PGS TS, Đại tá Nguyễn Giang Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CSND làm Chủ nhiệm đề tài (07.10.2024)
- Lan toả pháp luật đến với bà con xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (06.10.2024)
- Tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Trường Đại học CSND (05.10.2024)
- Quyết tâm về đích hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ công tác công an năm 2024 (04.10.2024)
- Trường Đại học CSND phối hợp cùng AFP tổ chức Hội thảo Khoa học về xâm hại tình dục trẻ em qua mạng (04.10.2024)
- Bộ Công an thông tin về tình trạng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (04.10.2024)
- Tổng kết cuộc thi viết “Tìm hiểu luật Căn cước trong Công an nhân dân” (02.10.2024)
- Khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra tội phạm về ma túy cho cán bộ Bộ nội vụ Vương quốc Campuchia (02.10.2024)