Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên Trường Đại học CSND rèn luyện phẩm chất, đạo đức th

Ngày đăng: 29.11.2016

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam mà còn là một người thầy, một nhà giáo vĩ đại. Người đã giành cả cuộc đời để giáo dục, đào tạo biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ ưu tú cho đất nước. Những giá trị tư tưởng của Người để lại trên nhiều lĩnh vực còn nguyên vẹn cho đến ngày nay, trong đó phải kể đến tư tưởng về việc xây dựng phẩm chất đạo đức của người làm nghề “thầy giáo”. Đó cũng chính là những tư tưởng cần được nghiên cứu, quán triệt một cách sâu sắc để vận dụng vào thực tiễn xây dựng phẩm chất đạo đức của người “thầy giáo” tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân trong thời kỳ mới. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và đề cao giá trị của người thầy giáo, Người từng nói: “Nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”#_ftn1 [1]. Theo quan điểm của Người vai trò của người thầy giáo có ý nghĩa rất lớn đến chất lượng công tác giáo dục đào tạo các thế hệ tương lai cho đất nước, do vậy người thầy giáo phải có những phẩm chất đạo đức chuẩn mực, gương mẫu. Từ những bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các diễn đàn khác nhau có thể thấy tư tưởng của Người về phẩm chất đạo đức đối với người thầy giáo được khái quát thành những luận điểm cơ bản sau: Thứ nhất, phẩm chất quan trọng hàng đầu của người thầy giáo đó là phục vụ Tổ quốc gắn liền với phục vụ nhân dân. Thầy giáo cũng là một công dân, một người con của Tổ quốc, được sống, học tập và làm việc trong một đất nước Việt Nam độc lập, nên trước hết phải làm tròn trách nhiệm của người công dân là phục vụ Tổ quốc. Bên cạnh đó, nghề thầy giáo là nghề truyền đạt kiến thức cho học trò, đào tạo, định hướng lý tưởng, con đường phát triển của học trò qua từng bậc học, chính vì vậy lại càng phải nêu cao trách nhiệm phục vụ Tổ quốc và phục vụ nhân dân. Phẩm chất đạo đức này được đề cập trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Người. Tại buổi nói chuyện với thầy giáo, cô giáo lớp nghiên cứu chính trị khóa 1, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người căn dặn: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”#_ftn2 [2]. Thứ hai, phẩm chất cần có của người thầy giáo là luôn kính trọng, lễ phép với nhân dân, tin vào sức mạnh của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt nhân dân ở vị trí cao nhất, trân trọng nhất “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”#_ftn3 [3]. Theo Người thầy giáo, cô giáo phải luôn tin tưởng sức mạnh to lớn của nhân dân và phải học tập quần chúng nhân dân “không học nhân dân là một thiếu sót lớn”#_ftn4 [4]. Người thầy giáo phải nhận thức sâu sắc về vấn đề này nhằm phát huy tốt nhất vai trò của mình trong sự nghiệp giáo dục đào tạo. Thứ ba, người thầy giáo phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là những phẩm chất không thể thiếu được đối với người cán bộ cách mạng nói chung và người làm nghề “thầy giáo” nói riêng. Biểu hiện rõ nhất của phẩm chất này là dù khó khăn gian khổ đến đâu người thầy giáo cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt. Theo Người sự nghiệp trồng người không chỉ có những con đường bằng phẳng mà đó còn là những chông gai phải vượt qua. Vì vậy, không chỉ có quyết tâm, sự hy sinh mà phải có kế hoạch, biết tổ chức, có phương pháp làm việc khoa học mới hoàn thành được nhiệm vụ. Người thầy giáo phải là tấm gương sáng về rèn luyện đạo đức và tự học, đánh giá kết quả của người học phải khách quan, công bằng, không thiên vị, không tư lợi. Thứ tư, phẩm chất của người thầy giáo còn phải thể hiện ở tình yêu thương học trò và yêu nghề. Đối với người làm nghề nhà giáo, phẩm chất đạo đức thương yêu học trò và yêu nghề có mối quan hệ mật thiết, tác động hỗ trợ nhau. Thương yêu học trò sẽ dẫn đến yêu nghề và ngược lại, yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu. Lòng yêu nghề cũng là điểm xuất phát để hình thành nên những thế hệ học trò giỏi, góp phần tích cực để xây dựng đất nước giàu mạnh. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy giáo phải quan tâm, săn sóc học trò với tình cảm sâu nặng như ruột thịt, song cách thể hiện phải phù hợp với từng lứa tuổi và cấp học. Ở bậc mẫu giáo và tiểu học, người thầy phải dành cho học trò một tình thương đặc biệt như tình cảm của cha mẹ với các con. Người căn dặn: Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thì trước hết phải yêu trẻ, hay “phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình”#_ftn5 [5]. Thứ năm, người thầy giáo phải luôn nêu cao tinh thần đoàn kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết thống nhất “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” và Người coi đây là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người đã từng là một người thầy nên hiểu rất rõ giá trị của sự đoàn kết trong môi trường sư phạm. Đoàn kết sẽ tạo ra bầu không khí vui vẻ thoải mái, kích thích sự khám phá, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu; đồng thời sẽ tạo ra môi trường thi đua lành mạnh, phát huy được khả năng của cá nhân và sức mạnh của tập thể, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Chính vì vậy, Người luôn giáo dục tinh thần đoàn kết trong đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Thứ sáu, người thầy giáo phải luôn gương mẫu đề học trò noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu”#_ftn6 [6]. Người thầy gương mẫu tức là đang có ý thức tự hoàn thiện mình. Người thầy dạy học trò về phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thương yêu lẫn nhau; đoàn kết nội bộ; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho nên gương mẫu cũng chính là con đường xây dựng phẩm chất đạo đức cho mình. Ngoài ra người thầy giáo phải coi tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức là việc thường xuyên và suốt đời. Theo Hồ Chí Minh, bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn thì ở trong mỗi con người ai cũng có điểm hay điểm dở, có cái thiện có cái ác. Hai mặt này luôn luôn mâu thuẫn và đấu tranh lẫn nhau. Có người do không phân biệt được nên ở trong hoàn cảnh này thì tốt, nhưng sang hoàn cảnh khác thì lại rơi vào chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa, biến chất. Do đó, Người căn dặn người cách mạng nói chung, người thầy giáo nói riêng phải coi việc tu dưỡng về phẩm chất đạo đức phải là việc làm thường xuyên suốt đời, kiên trì bền bỉ, không được chủ quan, tự mãn. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người thầy giáo phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong mối quan hệ đồng nghiệp, học trò, cha mẹ học trò, các tổ chức đoàn thể... Chỉ có rèn luyện công phu như vậy, người thầy mới có được những phẩm chất tốt đẹp để cho các thế hệ học trò noi theo. Người căn dặn: Phải xây dựng "quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ, giữa thầy với thầy, giữa thầy và trò… giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường với nhân dân"#_ftn7 [7]. Có thể thấy rằng, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ chí Minh về phẩm chất đạo đức đối với người thầy giáo đã được kiểm nghiệm bằng thực tiễn cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt khi đất nước đang trên đường hội nhập quốc tế, nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển thì vai trò của người thầy giáo càng quan trọng và cùng với nó là yêu cầu đặt ra cho người thầy cũng ngày càng cao hơn. Qua quá trình hơn 40 năm phát triển và trưởng thành người “thầy giáo” của Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đã và đang hoàn thiện đạo đức của mình để trở thành những người thầy tốt, có trách nhiệm với công việc, với Ngành và với Tổ quốc. Những người thầy đi trước dìu dắt, truyền kinh nghiệm cho những thề hệ đi sau tiếp bước. Từ những tinh hoa của tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất đạo đức của người thầy giáo, thời gian qua đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đã không ngừng học tập, rèn luyện để hoàn thiện mình. Tính đến tháng 10/2016 đội ngũ thầy gao của Nhà trường đã có 46 Tiến sĩ, 208 Thạc sĩ và 231 Cử nhân. Về chức danh giảng dạy, Nhà trường có 01 Giáo sư, 07 Phó giáo sư, 83 Giảng viên chính, 108 Giảng viên, 07 Huấn luyện viên và 06 Huấn luyện viên chính. Đây là thành quả phấn đấu miệt mài không ngừng của các lớp thầy, cô giáo. Năm 2013 có 09 đồng chí tham gia dự thi “Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ các trường học viện, đại học, cao đẳng, trung cấp CAND” trong đó Nhà trường đạt giải ba toàn đoàn và bao gồm 01 giải nhì theo lĩnh dự thi nghiệp vụ, 01 giải ba theo lĩnh dự thi pháp luật, về giải cá nhân có 02 giải nhất, 03 giải nhì và 02 giải ba. Năm học 2013 - 2014, qua công tác phân loại cán bộ hàng năm Nhà trường có tổng số 261 “thầy giáo” tham gia công tác giảng dạy và quản lý giáo dục trong đó có 23 “thầy giáo” đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, 181 “thầy giáo” đạt danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, 57 “thầy giáo” đạt danh hiệu “Hoàn thành nhiệm vụ”.#_ftn8 [8] Năm học 2014-2015, Nhà trường có tổng số 272 “thầy giáo”, trong đó 45 “thầy giáo” đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, 178 “thầy giáo” đạt danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, 49 “thầy giáo” đạt danh hiệu “Hoàn thành nhiệm vụ”. #_ftn9 [9] Năm học 2015-2016, Nhà trường có tổng số 269 “thầy giáo”, trong đó 44 “thầy giáo” đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, 184 “thầy giáo” đạt danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, 41 “thầy giáo” đạt danh hiệu “Hoàn thành nhiệm vụ”.#_ftn10 [10] Có 07 đồng chí tham gia dự thi “Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ các trường học viện, đại học, cao đẳng, trung cấp CAND”, trong đó Nhà trường đạt giải ba toàn đoàn và bao gồm 02 giải nhì theo lĩnh vực dự thi, về giải cá nhân có 04 giải nhì và 04 giải ba. Trong giai đoạn từ 2013 đến 2016 về thành tích thi đua qua các năm học, các thầy cô giáo đều hoàn thành nhiệm vụ được giao trở lên. Có 03 đồng chí đạt danh hiệu “Giảng viên trẻ tiêu biểu” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng giai đoạn từ 2013-2015. Từ năm 2013 đến nay, qua phân loại công tác cán bộ hàng năm không có đồng chí nào bị xử lý kỷ luật về đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng xấu đến hình tượng người “thầy giáo” của Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Đó chính là những minh chứng cụ thể nhất cho việc tích cực xây dựng phẩm chất đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh của đội ngũ “thầy giáo” của Trường. Tuy nhiên, bên cạnh đại đa số những “thầy giáo” luôn tích cực phấn đấu để hoàn thiện bản thân, vẫn đây đó một số ít cán bộ, giảng viên thiếu sự phấn đấu thường xuyên, còn tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” chưa tập trung nghiên cứu, chưa chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc, chưa tích cực trong các phong trào của Nhà trường. Đây cũng là vấn đề cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách thẳng thắn để có biện pháp chấn chỉnh trong thời gian tới. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng phẩm chất đạo đức người thầy giáo Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cấp tiếp tục thực hiện tốt những vấn đề sau đây: Một là, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân. Yêu cầu này phải là yêu cầu tất yếu đối với mỗi người “thầy giáo” của Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Người “thầy giáo” không chỉ là một nhà giáo mà còn là một cán bộ Cảnh sát nhân dân. Mọi hành động, việc làm đều phải tuân thủ pháp luật, thực hiện công việc dựa vào lợi ích của nhân dân mà trực tiếp ở đây là đội ngũ sinh viên các bậc học, hệ học. Những người được đào tạo sau khi ra trường sẽ tiếp tục thực hiện công tác phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Hai là, không ngừng rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng. Việc rèn luyện đạo đức cách mạng là sự rèn luyện suốt đời. Bất cứ ở đâu, làm gì người “thầy giáo” cũng phải luôn tâm niệm xây dựng cho mình một đạo đức tốt, luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm tiền đề cho mọi hành động. Hiện nay việc nhiều cán bộ, đảng viên bị xói mòn tư tưởng, bị các đối tượng thù địch lôi kéo, mua chuộc dẫn tới có những lời nói, hành động chống lại Đảng, Nhà nước, xuyên tạc chế độ gây bất bình, lo lắng trong nhân dân. Vì vậy, là người “thầy giáo” Cảnh sát nhân dân cần phải thực hiện tốt việc thường xuyên rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng để phục vụ tốt công tác chuyên môn cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ba là, sống gương mẫu, chuẩn mực, đúng nghĩa của một “thầy giáo” Công an trong thời kỳ mới. Với trọng trách của một người “thầy giáo” Công an nhân dân, người mang lại những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, chuyên sâu cho sinh viên Đại học Cảnh sát. Do đó, lối sống, tư cách của người thầy ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tư duy của sinh viên. Nhất là những lứa sinh viên chính quy, các em luôn xem những người thầy, người cô của mình là những biểu tượng của sự gương mẫu, chuẩn mực về đạo đức. Chính vì vậy người “thầy giáo” Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cần phải luôn có lối sống lành mạnh, gương mẫu trong việc chấp hành nghiêm điều lệnh nội vụ, điều lệnh Công an nhân dân. Bên cạnh đó cần phải nói không với các hoạt động nhậu nhẹt bê tha, say xỉn tại quán xá làm ảnh hưởng đến uy tín của bản thân, uy tín của Nhà trường. Bốn là, thường xuyên xây dựng, trau dồi kiến thức chuyên môn. Kiến thức chuyên môn là linh hồn của mỗi người thầy giáo. Người thầy có kiến thức chuyên môn tốt, phù hợp với thực tiễn sẽ là tiền đề để hình thành những người cán bộ Cảnh sát nhân dân tốt trong tương lai. Khi truyền đạt những kiến thức chuyên ngành hay kiến thức cơ bản cho sinh viên, “thầy giáo” cần đưa ra những thông tin đúng đắn, cụ thể, mang tính thời sự và tính ứng dụng cao. Bên cạnh đó, kỷ năng sư phạm của người thầy cũng phải được luyện tập, đổi mới thường xuyên. Bởi vì nếu có kiến thức giỏi nhưng khả năng truyền đạt không tốt hoặc không đặt toàn tâm toàn ý vào bài giảng của mình thì không thể làm sinh viên hiểu và ứng dụng triệt để. Ngoài ra, “thầy giáo” phải thường xuyên thực hiện công tác thực tế tại địa phương, nhất là những địa bàn trọng điểm trong lĩnh vực an ninh, trật tự. Thực tế công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm luôn thay đổi theo thời gian, cần phải được cập nhật thường xuyên để đưa vào bài giảng. Do vậy, ngoài nhiệm vụ luân chuyển về địa phương theo quy định, hàng năm đội ngũ làm công tác giảng dạy nghiệp vụ cần thực hiện tốt thời gian đi nghiên cứu thực tế và coi đó là điều kiện tốt để người thầy cập nhật kiến thức thực tiễn từ đó tạo ra những bài giảng có chất lượng. Năm là, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học là một phần quan trọng trong công việc của người làm nghề “thầy giáo”ở bậc đại học nói chung và giảng viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân nói riêng. Nghiên cứu khoa học không chỉ giúp đội ngũ giảng viên phát triển chuyên sâu những lĩnh vực khoa học mà còn giúp cho hệ thống nguồn tài liệu của Nhà trường trở nên phong phú, đa dạng, đáp ứng yêu cầu cho nhiều đối tượng tra cứu. Để thực hiện được điều đó, mỗi một giảng viên cần xây dựng lộ trình theo từng năm học hoặc từng nhóm năm học một cách hợp lý để triễn khai thực hiện. Ngoài ra, còn phải thường xuyên, tích cực trao đổi, học hỏi những người có kinh nghiệm đi trước để trau dồi kỷ năng nghiên cứu khoa học của mình. Sáu là, hết lòng vì chất lượng học tập của sinh viên. Học tập, rèn luyện là hai nhiệm vụ hàng đầu của sinh viên. Chất lượng học tập của sinh viên phụ thuộc rất lớn vào sự nhiệt tình, lòng nhiệt huyết của người thầy. Sinh viên bao gồm nhiều hệ học khác nhau, đó có thể là sinh viên hệ chính quy, có thể là sinh viên hệ liên thông hoặc hệ vừa làm vừa học. Tuỳ vào từng hệ học mà người “thầy giáo” có cách thức truyền đạt khác nhau. Bên cạnh những kiến thức chính của bài học, người thầy cần phải thường xuyên nhắc cho sinh viên về việc rèn luyện theo tư tưởng đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng người bản lĩnh người Công an nhân dân trong thời kỳ mới. Bảy là, có ý thức xây dựng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân trong sạch, vững mạnh, xứng tầm là trường đào tạo Cảnh sát của khu vực phía Nam. Để tạo ra được môi trường làm việc tốt, phục vụ có hiệu quả hoạt động dạy và học, vấn đề xây dựng Nhà trường trong sạch vững mạnh là một yêu cầu tiên quyết. Mỗi người đều là một nhân tố tạo nên tập thể phát triển mạnh mẽ, bằng kiến thức, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của mình, đội ngũ “thầy giáo” cần tích cực đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Tích cực tham gia các cuộc thi giảng viên dạy giỏi cấp bộ, tham gia thực hiện các công trình, đề tài khoa học cấp bộ nhằm tăng cường uy tín của Nhà trường trong và ngoài Ngành. Bên cạnh đó, mỗi lời nói, hành động hay sự tích cực, năng động trong hoạt động giảng dạy của đội ngũ “thầy giáo” cũng là những hành động đẹp nhằm xây dựng Nhà trường phát triển. Tóm lại: Trên cơ sở những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất đạo đức người thầy giáo cách mạng và thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ “thầy giáo” tại Nhà trường những năm vừa qua, đòi hỏi trong thời gian tới vấn đề xây dựng phẩm chất đạo đức của người “thầy giáo” Trường Đại học Cảnh sát nhân dân phải được triễn khai quán triệt sâu sắc đến toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên. Để thực hiện tốt nội dung này, cần phát huy tính tích cực, chủ động của từng cá nhân “thầy giáo” cùng với việc thường xuyên quan tâm, kiểm tra, đôn đốc của các cấp lãnh đạo Nhà trường và đơn vị. Có như vậy, mới thực sự hình thành nên đội ngũ “thầy giáo” ngày càng hoàn thiện với nhân cách tốt, lối sống lành mạnh, phát huy vai trò là người thầy trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ cho các thế hệ sinh viên tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân./. Tài liệu tham khảo 1. Đào Thanh Hải, Minh Tiến (sưu tầm, tuyển chọn) (2005), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Nxb Lao động, Hà Nội, 45. 2. Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 23. 3. Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 34. 4. Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 121. 5. Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 76. 6. Hồ Chí Minh, (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 142. #_ftnref1 [1] Đào Thanh Hải - Minh Tiến (sưu tầm, tuyển chọn) (2005), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Nxb Lao động, Hà Nội. #_ftnref2 [2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội #_ftnref3 [3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội #_ftnref4 [4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. #_ftnref5 [5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội #_ftnref6 [6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. #_ftnref7 [7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. #_ftnref8 [8] Quyết định số 772/QĐ-T48 ngày 30/5/2014 V/v công nhận và khen thưởng tổng kết phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc năm học 2013-2014 #_ftnref9 [9] Quyết định số 757/QĐ-T48 ngày 28/5/2015 V/v công nhận và khen thưởng tổng kết phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc năm học 2014-2015 #_ftnref10 [10] Quyết định số 970/QĐ-T48 ngày 15/6/2016 V/v công nhận và khen thưởng tổng kết phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc năm học 2015-2016

Tác giả: Hồ Đăng Dự - Hoàng Kim Ngọc

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN