Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Mỗi thầy cô giáo Trường Đại học CSND phấn đấu là tấm gương sáng trong sự nghiệp "trồng người&qu

Ngày đăng: 10.12.2016

Từ xưa đến nay, đối với dân tộc Việt Nam nghề giáo luôn được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Tục ngữ có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên” và người thầy được kính ngang hàng cha mẹ: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.Truyền thống tôn sư trọng đạo đó đã trở thành một đạo lí thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm và trở thành một nét đẹp văn hóa, đời sống trong tâm niệm của người Việt Nam tự bao đời. Đánh giá về vai trò của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hoá”. Điều đó vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề đặc biệt “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo. Và thực tiễn đã khẳng định rằng, sự cống hiến, đóng góp của những người thầy, người cô, những con người đã gieo mầm khai sáng trí tuệ trong sự nghiệp phát triển đi lên của đất nước trong những năm qua là cực kỳ to lớn. Không ai khác, thầy cô giáo chính là yếu tố chủ đạo, quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục, sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Giáo dục đào tạo trong lực lượng Công an nhân dân cũng không nằm ngoài quy luật đó. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, phát huy nguồn lực con người, trong đó chú trọng đến đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, là những con người đóng vai trò then chốt, là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục đào tạo của ngành Công an. Suốt 40 xây dựng, phát triển và trưởng thành, Trường Đại học CSND luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, của Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như Bộ Công an để không ngừng xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên góp phần tích cực cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói chung và công tác bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo lực lượng CSND nói riêng. Tính đến nay, Nhà trường có 542 cán bộ, giảng viên, trong đó giảng viên chính có 83 đồng chí, giảng viên có 108 đồng chí, cán bộ quản lý giáo dục có 100 đồng chí, cán bộ tham mưu có 157 đồng chí. Về trình độ, hiện nay nhà trường có 01 Giáo sư, 08 Phó giáo sư, 55 tiến sĩ, 207 thạc sỹ, 92 đồng chí đang nghiên cứu sinh, 78 đồng chí đang học cao học. Ghi nhận những thành tích đạt được trong 40 năm qua, Nhà trường vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý, nhiều đồng chí được nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, chiến sĩ thi đua, giảng viên dạy giỏi. Nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo, vì học viên thân yêu là những biểu tượng cao đẹp để các thế hệ giáo viên, học viên nhà trường mãi mãi noi theo. Để tiếp tục phát huy truyền thống đó, xứng đáng là những tấm gương sáng trong sự nghiệp “trồng người”, mỗi Thầy cô giáo Trường Đại học CSND cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt trên các mặt sau đây: Một là, không ngừng tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Dạy học là hoạt động sáng tạo và nghiêm túc đòi hỏi thầy giáo phải có năng lực chuyên môn cao, kiến thức lý luận chuyên môn vững chắc để truyền đạt tri thức một cách toàn diện cho người học. Đây chính là điều kiện tiên quyết để khẳng định năng lực giảng dạy, là minh chứng xác định vị thế của người thầy. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”. Vì vậy, mỗi thầy cô giáo Trường Đại học CSND cần nhận thức sâu sắc rằng: Việc học tập là không bao giờ thừa,cần cố gắng nhiều hơn nữa, không được tự mãn với kiến thức, kinh nghiệm hiện có mà phải nỗ lực rèn luyện, tự học nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ trong mọi hoàn cảnh, học ở trường, ở lớp, ở sách vở, đồng đội và nhân dân; tự làm giàu tích luỹ thêm nhiều kiến thức mới, phấn đấu trở thành chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực, chuyên ngành mà mình được phân công nghiên cứu, giảng dạy. Hai là, thường xuyên cải tiến phương pháp giảng dạy, áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng bài giảng. Phương pháp giảng dạy của người Thầy cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng giờ dạy. Để thực hiện được những giờ giảng hấp dẫn, ngoài việc vận dụng các phương pháp giảng dạy truyền thống giảng viên cần có sự hướng dẫn, gợi ý nghiên cứu vấn đề cho sinh viên theo hướng “lấy người học làm trung tâm” để sinh viên chủ động tiếp cận vấn đề, nghiên cứu sâu hơn; đưa ra tình huống giả định lẫn tình huống thực tế để học viên tập giải quyết, rút kinh nghiệm, thực hành thao tác kỹ năng một cách thành thục, nâng cao bản lĩnh trong tư duy phản biện vấn đề. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải biết phối hợp các phương pháp giảng dạy khác nhau một cách hợp lý, linh hoạt theo từng bối cảnh cụ thể, vận dụng và cụ thể hóa phù hợp với định hướng, mục tiêu của nhà trường, môn học. Ngoài ra, giảng viên còn phải thường xuyên nghiên cứu, chủ động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy học hiện đại vào quá trình giảng dạy để mỗi tiết lên lớp là một sự sáng tạo, là một “tác phẩm” mới, làm cho giờ học trở nên sinh động và cuốn hút hơn. Ba là, tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học, thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức thực tế. Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi giảng viên, vì thực ra, nghiên cứu khoa học là một trong các phương thức lĩnh hội kiến thức tốt nhất, là cơ sở để giảng dạy. Thực tế đã chứng minh rằng, kết quả nghiên cứu của nhiều công trình khoa học trong thời gian qua đã góp phần phục vụ đắc lực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập và giảng dạy của giảng viên và học viên, góp phần rất lớn trong đánh giá, tổng kết kinh nghiệm, xây dựng hệ thống lí luận, gắn liền với công tác đấu tranh thực tiễn, đưa ra những giải pháp tối ưu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Do đó mỗi cán bộ, giảng viên cần phải mở rộng nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, từ đó hình thành thói quen và niềm say mê nghiên cứu khoa học, phải xác định rằng làm khoa học là sự đam mê, cống hiến, chứ nếu làm khoa học mà đặt lợi ích lên trên thì chắc chắn không thể làm được. Bên cạnh đó, để có một kiến thức và chuyên môn sâu, phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học cũng như giúp tăng hiệu quả trong hoạt động giảng dạy thì việc thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức thực tiễn để có bài giảng tốt nhất là một điều không thể thiếu đối với hoạt động dạy học và nghiên cứu của mỗi Thầy cô. Năng lực thực tiễn là yếu tố cốt lõi để làm phong phú hoạt động giảng dạy bởi vì hiện nay, một trong những tiêu chí chuẩn đầu ra đối với sinh viên công an là những kỹ năng nghề nghiệp được vận dụng hiệu quả vào thực tiễn. Chính vì vậy mỗi thầy cô phải bố trí thời gian đi thực tế tại Công an các địa phương để chủ động cập nhật kiến thức phục vụ giảng dạy, nâng cao kỹ năng hoạt động thực tiễn; đảm bảo mỗi bài giảng trở nên sinh động nhờ mang hơi thở từ thực tế công tác chiến đấu, từ đó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Bốn là, mỗi thầy cô luôn là một tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tư cách, tác phong và văn hóa ứng xử. Trong sự nghiệp trồng người, đội ngũ cán bộ, giảng viên nếu chỉ có tài thôi thì chưa đủ, ngoài trí tuệ, tài năng, người giáo viên phải có đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nhấn mạnh: “các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo”, “phải là kiểu mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”.Đúng vậy, tấm gương của thầy cô giáo đối với học viên là vô cùng quan trọng, để tạo ra nhân cách người học thì trước hết người thầy phải biết thuyết phục học viên bằng chính nhân cách của mình. Do đó, muốn xây dựng được nhân cách cho người học, mỗi thầy cô giáo Trường Đại học CSND phải có “Đức” như lời Bác đã dạy. “Đức” thể hiện ở thái độ, tác phong chuẩn mực khi thực hiện giảng dạy và trong lối sống, trở thành tấm gương, vừa là người thầy, vừa là người cán bộ ưu tú, chuẩn mực cho người học noi theo. Cái “Đức” thể hiện ở sự giúp đỡ người học một cách chân thành, không vì vụ lợi, không phân biệt đối xử, giúp đỡ trong hỗ trợ kiến thức phải đến nơi đến chốn; giúp đỡ không có nghĩa là cho điểm cao, dễ dãi đối với người học trong học tập. Cái “Đức” ấy còn thể hiện ở sự kiên quyết đấu tranh chống những cái xấu, cái sai trong xã hội, trong chính bản thân mình và trong đồng sự. Trong tầm cao của nền kinh tế tri thức, mọi hành vi thái độ, việc làm của nhà giáo đều là tấm gương phản ánh nhiều chiều nhưng không ai khác hơn, chính nhà giáo phải tự soi mình. Để thực hiện tốt sứ mệnh vẻ vang của mình, các thầy giáo, cô giáo phải luôn nhớ rằng, người thầy giáo vinh dự càng lớn thì trọng trách lại càng nặng nề, tính chuẩn mực, mô phạm đòi hỏi càng cao. Ai cũng phải biết là thước thì phải thẳng, đã là cân thì phải chính xác, nhưng muốn “thẳng” hay “chính xác” đều phụ thuộc ở người cầm. Tuy là việc khó, nhưng không thể buông lơi, bởi lẽ trau dồi và nâng cao phẩm chất đạo đức là yêu cầu tự thân của mỗi nhà giáo nói chung và nhà giáo Công an nhân dân nói riêng. Giờ đây, khi mỗi chúng ta, đã là những người thầy, cô giáo CAND thì càng phải hiểu rõ hơn cái “cao quý” trong sự nghiệp giảng dạy, không chỉ đơn thuần là giảng dạy như các trường Đại học khác, ngoài tình cảm thầy trò thiêng liêng cao quý, giữa thầy giáo và học viên còn là tình đồng chí, đồng đội trong công cuộc giữ gìn an ninh trật tự của Tổ quốc. Người thầy giáo CAND phải luôn có một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, bản lĩnh vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, kiến thức phong phú không chỉ về chính trị, pháp luật, mà cả về các mặt đời sống xã hội, văn phong uyên bác, giản dị dễ hiểu, tâm đức toàn tài.

Tác giả: Hoàng Tùng - Nguyễn Văn Khoa Điềm

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 37
  • Tuần: 420
  • Tháng: 920
  • Tổng: 1100200