Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Chỉ một Trái Đất

Ngày đăng: 05.06.2022

      Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2022, Liên Hợp quốc đã chọn chủ đề “Chỉ một trái đất” (Only One Earth) nhằm truyền tải thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; kêu gọi tất cả mọi người quyết tâm hành động để bảo vệ ngôi nhà chung cho con người và muôn loài.
      Trái đất - hành tinh xanh là ngôi nhà chung của chúng ta và muôn loài. Ta tưởng rằng Trái đất này to lớn nhưng nó chỉ như một hạt cát trong vũ trụ. Cuộc sống của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường, thiên nhiên trên Trái đất, từ không khí cho đến nước uống; từ lương thực cho đến nhà cửa... Vậy mà chúng ta - một loài động vật thông minh nhất trên hành tinh, phát triển qua bao thời kỳ và xây dựng nên nền văn minh như hiện nay đã và đang đối xử với ngôi nhà của mình như thế nào?

 

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới 05/6/2022

 

      Theo Báo cáo đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái năm 2019, hơn 1 triệu loài động, thực vật trong số khoảng 8 triệu sinh vật trên thế giới đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng mà thủ phạm không ai khác là con người(1); mỗi năm con người thải ra hơn 3 trăm triệu tấn rác thải nhựa; khoảng 4 trăm triệu tấn kim loại nặng, rác thải độc hại và các loại rác thải khác ra các đại dương. Báo cáo Dự án giám sát rừng toàn cầu năm 2021 cũng cho biết, hơn 43 triệu ha rừng đã biến mất chỉ trong một thập kỷ qua và đây chỉ là số liệu ghi nhận ở một số điểm nóng chặt phá rừng, như vậy trung bình cứ mỗi phút, thế giới lại mất đi diện tích rừng tương đương 10 sân bóng đá(2).
      Trái đất đang bị tàn phá một cách nghiêm trọng và đang trong tình trạng báo động, nhiệt độ trái đất ngày càng tăng cao, băng tan ở hai cực, mực nước biển dâng, bão lũ, hạn hán, cháy rừng, suy giảm đa dạng sinh học... tất cả đều là tiếng kêu cứu thảm thiết của Trái đất. Mà nếu chúng ta không lắng nghe và cùng nhau hành động ngay hôm nay thì trong tương lai không xa Trái đất của chúng ta sẽ không còn là “hành tinh xanh”. Phát biểu tại Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Lễ phát động ngày Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới 2022, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong khi con người mải miết tìm kiếm một nơi nào khác có sự sống trong vụ trụ bao la thì theo tính toán, đến năm 2050, có nghĩa là chưa đầy 30 năm nữa, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay cộng thêm sự gia tăng dân số thế giới có thể đạt 9,6 tỷ người, sẽ cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại(3). Như vậy nếu không có Trái đất này thì con người và các sinh vật khác sẽ sinh sống ở đâu?
      Ngày Môi trường thế giới là sự kiện thường niên lớn nhất về môi trường được Liên Hợp quốc khởi xướng tổ chức lần đầu tiên vào ngày 5/6/1972. Việt Nam đã tham gia hưởng ứng Ngày môi trường thế giới từ năm 1982. Ngày Môi trường thế giới năm nay là cơ hội để Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì Trái đất. Năm 2022 cũng là năm có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực. Đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

 

Sinh viên Trường Đại học CSND phân loại rác thải nhựa


Trường Đại học CSND là cơ sở đào tạo lực lượng vũ trang, sinh viên học tập, ăn ở tập trung, vì vậy tuyên truyền, vận động mọi người bảo vệ môi trường làm việc, học tập xanh – sạch – đẹp là nội dung được Đảng ủy – Ban Giám hiệu Nhà trường đặc biệt chú trọng. Bên cạnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên trên trang thông tin điện tử, các khu vực công cộng; Nhà trường còn phát động, duy trì các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, phong trào ngày không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; tổ chức tốt hoạt động phân loại rác tại nguồn, thu gom sản phẩm thải bỏ, đặc biệt là chất thải nhựa và chất thải rắn khó phân hủy khác; Thường xuyên kiểm tra, vận hành 24/24h trạm xử lý nước thải của Nhà trường.. Đặc biệt, đã có nhiều công trình thanh niên gắn với bảo vệ môi trường được các lớp học nghiên cứu, đăng ký thực hiện và phát huy hiệu quả trong thực tiễn…

 

--‐-----------------------------

  (1) Nền tảng liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES), Báo cáo đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái năm 2019.
  (2) Dự án giám sát rừng toàn cầu (GFW), Báo cáo giám sát rừng toàn cầu năm 2021.
  (3) Trần Hồng Hà - Bộ Trưởng Bộ TN&MT, Bài phát biểu Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Lễ phát động ngày Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới 2022.

 

Tác giả: Thanh Phong

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 38
  • Tuần: 326
  • Tháng: 826
  • Tổng: 1100200