Ngày 30/4/1975 đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước và mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc. Để hiểu được tầm vóc lịch sử của sự kiện này, chúng ta cần nhìn nhận toàn diện quá trình đấu tranh gian khổ của dân tộc từ sau Hiệp định Geneva 1954 cho đến thời điểm giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống nguỵ Sài gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống giặc ngoại xâm của dân tộc (Ảnh: TTXVN)
1. Từ chia cắt đến khát vọng thống nhất
“Để đôi bờ sông Bến Hải nhớ nhau
Lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến”
(Hiền Lương, Bến Hải – Tạ Thăng Hùng)
Hiệp định Genevo ký kết vào tháng 7/1954 đã tạm thời chia cắt đất nước ta làm hai miền tại vĩ tuyến 17, với dòng sông Bến Hải và cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng đau thương của sự phân chia. Theo thỏa thuận, cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước dự kiến diễn ra vào năm 1956. Tuy nhiên, với sự can thiệp của các thế lực nước ngoài và sự chống phá của chính quyền Sài Gòn, cuộc tổng tuyển cử đã không thể thực hiện. Trước tình hình đó, nhân dân cả nước đã bước vào cuộc kháng chiến mới với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khát vọng thống nhất non sông đã trở thành động lực to lớn thúc đẩy mọi hành động cách mạng của toàn dân tộc.
2. Con đường đi đến ngày toàn thắng
Trải qua những năm tháng đấu tranh gian khổ, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã trải qua nhiều giai đoạn với những chiến thắng quan trọng như: Đồng Khởi (1960), Ấp Bắc (1963), Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), và đặc biệt là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào tháng 1/1973.
Sau khi Mỹ rút quân, chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục vi phạm Hiệp định và đẩy mạnh chiến tranh. Trước tình hình đó, Đảng ta đã quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn. Chỉ trong 55 ngày đêm của Chiến dịch mùa Xuân 1975, quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối – thống nhất một dải.
3. Kỷ nguyên mới: Thành tựu sau 50 năm thống nhất hai miền Nam – Bắc
Kể từ ngày 30/4/1975, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Công cuộc thống nhất đất nước về mặt nhà nước được hoàn thành sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung (1976), đánh dấu sự ra đời của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
50 năm qua, đất nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển quan trọng: Giai đoạn khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh (1975-1986). Đây là thời kỳ đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại. Nhân dân cả nước nỗ lực khôi phục sản xuất, ổn định đời sống và thực hiện thống nhất về kinh tế, văn hóa, xã hội. Giai đoạn đổi mới và hội nhập (từ 1986 đến nay): Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được khởi xướng từ Đại hội VI của Đảng (1986) đã mở ra một trang mới cho sự phát triển của đất nước. Việt Nam chuyển mình từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Trải qua 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), Thành phố Hồ Chí Minh chứng kiến sự chuyển mình ngoạn mục, vượt qua những dấu tích chiến tranh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu Việt Nam.
(Nguồn: nhandan.vn)
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp Việt Nam tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo: Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia - dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài... Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ...”
4. Phát huy tinh thần 30/4 trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Đã tròn nửa thế kỷ kể từ mùa xuân lịch sử năm 1975, nhưng hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng cuối cùng của chính quyền cũ và lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập vẫn còn in đậm trong trái tim mỗi người con đất Việt. Đó không chỉ là biểu tượng bất diệt của ý chí, lòng dũng cảm và khát vọng độc lập, tự do; mà còn là ngọn lửa soi đường cho hiện tại và tương lai. Dân tộc Việt Nam quyết không khuất phục trước mọi khó khăn, thử thách; gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Nếu trước đây, chúng ta đã chiến thắng kẻ thù xâm lược bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và trí tuệ Việt Nam thì ngày nay, tinh thần 30/4 càng cần được phát huy mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đề cao yếu tố con người để tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Phát triển con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, tâm hồn nhân văn, giàu lòng yêu nước và có trách nhiệm với cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời, tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo nên sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Nhìn lại chặng đường 50 năm sau ngày giải phóng, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc và càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển mạnh mẽ, dân tộc Việt Nam nhất định sẽ xây dựng thành công một đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
-----------------------------------
* Danh mục tài liệu tham khảo
1. Đại thắng mùa xuân năm 1975-50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025): https://nhandan.vn/50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-3041975-3042025-post863971.html
2. Những thành tựu lớn sau 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước :https://lsvn.vn/nhung-thanh-tuu-lon-sau-49-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-1714445119-a143224.html
3. Thành tựu của đất nước sau 50 năm: Tiền đề cho kỷ nguyên vươn mình https://baohatinh.vn/thanh-tuu-cua-dat-nuoc-sau-50-nam-tien-de-cho-ky-nguyen-vuon-minh-post285113.html
4. Bài thơ: Hiền Lương, Bến Hải – Tạ Thăng Hùng: https://www.thivien.net/Tạ-Thăng-Hùng/Hiền-Lương-Bến-Hải/
5. GS.TS. Tô Lâm: “Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 01/11/2024.
Lê Phạm Hoàng Danh
- Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội XIV (07.04.2025)
- Giỗ tổ Hùng Vương - Quốc Lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam (07.04.2025)
- Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - biểu tượng rực rỡ của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc (07.04.2025)
- AN NINH T4 (BỘ CÔNG AN) TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (06.04.2025)
- Cảnh giác với các lời mời, giới thiệu về “việc nhẹ lương cao”, xuất khẩu lao động không cần kinh nghiệm (05.04.2025)
- Bài 3: Chung tay xây dựng “sức mạnh mềm” của dân tộc (04.04.2025)
- Công điện của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (04.04.2025)
- Công điện của Thủ tướng về triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2025 (04.04.2025)
- Đề cao sức mạnh văn hóa tinh thần, tăng "đề kháng", ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị - Bài 2: Nhiễm virus văn hóa độc hại, phá bỏ tương lai, làm ô tạp văn hóa dân tộc (02.04.2025)