Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Nhận diện và đấu tranh với thông tin xấu,độc trên mạng xã hội hiện nay

Ngày đăng: 02.07.2025

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc nhận diện và đấu tranh với thông tin xấu, độc trên mạng xã hội là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và củng cố lòng tin của nhân dân. Trong cuộc chiến không tiếng súng này, mỗi người dân, cán bộ, đảng viên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ, để trở thành “người tiêu dùng thông tin thông minh”, đồng thời là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng đầy cam go của thời đại số.

 

1. Một số vấn đề lý luận về thông tin xấu, độc

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa có một định nghĩa thống nhất, đầy đủ về khái niệm “thông tin xấu, độc”. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật và các tài liệu hướng dẫn của cơ quan chức năng có đề cập, mô tả khá rõ các loại hành vi, nội dung bị coi là thông tin xấu, độc. Cụ thể:

- Theo Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: “Đưa thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; gây chiến tranh tâm lý, gây hoang mang trong nhân dân; gây bạo lực, kích động bạo lực, kích động bạo loạn; gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo, gây mất đoàn kết dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

- Theo Tài liệu hướng dẫn kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc trên Internet do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành năm 2021, thông tin xấu, độc được mô tả là: “Những thông tin có nội dung xuyên tạc sự thật, gây tâm lý tiêu cực, gieo rắc hoang mang, chia rẽ, cổ súy cho các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật; thông tin kích động thù hận, bạo lực, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.

Từ các quy định trên và theo hướng dẫn của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), có thể hiểu: “Thông tin xấu, độc là những thông tin có nội dung sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thái độ, hành vi của người tiếp nhận; có thể làm tổn hại đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân; gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sự ổn định chính trị của đất nước”.

Như vậy, đặc điểm chung của thông tin xấu, độc là: Nội dung sai sự thật, bị bóp méo hoặc cố ý xuyên tạc; nhắm tới mục tiêu gây tổn hại về nhận thức, tâm lý, hành vi; có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc làm xói mòn các giá trị đạo đức, văn hóa, pháp luật.

Việc nhận diện thông tin xấu, độc là bước đầu tiên và quan trọng nhất để phòng ngừa tác động tiêu cực của loại thông tin này. Thông tin xấu độc có thể được nhận diện thông qua áp dụng một số phương pháp cơ bản như:

Một là, nhận diện qua nội dung và hình thức thông tin.

- Thông tin xấu độc thường có nội dung giật gân, câu khách: Các thông tin có tiêu đề gây sốc, kích thích cảm xúc tiêu cực như thù hận, giận dữ, sợ hãi thường là những thông tin có mục đích thao túng nhận thức.

- Nội dung của thông tin xấu, độc thường thiếu nguồn kiểm chứng: Thông tin không dẫn nguồn rõ ràng, không ghi nguồn từ các cơ quan báo chí chính thống, hoặc trích dẫn nguồn mập mờ, khó kiểm tra độ tin cậy.

- Thông tin xấu, độc thường có nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật: Các thông tin cố tình cắt ghép, chỉnh sửa bối cảnh, trích dẫn sai lệch nhằm làm sai bản chất của sự việc, hiện tượng.

- Thông tin mang tính chia rẽ, kích động: Những nội dung có mục đích kích động bạo lực, thù hận dân tộc, tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, hoặc xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo, chế độ.

Hai là, kiểm tra tính xác thực của thông tin.

- Tìm kiếm chéo: Tra cứu thông tin trên các báo chí chính thống, cổng thông tin của cơ quan nhà nước để kiểm chứng.

- Sử dụng công cụ kiểm tra thông tin giả: Một số nền tảng đã tích hợp các công cụ phát hiện thông tin sai sự thật, như: Google Fact Check, Facebook Fact-Checking, hoặc các trang độc lập như: Snopes, AFP Fact Check, FactCheck.org.

- Kiểm tra hình ảnh và video: Sử dụng các công cụ như Google Reverse Image Search, Tineye để kiểm tra xem hình ảnh, video có bị cắt ghép, lấy từ bối cảnh khác không.

- Đánh giá động cơ và nguồn gốc người đăng tải: Xem xét người đăng, nhóm đăng có phải là nguồn tin uy tín hay không; thận trọng với các tài khoản ẩn danh, tài khoản mới lập, tài khoản có hành vi phát tán thông tin theo kiểu spam; kiểm tra xem thông tin đó có phục vụ mục tiêu lôi kéo, dụ dỗ, trục lợi, hoặc tuyên truyền chống phá không.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

 

2. Cơ sở pháp lý, thực trạng và tác hại của thông tin xấu, độc

Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của mạng xã hội đã làm thay đổi căn bản cách thức con người tiếp cận thông tin, giao tiếp và định hình nhận thức xã hội. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, thậm chí còn là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng mạng xã hội cao hàng đầu khu vực. Theo Báo cáo Digital Việt Nam 2024, hiện cả nước có khoảng 203 triệu tài khoản mạng xã hội đang hoạt động, con số này vượt xa tổng dân số gần 100 triệu người, do người dùng thường sở hữu nhiều tài khoản trên các nền tảng khác nhau. Cụ thể: Zalo dẫn đầu với 76,5 triệu người dùng, trở thành kênh giao tiếp phổ biến từ cá nhân đến các cơ quan nhà nước; Facebook với 72 triệu người dùng tiếp tục là mạng xã hội có ảnh hưởng lớn nhất về mặt truyền thông xã hội và chia sẻ thông tin; TikTok ghi nhận 67 triệu người dùng, phát triển nhanh chóng nhờ các video ngắn hấp dẫn và thuật toán đề xuất cá nhân hóa cao; YouTube có 63 triệu người dùng, là nền tảng video hàng đầu, nơi người dùng vừa tiếp nhận thông tin vừa giải trí.

Việc mạng xã hội trở thành “kênh thông tin chính” của người dân mang lại nhiều tiện ích như: Giúp lan tỏa thông tin nhanh chóng, tạo không gian tương tác rộng mở, thúc đẩy kết nối xã hội... Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội cũng vô cùng nguy hiểm khi nó trở thành mảnh đất màu mỡ cho thông tin xấu, độc, sai sự thật lan truyền. Với cơ chế lan truyền theo cấp số nhân, thông tin trên mạng xã hội có thể được tiếp cận bởi hàng triệu người chỉ trong vài giờ, vượt xa tốc độ truyền thông của báo chí chính thống; các thế lực phản động, phần tử xấu, các nhóm cơ hội đã và đang triệt để lợi dụng đặc điểm này để gieo rắc tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bôi nhọ danh dự lãnh đạo, kích động chia rẽ dân tộc, tôn giáo. Mức độ nguy hại của những thông tin xấu, độc không chỉ dừng ở phạm vi nhận thức cá nhân mà còn lan rộng đến hành vi xã hội, cụ thể:

Ở phạm vi cá nhân, những thông tin xấu, độc có khả năng tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tư duy của người tiếp nhận. Theo kết quả khảo sát của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) năm 2023 cho thấy, có đến 63% người được hỏi từng tiếp cận thông tin giả, sai sự thật trên mạng; trong đó 32% cho biết họ từng tin vào những thông tin đó ít nhất một lần. Thông tin sai lệch lặp đi lặp lại có thể gây “hiệu ứng mưa dầm thấm lâu”, làm méo mó nhận thức và làm người tiếp nhận dần chấp nhận các giá trị lệch lạc mà không hay biết. Những ảnh hưởng này đặc biệt nguy hiểm với nhóm thanh thiếu niên - nhóm đối tượng chiếm khoảng 25% dân số Việt Nam và có mức độ sử dụng mạng xã hội cao nhất. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Thanh niên (2023), 78% thanh thiếu niên Việt Nam thừa nhận đã từng bắt gặp các thông tin tiêu cực, cổ súy bạo lực hoặc vi phạm chuẩn mực xã hội trên mạng. Nếu không có kỹ năng tự bảo vệ, những thông tin này có thể gây tổn thương tâm lý, làm sai lệch định hướng giá trị sống của thế hệ trẻ.

Nguy hại không dừng lại ở cá nhân mà còn lan ra hành vi xã hội như: Trong đợt dịch COVID-19, theo thống kê của Bộ Công an, chỉ trong quý I/2020 đã ghi nhận gần 800 vụ phát tán thông tin giả về dịch bệnh, gây hoang mang xã hội, dẫn đến nhiều hành vi tích trữ hàng hóa không cần thiết, chen lấn, xáo trộn thị trường. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, lực lượng chức năng đã xử lý trên 3.000 trường hợp thông tin sai lệch, xuyên tạc về chính sách và pháp luật trên không gian mạng, trong đó có nhiều trường hợp lôi kéo người tham gia các hoạt động gây rối trật tự công cộng. Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2023) chỉ ra rằng: 25% số người khảo sát thừa nhận đã từng tham gia chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, góp phần gián tiếp khuếch đại sự lan truyền của thông tin độc hại trên mạng.

Hệ quả của các luồng thông tin xấu, độc lan rộng là sự suy giảm lòng tin xã hội, phân hóa cộng đồng, và trong nhiều trường hợp, làm mất ổn định an ninh, trật tự. Việc một bộ phận người dân tiếp nhận và hành động dựa trên thông tin sai lệch không chỉ làm suy yếu nền tảng tinh thần xã hội mà còn thách thức nghiêm trọng đến sự bền vững của môi trường pháp lý và sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Nhận thức rõ mức độ nguy hại của thông tin giả, xấu, độc đối với đời sống xã hội, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ và chặt chẽ nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi liên quan đến việc đăng tải, phát tán loại thông tin này.

- Hiến pháp năm 2013: Điều 14, Điều 15 quy định quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin nhưng đồng thời nhấn mạnh quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không được xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; Điều 16, Điều 34 bảo đảm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân.

- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Điều 156. Tội vu khống; Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông; Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Những điều luật này làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi đăng tải, phát tán thông tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ, kích động thù hận, chia rẽ trên không gian mạng.

- Luật An ninh mạng năm 2018: Đây là văn bản pháp luật trực tiếp và toàn diện nhất về quản lý, bảo vệ không gian mạng. Trong đó: Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng, bao gồm: Thông tin có nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; Thông tin gây chiến tranh tâm lý, gây hoang mang trong nhân dân; Thông tin sai sự thật, gây xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điều 26. Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng khỏi các nội dung không lành mạnh, độc hại. Điều 17, 18, 19, 20. Quy định về việc gỡ bỏ thông tin xấu, độc; các biện pháp kỹ thuật để phòng, chống, phát hiện thông tin vi phạm.

- Luật An toàn thông tin mạng năm 2015: Điều 7. Hành vi bị cấm — trong đó có hành vi truyền đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, thông tin xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điều 16, 17. Quy định về đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, một trong những biện pháp ngăn chặn tác động tiêu cực của tin giả.

- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP): Điều chỉnh hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; quy định rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội trong việc kiểm soát nội dung xấu, độc.

- Nghị định số 25/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao: Quy định nguyên tắc, nội dung, biện pháp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có hành vi phát tán thông tin giả, xấu, độc trên không gian mạng. Đồng thời, Nghị định cũng đặt ra yêu cầu về phối hợp giữa các lực lượng chức năng, nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội trong phòng chống thông tin độc hại.

- Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP): Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Điều 101. Xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đây là chế tài hành chính phổ biến nhất được áp dụng trong thực tiễn xử lý tin giả trên mạng.

- Một số văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 07/10/2021 của Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng trong tình hình mới; Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó có nội dung xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh...

Như vậy, có thể thấy rằng Việt Nam hiện đã có khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ và đang tiếp tục được hoàn thiện để ứng phó với các loại hình thông tin giả, xấu, độc trên không gian mạng. Việc vận dụng các quy định này kết hợp với tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng kỹ năng số là chìa khóa quan trọng để giữ gìn sự lành mạnh của môi trường thông tin số và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

 

 

3. Đánh giá và giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội hiện nay

3.1. Những kết quả tích cực

Những năm gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội thể hiện ở một số kết quả như sau:

Một là, đã nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng. Các lực lượng chuyên trách như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương, cùng với sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo 35 các cấp, đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong nhận diện, xử lý thông tin xấu, độc. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, YouTube, TikTok đã hợp tác chặt chẽ hơn: Facebook đã gỡ bỏ 2.549 bài viết, tài khoản vi phạm trên mạng xã hội Facebook tại Việt Nam; Google/YouTube đã gỡ bỏ hơn 12.556 video clip, tài khoản vi phạm; TikTok đã xóa hơn 445.000 video clip vi phạm tại Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung thông tin xấu, độc. Bộ Công an trong năm 2023 đã điều tra, xử lý hơn 3.000 vụ việc liên quan đến phát tán thông tin giả, sai sự thật, thông tin xấu, độc trên mạng Internet, trong đó đã khởi tố nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, tuyên truyền xuyên tạc.

Hai là, hoàn thiện hành lang pháp lý. Việc ban hành Nghị định số 25/2014/NĐ-CP về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; cùng với việc liên tục cập nhật, sửa đổi Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, Luật An ninh mạng 2018 đã tạo cơ sở pháp lý ngày càng rõ ràng cho hoạt động kiểm soát và xử lý thông tin vi phạm trên không gian mạng.

Ba là, thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức. Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông, tuyên truyền nhận diện thông tin xấu, độc: Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin, trong năm 2023 đã có hơn 10 triệu lượt người tiếp cận các chiến dịch truyền thông chính thức trên các nền tảng mạng xã hội, báo chí về phòng chống tin giả. Các kênh truyền hình quốc gia như: VTV1, VTV24…, các báo điện tử lớn như: Vietnamnet, VnExpress, Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân… đều có chuyên mục thường xuyên về nhận diện thông tin xấu, độc.

3.2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc của các cơ quan chức năng thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế nhất định như:

Một là, khối lượng thông tin xấu, độc vẫn lớn, xử lý chưa kịp thời. Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, trung bình mỗi ngày có từ 3.000 đến 5.000 tin, bài, video clip xấu, độc được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam. Việc xử lý, gỡ bỏ mới chỉ đạt khoảng 50 - 60% lượng vi phạm nghiêm trọng, do các nền tảng xuyên biên giới chưa hợp tác đầy đủ, các đối tượng thường thay đổi thủ đoạn, sử dụng tài khoản giả mạo, server nước ngoài để né tránh.

Hai là, năng lực của một số lực lượng ở cấp cơ sở còn hạn chế. Ở nhiều địa phương, đội ngũ cán bộ chuyên trách về an ninh mạng, an toàn thông tin chưa được đào tạo chuyên sâu, thiếu nhân lực. Việc cập nhật công nghệ phát hiện deepfake, thông tin giả mạo bằng AI còn chậm so với diễn biến thực tế.

Ba là, ý thức người dùng mạng xã hội còn chưa cao. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Thanh niên năm 2023, 38% người dùng mạng xã hội tại Việt Nam từng chia sẻ thông tin mà không kiểm chứng nguồn gốc. Một bộ phận người dùng vẫn có thói quen tin, chia sẻ cảm tính, dễ bị các thông tin xấu, độc thao túng nhận thức.

3.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội hiện nay

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn, phòng chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân. Một số nhóm giải pháp trọng tâm gồm:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế quản lý đối với thông tin trên mạng xã hội. Các đơn vị chức năng có liên quan cần chủ động, tích cực rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quản lý thông tin trên không gian mạng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển nhanh của công nghệ số, nhất là đối với các hành vi mới như deepfake và nội dung do AI tạo ra (AI-generated content). Đồng thời, cần đẩy nhanh việc ban hành hướng dẫn chi tiết thi hành Luật An ninh mạng, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2014/NĐ-CP và kịp thời cập nhật các quy định về quản lý, giám sát, xử lý thông tin xấu, độc trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm pháp lý của các nền tảng mạng xã hội quốc tế hoạt động tại Việt Nam, yêu cầu các nền tảng này phải thiết lập đầu mối phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý trong nước, thực hiện gỡ bỏ nhanh chóng các nội dung vi phạm, bảo đảm tỷ lệ xử lý cao và tuân thủ đúng thời gian theo yêu cầu của phía Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao năng lực công nghệ và tăng cường phối hợp liên ngành. Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư cho các cơ quan chuyên trách như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông tại địa phương trong việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và các công nghệ hiện đại phục vụ phát hiện, xử lý thông tin giả mạo. Song song với đó, cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, phát triển cơ sở dữ liệu chia sẻ về các đối tượng, mô hình phát tán thông tin xấu, độc, phục vụ công tác giám sát, dự báo và ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động tham gia các mạng lưới cảnh báo thông tin xấu, độc xuyên quốc gia, đặc biệt trong khu vực ASEAN, đồng thời thúc đẩy hợp tác song phương hiệu quả với các nền tảng mạng xã hội lớn như Meta (Facebook), Google, TikTok nhằm xử lý nhanh chóng các thông tin vi phạm có yếu tố nước ngoài.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức xã hội. Các đơn vị chức năng có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cần triển khai các chương trình tuyên truyền và truyền thông xã hội có chiều sâu, giúp người dân nhận diện và chủ động phòng chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Trong đó, chú trọng xây dựng các video ngắn, infographic, chương trình truyền hình, clip trên YouTube, TikTok... nhằm tiếp cận hiệu quả nhóm đối tượng trẻ tuổi, là lực lượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến - nơi thông tin xấu, độc thường xuất hiện - để kịp thời định hướng dư luận. Song song với đó, cần đưa nội dung giáo dục kỹ năng số và kỹ năng truyền thông số vào chương trình học ở các cấp phổ thông và đại học, giúp học sinh, sinh viên hình thành khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin một cách có chọn lọc, có trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc cho cán bộ Đảng, đoàn thể, hội viên các tổ chức quần chúng và nhân dân, góp phần xây dựng một cộng đồng mạng có nhận thức cao, hành xử văn minh trên không gian mạng.

Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò của các lực lượng đấu tranh trên không gian mạng. Cần tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, cùng các lực lượng chuyên trách thuộc Quân đội, Công an và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Đồng thời, cần hỗ trợ và phát triển các trang, nhóm, kênh truyền thông chính thống, tích cực trên các nền tảng mạng xã hội, nhằm xây dựng những “vùng thông tin sạch”, qua đó chủ động định hướng dư luận, tạo ra môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho cộng đồng.

Thứ năm, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng và người dân trong công tác đấu tranh. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần tập trung xây dựng và nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân mạng, vận động nhân dân không tiếp tay cho việc phát tán thông tin xấu, độc. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người dân chủ động phát hiện và báo cáo các nội dung vi phạm cho cơ quan chức năng hoặc thông qua các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, phát triển và hỗ trợ các cộng đồng trực tuyến tự nguyện tham gia đấu tranh, bảo vệ thông tin tích cực, góp phần lan tỏa các thông tin chính thống, tạo nên sức mạnh cộng đồng trong cuộc chiến chống lại thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía. Việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực công nghệ, đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò của các lực lượng chức năng và khích lệ sự tham gia tích cực của cộng đồng chính là những giải pháp then chốt để xây dựng một không gian mạng lành mạnh, an toàn. Chỉ khi các giải pháp này được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả, chúng ta mới có thể ngăn chặn kịp thời sự phát tán của những thông tin tiêu cực, bảo vệ được sự ổn định về chính trị, xã hội và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trên môi trường số. Vì vậy, mỗi tổ chức, cá nhân cần ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống lại thông tin xấu, độc, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững và văn minh trên nền tảng số hiện nay.

 

 

ThS. Phạm Long Hải

 Trường Đại học Cảnh sát nhân dân

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Công an (2021), Báo cáo tình hình xử lý tin giả trên mạng dịp dịch COVID-19.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Báo cáo tổng kết công tác quản lý thông tin trên không gian mạng năm 2023.

3. Chính phủ (2013), Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

4. Chính phủ (2014), Nghị định số 25/2014/NĐ-CP, ngày 07/04/2014 của Chính phủ quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

5. Chính phủ (2018), Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, ngày 01/03/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

6. Chính phủ (2020), Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

7. Chính phủ (2022), Nghị định số 14/2022/NĐ-CP, ngày 27/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

8. Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Báo cáo an toàn không gian mạng Việt Nam.

9. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

10. Quốc hội (2015), Luật An toàn thông tin mạng.

11. Quốc hội (2017), Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

12. Quốc hội (2018), Luật An ninh mạng.

13. Viện Nghiên cứu Thanh niên (2023), Khảo sát tác động của mạng xã hội tới thanh thiếu niên Việt Nam.

14. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2023), Nghiên cứu ảnh hưởng của thông tin trên mạng xã hội đến hành vi xã hội.

15. We Are Social & Meltwater, Digital 2024: Vietnam.

 

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN