1. Đặt vấn đề
Năng lực ngoại ngữ có thể được hiểu là khả năng sử dụng một ngoại ngữ bất kỳ, trong đó có tiếng Anh. Trong xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc có được năng lực sử dụng ngoại ngữ tốt đóng vai trò rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, là chìa khóa để nâng cao tri thức, phát triển và hội nhập. Tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (CSND), tiếng Anh là môn ngoại ngữ duy nhất đang được giảng dạy và được Ban Giám hiệu Nhà trường đặc biệt quan tâm, đầu tư trang thiết bị hiện đại, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giảng viên (GV) có chất lượng, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên (SV) nâng cao trình độ, đảm bảo đáp ứng chuẩn đầu ra theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (VSTEP) được áp dụng tại các trường đại học ở Việt Nam.
Tuy nhiên, qua quá trình giảng dạy Tiếng Anh tại Trường Đại học CSND, chúng tôi nhận thấy không ít SV còn gặp nhiều khó khăn trong việc học Tiếng Anh, đặc biệt là năng lực giao tiếp rất hạn chế, còn lúng túng, chưa đủ tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh, chưa thực sự lưu loát khi diễn đạt ý tưởng của mình và nội dung của ý tưởng còn đơn giản, ở mức độ nông. Trong bài viết này, tác giả muốn gợi ý một số phương pháp hay mà mỗi SV có thể tự áp dụng nhằm nâng cao chất lượng học tập môn tiếng Anh.
2. Một số thủ thuật (techniques) giúp nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên Trường Đại học cảnh sát nhân dân
2.1. Sử dụng từ đồng nghĩa (Synonym Swaps)
Có rất nhiều phương pháp học từ vựng khác nhau mà SV có thể áp dụng, trong đó cách đơn giản nhất để không những nâng cao vốn từ vựng tiếng Anh mà còn làm cho câu nói (hoặc viết) của SV trở nên lưu loát, linh hoạt hơn đó là sử dụng các từ đồng nghĩa.
Chúng ta có thói quen sử dụng một từ lặp đi lặp lại nhiều lần. Ví dụ, một trong những từ mà SV sử dụng với tần suất rất nhiều đó là từ “beautiful” (đẹp) như trong: “that painting is beautiful” “the girl is beautiful”, “Hanoi is a very beautiful city”, “you have very beautiful eyes”… SV đã quá quen với việc nói ra những câu trên và việc sử dụng từ “beautiful” như vậy vô tình khiến SV “tự giới hạn” khả năng mở rộng vốn từ tiếng Anh của mình. Cách để giải quyết vấn đề trên rất đơn giản, hãy sử dụng từ đồng nghĩa thay thế. Trong quá trình học, nếu SV thấy khó khăn trong việc tìm từ, hãy sử dụng một quyển từ điển tra từ đồng nghĩa (The Dictionay of Thesaurus) hoặc truy cập https://dictionary.cambridge.org/vi/thesaurus/ để tìm các từ đồng nghĩa cho một từ mà SV sử dụng thường xuyên. Sau đó đơn giản là thay thế các từ đó vào để có các câu khác trông “rất Tây”.
Hãy thử ngay bằng việc thay các ví dụ ở trên bằng: “that painting is magnificent”, “the girl is gorgeous”, “Hanoi is a truly stunning city”, “you have amazingly charming eyes”.
Phương pháp này sẽ giúp SV rất nhiều trong quá trình học và sử dụng tiếng Anh, đặc biệt là việc mở rộng vốn từ vựng mà không mất thời gian học nhiều về ngữ nghĩa của từ mới đó. Hãy tạo thói quen bằng việc: 1/ Nghĩ ra một (hoặc vài) từ thường xuyên sử dụng và dùng trong trường hợp nào; 2/ đặt một vài câu cho các tình huống đó; 3/ sử dụng từ điển và chọn các từ mới phù hợp viết lại các câu trên; 4/ xem lại các câu này hàng ngày và đọc to lên; và 5/ rất quan trọng, hãy cố gắng sử dụng những từ mới thay vì những từ đã sử dụng rất nhiều lần khi nói và viết tiếng Anh.
Có thể mỗi SV phải nỗ lực rất nhiều trong những lần đầu áp dụng, nhưng khi đã hình thành thói quen rồi, chắc chắn SV sẽ thấy dễ dàng hơn, đơn giản hơn nhưng không kém phần hiệu quả trong quá trình làm giàu vốn từ của mình.
2.2. Tạo hứng thú khi học Đọc và Nghe (Read and Listen for Pleasure!)
Muốn viết hay thì phải đọc nhiều, muốn nói giỏi thì phải nghe nhiều. Khi bạn thực hiện tốt thói quen Đọc và Nghe thường xuyên, kỹ năng Nói và Viết sẽ được cải thiện.
Ví dụ, SV đang được GV giao nghiên cứu một chủ đề là “Write an essay about advantages and disadvantages of living in a big city- Viết 01 bài luận về những thuận lợi và khó khăn khi sống ở thành phố lớn”. Vậy để có một bài luận hay về chủ đề trên thì SV phải làm gì? Viết 10 bài, mỗi bài vài trang là tự nhiên viết hay? Chắc chắc là không. Việc mà chúng ta đều làm là đọc nhiều (và cả nghe nhiều) về chủ đề trên – đọc bài luận mẫu, đọc bài viết của người khác, tích lũy từ vựng hay, cách diễn đạt hay, rồi từ đó bắt đầu viết, áp dụng những ý tưởng hay vào bài viết của mình.
Đối với kỹ năng Nói cũng tương tự, để nói hay, trôi chảy, phát âm chính xác, thì chúng ta phải nghe càng nhiều càng tốt. Nghe người bản xứ, nghe GV, nghe băng và thực hành nói cùng bạn học.
Vậy chúng ta cần luyện Đọc và Nghe như thế nào cho hiệu quả? Khi bắt tay vào học tiếng Anh ngoài giờ lên lớp, có rất nhiều SV đặt ra nhiều mục tiêu khác nhau, như:
- Một ngày phải dành ra ít nhất 1 tiếng trau dồi tiếng Anh.
- Phải đọc khoảng 5 bản tin của BBC, CNN, hoặc đọc Wikipedia tiếng Anh.
- Nghe vài bài VOA hoặc các trang cung cấp bài nghe tiếng Anh, đọc script.
- Và một số hoạt động khác mà các “siêu nhân” vẫn hay nói trên báo.
Thực sự, những nguồn tiếng Anh nói trên đều rất tốt, SV sử dụng vẫn có hiệu quả thực hành kỹ năng Đọc, Nghe và nâng cao trình độ. Tuy nhiên, SV khó theo học từ các nguồn ngữ liệu trên được thường xuyên và lâu dài bởi các nguồn tiếng Anh không phù hợp dễ làm SV chán nản, bỏ cuộc và rơi vào tình trạng “ngán tiếng Anh”.
Chính vì vậy, nguyên tắc Tạo hứng thú trong học Đọc và Nghe sẽ giúp SV duy trì quá trình học và tự học, giúp SV thấy thoải mái, không bị gò bó và có thể thực hành kỹ năng tiếng Anh “không biết mệt”.
Một là, tìm nguồn học liệu có nội dung là những gì SV thích và cần. Hãy thử tìm hiểu về những thú vui, sở thích bằng tiếng Anh, ví dụ như: football/ soccer (bóng đá), jogging (chạy bộ), music (nghe nhạc) … Hoặc nội dung mà SV đang cần nghiên cứu như: làm quen với các thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành; học tập các kỹ năng mềm (như thuyết trình, giao tiếp…) hoặc những vấn đề đang được xã hội quan tâm, tìm hiểu như Covid-19, dinh dưỡng, thể dục thể thao,… Bất kể bạn đọc gì, xem gì, hãy sử dụng tiếng Anh.
Hai là, hãy Nghe và Đọc bất cứ khi nào bạn thấy thích và với bất cứ thể loại nào từ nhạc, phim, podcasts, bài phát biểu, … hoặc đọc một đoạn bất kỳ trong sách, báo, tạp chí, trên blogs. Internet đã được phủ khắp toàn trường và miễn phí, hãy tìm một chủ đề bạn thích và đọc nó.
Ví dụ, đến dịp Lễ Tình nhân 14/2 mà bạn đang không biết mua quà gì cho bạn gái, đừng search “quà 14/2 cho bạn gái”, hãy search “Vanlentine gift/ present ideas”, bạn sẽ tìm ra những ý tưởng rất hay (cool). Hoặc nếu bạn muốn tìm hiểu thông tin về việc cầu thủ Son Heung Min nhập ngũ, hãy search “Son Heung Min military duty/ enlistment”. Các trang tiếng Anh có nhiều thông tin và hình ảnh thú vị hơn rất nhiều. Ngoài ra, còn rất nhiều nguồn học liệu khác mà luôn làm SV cảm thấy hứng thú như xem phim phụ đề tiếng Anh, nghe nhạc hoặc videos trên Youtube, xem các bài nói chuyện trên Blogs, Facebook hoặc Tiktok của thần tượng…
Nói tóm lại, hãy sử dụng tiếng Anh với mọi việc và mọi lúc mà SV cảm thấy “thích thú”.
2.3. Học thành ngữ (Idioms)
Thành ngữ tiếng Anh là một trong những nội dung mà SV thường “không đụng đến” khi học tiếng Anh. SV thường tự hỏi “Tại sao chúng ta cần phải học những câu khó và lạ?” nhưng lại quên rằng, cũng như người Việt, người nói tiếng Anh sử dụng thành ngữ thường xuyên và liên tục trong giao tiếp hàng ngày đến nỗi họ còn không để ý là đang sử dụng thành ngữ. Chính vì vậy, nếu SV muốn giao tiếp với người nước ngoài một cách tự nhiên nhất, việc học và sử dụng thành thạo thành ngữ là một điều cần thiết.
Một vài ví dụ mà người Anh thường sử dụng như:
- That exam was a piece of cake! = easy. (Bài thi đó dễ như ăn kẹo)
- Well, like father like son. (Chà, đúng là cha nào con nấy)
- Hey, can I join the party? – Of course, the more the merrier.
(Tôi có thể tham gia bữa tiệc được không? – Tất nhiên rồi, càng đông càng vui mà)
Có hàng ngàn thành ngữ trong tiếng Anh, nhưng chỉ có khoảng một vài trăm là thường được sử dụng, và chưa tới một trăm thành ngữ tiếng Anh được coi là thông dụng đối với cộng đồng người nói tiếng Anh trên toàn thế giới. Chính vì vậy, bắt đầu bằng việc học những thành ngữ thông dụng này là một trong những phương pháp học tiếng Anh thú vị. Có thể chúng ta không hoặc ít sử dụng những thành ngữ này trong giao tiếp tiếng Anh nhưng ít nhất khi có một người nào đó sử dụng chúng, chúng ta biết đó là thành ngữ và hiểu được nó có ý nghĩa là gì. Và nếu sử dụng được các thành ngữ đó một cách linh hoạt, chính xác, đặc biệt là trong các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh (như IELTS chẳng hạn) thì thật là tuyệt vời, chắc chắn giám khảo sẽ có điểm “bonus” cho phần thể hiện đó của bạn. Vậy, tại sao bạn không bắt đầu học một thành ngữ bất kỳ ngay nhỉ?
2.4. Học các quy tắc ngữ pháp – Making Grammar “Stick”
Ngữ pháp là một trong những nội dung mà SV cảm thấy ‘khô khan” nhất. Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng giao tiếp không cần phải biết nhiều và thật chính xác về ngữ pháp, điều này hoàn toàn không đúng. Mà ngược lại, biết ngữ pháp sẽ giúp SV chủ động và dễ dàng hơn trong giao tiếp, hỗ trợ cải thiện, nâng cao cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết của người học. Có thể kể đến rất nhiều lợi ích của việc học và thành thạo ngữ pháp mang lại như:
- Ngữ pháp giúp SV truyền đạt ý tưởng chính xác. Ví dụ: khi muốn miêu tả hiện trường một vụ án giết người và “tường thuật” lại những gì đã xảy ra trong vụ án đó, chắc chắc sinh viên phải thành thạo và phân biệt được cách sử dụng của các thì Quá khứ đơn (Simple past), Quá khứ tiếp diễn (Past Continuous), Quá khứ hoàn thành (Past Perfect) cũng như cấu trúc “There + be” để miêu tả.
- Ngữ pháp hỗ trợ SV thực hành tốt kỹ năng Đọc và Nghe từ đó nâng cao được kỹ năng Nói và Viết. Ví dụ, để viết một bài luận (essay), SV cần biết các quy tắc của cấu trúc câu, quy tắc ghép từ, trật tự từ để tạo thành câu có nghĩa. Hơn nữa, viết cũng yêu cầu nỗ lực nhiều ở việc triển khai ý.
Tóm lại, việc nắm vững “phần xương sống” (backbone) của các câu nói, câu viết là cực kỳ cần thiết trong quá trình học tiếng Anh của SV. Để làm được như vậy, SV có thể áp dụng trình tự học như sau:
1/ SV phải nắm vững các quy tắc ngữ pháp. Tức là nắm được cấu trúc và cách sử dụng của quy tắc đó. Để học ngữ pháp một cách có định hướng, SV cần bám sát vào nội dung ngữ pháp của giáo trình, tài liệu đang học, từ bài giảng của giảng viên.
2/ Học và ôn luyện đều đặn hàng ngày. Từ cấu trúc ngữ pháp vừa học được, SV cần vận dụng thực hành: bắt đầu từ câu đơn đến các câu có cấu trúc phức tạp hơn. Tập thói quen viết câu hoàn chỉnh, câu đơn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc cố gắng sử dụng các câu có mệnh đề chồng chéo. Người học càng thực hành nhiều thì khả năng viết sẽ càng được cải thiện nâng cao. (The more you practice, the better you are.)
3/ Tiếp tục ôn luyện, thực hành với các hình thức đa dạng hơn, tạo hứng thú hơn như chơi game ngữ pháp, nghe nhạc, podcast tiếng Anh, xem phim phụ đề tiếng Anh, tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh… và đặc biệt là cần luyện viết nhiều hơn, hãy chọn những chủ đề mà bạn cảm thấy thích thú và quan tâm để viết.
2.5. Tận dụng nguồn ngữ liệu online miễn phí (Free sourses – An English Learners Paradise)
Ngày nay, SV có vô vàn nguồn ngữ liệu học tập online thông qua các website miễn phí và chất lượng. Chỉ cần gõ một vài từ khóa lên Internet, SV có thể tìm thấy hàng ngàn bài viết, tài liệu có thể giúp SV nghiên cứu và nâng cao trình độ tiếng Anh. Ngoài ra, nguồn ngữ liệu đó còn có thể là video, bài nghe, các diễn đàn (forums), các lớp học thông qua mạng xã hội facebook… Cũng không thể không kể đến các công cụ hỗ trợ học tiếng Anh trực tuyến miễn phí rất hữu ích như phần mềm dịch thuật, phần mềm từ điển…
SV thời đại 4.0 không nhất thiết phải đến lớp mới có nội dung để nghiên cứu học tập. Chỉ cần truy cập internet là đã có thể tìm thấy những công cụ và nguồn học liệu chất lượng và miễn phí. Tuy nhiên, trong quá trình tìm tòi và học tập, SV cần lựa chọn những nguồn tài liệu phù hợp, vừa sức để thực hành.
2.6. Tạo động lực học tập
Và cuối cùng, đây không phải là một phương pháp, nhưng là điều mà bất kỳ SV nào muốn áp dụng các phương pháp trên hiệu quả, lâu dài nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao được năng lực tiếng Anh nói riêng, khai phá năng lực nghiên cứu, học tập của bản thân nói chung đều phải tự trau dồi cho bản thân mình. Đó là phải luôn giữ được động lực (motivation) ngay từ khi mới bắt đầu.
Làm cách nào để luôn giữ được động lực hay động cơ và thực sự luôn MUỐN học tiếng Anh? Cách đơn giản là hãy tìm những lợi ích (benefits) mà học tiếng Anh mang lại. Chắc chắn phải có ít nhất một lý do gì đó khiến bạn muốn học tiếng Anh như để có công việc tốt, kiếm nhiều tiền, đi du lịch nước ngoài, hoặc ít nhất là để đạt chuẩn đầu ra … Hãy thử viết ra câu hỏi “What benefits will I receive when I become fluent in English?” và hãy vẽ một bức tranh lớn từ các câu trả lời tương ứng. Hàng ngày hãy ngắm bức tranh đó, đọc to các lợi ích mà tiếng Anh mang lại, chắc chắn việc này sẽ mang lại cho bạn niềm hứng khởi không nhỏ khi tiếp tục điều mà bạn đã bắt đầu.
3. Kết luận
Nâng cao được năng lực sử dụng tiếng Anh là kết quả của một quá trình rèn luyện, học hỏi dài hơi. Và kết quả đạt được sẽ càng tốt hơn nếu được thực hiện từ chính sự thích thú, nhu cầu của người học kết hợp với những phương pháp, quy tắc, thói quen được duy trì thường xuyên, liên tục.
Với những thủ thuật được coi như là “những thói quen vàng” được đề cập trong bài viết, hi vọng các bạn SV sẽ có được cách tiếp cận mới để nghiên cứu, học tập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh trong thời gian tới./.
Lê Quang Trực
- Tưng bừng Hội chợ xuân sinh viên (10.03.2018)
- Ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội (10.03.2018)
- Hộp mứt yêu thương (20.02.2018)
- Đề xuất phương án đổi mới tuyển sinh vào các trường CAND năm 2018 (26.01.2018)
- Sinh viên chuyên ngành cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy kiến tập tại công an tỉnh Tây Ninh (13.04.2017)
- Mấy ý kiến góp phần nâng cao chất lượng bài dạy giỏi các môn nghiệp vụ chuyên ngành tại trường Đại h (29.03.2017)
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư chúc Tết Trung thu (11.03.2017)
- Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (07.03.2017)
- Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ qua các thời kỳ và kinh nghiệm rút ra đối với công tác vận động của (04.03.2017)