Trật tự an toàn xã hội (TTATXH) là trạng thái xã hội bình yên trong đó mọi người được sống yên ổn trên cơ sở các quy phạm pháp luật, các quy tắc và chuẩn mực đạo đức, pháp lý xác định. Trong giai đoạn hiện nay, bảo đảm TTATXH đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó văn hoá, đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp là một trong những thách thức, khó khăn cần có những giải pháp căn cơ, vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Văn hóa là sản phẩm tốt đẹp của của xã hội, do con người tạo ra, bản chất của văn hóa là hệ giá trị nhân văn, đạo đức xã hội và tri thức khoa học của con người, có giá trị to lớn trong việc xây dựng nhân cách con người hướng tới những giá trị cao quý chân, thiện, mỹ. Từ quy chiếu đó, có thể nói phát huy giá trị văn hóa có vai trò xây dựng nền tảng xã hội quan trọng trong công tác bảo đảm TTATXH giai đoạn hiện nay.
Khái niệm văn hóa và giá trị văn hóa
Cho đến nay, mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, nhưng cơ bản đều thống nhất một luận điểm “văn hóa luôn bao hàm ý nghĩa tốt đẹp và đúng đắn”. Đó chính là sự “giáo hóa” con người, “gieo trồng trí tuệ” cho con người, làm thay đổi về tinh thần của con người vươn tới những giá trị nhân văn cao đẹp. Nói đến văn hóa là nói đến con người, chủ thể của lao động và sáng tạo, lao động chân tay và lao động trí óc, sáng tạo ra vật chất và sáng tạo giá trị tinh thần. Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và giá trị tinh thần do loài người sáng tạo ra gắn với lịch sử nhân loại, phản ánh trình độ phát triển của con người và xã hội, được biểu hiện trong các hình thức tổ chức đời sống và hành động của loài người. Năm 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm về văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Cuối thế kỷ XX, trong Tuyên bố về chính sách văn hóa tại Hội nghị quốc tế về chính sách văn hóa của UNESCO họp từ ngày 26-7 đến ngày 6-8-1982 ở Mêhicô, các nhà khoa học của UNESCO đã định nghĩa:“Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và xúc cảm quy định tính cách của một xã hội hay của một nhóm xã hội…”. Ngày 21-1-1998, Tổng Giám đốc của UNESCO Federico Mayor, tiếp tục cắt nghĩa: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của từng dân tộc”.
Đối với thực tiễn Việt Nam, văn hóa hình thành gắn liền với thành quả hàng nghìn năm lao động, dựng nước và giữ nước của dân tộc.“Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
Như vậy, theo nghĩa rộng, văn hóa có thể hiểu là toàn bộ những gì “phi tự nhiên”, văn hóa là không gian trí tuệ của loài người, bao gồm sự hiểu biết và các quan niệm về tự nhiên, xã hội và con nguời của nhân loại trong lịch sử. Theo nghĩa hẹp, văn hóa được cho là phong tục, truyền thống, tập quán, đức tính tốt đẹp của con người và của cộng đồng xã hội trong cuộc sống thường ngày. Văn hóa thể hiện “căn tính”, bản sắc, bản lĩnh và phong cách của một quốc gia, dân tộc.
Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Giá trị văn hoá là một hình thức của giá trị xã hội, gắn bó mật thiết với hoạt động sống của con người, sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội, có tính chất hướng dẫn các hành vi của con người. Giá trị văn hoá do con người trong mỗi xã hội sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, nhưng khi hệ giá trị văn hoá đã hình thành thì nó lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong các xã hội ấy. Như vậy, tựu chung lại văn hoá là hệ giá trị chính thống của một xã hội, hệ giá trị đó được cụ thể hóa thành các chuẩn mực xã hội làm tiền đề định hướng cho sự lựa chọn trong hành động của con người, cá nhân và cộng đồng.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Phát huy giá trị văn hóa trong công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội
- Trước hết phải thống nhất về quan điểm, mọi chính sách xã hội đều hướng tới xây dựng nền văn hóa phù hợp với xây dựng con người phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước. Trong quá trình này cần chú ý xây dựng lối sống văn hóa để môi trường xã hội có trật tự, có nề nếp và thực sự an toàn.
Thực tế công tác bảo đảm TTATXH cho thấy lối sống lệch chuẩn, trái với những giá trị văn hóa như ích kỷ, thực dụng, coi trọng đến mức tuyệt đối hóa lợi ích vật chất, vô cảm trước xã hội, thích hưởng thụ trong một bộ phận chủ thể trong xã hội là nguyên nhân, điều kiện của tội phạm và vi phạm pháp luật. Vì vậy, biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật xâm phạm TTXH mang tính căn cơ nhất là xây dựng lối sống văn hóa. Xây dựng lối sống văn hóa chính là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Bởi văn hóa như đã phân tích ở trên được hiểu là giá trị, là sự hài hòa trong ứng xử để đạt đến các chuẩn mực xã hội, đạo đức của cộng đồng. Xây dựng và tổ chức thực hiện lối sống văn hóa chính là trực tiếp góp phần xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện của các hành vi xâm phạm trật tự xã hội từ gốc rễ, bởi vì: lối sống văn hóa góp phần định hướng mọi suy nghĩ và hành động của con người trong cộng đồng theo hướng chân, thiện, mỹ; lối sống văn hóa là yếu tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách của con người, tạo động lực tích cực cho con người trong cuộc sống, các giá trị văn hóa khi đã ăn sâu vào nếp nghĩ sẽ loại bỏ những phẩm chất cá nhân tiêu cực, không hình thành động cơ tiêu cực.
Trong công tác bảo đảm TTATXH giai đoạn hiện nay cần luôn quán triệt quan điểm lấy “xây” để “chống” và xây dựng lối sống văn hóa để phòng, chống vi phạm pháp luật xâm phạm TTXH, phòng, chống các loại tệ nạn xã hội chính là biểu hiện sinh động của quan điểm này. Xây dựng lối sống văn hóa được cụ thể hóa thành xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xã phường đạt chuẩn văn minh, xây dựng các điển hình tiên tiến, xây dựng con người văn hóa sẽ là những nhân tố cơ bản, quan trọng trong bảo đảm TTATXH.
- Trong công tác bảo đảm TTATXH phải phát huy giá trị văn hoá chung xây dựng văn hoá pháp lý mà trước hết là xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp luật.
Trong xã hội hiện nay, bên cạnh hệ quy tắc ứng xử là quy phạm đạo đức, quy phạm tập quán, quy phạm tôn giáo…, quy phạm pháp luật là hệ quy tắc ứng xử cơ bản, hệ quy tắc ứng xử mang tính mẫu thức chung, đồng thời cũng là đòi hỏi đối với con người khi xây dựng lối sống văn hóa. Chính vì vậy, Đảng ta xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là: “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc…”
Ý thức chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp luật được hình thành từ nhiều yếu tố cơ bản khác nhau như đạo đức, lối sống, kỷ luật, trình độ hiểu biết pháp luật. Thực tế cho thấy những hành vi xâm phạm TTATXH phần lớn được thực hiện bởi các chủ thể thiếu ý thức chấp hành pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần phải phát huy các giá trị đạo đức, lối sống văn hóa ở từng địa phương, từng ngành để xây dựng, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp luật cho công dân, cho thành viên trong cơ quan, tổ chức. Ý thức chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp là một nội dung, giá trị cốt lõi của chuẩn mực con người văn hóa, đồng thời có giá trị thiết thực trong bảo đảm TTATXH
- Phát huy giá trị văn hóa trong bảo đảm TTATXH đòi hỏi các chủ thể có chức năng, thẩm quyền phải biết sử dụng, vận dụng các giá trị văn hóa để quyết các mâu thuẫn trong nhân dân, vận động nhân dân xây dựng, thực hiện lối sống trọng đạo lý, trọng nghĩa tình, thương người như thể thương thân, mình vì mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn cơ nhỡ, đối xử nhân ái đối với người có quá khứ lầm lỗi … để hạn chế những yếu tố xã hội trở thành nguyên nhân và điều kiện phát sinh, phát triển tội phạm, vi phạm pháp luật xâm phạm TTATXH.
- Bên cạnh việc phát huy các giá trị văn hóa, cần phải có cơ chế kiểm soát để bảo vệ môi trường văn hóa, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Một trong các thách thức đối với sự phát triển bền vững là sự tác động của “văn hóa ngoại lai” không chọn lọc, sự chống phá của thế lực thù địch thông qua tác động bằng các sản phẩm, ấn phẩm có nội dung tiêu cực, độc hại, các chủ thể vì động cơ cá nhân sản xuất, phát tán các nội dung thiếu chuẩn mực với ngôn từ và hình ảnh tục tĩu, gây hấn, kích động bạo lực, phỉ báng, bôi nhọ, vu khống…Những điều đó làm vấy bẩn, hoen ố môi trường, lối sống văn hóa mà chúng ta đang xây dựng. Vì vậy, cần phải tiếp tục củng cố cơ chế kiểm soát, bảo vệ môi trường văn hóa để các giá trị văn hóa được phát huy tối đa, góp phần quan trọng trong bảo đảm TTATXH.
- Đối với công tác Công an, quán triệt phương châm: “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”, việc phát huy giá trị văn hóa trong bảo đảm TTATXH là một đòi hỏi trong thực tiễn công tác công an hiện nay. Phát huy giá trị văn hóa trong công tác Công an để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATXH phải được thể hiện sinh động trong các mặt sau đây:
+ Trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân: Xây dựng lực lượng Công an nhân dân là nhiệm vụ chính yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của ngành Công an. Công an từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ là đây là yếu tố căn cốt quyết định “bản chất” của lực lượng Công an nhân dân. Vì vậy, xây dựng lực lượng Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ là yêu cầu phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong xây dựng lực lượng. Hệ giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc như nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, trọng học thức, trọng chính nghĩa phải được cụ thể hóa trong các chủ trương, quyết định, biện pháp xây dựng lực lượng Công an nhân dân giai đoạn hiện nay.
+ Trong vận động quần chúng: thực hiện công tác vận động quần chúng, bên cạnh việc tuyên truyền quần chúng nâng cao ý thức cảnh giác, nắm bắt được những phương thức, thủ đoạn của tội phạm để tích cực chủ động phòng ngừa, lực lượng Công an nhân dân còn phải vận động khơi dậy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc luôn tiềm tàng, chất chứa trong mỗi con người Việt Nam. Một khi những giá trị tốt đẹp đó được khơi gợi, chúng ta đã thực sự “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực thì TTATXH sẽ được bảo đảm.
+ Trong xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung cũng như trong công tác bảo đảm TTATXH phải quán triệt, thấm nhuần và thực hành tư tưởng “dân là gốc”. Dân là gốc không phải chỉ ở phương diện nhân dân là chủ thể, là đối tượng được bảo vệ mà còn ở phương diện nhân dân là môi trường văn hóa nuôi dưỡng cái đẹp, nuôi dưỡng sự nhân ái, nhân văn. Chính vì vậy, Công an nhân dân các cấp phải có trách nhiệm tham mưu cho các Cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền những biện pháp, phương thức phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, giá trị văn hóa của địa phương như lòng yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, hướng thiện…, để xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, an toàn.
Xây dựng và phát triển văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một chủ trương lớn mang tính chiến lược của Đảng, trong đó phát huy giá trị văn hóa trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự nói chung, trong bảo đảm TTATXH là một nội dung cần phải được nghiên cứu, làm sáng tỏ để vận dụng có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.
---------------------
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Công an (2020), Từ điển Bách kho Công an nhân dân, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khỏa VIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (T.1, T2), NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Ngị quyết số 33 – NQ/TW ngày 9 tháng 6 năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
5. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb Chính trị Quốc gia
TS. Ngô Quang Cảnh
- Triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (11.04.2025)
- Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội XIV (07.04.2025)
- Giỗ tổ Hùng Vương - Quốc Lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam (07.04.2025)
- Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - biểu tượng rực rỡ của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc (07.04.2025)
- AN NINH T4 (BỘ CÔNG AN) TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (06.04.2025)
- Cảnh giác với các lời mời, giới thiệu về “việc nhẹ lương cao”, xuất khẩu lao động không cần kinh nghiệm (05.04.2025)
- Bài 3: Chung tay xây dựng “sức mạnh mềm” của dân tộc (04.04.2025)
- Công điện của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (04.04.2025)
- Công điện của Thủ tướng về triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2025 (04.04.2025)