Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

báo chí cách mạng việt nam

Nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 30.06.2024

1. Sự cần thiết của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

 

Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, dưới sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng phát triển và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người. Mạng xã hội giúp kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Lợi dụng những tiện ích trên, các phần tử cơ hội chính trị ở trong nước liên kết với thế lực thù địch nước ngoài đang ráo riết tuyên truyền những quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung thông tin tuyên truyền xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch hết sức đa dạng, phức tạp, trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng… với âm mưu cơ bản, xuyên suốt là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Cụ thể như: tận dụng tối đa tiện ích chat, phản hồi thông tin (comment) trên mạng để tham gia trao đổi, sử dụng chức năng Livestream để kêu gọi cộng đồng mạng can thiệp vào nội bộ hoặc tham gia bình luận trái chiều trên mạng xã hội; tạo lập các trang chia sẻ để người tham gia gửi bài viết trực tiếp, thông qua đó, phát tán tài liệu, từ xuyên tạc về lý luận, lịch sử, đường lối, chính sách... đến vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Chính vì vậy, việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học .

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 58 cơ sở giáo dục đại học, 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 2.341 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông chuyên biệt. Số lượng đảng viên trong nhà trường là 36.837 đảng viên; trong đó, cán bộ, nhân viên là 7.059 đảng viên; giảng viên, giáo viên là 26.536 đảng viên; sinh viên là 3.188 đảng viên và học sinh là 54 đảng viên. Với chức năng đào tạo con người, vai trò của các cơ sở giáo dục đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ. Các trường đại học là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp, đào tạo ra nguồn nhân lực có bản lĩnh vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực chuyên môn đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, các cơ sở giáo dục đại học còn tham gia trực tiếp vào công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, góp phần củng cố thế trận bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có mạng xã hội. Vì vậy, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên nói riêng.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)

 

2. Một số hoạt động cơ bản trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và trên mạng xã hội nói riêng, các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo việc quán triệt, chỉ đạo xây dựng, ban hành các văn bản để triển khai, thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà trường, tập trung vào các hoạt động cơ bản sau:

Thứ nhất, thành lập Ban Chỉ đạo 35 ở một số cơ sở giáo dục đại học phù hợp với các quy định hiện hành

Một số cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II, Trường Đại học CSND… có thể thành lập Ban Chỉ đạo 35 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà trường. Ban chỉ đạo 35 sau khi thành lập cần xây dựng và hoạt động theo Quy chế nhằm kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, cung cấp thông tin, định hướng, phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất những vấn đề cần nghiên cứu, tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó có đấu tranh trên mạng xã hội. Ban chỉ đạo 35 của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cần ký kết quy chế phối hợp với nhau. Các Ban chỉ đạo cần thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu, tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm, biên soạn các công trình khoa học… góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và trên mạng xã hội nói riêng.

Thứ hai, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức

Các cơ sở giáo dục đại học cần tổ chức tuyên truyền, giáo dục công tác chính trị tư tưởng thông qua các buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ để hướng dẫn cán bộ, giảng viên, học viên nhận diện được âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên mạng xã hội, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường trách nhiệm giữ nghiêm kỷ luật thông tin đối với các vấn đề chính trị quan trọng, phức tạp thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học cần cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn về công tác này để góp phần nâng cao kỹ năng, nhận thức. Đây là đội ngũ cán bộ nguồn phục vụ cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giảng dạy các nội dung có liên quan đến đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.

Thứ ba, đẩy mạnh lồng ghép nội dung đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và trên mạng xã hội nói riêng vào công tác giảng dạy

Trong công tác giảng dạy, các cơ sở giáo dục đại học cần định hướng giảng viên chủ động tích hợp, lồng ghép nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội bổ sung vào giáo án, bài giảng, xây dựng các câu hỏi, các vấn đề thảo luận,… nhất là đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Bởi các môn lý luận chính trị là những môn học nền tảng để hình thành bản lĩnh chính trị, tư tưởng, phương pháp tư duy khoa học trong nhận thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn, hình thành những kỹ năng, thái độ cần thiết trong quá trình nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Việc lồng ghép nội dung đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch vào nội dung giảng dạy vừa giúp cho mỗi giảng viên nâng cao trách nhiệm của mình trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời, góp phần tuyên truyền, lan tỏa nội dung này đến toàn thể học viên.

Thứ tư, đẩy mạnh việc thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và trên mạng xã hội nói riêng như thực hiện đề tài cấp, sách chuyên khảo, tài liệu dạy học, viết bài đăng trên tạp chí, kỷ yếu Hội thảo khoa học, đăng trên trang thông tin điện tử... Các sách, báo, bài viết không chỉ có giá trị tham khảo trong thực tiễn hoạt động đấu tranh mà còn là nguồn tư liệu rất quý, rất sinh động cho hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục tại các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ năm, xây dựng các chuyên mục liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học; tạo lập và phát triển fanpage 

Góp phần truyền tải thông tin chính thống, cung cấp cho người đọc những tin tức, những bài viết liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và trên mạng xã hội nói riêng, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng chuyên mục “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” trên website của nhà trường với những bài viết được chọn lọc, biên tập kỹ càng. Đồng thời, khuyến khích xây dựng và phát triển các fanpage trên mạng xã hội để tuyên truyền, chia sẻ, lan toả luồng thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đăng tải hoạt động của Nhà trường, của đoàn viên, thanh niên; tuyên truyền, đăng tải các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan; đồng thời chia sẻ, lan toả thông tin tích cực…

Thứ sáu, thực hiện các giải pháp kỹ thuật

Để kiểm soát các thông tin chia sẻ, truy cập thông qua hệ thống mạng nội bộ và mạng Internet, các cơ sở giáo dục đại học cần có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, sử dụng giải pháp kỹ thuật nhằm phục vụ hoạt động này, ngăn chặn truy cập bất hợp pháp, tấn công vào hệ thống mạng, máy chủ từ bên trong và bên ngoài, khi phát hiện các nội dung trên mạng xã hội phản ánh không đúng sự thật, xuyên tạc, cán bộ, giảng viên, học viên có thể báo cáo nội dung đó đến quản trị trang Web, mạng xã hội để có biện pháp xử lý thích hợp.

Thứ bảy, tổ chức hoạt động thi đua

Các cơ sở giáo dục đại học cần tổ chức nhiều hoạt động, các cuộc thi nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và trên mạng xã hội nói riêng như Cuộc thi tìm hiểu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường”; Olympic các môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Thanh niên học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy… bằng nhiều hình thức thi đa dạng, hấp dẫn. Xây dựng kế hoạch và tổ chức cuộc thi viết chính luận về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm phát động toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh tham gia hoạt động này, vừa tạo sân chơi bổ ích nhưng cũng thông qua đó nâng cao nhận thức và tuyển chọn lực lượng nòng cốt.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp bản sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.

Phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp cơ sở trong các cơ sở giáo dục đại học, trước hết là người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong hoạt động đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.  Tổ chức huy động sức mạnh của tập thể cán bộ, giảng viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện sớm các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để kịp thời tham mưu, cùng với các đơn vị chức năng áp dụng những biện pháp đấu tranh ngăn chặn.

Thứ hai, tăng cường xây dựng đội ngũ nòng cốt, chuyên trách về công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.

Ban Chỉ đạo 35, các bộ phận có trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động nghiên cứu, xây dựng nội dung, tổ chức lực lượng, lựa chọn phương thức đấu tranh phù hợp với từng loại thông tin sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Trong đó, phải huy động được những chuyên gia, những nhà khoa học có trình độ, có khả năng và kinh nghiệm để có thể tham gia thường xuyên, hiệu quả trên mặt trận đấu tranh này. Cần khuyến khích, động viên toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên, đặc biệt là những cá nhân có kỹ năng sử dụng công nghệ, có kiến thức và sự hiểu biết để cùng tham gia các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc trên không gian mạng, tổ chức tập huấn kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc, kỹ năng viết bài đấu tranh phản bác.

Thứ ba, thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng mạng xã hội, nâng cao khả năng miễn dịch các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội của cán bộ, giảng viên và học viên các cơ sở giáo dục đại học. Chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trang bị phương pháp xem xét, tiếp cận thông tin một cách đúng đắn, khoa học. Nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin ngược chiều, trái với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội thông qua nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Cần phát huy sự tự giác, có trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên và học viên trong việc sử dụng đa dạng các thể loại thông tin, từ các bài viết chính luận, tin tức cập nhật đến các loại hình văn học, nghệ thuật... để chuyển tải nội dung đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm, sai trái thù địch trên không gian mạng. Kết hợp sử dụng đa dạng web, blog cá nhân, các diễn đàn mạng xã hội Facebook, Youtube, Twitter, Zalo... cùng các phương tiện truyền thông đại chúng để kịp thời phản bác các thông tin sai lệch, xấu, độc; chia sẻ những thông tin tích cực để “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Thường xuyên cung cấp những thông tin chính thống từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nhằm định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin cho người dân.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các đơn vị đã ký kết quy chế phối hợp trong hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, cần phối hợp tổ chức những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, định hướng tư tưởng đúng đắn trong cán bộ, giảng viên, học viên ở các cơ sở giáo dục đại học trước những vấn đề thời sự, chính trị nổi bật, nhạy cảm; tổ chức học tập, bồi dưỡng những kỹ năng về sử dụng trang bị, phương tiện công nghệ, phương pháp và kỹ năng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội… Đề xuất với các đơn vị chức năng trong việc phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, sử dụng các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn hiệu quả, xử lý kịp thời các nguồn phát tán thông tin tiêu cực, xấu, độc, nhất là các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay./.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Hà Nội, 2018.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương, Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2007.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021.

5. Mai Đức Ngọc, “Định hướng, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.

 

TS, Thượng tá Vũ Hoàng Toàn

Phó Trưởng khoa LLCT&KHXHNV - Trường Đại học CSND

*Bài viết đạt giải Nhì cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023-2024 do Đảng ủy phường Linh Tây, TP.HCM tổ chức

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 62
  • Tuần: 17791
  • Tháng: 17791
  • Tổng: 1100201