Thông thường, khi vắng mặt tại nơi cư trú trong một thời gian nhất định, người dân phải đi khai báo tạm vắng. Từ ngày 01/7/2021, khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, việc khai báo tạm vắng sẽ bị “siết” chặt chẽ hơn, người dân không khai báo tạm vắng sẽ có thêm rủi ro.
• Khi nào phải khai báo tạm vắng?
Theo Điều 31 Luật Cư trú mới, công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây:
1) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;
2) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
(3) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
(4) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp (1), (2), (3), trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Như vậy, một người bình thường đi khỏi nơi thường trú để lao động, học tập, đi du lịch… từ 12 tháng liên tục trở lên phải khai báo tạm vắng, trừ khi họ đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đi nước ngoài.
Đối tượng này có thể đến khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác. Nếu là người chưa thành niên thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.
• Từ 01/7/2021, thêm “rủi ro” cho người không khai báo tạm vắng
Việc khai báo tạm vắng lâu nay thường bị người dân “phớt lờ”. Tuy nhiên, Luật Cư trú mới có hiệu lực từ 01/7/2021 sẽ tăng thêm rủi ro cho người không khai báo tạm vắng. Đó là bị xóa đăng ký thường trú.
Theo khoản d Điều 24 Luật này, người vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng thì bị xóa đăng ký thường trú (trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng).
Có thể thấy, sau ngày 30/6/2021, khi người dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên phải thực hiện một trong hai thủ tục này để tránh bị xóa thường trú:
- Khai báo tạm vắng;
- Đăng ký tạm trú.
Tuy nhiên, cũng sau ngày 30/6/2021, việc đăng ký tạm trú khó khăn hơn nhiều so với trước. Có đến 05 địa điểm không được đăng ký tạm trú mới quy định tại Điều 23, đồng thời, bổ sung thêm 05 trường hợp bị xóa tạm trú so với trước, gồm:
- Có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết.
- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
- Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;
- Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục sinh sống tại chỗ ở đó;
- Người đăng ký tạm trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với việc đăng ký tạm trú trở nên khó khăn, thì để tránh bị xóa đăng ký thường trú, từ 01/7/2021, người dân cần đăng ký tạm vắng khi vắng mặt tại nơi thường trú.
Cẩm Vân (Tổng hợp)
- Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn (17.09.2024)
- Một số nội dung đáng chú ý tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (07.09.2024)
- Chính thức áp dụng quy định mới về phong tỏa, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố từ 1/9/2024 (06.09.2024)
- Chỉ thị của Thủ tướng về bảo đảm hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 (05.09.2024)
- Văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an được ban hành, có hiệu lực và tổ chức lấy ý kiến trong tháng 8/2024 (04.09.2024)
- Sự thật Việt Nam đã thành nước Tự do, Độc lập (02.09.2024)
- Mỗi người dân Việt Nam luôn trân trọng những giá trị thiêng liêng của “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” (02.09.2024)
- Cảnh giác các luận điệu xuyên tạc về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (01.09.2024)
- 79 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước sau cách mạng tháng 8/1945 (30.08.2024)