Như Xã luận Báo Granma (Cuba), cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba viết: “Bác Hồ là tấm gương mà nhiều con người có thể noi theo và làm được như Người”(1), tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ đương thời và sáng soi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với cán bộ đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.
Bác Hồ thăm đảo Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh. (Tranh: Đào Thế Am. Nguồn: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm)
SỬ DỤNG HIỆU QUẢ THỜI GIAN ĐỂ HỌC TẬP VÀ LÀM VIỆC
Học Bác, chúng ta học tập cách quý trọng thời gian, sử dụng hiệu quả thời gian để học tập và làm việc, bởi theo Người: “Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được”(2). Đó là kinh nghiệm Bác đúc rút ra từ quá trình tự học, làm việc và trong cả cuộc đời làm cách mạng của Người.
Trên hành trình 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã vượt lên hoàn cảnh, luôn tranh thủ thời gian, khai thác tối đa quỹ thời gian eo hẹp và tạo ra thời gian để kiên trì học tập, trau dồi kiến thức. Theo tác giả Trần Dân Tiên trong sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, khi làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Trêville: “Mỗi ngày 9 giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi (những người Việt Nam làm công trên chuyến tàu) ngủ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm”. Những ngày làm vườn cho ông chủ tàu ở Saint Adresse “anh học tiếng Pháp với cô sen”. Những ngày sống ở Anh, “hàng ngày buổi sáng sớm và buổi chiều anh Ba ngồi trong vườn hoa Hayden, tay cầm một quyển sách và một cái bút chì. Hàng tuần, vào ngày nghỉ, anh đi học tiếng Anh với một giáo sư người Ý”. Hồ Chí Minh còn tham gia vào Hội Du lịch đưa khách đi thăm nước Pháp và những nước lân cận với giá tiền rất rẻ bởi như Người đã nói với bạn rằng: “Trong những ngày nghỉ, không nên tiêu phí tiền bạc, mất thì giờ ở bãi bể để nhìn những người đàn bà đi tắm, mà nên đi du lịch, học hỏi được nhiều”(3). Nhờ vậy, Người có dịp đi thăm nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức và cả Tòa thánh Vatican… để mở rộng tầm nhìn và cơ hội học hỏi. Khi bắt đầu đi tìm đường cứu nước, trình độ học vấn mà Người được đào tạo ở nhà trường chẳng được là bao. Trong lý lịch tự khai tại Đảng Cộng sản Pháp cũng như tại một số hội nghị, Đại hội của Quốc tế Cộng sản mà Người tham dự, Người thường khiêm tốn ghi ở phần trình độ học vấn là Tự học. Năm 1961, tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam, Người cũng đã tự kể rằng: “Về văn hóa tôi chỉ học hết lớp tiểu học... Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên...”(4). Có thể khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh chính là cuộc đời tự học bền bỉ, và cả thế giới đã phải thừa nhận và khâm phục về sự thông minh, về tầm hiểu biết rộng lớn của Người (danh hiệu nhà văn hóa kiệt xuất mà tổ chức UNESCO trao tặng Người chính là minh chứng).
Trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh vẫn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Năm 1961, nói chuyện với các cán bộ đảng viên ở Nghệ An hoạt động lâu năm, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”(5). Với các đảng viên mới, Người cũng căn dặn: “Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(6).
Các đồng chí phục vụ Bác sinh thời kể lại rằng, ngày nào Bác cũng dành thời gian để bổ sung và nâng cao tri thức cho mình bằng đọc sách, báo, nghe tin tức thời sự và rút kinh nghiệm từ những công việc thực tiễn hàng ngày. Người thường xem báo ngay đầu giờ buổi sáng và thường xuyên nhắc cán bộ, nhất là cán bộ phụ trách, cần phải sắp xếp thời gian đọc báo hằng ngày để nắm bắt thông tin phục vụ cho công việc. Ngoài báo chí trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đọc báo nước ngoài gửi đến bằng con đường ngoại giao. Vừa đọc, Người vừa ghi chép hết sức cẩn thận, tỉ mỉ từ những vấn đề của các địa phương trong nước cho đến những biến động trên thế giới, từ những cuộc đấu tranh biểu tình cho đến những vấn đề về tài chính tiền tệ v.v... Rất cụ thể và thiết thực, đây chính là một trong những hình thức tự học tập để bổ sung tri thức hiệu quả và cần thiết. Trên cơ sở đó, giúp Người đưa ra chỉ đạo phù hợp với từng lĩnh vực và những chính sách đối nội, đối ngoại sát với thực tiễn.
Như lời Bác đã dạy: “Muốn tiết kiệm có kết quả tốt, thì phải khéo tổ chức”, hằng tuần, hằng ngày, có khi cả hằng giờ nữa, Bác đều có chương trình làm việc rõ ràng, khoa học, cụ thể. Một ngày làm việc của Bác bắt đầu từ rất sớm: “Khi Đài Tiếng nói Việt Nam mở nhạc hiệu thì Bác cũng bật đèn phòng ngủ. Bác làm suốt cả ngày, nhiều hôm đến tận đêm khuya”(7). Trong một ngày Bác giải quyết rất nhiều công việc, từ tiếp cán bộ, tiếp khách ngoại giao, đi thăm cơ sở, họp Bộ Chính trị, nghiên cứu tài liệu, viết báo, viết thư v.v.. Trong khi bộ máy giúp việc cho Bác tại Văn phòng ở Phủ Chủ tịch cũng rất ít. Ngoài bốn cán bộ làm công tác văn phòng (kể cả đồng chí Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác), còn có một số đồng chí nấu ăn, cần vụ, lái xe, làm vườn, có tất cả hơn mười người. Nhưng sự phân bổ thời gian hợp lý khoa học và phong cách làm việc thiết thực cụ thể đã giúp Bác tiết kiệm nhiều thời gian và giải quyết hiệu quả một khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp trên cương vị một người lãnh đạo đất nước. Khi cần nắm rõ công việc của ngành nào, địa phương nào, Bác cho gọi đồng chí Trung ương, Bộ trưởng phụ trách ngành đó, địa phương đó, nếu cần thì đem theo cả chuyên viên đặc trách đến báo cáo với Bác. Người thường bố trí thời gian tiếp cán bộ đến làm việc hoặc tiếp khách vào đầu các buổi sáng sớm để sau đó dành nhiều thời gian cho công việc. Công việc xong mà chưa đến giờ ngủ, Bác lại đọc sách, báo. Chủ nhật, ngày lễ cũng có chương trình. Vì vậy, không mấy khi Bác có thời gian rảnh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người có nhiều thời gian sống gần Bác trong những năm Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch đã nhận định: “Theo tôi biết… thật sự Bác không có ngày nghỉ và ngày nào cũng như ngày nào, bao giờ cũng có chương trình làm việc với những giờ giấc rất nghiêm ngặt, mà Hồ Chí Minh là người gương mẫu trong việc tuân thủ kỷ luật đó”(8).
Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu các dân tộc Hà Giang (15.11.1965). (Ảnh: Tư liệu)
CÓ QUYẾT TÂM THÌ VIỆC GÌ LÀM CŨNG ĐƯỢC
Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khóa 5 trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Bác đã thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Cách tôi làm việc đúng giờ. Tôi khuyên anh em làm việc phải cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”(9). Một câu chuyện nhỏ về thời gian, về kỷ luật nhưng Bác lại dạy chúng ta biết bao điều. Bác quý trọng thời gian của mình bao nhiêu, thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Vì thế, Bác không để bất cứ ai phải đợi mình bao giờ. Bác đã hẹn là đến, Bác đã hứa là làm, hẹn đồng chí nào giờ nào đến gặp, đến đúng giờ ấy là thấy Bác đã chờ sẵn. Thu Đông năm 1952, Bác đến với Hội nghị chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc. Nhiều đồng chí cán bộ dự chiến dịch Tây Bắc năm đó vẫn còn nhớ, Bác đã đến hội nghị với một hình ảnh không ai có thể quên được. Mấy hôm ấy trời mưa to, nước lũ từ các đầu nguồn tràn về cắt đứt cả đường sá nhưng Bác đã vượt suối lũ, tới hội nghị. Bà con địa phương đi đến đấy gặp lũ phải đứng lại, thấy thế cũng hăng hái theo Bác và đều lội qua được. Tất cả các đồng chí dự hội nghị đều biết rằng mùa mưa vượt suối nước lũ không phải là việc dễ, cho nên khi thấy Bác đã tới hội nghị rất đúng giờ, chẳng những cảm động trước sự săn sóc chu đáo của Bác với quân đội, mà còn là một bài học cần ngay cho họ trước khi ra trận. Bài học ấy, như Bác thường nói, là: “Quyết tâm, có quyết tâm thì việc gì làm cũng được”(10).
Quý trọng thời gian, Bác không muốn anh em giúp việc, cán bộ ngồi chơi không và luôn căn dặn anh em phải “học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”(11), học trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, người trực tiếp bảo vệ Bác từ năm 1946 đến năm 1951 kể lại: Có những lần hết giờ gác, chúng tôi nằm tán chuyện với nhau. Lúc giải lao Bác đi thăm anh em. Một hôm, Bác gặp chúng tôi đang nằm chơi, Bác nói: “Các chú không có việc gì làm à? Nếu không có việc thì mang chiếc giường dỡ ra rồi lắp lại, nếu còn thì giờ nữa thì ra ngoài kia vật nhau hay tăng gia”. Ý Bác muốn nói là phải tìm việc mà làm, không nên ngồi tán gẫu...(12). Đồng chí lái xe ít xem sách báo. Những buổi anh rỗi việc, Bác gọi lên, bảo ngồi ở buồng bên, rồi đưa sách báo cho đọc. Thỉnh thoảng, Bác qua kiểm tra. Có lần Bác vào, thấy tờ báo mở trên bàn, đồng chí lái xe tựa lưng vào ghế ngủ. Bác nhẹ nhàng đi ra. Lúc khác, Bác nói: "Mới đọc chưa hiểu, dễ buồn ngủ. Đọc ít lâu, hiểu rồi sẽ ham. Ham rồi sẽ không buồn ngủ nữa"(13). Cũng với ý đó, Bác đã từng nói với những cán bộ phục vụ thật thấm thía: “Cái gì cũng quen đi thôi các chú ạ. Chăm cũng quen đi, mà lười cũng quen đi, quen nhanh thôi chứ không lâu đâu. Thế nào là khó khăn? Khó khăn là cái chưa quen. Rèn luyện cho quen đi thì khó cũng không còn khó nữa. Kiên trì rèn luyện, sẽ đến một lúc làm cỏi khó thấy rằng không khó”.
VẬN DỤNG NHỮNG CHUẨN MỰC VÀO PHONG CÁCH LÀM VIỆC
Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khóa về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, chuyên đề năm 2021.
Từ thực tiễn cuộc sống và hoạt động cách mạng, đặc biệt là những năm Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chuẩn mực về phong cách sống, phong cách làm việc. Đây là những bài học thực tiễn sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ đảng viên trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh mở cửa hội nhập với thế giới, đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam phải có một phong cách làm việc khoa học, hiện đại và hiệu quả để góp phần đưa đất nước phát triển.
Thực trạng hiện nay cho thấy, việc quản lý lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến lãng phí thời gian lao động, làm cho năng suất, chất lượng hiệu quả công tác chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; ý thức kỷ luật lao động kém; vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức.
Để thực hiện mục tiêu hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, phấn đấu đưa nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, mỗi cá nhân, mỗi tập thể cần phải học tập và làm theo tấm gương của Bác, đặc biệt là thực hiện lời dạy của Bác về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả thời gian. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước cần tăng cường áp dụng các biện pháp tổ chức lao động một cách khoa học, sử dụng hợp lý thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mỗi cá nhân cần sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết; cần tích cực thi đua trong lao động, học tập, sản xuất; cần xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; rèn luyện tác phong công nghiệp, thể hiện trước nhất ở việc tuân thủ và biết quý trọng thời gian; phát triển khả năng độc lập và tự chủ trong công việc; không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức chuyên môn, ý thức trách nhiệm và tinh thần cầu tiến. Đây cũng chính là biện pháp để chúng ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng quan tâm xây dựng: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước... Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”(14)./.
Để thực hiện mục tiêu hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, phấn đấu đưa nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, mỗi cá nhân, mỗi tập thể cần phải học tập và làm theo tấm gương của Bác, đặc biệt là thực hiện lời dạy của Bác về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả thời gian. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước cần tăng cường áp dụng các biện pháp tổ chức lao động một cách khoa học, sử dụng hợp lý thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mỗi cá nhân cần sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết; cần tích cực thi đua trong lao động, học tập, sản xuất; cần xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; rèn luyện tác phong công nghiệp, thể hiện trước nhất ở việc tuân thủ và biết quý trọng thời gian; phát triển khả năng độc lập và tự chủ trong công việc; không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức chuyên môn, ý thức trách nhiệm và tinh thần cầu tiến. |
|
ThS. VŨ KIM YẾN
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
_____________________
(1) Xã luận báo Gơ-ran-ma, La Ha-ba-na, ngày 14/9/1969 “Hồ Chí Minh một nhân cách lớn”, Nxb. Văn hoá thông tin, H, 2005, tr.97-98.
(2) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.6, tr.123, 361.
(3) Hoàng Kỳ: Học tập ý chí và phương pháp tự học của Bác Hồ, Báo Giáo dục và Thời đại (Online), tháng 2/2010.
(4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.187, 273.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.113.
(7) Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2005, tr.303.
(8) Phạm Văn Đồng: Một con Người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự thật, H, 1990, tr. 73.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.115.
(10) (13) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2005, t.1, tr.221-222, 732-736.
(12) Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, H, 2013, tr.127-141.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.122.
Nguồn: tuyengiao.vn
- Văn hóa mạng và sự lợi dụng (28.11.2019)
- Nhận diện hoạt động lợi dụng hội nhập kinh tế quốc tế để chống phá Việt Nam (28.11.2019)
- Sinh viên Đại học CSND tham gia Ngày hội tin học Việt Nam và châu Á (27.11.2019)
- Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2018 (22.11.2019)
- Bảo vệ Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới (18.11.2019)
- Tập huấn công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo cho cán bộ, giảng viên các học viện, trườn (10.10.2019)
- Bước chuyển mình của đội ngũ nhà giáo Công an nhân dân trong thời đại 4.0 (24.09.2019)
- Từ 01/01/2020 sẽ ghi âm, ghi hình khi hỏi cung trên cả nước (19.09.2019)
- Công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân trước yêu cầu, nhiệm vụ mới (29.08.2019)