Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người thầy về nghệ thuật quân sự

Ngày đăng: 20.08.2021

Quân ủy T.Ư, Bộ Tổng tư lệnh bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 - Ảnh: T.L

 

         Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là một nhà trí thức lớn, có lòng nồng nàn yêu nước, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng cao đẹp, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt, Đại tướng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã không ngừng tự học, tu dưỡng để trở thành một trong những nhà lãnh đạo đất nước, vị Đại tướng của nhân dân, Nhà văn hóa lớn của Việt Nam, tài - đức vẹn toàn.

 Là người có tài tổ chức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng bước xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12 năm 1944 thành một quân đội với hơn một triệu người năm 1975[1]. Đồng thời, Võ Nguyên Giáp còn là nhà chiến lược quân sự thiên tài, đã hoạch định chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự, đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo trong thời đại Hồ Chí Minh. Điều này được thể hiện qua một số nội dung sau:

Thứ nhất, trước các trận đánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất cẩn trọng trong so sánh tương quan lực lượng đôi bên, không bao giờ đánh giá thấp đối phương nhưng cũng không bao giờ đề cao hay e ngại lực lượng, sức mạnh của địch. Bằng nhiều phương thức khác nhau, Ông theo dõi sát, nắm rất chắc tình hình cả lâu dài và trước mắt ở các chiến trường khác trên thế giới cũng như trong nước, sự ảnh hưởng của chiến tranh thế giới đến Việt Nam, phân tích sâu kỹ một cách khách quan, khoa học, từ đó, đã “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, hạn chế chỗ mạnh tạm thời, khoét sâu mâu thuẫn, nhược điểm của đối phương ngày càng lớn. Công tác tuyên truyền đối nội, đối ngoại luôn tập trung làm rõ 3 chỗ yếu cơ bản của địch không thể nào khắc phục nổi:

+ Tính chất các cuộc chiến tranh của Pháp, Mỹ ở Đông Dương là chiến tranh xâm lược, phi chính nghĩa. Quân đội đế quốc cực kỳ dã man, tàn bạo.

+ Kẻ thù xâm lược không có những điều kiện tối quan trọng được xem là thuộc tính của chiến tranh: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, mà lòng dân thuộc về ai thì người đó sẽ thắng.

+ Phương thức tác chiến tập trung quy mô lớn và hiện đại, đánh nhanh thắng nhanh của đội quân xâm lược Pháp, Mỹ là hoàn toàn không phù hợp ở chiến trường Việt Nam, mà quân và dân ta lại tiến hành chiến tranh quy mô nhỏ, sử dụng rộng rãi chiến tranh du kích, đánh lâu dài, toàn dân là chiến sĩ. Chính những chỗ yếu cơ bản này không thể nào khắc phục được, đã làm cho nội bộ giới cầm quyền và chỉ huy của đối phương luôn mâu thuẫn, lục đục, lực lượng quân sự trên chiến trường ngày càng tổn thất, suy kiệt, tinh thần sĩ quan, binh lính ngày càng hoang mang, tuyệt vọng, chán ghét chiến tranh, nhân dân ở các nước này và dư luận tiến bộ trên thế giới phản đối kịch liệt, không ủng hộ. Ngược lại, quân và dân Việt Nam căm thù địch sâu sắc, càng nêu cao lòng yêu nước, quyết tâm chiến đấu bảo vệ bằng được độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Thứ hai, về chiến lược, khi địch chiếm ưu thế về binh hỏa lực, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ tổ chức phòng ngự, cầm cự, tấn công tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tránh tổn thất lớn cho ta, và khi đã tạo được thế cân bằng hoặc vượt trội, thì lập tức chuyển sang phản công, tấn công mạnh mẽ làm cho địch tổn thất nặng nề hơn.

Thứ ba, về chiến dịch, chiến thuật và trong chiến đấu, khi địch tập trung binh hỏa lực mở những cuộc hành quân quy mô lớn, các đơn vị vũ trang Việt Nam biết cách phân tán lực lượng, tránh đối đầu trực diện theo kiểu đánh “Vỗ mặt, chọi trâu”, thực hiện “Lai vô ảnh, khứ vô hình”, khiến địch không tìm thấy đối phương; đánh vào chỗ trống, tốn rất nhiều sức lực, tiền của nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngược lại, đụng đầu với cuộc chiến tranh toàn dân mà tất cả đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con đều là chiến sĩ, làm cho chúng bị thương vong, lo sợ cái chết luôn rình rập. Chúng nơm nớp sợ hãi cả gỗ, đá, thân tre, lá lúa cũng biến thành chông, bẫy, gươm, dao có thể sát hại chúng mọi nơi, mọi lúc. Đồng thời, quân chủ lực Việt Nam lại nắm rất chắc tình hình địch, tập trung lực lượng bất thần đánh đúng vào chỗ hiểm yếu và sơ hở, khiến chúng bị thương vong to lớn, khiếp đảm.

Thứ tư, khoét sâu chỗ yếu của địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã buộc thực dân Pháp từ tấn công ồ ạt bị thất bại, phải chuyển sang phòng ngự, cuối cùng là co cụm trong các cứ điểm kiên cố, để rồi nhận thất bại cay đắng ở Điện Biên Phủ. Còn đế quốc Mỹ phải bốn lần thay đổi chiến lược quân sự: “Lập ấp chiến lược dồn dân, bình định nông thôn”, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “Chiến tranh Cục bộ” và cuối cùng là chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu và phân tích rất thấu đáo những điểm yếu của địch cả về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật để hạ quyết tâm trước khi hành động. Vì vậy, Ông là nhà cầm quân chiến lược luôn làm cho đối phương sa lầy, bị động, buộc phải thay đổi thế cờ và đánh theo cách đánh của Ông, từ đó đã thua trận. Người ta gọi đó chính là thiên tài quân sự.

Hơn 30 năm chỉ huy quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa từng phạm sai lầm về chiến lược. Ngược lại, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, cùng với quân và dân Việt Nam anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã buộc 10 danh tướng tổng chỉ huy quân đội Pháp, Mỹ mắc sai lầm về chiến lược và thua trận, trong đó có 7 đại tướng Pháp: Philippe Leclerc, Etienne Valluy, C.Blaijat, M.Corgent, Delattre De Tassigny, Raul Salan, Henri Navarre và 3 đại tướng Mỹ là William Westmoreland, C.Abramson, F.C.Weyand.

Đại tướng không qua một trường lớp quân sự chính quy nào, Ông học tập và trưởng thành trong thực tế là chính. Chiến tranh luôn ẩn chứa nhiều yếu tố ngẫu nhiên không thể lường trước được. Ông luôn xuất phát từ thực tế chiến trường để giải quyết mọi tình huống ngoài dự kiến và lật ngược thế cờ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng quyết định “Khoanh chặt để bắt sống con nhím khổng lồ Điện Biên Phủ”[2] là ông dám thế chấp sinh mạng chính trị của mình cho trận đánh, vì nếu thua ông ta sẽ mất hết, dù ông còn sống thì đó cũng chỉ là sự tồn tại. Phải có một bản lĩnh lớn, ông mới thuyết phục được các cố vấn Trung Quốc từ bỏ ý định “Đánh nhanh, thắng nhanh với chiến thuật đầu nhọn, đuôi dài, nở hoa trong lòng địch”. Và mọi người đã chấp thuận cách đánh của ông - cách đánh của Việt Nam “Bao vây, đánh lấn, đánh chắc, tiến chắc” theo kiểu bóc vỏ, xẻ múi, nghiền hạt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bắt sống con nhím khổng lồ Điện Biên Phủ, không cho nó xổng chuồng… Tài nghi binh chiến dịch, đặc biệt là lý luận về “Trận đánh quyết định”[3] của Đại tướng được giới quân sự thế giới rất chú ý và nghiên cứu. Ông cho rằng: Ta có thể đánh thắng địch trong khi chúng đông quân nhất, nhiều vũ khí nhất và ngay cả khi chúng cho là ta không thể thắng chúng, miễn là ta có cách đánh đúng, thích ứng với tình hình thực tế… Ông rất sáng suốt, nhạy bén, sắc sảo và hành động một cách hết sức quyết liệt, mau lẹ, kịp thời trong nghệ thuật chớp thời cơ, không bỏ qua thời cơ “ngàn năm có một” nào khi thời cơ lịch sử đã đến và bắt tay thực hiện ngay học thuyết của mình về “Trận đánh quyết định” trong cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang tháng 8/1945, ở mặt trận Điện Biên Phủ, trong trận “Điện Biên Phủ trên không” và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Xuân 1975.

Sau khi khẳng định Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân Pháp cho chiếm đóng Điện Biên Phủ là một sai lầm nghiêm trọng về chiến lược, ông chấp nhận cuộc đối đầu lịch sử ngoài dự kiến, cho dù gặp phải vô vàn thách thức, khó khăn, gian khổ. Vấn đề còn lại với ông chỉ là cách đánh. Ông đã giải được bài toán hóc búa và làm nên một chiến thắng chấn động địa cầu, mở đầu cho sự tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, nhận rõ đế quốc Mỹ dốc toàn lực cho canh bạc cuối cùng, leo lên nấc thang tột đỉnh của chiến tranh, ông đã huy động sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân ở mức cao nhất, tập trung toàn bộ lực lượng mang tính quyết định ở những trọng điểm và quyết chiến điểm, chiến đấu ngoan cường, liên tục suốt 12 ngày đêm, bắn rơi 82 máy bay, trong đó có 34 “siêu pháo đài bay” B52, làm nên một kỳ tích vĩ đại nhất của những trận không chiến thế giới trong thế kỷ XX, buộc đối phương phải chấp nhận xuống thang.

Xuân 1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột và địch rút bỏ Tây Nguyên, thời cơ chiến lược “Một ngày bằng hai mươi năm” đã đến. Đại tướng nhất quyết không bỏ qua cơ hội có một không hai này. Đây là trận quyết chiến chiến lược, “Trận đánh quyết định” cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Đại tướng hạ quyết tâm lấy đòn tấn công quân sự với những quả đấm thép cực mạnh của quân chủ lực là chính, kết hợp với nổi dậy giành quyền làm chủ của quần chúng. Ông tung tất cả các quân đoàn vào trận đánh, kể cả lực lượng dự bị chiến lược của Tổng hành dinh. Đặc biệt là cho thành lập cánh quân phía Đông với lực lượng binh chủng hiệp đồng theo kiểu tập đoàn quân, làm mũi đột kích chủ yếu. Đồng thời, Ông hạ một mệnh lệnh bất hủ: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Bằng sức mạnh tổng hợp chiếm ưu thế tuyệt đối, Đại tướng đã tổng chỉ huy công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam trong vòng chưa đầy 2 tháng, trong đó có cả quần đảo Trường Sa. Trong cuộc phỏng vấn năm 1982 Tướng William Westmoreland nhận định: “Võ Nguyên Giáp là một vị tướng vĩ đại. Ông Giáp có tất cả đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh. Những vị tướng chỉ huy quân sự ở cấp cao buộc phải có đức tính này, nếu không, họ sẽ không tồn tại lâu được”.

Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ xuất bản năm 1993 viết: “Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao… Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử” .

Người đời có câu: Thời thế tạo anh hùng và anh hùng góp phần làm nên thời thế. Thời đại Hồ Chí Minh đã sản sinh ra biết bao bậc lão thành cách mạng, các nhà yêu nước nổi tiếng được nhân dân yêu quý, biết ơn và kính trọng như những bậc khai quốc công thần, những vị anh hùng dân tộc một lòng vì nước vì dân, mà Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân vật lịch sử như thế. Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là tấm gương của một nhân cách văn hóa lớn, liêm khiết, giản dị và khoan dung; 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, những cống hiến to lớn của Đại tướng mãi in đậm trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Trích nguồn:

1. Chân dung Nghệ thuật Võ Nguyên Giáp, Tạ Đức,  Nxb Trẻ Thành Phố HCM;

2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân;

3. Tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam – Văn hóa Việt Nam ý chí Việt Nam (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Nxb Quân đội nhân dân

4. Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 -1954, tập V, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2001

5. Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (1944 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, 03/2005.

 


[1] Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (1944 - 1975)

[2] Kết luận của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở Hội nghị cán bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 14/1/1954.

[3] Kết luận của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở Hội nghị cán bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 14/1/1954. Trích theo: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 -1954, tập V, sđd, trang 108

Tác giả: Lê Minh Quốc – Khoa CSĐT

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 69
  • Tuần: 454
  • Tháng: 2483
  • Tổng: 1100200