Công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đóng vai trò không thể thiếu đối với yêu cầu giải quyết vụ án hình sự nói riêng, đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung. Căn cứ Nghị quyết số 190/2025/QH15, ngày 19/02/2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021, năm 2025), Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, ngày 27/06/2025 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01/2025).
Thông tư liên tịch số 01/2025 gồm 4 Chương 16 Điều: Chương I – Những quy định chung; Chương II – Phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chương III – Phối hợp trong thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; Chương IV – Điều khoản thi hành. Trong đó, có một số vấn đề cần chú ý về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự phù hợp với yêu cầu khi không tổ chức Công an cấp huyện cũng như các quy định pháp luật đã có hiệu lực khác như sau:
1. Về phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) của Công an nhân dân (CAND) gồm Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh có thẩm quyền trong phối hợp tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiến hành theo quy định của pháp luật.
- Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh hoặc Phó Thủ trưởng được ủy quyền chỉ có thể ủy quyền, phân công cho Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã hoặc Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp là Phó Trưởng Công an cấp xã (trong trường hợp Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã vắng mặt hoặc đối với Công an cấp xã chưa có Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã) thụ lý, giải quyết đối với nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã.
- Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã có thể được ủy quyền thực hiện toàn bộ hoặc một số hoạt động nhất định bao gồm:
+ Trưng cầu giám định chất ma túy đối với các vụ liên quan đến các hành vi phạm tội về ma túy;
+ Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản trong các vụ tai nạn giao thông, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản;
+ Giữ người trong trường hợp khẩn cấp;
+ Bắt người bị giữu trong trường hợp khẩn cấp;
+ Tạm giữ người;
+ Khám nghiệm hiện trường;
+ K hám xét, khám xét trong trường hợp khẩn cấp
- Cần lưu ý khi thực hiện thẩm quyền này, Điều tra viên là Trường Công an xã sử dụng con dấu của CQ CSĐT Công an cấp tỉnh và ký “thừa ủy quyên” Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
2. Về thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân đối với Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh
- Viện kiểm sát nhân dân khu vực có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát đối với các vụ việc, vụ án hình sự về các tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng do Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh thụ lý, giải quyết và thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân khu vực.
- Viện kiểm sát nhân dân khu vực có thẩm quyền là Viện kiểm sát nơi tội phạm xảy ra, trường hợp tội phạm xảy ra ở nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì Viện kiểm sát nhân dân khu vực có thẩm quyền là Viện kiểm sát nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
- Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố đối với vụ việc, vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh thụ lý, giải quyết.
3. Về phối hợp trong thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự
- Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam gồm: Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an và Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Công an cấp tỉnh.
- Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam gồm: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Cơ sở giam giữ của Công an cấp tỉnh (trại tạm giam; Phân trại thuộc trại tạm giam).
- Cơ quan quản lý thi hành án hình sự gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Cơ quan thi hành án hình sự (Trại giam thuộc Bộ Công an; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh), Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự (Trại tạm giam thuộc Bộ Công an; Trại tạm giam Công an cấp tỉnh; phân trại thuộc trại tạm giam Công an cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp xã; Công an xã).
- Cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 14, điểm a và điểm b khoản 1, các khoaen 2, 3, 4, 7, 8, 9, 10, 11, và 12 Điều 16 của Luật Thi hành án hình sự.
Thông tư liên tịch số 01/2025 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2025 và thay thế Thông tư liên tịch số 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, ngày 27/02/2025. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự./.
Thiếu tá Vũ Thị Hồng Phương - Khoa Luật, T05
------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (2025), Thông tư liên tịch số 01/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, ngày 27/06/2025 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Hà Nội.
2. Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (2025), Thông tư liên tịch số 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, ngày 27/02/2025 của quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện, Hà Nội.
3. Quốc hội (2025), Nghị quyết số 190/2025/QH15, ngày 19/02/2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, Hà Nội.
4. Quốc hội (2025), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021, năm 2025), Hà Nội.
- Cảnh giác thủ đoạn lợi dụng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc để kích động, xuyên tạc lịch sử (20.02.2025)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng (19.02.2025)
- Kỳ vọng về những quyết sách đóng vai trò nền tảng cho giai đoạn phát triển mới (17.02.2025)
- Đại đoàn kết toàn dân tộc - cội nguồn của ý chí, niềm tin, sức mạnh để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới (15.02.2025)
- Quyền và trách nhiệm của người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (14.02.2025)
- 08 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (10.02.2025)
- Mức xử phạt đối với hành vi che biển số xe khi lưu thông (08.02.2025)
- Chở trẻ trên 6 tuổi ngồi phía trước xe máy bị xử lý như thế nào? (07.02.2025)
- Cảnh báo tội phạm công nghệ cao giả giọng nói, nhận diện khuôn mặt để lừa đảo (05.02.2025)