Sáng ngày 6/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức phiên họp nghiên cứu đóng góp những ý kiến nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an: Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng; Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Cùng dự còn có Thượng tướng Bùi Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện các đơn vị chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý am hiểu sâu sắc về lý luận, thực tiễn của lực lượng Công an nhân dân.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Thực hiện sự phân công của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đảng ủy Công an Trung ương đã chủ trì xây dựng 02 chuyên đề và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu xây dựng các chuyên đề khác phục vụ việc xây dựng Đề án. Đến nay, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo Tổ biên tập tổng hợp xây dựng dự thảo báo cáo tổng hợp Đề án, dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đảng ủy Công an Trung ương và thành viên Ban Chỉ đạo đã nhiều lần tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp Đề án, dự thảo Nghị quyết.
Toàn cảnh phiên họp
Việc xây dựng Đề án và Nghị quyết về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta trong thời gian tới. Về cơ bản, Đảng ủy Công an Trung ương thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết và Báo cáo tổng hợp Đề án. Tuy nhiên, còn một số nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận báo cáo cấp có thẩm quyền để cho ý kiến chỉ đạo.
Khẳng định tính chất quan trọng của nội dung cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đại biểu tham dự cần tập trung phát biểu tham gia ý kiến về những vấn đề cốt lõi có liên quan đến tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân và các vấn đề khác của bộ máy Nhà nước, đưa ra các lập luận xác đáng, thuyết phục để báo cáo Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh các nội dung cần tập trung cho ý kiến.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham luận, trao đổi thắng thắn trên tinh thần thực tiễn và khoa học về các chủ đề có liên quan đến những vấn đề cốt lõi, đột phá chiến lược và những vấn đề mới, nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 như: cách tiếp cận, đổi mới nhận thức; nhiệm vụ trọng tâm; hoàn thiện cơ chế phân công…
Các đại biểu phát biểu tại phiên họp
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, tích cực của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ đã dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, trao đổi rất sâu, thẳng thắn những nội dung có liên quan.
Trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu tham dự buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm cũng lưu ý các đơn vị thuộc Bộ Công an cần tiếp tục dành thời gian tập trung làm rõ hơn những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những cơ chế bảo vệ, xây dựng, phục vụ cho đất nước phát triển, phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Bộ trưởng yêu cầu các bộ phận chức năng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu những vấn đề có liên quan, báo cáo Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an xem xét, cho ý kiến.
Công Nghiệp
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi truy cập vào đường link do shipper gửi (14.11.2024)
- Bình đẳng giới trong một số lĩnh vực và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới (14.11.2024)
- Một số quy định pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam (13.11.2024)
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới 2024 (13.11.2024)
- Một số vấn đề về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới (07.11.2024)
- Khái lược lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (04.11.2024)
- Sự cần thiết ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cảnh vệ năm 2024 (01.11.2024)
- Phiên họp thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030 (31.10.2024)
- Nội dung cơ bản của Dự thảo luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (29.10.2024)