Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên

Ngày đăng: 22.05.2021

 

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích của chế độ thực dân. Ngày 30/8/1945 Vua Bảo Ðại thoái vị. Ngày 02/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Chính phủ lâm thời long trọng tuyên bố Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập. Tưởng như không còn lý do gì để không tin rằng chính quyền cách mạng đã được thừa nhận[3], nhưng thực tiễn lại chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận[4].

Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rằng, tổng tuyển cử đảm bảo tính hợp pháp, tính chính thống của bộ máy nhà nước. Theo Người: “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân[5]. Vì thế, ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt. Bên trong thì nhân dân tin tưởng thêm vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được[6], “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”[7] , “Chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân. Sau hết cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho nước Việt Nam một Hiến pháp, mới ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân và Chính phủ mới phá tan được hết những nghi ngờ ở trong cũng như ở ngoài với chính quyền nhân dân[8].

Trong những ngày đầu của Nhà nước non trẻ, với nhãn quan chính trị sâu rộng, sắc bén và tri thức thực tiễn sâu sắc về tổ chức chính quyền nhân dân, ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 14-SL về Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội. Sắc lệnh đã ghi nhận quyền chính trị cơ bản, tiến bộ của công dân một nước độc lập “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất quyền công dân và những người trí óc không bình thường[9]. Sắc lệnh là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên về bầu cử, là cơ sở pháp lý, là sự khẳng định các điều kiện chủ quan, khách quan tiến hành cuộc tổng tuyển cử. Tiếp đến là Sắc lệnh số 39, 51, 71 lần lượt được ban hành chuẩn bị cơ sở pháp lý đầy đủ cho cuộc bầu cử.

Cùng với việc chuẩn bị cở sở pháp lý cho Cuộc tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn phải đấu tranh chính trị không khoan nhượng và hết sức khôn khéo với các thế lực chống phá cách mạng, hòng bóp chết chính quyền cách mạng nước ta còn trong trứng nước. Lấy danh nghĩa Đồng minh tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch kéo vào nước ta đến phía Bắc vĩ tuyến 16, núp sau là quân Mỹ và hàng vạn quân đội Anh ở phía Nam vĩ tuyến 16. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Hàng vạn quân Nhật còn lại trên đất nước ta cũng tham gia chống lại chính quyền cách mạng. Trong nước bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách tìm mọi cách chống phá Tổng tuyển cử. Chúng kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nên công tác vận động cử tri yên tâm, tin tưởng đi đến các thùng phiếu bầu cử có ý nghĩa sống còn đối với chính quyền cách mạng.

Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ cho đồng bào: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ đoàn kết[10].

Nhiều tư liệu còn cho biết, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đề nghị tổ chức Tổng tuyển cử, một số người tỏ vẻ lo lắng cuộc Tổng tuyển cử sẽ “không có kết quả”, vì e rằng do trình độ nhân dân lúc bấy giờ quá thấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân và khẳng định: nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình. Người tin rằng Tổng tuyển cử nhất định thành công[11]. Theo Người: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ đoàn kết[12]. Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… ngày mai dân ta sẽ lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước… Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do[13].

Ngày 06/01/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cử tri cả nước đã đến các thùng phiếu để thực hiện quyền công dân. Đó thực sự là ngày hội của toàn dân - ngày nhân dân được cầm trên tay lá phiếu bầu ra đại biểu đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, bất chấp sự đe doạ và những hành động phá hoại, có nơi hòm phiếu phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tránh sự khủng bố của kẻ thù. Nhiều hình ảnh cảm động đã diễn ra trong ngày bầu cử, Ban tổ chức đưa hòm phiếu đến bệnh viện để phục vụ cử tri, có cụ già mù loà đã bảo con cháu đưa đi bầu cử. Qua muôn trùng khó khăn để đi đến ngày bầu cử trong sự sôi động, phấn khởi, hân hoan của nhân dân cả nước, đánh bại mọi âm mưu phá hoại tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, vượt qua bom đạn ác liệt[14] để thực hiện quyền tự do dân chủ, cuộc Tổng tuyên cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã thành công. Kết quả là có 89% cử tri đi bầu cử, bầu được 333 đại biểu từ 3 miền Bắc Trung Nam đại diện cho sức mạnh của toàn dân tộc. 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng, 10 đại biểu là nữ, 34 đại biểu dân tộc thiểu số[15]. Qua đó còn cho thấy, tổng tuyển cử không chỉ là niềm khát vọng của nhân dân mà thực sự là cuộc đấu tranh chính trị khốc liệt, một mất một còn của chính quyền cách mạng non trẻ; là việc khẳng định tính pháp lý của một Nhà nước thực sự độc lập với thế giới, là quyền tự quyết của một dân tộc độc lập. Bầu cử quốc hội chính là thành quả đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, hy sinh của bao thế hệ người Việt Nam. Việc tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử đầu tiên không chỉ là yêu cầu của tình thế cách mạng mà còn là mệnh lệnh trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam, là sự khởi đầu mạnh mẽ của phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Trong một nhà nước dân chủ, quyền lực thuộc về nhân dân thì nhân dân phải là chủ thể thiết chế bộ máy nhà nước và trên hết, phải là chủ thể quản lý xã hội; và phương thức cơ bản thiết lập bộ máy nhà nước phải là con đường bầu cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra[16], “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình[17].

Trong ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, hình ảnh kính yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang dõi theo hành trình đi đến thắng lợi của cuộc bầu cử.

 

----------------------------------------------------

[3] Xem: Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, Phần II, Nxb. Lao động, Hà Nội, năm 1997, tr.102.

[4] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr.27.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr.351

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 133

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 133

[8] Báo Cứu quốc, Số ra ngày 24/11/1945

[9] Thiên Điểu, 5 sắc lệnh về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta, https://tuoitre.vn/5-sac-lenh-ve-cuoc-tong-tuyen-cu-dau-tien-cua-nuoc-ta-20210105165428193.htm, cập nhật ngày 05/01/2021

[10] Xem: Kết quả và ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 tháng 1 năm 1946, https://quochoi.vn/70qhvn/lichsuQHVN/Pages/quoc-dan-dai-hoi-tan-trao.aspx?itemID=30510, cập nhật ngày 30/11/2015

[11] Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ với Quốc hội và bản Hiến pháp đầu tiên của VNDCCH trong Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1997, tr.8.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 351

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 363

[14] Cuộc bầu cử tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ

[15] Phạm Thị Nhung, Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên, http://sqlq1.edu.vn/portal/BT130615-dau_an_cua_chu_tich_ho_chi_minh_voi_tong_tuyen_cu_bau_quoc_hoi_dau_tien.html, cập nhật ngày 20/5/2016

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 698.

[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tr. 219, 220

Tác giả: Trần Ngọc Đức - Dư Hoàng Châu

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN