Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Đổi mới hoạt động giảng dạy thực hành đối với sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH hệ chính quy góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - Đào tạo tại Trường Đại học CSND

Ngày đăng: 10.11.2024

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”[1]. Theo Người, “học” phải luôn gắn bó hữu cơ, không tách rời với “hành”, “học” là để ứng dụng vào thực tiễn công tác, lao động và chiến đấu.

Nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác, xác định vai trò quan trọng của việc kết hợp giữa “học”“hành” trong hoạt động đào tạo những sĩ quan Cảnh sát nhân dân (CSND) tương lai gắn liền với thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, những năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học CSND luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục, đồng thời thực hiện đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa nhận thức lý luận với kỹ năng thực hành cho sinh viên. Xuất phát từ phương châm trên, hoạt động giảng dạy thực hành đối với sinh viên nói chung, sinh viên chuyên ngành Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) hệ chính quy nói riêng luôn được Nhà trường quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Qua nghiên cứu khảo sát, đánh giá thực tiễn từ năm 2021 đến năm 2024 cho thấy, hoạt động giảng dạy thực hành đối với sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH tại Trường Đại học CSND đã đạt được một số kết quả như sau:

Thứ nhất, Nhà trường đã chú trọng vấn đề đổi mới nội dung chương trình giảng dạy nói chung và các học phần nghiệp vụ QLHC về TTXH hệ chính quy nói riêng, đảm bảo gắn kết giữa lý luận và thực hành. Thống kê cho thấy, 100% các học phần chuyên ngành QLHC về TTXH đều có nội dung thực hành.

Thứ hai, Nhà trường đã quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có năng lực, trình độ, phẩm chất cần thiết đảm nhận tốt nhiệm vụ giảng dạy nói chung, trong đó có khâu giảng dạy thực hành. Hiện tại, giảng viên của Khoa QLHC về TTXH có 13 đồng chí, trong đó trình độ Phó Giáo sư có 01 đồng chí, Tiến sĩ có 03 đồng chí, Thạc sĩ có 09 đồng chí (05 đồng chí đang nghiên cứu sinh); về chức danh giảng dạy có 08 giảng viên chính, 05 giảng viên, 03 giảng viên đã qua luân chuyển công tác thực tế 02 năm tại Công an địa phương và hàng năm, mỗi giảng viên đều đăng ký nghiên cứu thực tế ít nhất 02 tháng; 100% giảng viên đều qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, trong đó có 08 đồng chí đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nâng cao.

 

 Đại uý Nguyễn Phạm Đăng Khoa - Giảng viên Khoa QLHC về TTXH thực hiện bài dạy giỏi cấp Trường năm học 2024 - 2025

 

Thứ ba, Khoa QLHC về TTXH hiện nay đã được bố trí 01 phòng dạy học thực hành, trang bị 02 bộ thiết bị dạy học thực hành bài học công tác cấp, quản lý căn cước. Ngoài ra, các giảng viên đã chú trọng thu thập các loại biểu mẫu, hồ sơ trên thực tế và các mẫu vật, công cụ, phương tiện… cần thiết đảm bảo tính trực quan, sinh động trong tổ chức giảng dạy thực hành, tạo sự hào hứng, thích thú, lôi cuốn sự chú ý, tích cực tham gia của sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH trong học tập.

Thứ tư, trong quá trình giảng dạy thực hành, giảng viên trong Khoa đã làm tốt các bước chuẩn bị, tiến hành và kết thúc thực hành; chú trọng áp dụng các phương pháp dạy học tích cực gắn với nội dung thực hành một cách phù hợp; nội dung thực hành cơ bản bám sát chương trình đào tạo, giải quyết các mục tiêu đào tạo đặt ra; giữa giảng viên và sinh viên có sự phối hợp tốt, sinh viên bước đầu đã hình thành những kỹ năng cần thiết để thực hiện, giải quyết các yêu cầu công tác thực tiễn đặt ra đối với chuyên ngành QLHC về TTXH. Nhờ đó, đa số các sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH ra trường được trang bị kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, có khả năng thực hành tốt các nội dung công việc chuyên môn đã được học tập. Điều này được khẳng định qua đánh giá của Công an các địa phương nơi sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH thực tập từ năm 2021 đến tháng 11 năm 2024, có 100% sinh viên đạt từ loại giỏi trở lên[2] và báo cáo đánh giá chuẩn đầu ra của Khoa QLHC về TTXH cho thấy “sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH tốt nghiệp ra trường có đủ khả năng, điều kiện về kiến thức, năng lực để đáp ứng yêu cầu công tác”[3].

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giảng dạy thực hành đối với sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH tại Trường Đại học CSND thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khó khăn xuất phát từ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ còn thiếu; một bộ phận giảng viên còn chú trọng khâu giảng lý thuyết mà xem nhẹ khâu thực hành nên chưa có sự đầu tư về nội dung, phương pháp giảng dạy thực hành cho sinh viên; sự thành thạo, kỹ năng thực hành của một bộ phận giảng viên còn hạn chế cũng dẫn đến những khó khăn, lúng túng nhất định khi giảng dạy thực hành trước sinh viên; hoạt động kiểm tra đánh giá những nội dung thực hành chưa được quan tâm thực hiện; vẫn còn tình trạng một số sinh viên xem nhẹ khâu thực hành…

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy thực hành đối với sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH hệ chính quy tại trường Đại học CSND, theo chúng tôi trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, làm tốt công tác tham mưu đầu tư, trang bị các công cụ, phương tiện dạy học cần thiết phục vụ giảng dạy thực hành.

Cơ sở vật chất là điều kiện tiên quyết để giờ học thực hành được thực hiện có chất lượng. Do đó, trên cơ sở rà soát, thống kê các loại công cụ, phương tiện dạy học hiện nay và đánh giá chất lượng, nhu cầu thực tế trong giảng dạy, Khoa QLHC về TTXH cần chủ động lên danh sách, đề xuất với Ban Giám hiệu trang cấp thêm những trang thiết bị còn thiếu, nhất là trang thiết bị phục vụ giảng dạy các nội dung học phần gắn liền với Đề án 06, ứng dụng công nghệ thông tin mà Công an địa phương đang áp dụng hiện nay. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên cần tích cực thu thập các loại hồ sơ, biểu mẫu công tác thực tế, các mẫu vật, công cụ, phương tiện trên các lĩnh vực công tác QLHC về TTXH từ Công an các đơn vị, địa phương nhằm làm phong phú thêm nguồn tài liệu hỗ trợ giảng dạy thực hành. Đồng thời, cần lập kế hoạch khai thác các trang thiết bị, phương tiện, công cụ, mẫu vật, hồ sơ nghiệp vụ… khi đã được trang cấp hoặc thu thập được và xây dựng chế độ quản lý, bảo quản một cách cẩn thận, phục vụ hoạt động giảng dạy thực hành có hiệu quả.

Hai là, chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu trong giảng dạy thực hành

Để hoạt động giảng dạy thực hành nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành đạt hiệu quả cao, mỗi giảng viên chuyên ngành cần tăng cường công tác nghiên cứu thực tế hàng năm. Đặc biệt, mạnh dạn đăng ký chỉ tiêu luân chuyển công tác thực tế có thời hạn tại Công an các đơn vị, địa phương để rèn luyện kỹ năng tay nghề, chủ động phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nhằm bổ sung, làm sâu sắc thêm nội dung giảng dạy. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên phải nghiên cứu, sử dụng thuần thục những phương pháp, kỹ năng sư phạm cần thiết phục vụ giảng dạy thực hành để tổ chức các khâu, các nội dung, trình tự thực hiện các giờ thực hành một cách khoa học, hợp lý. Đồng thời, không ngừng tự rèn luyện, thực hành thuần thục các thao tác, kỹ năng, nâng cao độ chính xác, hình thành kỹ năng, tay nghề từ đó truyền thụ lại cho sinh viên hiệu quả.

 

Đại uý Đặng Nguyễn Quỳnh Trang - Giảng viên Khoa QLHC về TTXH thực hiện bài dạy giỏi cấp Trường năm học 2023 - 2024

 

Ba là, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học thực hành

Tiếp tục rà soát, xác định lại nội dung tổ chức thực hành đối với từng môn học cụ thể của nghiệp vụ QLHC về TTXH. Việc lựa chọn nội dung thực hành phải phù hợp với những vấn đề lý thuyết, củng cố làm rõ lý luận, đặc biệt là phải gắn chặt với thực tiễn công tác của người cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, từ đó định hướng hình thành kỹ năng, tay nghề cần thiết cho sinh viên. Tăng cường ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy khâu thực hành nhằm phát huy sự hứng thú, chủ động tìm tòi nghiên cứu của sinh viên, khắc phục tình trạng một số sinh viên thiếu chú ý, thờ ơ với tiết giảng thực hành của giảng viên.

Bốn là, tăng cường giáo dục động cơ học tập đúng đắn, nâng cao ý thức học tập cho sinh viên

Trong phương pháp dạy học tích cực, người học trở thành trung tâm của việc dạy và việc học, cho nên, nếu mỗi sinh viên không chủ động, tích cực trong giờ học thì chắc chắn buổi học đó sẽ không đạt được hiệu quả. Do vậy, trong hoạt động dạy học nói chung và giảng dạy thực hành nói riêng, người giảng viên cần lồng ghép việc giáo dục thái độ, đạo đức để mỗi sinh viên xây dựng cho mình động cơ học tập đúng đắn, có ý thức học tập thật tốt, say mê, hứng thú trong việc học, coi đây là bước quan trọng để lĩnh hội tri thức, là hành trang để thực hiện công tác sau khi ra Trường. Việc xác định đúng mục đích, động cơ học tập sẽ giúp các sinh viên tích cực, hào hứng trong quá trình học tập. Từ đó, mỗi sinh viên có ý thức tự rèn luyện để nâng cao tay nghề, tự chủ động thực hiện các nội dung thực hành theo hướng dẫn của giảng viên, tự rèn luyện không chỉ trên lớp học mà cả trong những giờ nghiên cứu tự học, từng bước nâng cao kỹ năng thực hành từ thành thục lên kỹ năng, kỹ xảo.

Năm là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát của lãnh đạo các đơn vị đối với hoạt động giảng dạy thực hành

Trước hết, lãnh đạo Khoa QLHC về TTXH cần làm tốt công tác tư tưởng để đội ngũ giảng viên trong đơn vị nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của việc tổ chức giảng dạy thực hành đối với quá trình hình thành kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH hệ chính quy. Trong công tác quản lý hoạt động giảng dạy, lãnh đạo Khoa cùng các đơn vị quản lý đào tạo cần tăng cường hoạt động dự giờ, kiểm tra hoạt động giảng dạy của giảng viên trên lớp, đặc biệt chú trọng vào các giờ giảng thực hành để kịp thời chấn chỉnh những vấn đề còn tồn tại, tham mưu Ban Giám hiệu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giảng dạy của giảng viên. Lãnh đạo Khoa QLHC về TTXH cần quan tâm bố trí giảng viên có chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm thực tiễn tốt tham gia hướng dẫn thực hành, chú trọng việc kiểm tra, phê duyệt kế hoạch hướng dẫn thực hành của giảng viên để hoạt động giảng dạy thực hành ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng cao hơn.

 

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6 (2011), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Khoa QLHC về TTXH (2021 - 2024), Bảng điểm chấm thực tập tốt nghiệp sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH.

3. Khoa QLHC về TTXH (2021 - 2024), Báo cáo kiểm tra, đánh giá chuẩn đầu ra Khóa D27S, D28S.

4. Bộ Công an (2020), Quyết định số 9843/QĐ-BCA, ngày 20/11/2020 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Khoa QLHC về TTXH thuộc Trường Đại học CSND.

5. Trường Đại học CSND (2016), Chương trình đào tạo đại học Cảnh sát nhân dân hệ chính quy theo tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 1648/QĐ-T48, ngày 29/9/2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học CSND.

 


[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, NXB Chính trị quốc gia, năm 2011, tr.361.

[2] Bảng điểm chấm thực tập tốt nghiệp sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH của Khoa QLHC về TTXH từ năm 2021 đến năm 2024.

[3] Báo cáo kiểm tra, đánh giá chuẩn đầu ra khóa D27S, D28S của Khoa QLHC về TTXH từ năm 2021 đến năm 2024.

 

Lê Hồng Phước - Giảng viên Khoa QLHC về TTXH

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN