Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Ngày đăng: 17.05.2017

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, cuộc đời, sự nghiệp và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Một trong những cống hiến mà Bác đã để lại cho chúng ta, đó là tư tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ khi bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân Việt Nam mất nước, phải đấu tranh để thoát thân phận nô lệ. Nhiều người yêu nước Việt Nam đã thử nghiệm rất nhiều con đường cứu nước khác nhau, nhưng không thành công. Cuối cùng, Nguyễn Ái Quốc mới tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam - đó là giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Điều làm Bác trăn trở không phải là vấn đề dân tộc nói chung mà là vấn đề dân tộc thuộc địa. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, một nước thuộc địa ở phương Đông, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã xây dựng một hệ thống luận điểm về cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa vượt xa nhận thức của những nhà yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ và đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là luận điểm về bản chất của chế độ thực dân, một chế độ tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu; luận điểm về mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và cách mạng vô sản ở “chính quốc” nhưng không phụ thuộc cách mạng “chính quốc”, mà nó có khả năng giành thắng lợi trước bằng cách “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” và tác động tích cực trở cách mạng vô sản “chính quốc”; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu của cách mạng, phải được tập hợp rộng rãi trong Mặt trận dân tộc thống nhất;cách mạng muốn thắng lợi phải có một đảng lãnh đạo, Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt; chủ nghĩa chân chính nhất, chắn chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, hệ thống lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh được hình thành từ những năm 1920, tiếp tục phát triển và hoàn thiện ở các giai đoạn sau, được truyền bá vào Việt Nam, đáp ứng khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam mà trước hết là đội ngũ thanh niên, trí thức yêu nước. Giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, đường lối đó ngày càng được làm sáng tỏ thêm. Đó là quá trình xác định con đường cách mạng Việt Nam gồm ba giai đoạn có phần đan xen nhau: giải phóng dân tộc - dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cách mạng Việt Nam đã có sự gắn bó mật thiết giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội mang lại nội dung thời đại cho độc lập dân tộc, làm cho độc lập dân tộc đầy đủ, triệt để và có hiệu quả nhất. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Luận điểm này là sự thể hiện mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sau này được Người đúc kết lại trong khẩu hiệu nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Ngay sau ngày độc lập, với chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc, chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm, có thể coi đây là đường lối, chương trình độc lập dân tộc gắn liền với lý tưởng xã hội chủ nghĩa một cách thiết thực, ngắn gọn, vừa tầm nhận thức của dân tộc và được mọi thành phần dân tộc ủng hộ. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình,Người đã khẳng định: công cuộc giải phóng dân tộc chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản. Đầu năm 1923, Người đã viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, tự do, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc...”. Trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, từ chủ nghĩa yêu nước mà Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp chủ nghĩa Mác Lênin, tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III. Rồi từng bước một, Người đi đến kết luận: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc và áp bức và những người lao động trên thế giới”. Điểm đặt biệt trong tư duy của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là Người tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ phương diện đạo đức học. Đây là một sự bổ sung quan trọng, cho phép hình dung diện mạo xã hội xã hội chủ nghĩa một cách phong phú hơn, nhiều chiều cạnh hơn của nó. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là đối lập với chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là đối lập với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Người viết: “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”. Những cách tiếp cận đó cho thấy mục tiêu chủ nghĩa xã hội Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh vừa mang tính nguyên lý vừa phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, phản ánh quy luật của cách mạng Việt Nam. Đó cũng chính là triết lý Hồ Chí Minh về phát triển xã hội Việt Nam: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, một nước vốn là thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới những trở lực kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã chỉ ra việc dọn dẹp, giữ gìn, kiến thiết khó hơn việc chống kẻ thù đòi độc lập; “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”. Từ đó, tư duy xuyên suốt của Hồ Chí Minh đến tận cuối đời là bần cùng, lạc hậu, cũ kỹ cũng là kẻ địch. Chống loại giặc này là công việc rất to lớn, nặng nề và phức tạp; một cuộc chiến đấu khổng lồ, vì công việc nhiều, lại chưa có tiền lệ trong lịch sử; tài năng chúng ta kém, kinh nghiệm chúng ta ít. Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra các nguy cơ, khó khăn, thử thách trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà chúng ta phải vượt qua. Đó là chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí, quan liêu, chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết, chủ quan, bảo thủ, giáo điều... Để xây dựng đất nước “đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh” Hồ Chí Minh rất thận trọng trong bước đi, phương thức, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người xác định thời kỳ ở Việt Nam là một thời kỳ lịch sử lâu dài, đầy khó khăn. Đó làmột thời kỳ phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Về những biện pháp, cách làm, bước đi tới chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh cũng để lại cho chúng ta những chỉ dẫn thiết thực, quý báu, rất bổ ích. Theo Người, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải làm dần dần, làm từ từ, từng bước một sao cho thiết thực, chắc chắn. Không làm bừa, làm ẩu, không phô trương, hình thức, phải đảm bảo phát triển sức dân đi liền với tiết kiệm sức dân. Ý tưởng này thể hiện rất sâu xa triết lý Hồ Chí Minh – một triết lý thân dân, trọng dân, thương dân, vì dân, nói lên chiều sâu trong văn hóa dân chủ của Người. Hồ Chí Minh cũng chú ý bồi dưỡng những nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, như sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vai trò tổ chức, quản lý của Nhà nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời học tập có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, kết hợp nội lực với ngoại lực, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… Về giá trị thời đại trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội nói riêng đã được nhiều chính khách, học giả đánh giá rất cao. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu trong Hội nghị quốc tế “Hồ Chí Minh – Việt Nam – Hòa bình thế giới” năm 1991 tại Ấn Độ: “Nhưng trong mọi biến đổi cũng có một số điều quan trọng không hề thay đổi. Đó là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do, dân chủ và công bằng xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho những lý tưởng đó”. Nhà thơ Rô-mét Chan-đra, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới đánh giá ảnh hưởng to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh với thời đại đã viết: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đang soi sáng và chỉ dẫn cho chúng ta trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, cổ vũ nhân dân lao động các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội. Thành tựu của hơn 30 năm đổi mới có nhiều nguyên nhân, trong đó bài học quan trọng hàng đầu là công cuộc đổi mới được tiến hành trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đưa tới những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, chứa đựng giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong thời đại ngày nay.

Tác giả: Nguyễn Quốc Duy

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 33
  • Tuần: 337
  • Tháng: 141
  • Tổng: 1100200