Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của nhân dân Việt Nam

Ngày đăng: 24.08.2021

         *Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)

 

         Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, còn được gọi là tướng Giáp hoặc anh Văn, là một nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà lãnh đạo quân sự, chính trị tài ba của dân tộc Việt Nam, chúng ta cùng nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp đáng kính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của nhân dân Việt Nam.

         Sinh ra từ vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột đã nung nấu trong lòng Võ Nguyên Giáp ý chí sôi sục và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng như: phong trào bãi khóa ở trường Quốc học Huế, tham gia Đảng Tân Việt cách mạng; phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh… Ông từng bị địch bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế khi mới chưa tròn 20 tuổi. Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, ông mới được trả tự do. Sau đó, ông ra Hà Nội tiếp tục bắt liên lạc với tổ chức và có một khoảng thời gian dạy học ở Trường tư thục Thăng Long. Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11/1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi. Tháng 12/1944, ông được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, Đạị tướng đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến từng trận đánh. Ảnh : Tư liệu - TTXVN
Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến từng trận đánh. Ảnh : Tư liệu - TTXVN

         Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ; dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cương vị Tổng tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) giành thắng lợi góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

         Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam.

         Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1978), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Năm 1980, Đại tướng thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách khoa học - kỹ thuật. Năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80. Từ năm 1992 đến lúc từ trần ngày 4/10/2013, Đại tướng là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

         Mặc dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới biết đến bởi thiên tài quân sự, nhưng hình ảnh của ông còn ghi dấu ấn rõ nét trong ký ức người dân Việt Nam với tư cách là nhà giáo dục - thầy giáo dạy Lịch sử nổi tiếng. Khi là giáo viên dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (5/1939), thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã mang bầu nhiệt huyết cách mạng của mình để cùng với đồng nghiệp truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước thương dân, khơi dậy lòng nhiệt tình và lối sống có trách nhiệm với bản thân, với quê hương, với dân tộc.

         Trong hồi ức của ông Bùi Diễm, cựu đại sứ của Ngô Đình Diệm tại Mỹ - cậu bé 13 tuổi hơn 50 năm trước từng được nghe thầy giáo Võ Nguyên Giáp giảng về lịch sử. Ông miêu tả trong cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá" của tác giả Cecil B. Curey rằng không bao giờ quên được phương pháp sư phạm của Đại tướng Giáp: “Sự miêu tả chi tiết về sự tàn tạ của vương triều cũng như đồi bại của Marie Antoinette đã đưa học trò đến một nhận định không chút nghi ngờ về số phận dành cho nền quân chủ Pháp. Như bị hút hồn về cuộc cách mạng Pháp và những nhân vật nổi bật của thời đó: Danton Robespierre, ông giáo sư họ Võ sôi nổi hào hứng kể lại những việc làm của Uỷ ban cứu quốc, của Công xã Paris để trừng trị bọn phản cách mạng, bảo vệ lợi ích của quần chúng”[1]. Có thể nói rằng, trong bất kỳ lĩnh vực nào, ông cũng là người rất nghiêm túc và trách nhiệm với công việc của mình.

         Trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà tổng kết lịch sử hàng đầu của nền sử học đương đại Việt Nam. Những thông tin, tư liệu, tài liệu về lịch sử vô cùng quý giá của Ông trong những bài viết về dân cày, về cách mạng tư sản Pháp, các bài tổng kết chiến tranh và những công trình lý luận về quân sự, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là Tổng tập hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là những công trình khoa học về những sự kiện lịch sử quan trọng nhất của nửa sau thế kỷ XX.

         Trong lĩnh vực ngoại giao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có rất nhiều đóng góp quan trọng, sau ngày đất nước giành được độc lập dân tộc, với cương vị Bộ trưởng Bộ nội vụ (bao gồm Nội chính và Công an) được Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc này là Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) giao cho nhiệm vụ đối ngoại đặc biệt, như: tiếp xúc với Phái bộ Mỹ mới sang Việt Nam cùng những người Pháp trong máy bay, hay cuộc “chạm trán” với J. Xanh-tơ-ny tại phòng lớn của Phủ Toàn quyền, chuẩn bị tiến tới Hiệp định ngày 6/3/1946, cũng như gặp gỡ tướng Lơ-cléc sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, hay cuộc đấu trí và đấu lý ở Hội nghị Đà Lạt… Những cuộc gặp gỡ đó, Ông đã không bỏ bất kỳ cơ hội đàm phán nào để đi đến hòa bình nhằm thực hiện mục tiêu cao cả: độc lập và thống nhất đất nước.

         Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược kiệt xuất, bậc thầy về chiến lược, chiến thuật quân sự. Những kiến thức và tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều do tự học từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới; tự rèn luyện, tự đúc rút kinh nghiệm qua thực tế chiến đấu của Quân đội ta mà nên. Và có lẽ những kiến thức quân sự này cùng với thực tế chiến đấu của Quân đội ta đã hun đúc và rèn luyện nên một tài năng quân sự lỗi lạc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, là chỉ huy chính trong các chiến dịch và lập nên những chiến công hiển hách như Chiến dịch Việt Bắc (thu đông năm 1954), Chiến dịch Biên giới  (tháng 9-10 năm 1950), Chiến dịch Trung du (12/1950), Chiến dịch Đông Bắc (năm 1951), Chiến dịch Đồng Bằng (5/1951), Chiến dịch Hòa Bình (12/1951), Chiến dịch Tây Bắc (9/1952), Chiến dịch Thượng Lào (4/1953), Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 3-5 năm 1954),  Chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979) chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc.

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN

         Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1957 (Ảnh: AP)

         

         Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/1/1948, Ông trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi. Với tuổi đời còn khá trẻ nhưng Ông đã đảm nhiệm trọng trách lớn lao, song với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, ông luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Với 30 năm là Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Ông cũng là người chỉ huy đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Ông được cán bộ, chiến sĩ Quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

         Trong nhiều chiến dịch thắng lợi có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà không thể không kể đến Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ vĩ đại và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ ở châu Á đã đánh bại quân đội của một cường quốc châu Âu. Đây là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta từng bước đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn đánh đuổi quân xâm lược. Và chiến thắng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã một lần nữa chứng minh đường lối ưu việt của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng toàn dân, toàn quân ta đánh bại và làm phá sản hoàn toàn đường lối chiến lược tốc chiến, tốc thắng và các chiến lược khác của những cường quốc hùng mạnh nhất (Pháp và Mỹ) ở thế kỷ XX. Đây chính là sự kiện có một không hai trong lịch sử quân sự thế giới.

         Không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết khá nhiều bài báo, xuyên suốt, nổi bật trong các bài viết như thế là tư tưởng chỉ đạo sát sao mang tầm chiến lược với mục tiêu xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa và chủ trương phát triển toàn diện con người, là tư tưởng chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ, cải cách triệt để nội dung và phương pháp giáo dục. Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, Đại tướng đã có những ý kiến tâm huyết của mình để chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Ông nhấn mạnh: “Sự phát triển của con người là liên tục… Con người là một thể thống nhất với sự phát triển liên tục, không thể chia cắt được trong không gian, trong thời gian”, “Giáo dục với tư cách là quá trình hướng dẫn sự phát triển con người, cũng phải liên tục. Giáo dục thế hệ trẻ là một quá trình liên tục từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc trưởng thành và là sự nghiệp của toàn xã hội”[2].

         Ở chuyên ngành nào thuộc phạm vi mình phụ trách, ông cũng đều có những ý kiến xác đáng, thấu tình đạt lý. Ngay cả sau khi nghỉ hưu, tuổi đời rất cao, nhưng khi được hỏi, ông vẫn rất minh mẫn, sắc sảo, sáng suốt đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Đảng, Chính phủ và Quân đội. Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. Hình ảnh và những cống hiến của Đại tướng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng Nhân dân. Không những thế, thế giới cũng rất nể phục nhân cách, đức độ của Đại tướng, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại... là một trong số ít những người có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử.  

         Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị “Đại tướng của Nhân dân”, được Nhân dân hết lòng kính trọng và có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển của Nhân dân. Trong lời điếu trong Lễ quốc tang của Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng Nhân dân, là vị tướng của Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.

         Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta rất tự hào và biết ơn những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, Quân đội ta và phong trào cách mạng thế giới. Là thế hệ trẻ được sống trong thời đại hòa bình, hơn lúc nào hết, chúng tôi - những nữ chiến sĩ cảnh sát nhân dân ý thức được trách nhiệm của bản thân trong Học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội./.

 


[1] Cecil B. Currey (2019), Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá (Nguyễn Vawnn Sự dịch), Nxb. Thế giới, tháng 8/2013, trang 70-80)

[2] Võ Nguyên Giáp (1986), Mấy vấn đề về khoa học và giáo dục, Nxb Sự thật, Hà Nội, trang 537

 

Tác giả: Thượng tá, TS. Phan Thị Thanh Tâm - Thượng úy, ThS. Ngô Thị Thùy Trang

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 93
  • Tuần: 381
  • Tháng: 2410
  • Tổng: 1100200