Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến đặc biệt quan trọng trong những quyết định có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xứng đáng là nhà chiến lược quân sự tài năng, nhà lãnh đạo xuất sắc trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh) - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn tài năng của của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với những mốc son chói lọi, những thời điểm cam go, ác liệt nhất của cách mạng Việt Nam, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bài viết nhằm góp phần làm sáng tỏ phẩm chất, tài năng của một nhà lãnh đạo xuất sắc trên lĩnh vực xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Qua đó nghiên cứu, vận dụng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5-7-1967). Ảnh: Tư liệu. Nguồn: QĐND
Công tác chính trị, tư tưởng là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng, là một bộ phận quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta đã khẳng định: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng… Tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”[1]; “Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm trọn nhiệm vụ của Đảng”[2]. Trong kháng chiến, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu thể hiện rõ năng lực lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng để động viên tinh thần cách mạng, sự đồng lòng, đồng sức của Đảng bộ và nhân dân để vượt qua khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thứ nhất, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - từ một thanh niên yêu nước đến người cộng sản có tư duy mẫn cảm với thời cuộc và khả năng lãnh đạo nhạy bén trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Sinh ra trên quê hương Thừa Thiên Huế giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, được chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi đường, người thanh niên Nguyễn Vịnh sớm tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 7 năm 1937, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); năm 1938, khi mới tròn 24 tuổi đồng chí Nguyễn Vịnh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong những thời điểm lịch sử mà ở đó thực dân khủng bố, cán bộ, đảng viên bị đàn áp, bắt bớ, phong trào đổ vỡ cần vực dậy. Thực tiễn đó luôn đòi hỏi người đứng đầu Đảng bộ phải có bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, có uy tín, có sức thu phục để đương đầu, tập hợp các đảng viên thành một tổ chức, thống nhất tư tưởng chính trị, thống nhất hành động, đưa phong trào cách mạng vượt qua thác ghềnh, giành thắng lợi. Không nao núng trước khó khăn, Đồng chí Nguyễn Vịnh đã dẫn dắt và khơi dậy ý chí cách mạng quật cường của đồng bào, đồng chí, tạo nên sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trong tỉnh Thừa Thiên lúc bấy giờ. Từ năm 1939 đến 1945, Đồng chí ba lần bị địch bắt, giam ở nhà lao Thừa Phủ, rồi Lao Bảo và Buôn Ma Thuột. Trong lao tù đế quốc, đồng chí Nguyễn Vịnh luôn thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản; tham gia lãnh đạo đấu tranh trong tù, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Thoát khỏi lao tù, Đồng chí tích cực cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, lãnh đạo phong trào đấu tranh, chuẩn bị tiềm lực và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 2 năm 1942, từ nhà tù Buôn Ma Thuột trở về, nhanh chóng tìm hiểu tình hình, nắm bắt yêu cầu phong trào cách mạng trong tỉnh Thừa Thiên, đồng chí Nguyễn Vịnh triệu tập hội nghị các bộ toàn tỉnh tại bến đò Vĩnh Tu (Quảng Điền). Tại Hội nghị này, Đồng chí phân tích tình hình chung, phổ biến tinh thần các nghị quyết của Trung ương Đảng, chủ trương tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ bộ mặt thật của thực dân Pháp và phát xít Nhật; tổ chức lãnh đạo nhân dân đòi quyền lợi, thông qua đấu tranh để tập hợp, giáo dục quần chúng và rèn luyện đảng viên. Thông qua tờ báo Vì nước, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ để tuyên tuyền chương trình, điều lệ, chính sách của Việt Minh, xúc tiến thành lập Mặt trận Việt Minh các cấp trong tỉnh. Quyết định sáng suốt, kịp thời của Hội nghị bến đò Vĩnh Tu thể hiện tài năng, uy tín công tác chính trị của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Vịnh.
Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, đồng chí Nguyễn Vịnh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và vinh dự được Lãnh tụ Hồ Chí Minh đặt cho tên mới: Nguyễn Chí Thanh. Sau Hội nghị, Đồng chí cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng ở các địa phương, trong đó có thành phố Huế - Trung tâm đầu não của chính quyền phong kiến, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi được Đảng giao trách nhiệm làm Bí thư Liên Khu ủy Liên khu 4 (1948), Đồng chí đi sâu nghiên cứu, phân tích và khái quát tình hình thực tiễn, cùng với tập thể Liên khu ủy quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng, lãnh đạo quân và dân Liên khu 4 tiến hành chiến tranh cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển kinh tế và văn hóa. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chủ trì các hội nghị Liên khu ủy, hội nghị cán bộ đề ra chủ trương: Toàn Đảng bộ bám sát dân, gây phong trào đấu tranh sôi nổi, liên tiếp từ trong lòng địch, chống tư tưởng cầu an trong cán bộ, đảng viên và đồng bào, lấy việc phá tề, trừ gian, cải thiện dân sinh làm công tác chính; phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng các đơn vị Vệ quốc đoàn, thực hiện phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, đồng thời củng cố và phát triển dân quân, du kích xã, gây dựng và phát triển phong trào “tay không cướp súng giặc”[3]. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh và tập thể Liên khu ủy, quân và dân Liên khu 4 đã vượt qua khó khăn thử thách, anh dũng và kiên cường đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường, từng bước làm thất bại âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch.
Hơn 30 năm hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh chính trị, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Phong cách làm việc của đồng chí là phong cách của một tư duy sáng tạo, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, suốt đời thực hiện lý tưởng của người cộng sản.
Thứ hai, những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện. Để xây dựng quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động công tác trong Quân đội, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng Tư lệnh, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Tại Đại hội Đảng lần thứ II, Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương cử vào Bộ Chính trị. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, công tác đảng, công tác chính trị có bước tiến vượt bậc, trở thành “linh hồn, mạch sống” của Quân đội. Đại tướng đặc biệt coi trọng xây dựng quân đội về chính trị, coi đó là gốc cho mọi vấn đề, mọi hoạt động của quân đội.
Nhận thức sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Quân đội là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội. Đồng chí dành nhiều công sức chỉ đạo, tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Đặc biệt, Đồng chí chỉ đạo Tổng cục Chính trị triển khai thành lập hệ thống cơ quan chính trị và thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên xuống đến cấp đại đội. Nhờ đó, công tác đảng, công tác chính trị phát huy được hiệu lực, hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng, quyết định sức mạnh tổng hợp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khẳng định vai trò của công tác đảng, công tác chính trị là “linh hồn, mạch sống” đối với Quân đội; xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, trong đó đặc biệt coi trọng xây dựng vững mạnh về chính trị, là đóng góp to lớn và nổi bật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đồng chí tiếp tục được giao những trọng trách quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi nóng bỏng của sự nghiệp cách mạng. Bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, cả trong và ngoài Quân đội, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vẫn luôn thể hiện là người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Đặc biệt, Đồng chí luôn vận dụng hết sức sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào thực tiễn cách mạng. Với tác phong sâu sát thực tiễn và quyết đoán, gắn bó với đồng chí, đồng đội và nhân dân, Đồng chí phụ trách lĩnh vực nào là lĩnh vực đó có sự chuyển biến mạnh mẽ với những dấu ấn sâu sắc. Đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời chiến đấu liên tục và sôi nổi, đồng chí vẫn đau đáu với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ ba, những chỉ đạo xuất sắc về chính trị, tư tưởng góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn trên các mặt trận. Trước những khó khăn trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Thừa Thiên, đồng chí đã đưa ra những chủ trương, quyết sách sáng tạo như: không để mất dân, kiên trì bám đất, bám dân, tập hợp lực lượng, ổn định tổ chức, xây dựng căn cứ, sẵn sàng cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Đồng chí yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu cao đoàn kết, thống nhất nội bộ, kiên quyết đấu tranh với tư tưởng cầu an, trốn tránh nhiệm vụ, đặc biệt ở những địa bàn xung yếu, khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đồng chí, các lực lượng vũ trang tích cực vận động, hỗ trợ nhân dân trong vùng tạm chiếm nổi dậy phá tề, trừ gian, diệt ác, đẩy mạnh chiến tranh du kích… đưa Bình - Trị - Thiên trở thành một điển hình trong phong trào đấu tranh của cả nước, được đúc kết kinh nghiệm và phổ biến rộng rãi trong nhiều địa phương. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được mệnh danh là “Tướng du kích”, là linh hồn chính trị, tư tưởng của cuộc kháng chiến ở Bình Trị Thiên.
Cuối năm 1964, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam, giữ cương vị Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Với sự nhạy bén chính trị, tư duy chiến lược toàn diện cùng bề dày kinh nghiệm, Đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, phân tích tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, dự báo chính xác diễn tiến của chiến tranh. Từ những đánh giá khoa học về thế và lực của cả ta và địch, Đồng chí khẳng định: quân và dân ta hoàn toàn có đủ sức mạnh của chiến tranh nhân dân để “không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết thắng Mỹ”[4]. Đại tướng cho rằng, để đánh thắng quân đội Mỹ, ta phải xây dựng lực lượng chủ lực mạnh, thực hiện tác chiến tập trung, tổ chức tác chiến quy mô chiến dịch. Quan điểm của Đồng chí nhận được sự đồng tình, ủng hộ của tập thể lãnh đạo Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị. Dưới sự lãnh đạo chính trị tư tưởng, chỉ đạo sâu sát của Đồng chí, các “quả đấm chủ lực” của Quân Giải phóng miền Nam đã lần lượt được thành lập.
Bên cạnh đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền trăn trở tìm kiếm biện pháp, cách thức để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù có ưu thế vượt trội về lực lượng và vũ khí. Với tư tưởng “kiên quyết tiến công, liên tục tiến công”, Đại tướng chỉ đạo “cứ đánh Mỹ rồi tìm ra cách đánh Mỹ”, “vấn đề chiến thuật sẽ được giải quyết trên chiến trường”,… Chỉ dẫn quan trọng này chẳng những là động lực để quân, dân miền Nam vượt qua trở ngại về tâm lý, thi đua “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, làm nên những thắng lợi ở Núi Thành, Vạn Tường, Bàu Bàng, Đất Cuốc… Là cơ sở để Đồng chí đúc kết thành phương châm chiến đấu: “Bám thắt lưng địch mà đánh”, góp phần quan trọng để Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng đường lối, chiến lược quân sự buộc địch phải “đánh theo cách đánh của ta”; lãnh đạo quân, dân miền Nam tiến hành chiến tranh và giành thắng lợi trong cuộc đụng đầu với đế quốc Mỹ.
Thực tiễn lịch sử chứng minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã góp công lớn trong lãnh đạo công tác chính trị, phát triển các phong trào cách mạng; đồng thời là nhà lãnh đạo, linh hồn tư tưởng chính trị - chính ủy các lực lượng vũ trang, người đặt cơ sở lý luận cho cách đánh của chiến tranh nhân dân, vạch rõ tính ưu việt, qua đó động viên, tổ chức các lực lượng vũ trang ta quán triệt tinh thần cách đánh đó theo tư tưởng quân sự của Đảng. Đồng chí đã có những cống hiến đặc biệt quan trọng trong những quyết định có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xứng đáng là nhà chiến lược quân sự tài năng, nhà lãnh đạo xuất sắc trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại những bài học sâu sắc về công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng, chỉ đạo thực tiễn cách mạng, phát huy sức mạnh quần chúng cách mạng, nhất là ở những thời điểm cam go, thử thách… Những bài học đó cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhằm góp phần thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011, T9, tr.309.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011, T7, tr.415
[3] Dẫn theo: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, Sđd, tr.219 - 220.
[4] Nhiều tác giả, Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tập 1, Quyển 2, Nxb. Thời đại, 2013, tr. 476.
Nguyễn Thị Ánh
- Hội thảo khoa học về tăng cường quan hệ phối hợp giữa Trường Đại học CSND với C10 - Bộ Công an và cá (18.12.2020)
- Chung kết Hội thi “Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng hình ảnh CAND bản (29.11.2020)
- Trường ĐH.CSND đạt giải Ba toàn đoàn Giải vô địch Judo Đại học Nguyễn Tất Thành mở rộng năm 2018 (19.04.2020)
- Hội thi lái xe giỏi, an toàn lần thứ III (04.03.2020)
- Hội thảo khoa học “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi (24.02.2020)
- Công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2019 (31.12.2019)
- Mối nguy hiểm từ chợ vũ khí online (12.12.2019)
- 20 năm tham gia APEC: Từ tầm nhìn chiến lược đến những dấu ấn Việt Nam (09.12.2019)
- Siết chặt quy định về đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe (28.11.2019)