Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Cải tiến, nâng cao hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tại trường Đại học Cảnh sát nhân dân

Ngày đăng: 14.03.2022

 

Trong xu thế hội nhập và phát triển của giáo dục đại học trên thế giới, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (tên tiếng Anh: Internal Quality Assurnace - IQA) đã được nhiều nhà nghiên cứu giáo dục đề cập và các tổ chức kiểm định khuyến nghị các trường triển khai thực hiện. Tại nước ta, Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học được ban hành tại Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ GD&ĐT đã dành tiêu chuẩn 9 quy định về hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong gồm có 6 tiêu chí cụ thể. Xét về quan điểm chung khi đề cập về hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, chúng tôi nhận thấy hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về cách tiếp cận, điển hình như theo Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network: AUN) thì đảm bảo chất lượng bên trong là “tổng thể các hệ thống, nguồn lực và thông tin dành cho việc thiết lập, duy trì và cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn của hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Đó là một hệ thống mà dưới sự tác động của nó, các nhà quản lý và nhân viên hài lòng với cơ chế kiểm soát đang hoạt động để duy trì và nâng cao chất lượng trong giáo dục đại học[1]”; còn theo Martin và Stella (2007), đảm bảo chất lượng bên trong là “các chính sách và cơ chế được thực hiện trong trường đại học hoặc chương trình đào tạo để đảm bảo rằng nó được thực hiện các mục đích riêng của mình và đáp ứng các tiêu chuẩn áp dụng cho giáo dục đại học nói chung hoặc các tiêu chuẩn nghề nghiệp[2]”. Mặc dù có điểm khác nhau nhưng các quan điểm đều xem đảm bảo chất lượng bên trong là một hệ thống được sắp xếp, thiết kế triển khai một cách thống nhất, có chiến lược cụ thể nhằm hướng đến đạt chất lượng, sứ mạng, mục tiêu, tầm nhìn mà cơ sở giáo dục đó đề ra.

Trường Đại học CSND nói riêng và các trường trong CAND nói chung đang triển khai tự đánh giá và thực hiện kiến nghị của đoàn đánh giá ngoài đối với Tiêu chuẩn 9. Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, có thể nói đây là lần đầu tiên các trường đại học, học viện trong CAND tiếp cận và triển khai quan điểm mới này trong quản trị chất lượng. Kết quả triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong vừa qua sẽ là cơ sở thực tiễn, bài học quý giá để các trường đề ra chiến lược, kế hoạch nhằm duy trì và cải tiến chất lượng giáo dục, đào tạo trong thời gian tới.

1. Thực trạng triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (Chu kỳ 2014-2019)

- Về thiết lập cơ cấu, vai trò và trách nhiệm giải trình của hệ thống đảm bảo chất lượng (ĐBCL) bên trong để đáp ứng các mục tiêu chiến lược và đảm bảo chất lượng, Trường Đại học CSND đã thiết lập, xây dựng hệ thống ĐBCL bên trong với vai trò chuyên trách của Phòng KT&ĐBCLĐT. Phòng KT&ĐBCLĐT của Trường Đại học CSND được thành lập vào ngày 20/5/2013 theo Quyết định số 3535/QĐ-X11-X12 ngày 22/04/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, đến nay Bộ Công an đã 2 lần ban hành quyết định thay đổi chức năng, nhiệm vụ của Phòng KT&ĐBCLĐT vào các năm 2016, 2020. Mặc dù lúc mới thành lập chỉ có 7 lãnh đạo, cán bộ nhưng hiện nay biên chế của Phòng KT&ĐBCLĐT là 14 người bao gồm 01 Trưởng phòng, 02 Phó Trưởng phòng và 11 cán bộ được bố trí công tác chuyên sâu tại 02 bộ phận là khảo thí (06 người) và đảm bảo chất lượng đào tạo (05 người)[3].

Ngoài bộ phận chuyên trách ĐBCL thuộc Phòng KT&ĐBCLĐT, tất cả 26/26 đơn vị trực thuộc trường đều cử cán bộ, lãnh đạo tham gia công tác đảm bảo chất lượng để thực hiện việc tự đánh giá theo các tiêu chí, tiêu chuẩn được phân công, điều này đã tạo thành mạng lưới đảm bảo chất lượng trong toàn trường và là cầu nối với Phòng KT&ĐBCLĐT để trao đổi, cung cấp thông tin, tổ chức thực hiện các yêu cầu về đảm bảo và cải tiến chất lượng hàng năm. Để chỉ đạo và tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện ĐBCL, Nhà trường đã phổ biến đầy đủ và ban hành nhiều quy định, thông báo, hướng dẫn về ĐBCL, điển hình như sao gửi các quy định, hướng dẫn về ĐBCL của cấp trên, Kế hoạch đảm bảo chất lượng đào tạo hàng năm, Quyết định số 2554/QĐ-T48 ngày 28/12/2017 của Hiệu trưởng về việc ban hành Quy định tự đánh giá chất lượng giáo dục tại Trường Đại học CSND, Hướng dẫn số 947/HD-T48 ngày 29/6/2018 về tự đánh giá chất lượng đào tạo tại Trường Đại học CSND.

- Nhằm nâng cao trình độ, kiến thức và đảm bảo tính chuyên sâu về đảm bảo chất lượng, lãnh đạo và cán bộ của Phòng KT&ĐBCLĐT đều được tham gia, hoàn thành và có văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận tham gia nhiều lớp tập huấn, hội thảo hàng năm do Bộ Công an và Bộ GD&ĐT tổ chức, trong đó có 07 người đã hoàn thành chương trình đào tạo kiểm định viên theo chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT. Ngoài lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của Phòng KT&ĐBCLĐT, Nhà trường còn chú ý cử lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của các đơn vị khác tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến công tác đảm bảo chất lượng. Nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về ĐBCL trên cơ sở kinh phí đào tạo, công tác phí được cấp hàng năm và kinh phí từ thành phần Đề án số 5/1229 về nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên[4]. Hàng năm, Nhà trường đều chủ động đề xuất Bộ Công an xét duyệt kinh phí cho hoạt động ĐBCL và đều sử dụng 100% kinh phí hoạt động ĐBCL như kiểm tra, đánh giá chuẩn đầu ra; thẩm định ngân hàng câu hỏi thi; tự đánh giá và phục vụ đánh giá ngoài…

- Để làm cơ sở đo lường và đánh giá kết quả công tác ĐBCL, Nhà trường đã thiết lập hệ thống các chỉ số, chỉ tiêu và yêu cầu cần phải đạt được khi thực hiện từng hoạt động ĐBCL cụ thể. Vào đầu năm học, Nhà trường phổ biến, triển khai kế hoạch công tác của trường, xác định các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu chính đối với các hoạt động cốt lõi như hoạt động dạy học, quản lý giáo dục sinh viên, biên soạn chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên, khảo thí và đảm bảo chất lượng…, các chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu này sẽ làm cơ sở cho các đơn vị triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ được phân công. Để đo lường, đánh giá kết quả các hoạt động đảm bảo chất lượng cụ thể, Nhà trường ban hành các quy định, quy chế và có xác định các chỉ số, yêu cầu về định lượng, định tính, kết quả cần đạt được theo mong đợi cho từng hoạt động cụ thể, như quy định dạy học, dạy giỏi đã xác định các yêu cầu về nội dung, hồ sơ, thời gian, điểm số; quy định về coi thi xác định về đối tượng, thành phần, các quyền và nghĩa vụ của cán bộ coi thi; quy định về chấm thi, biên soạn ngân hàng câu hỏi thi đã xác định rõ chỉ số, yêu cầu về địa điểm, hồ sơ, quy trình, yêu cầu về số lượng, chất lượng của câu hỏi thi; quy định về biên soạn giáo trình, nhiệm vụ khoa học, quy định về tổ chức tự đánh giá….

Kết quả đánh giá ngoài của Bộ Công an đối với tiêu chuẩn 9, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đã xác định Nhà trường đạt tiêu chuẩn kiểm định với tất cả tiêu chí với số điểm 4,0. Ngoài ra, đoàn đánh giá ngoài đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn và kiến nghị biện pháp khắc phục như chưa ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện ĐBCL, kế hoạch ĐBCL còn thiếu một số năm học, giải pháp khắc phục là Nhà trường cần xây dựng hệ thống, sơ đồ ĐBCL bên trong, thành lập các đầu mối thông tin giữa các đơn vị và hoàn thiện hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện ĐBCL để đánh giá, đo lường hiệu quả công tác chuyên môn. Lưu trữ thông tin, tài liệu chủ yếu thực hiện thủ công mà chưa ứng dụng nhiều công nghệ thông tin; chưa có minh chứng về biên bản họp bàn rà soát ĐBCL; giải pháp khắc phục là rà soát chính sách, hệ thống, quy trình và thủ tục ĐBCL ít nhất 02 năm/lần; đa dạng hóa hình thức lưu trữ thông tin, tài liệu để tăng sự tương tác, phản hồi thông tin được rộng rãi.

2. Phương hướng cải tiến, nâng cao chất lượng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tại Trường Đại học CSND thời gian tới

- Xác định quy trình hoạt động đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Đại học CSND

Căn cứ Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học được ban hành tại Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ GD&ĐT và khuyến nghị của Đoàn đánh giá ngoài Bộ Công an, chúng tôi cho rằng Nhà trường nên lựa chọn, áp dụng quy trình chung gồm 04 bước lặp đi lặp lại để đánh giá, cải tiến và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo là quy trình PDCA, trong đó Lập kế hoạch (Plan) - Thực hiện (Do) - Kiểm tra (Check) - Cải tiến (Act). Sơ đồ hoạt động đảm bảo, nâng cao chất lượng được khái quát như sau:

 

Mỗi bước trong quy trình PDCA có nội dung thực hiện và nguồn tài liệu, minh chứng khác nhau, trong đó:

+ Lập kế hoạch phải xác định mục tiêu, đối tượng, nguồn lực, thời gian, địa điểm, biện pháp thực hiện, trách nhiệm cá nhân, đơn vị để đạt kết quả;

+ Giai đoạn thực hiện phải tiến hành các nội dung theo kế hoạch đề ra;

+ Kiểm tra, đánh giá kết quả công việc so với mục tiêu, xác định phương hướng, kế hoạch hành động sắp tới nhằm phát huy điểm mạnh và khắc phục hạn chế, khó khăn;

+ Cải tiến, nâng cao chất lượng nhằm phát huy điểm mạnh và khắc phục hạn chế, khó khăn được xác định trong giai đoạn kiểm tra, đánh giá. Cải tiến, nâng cao chất lượng được triển khai thông qua lập kế hoạch giống như bước đầu tiên nhưng có căn cứ, mục tiêu, kết quả khác với lần lập kế hoạch trước đó.

- Rà soát, cập nhật thường xuyên và xây dựng hệ thống tài liệu, minh chứng đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo bên trong Nhà trường; sắp xếp, mã hóa theo từng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng

Nguồn minh chứng có thể tồn tại dưới các dạng như văn bản pháp luật, Nghị quyết, Thông tư, Chỉ thị, hướng dẫn, công văn, chương trình, kế hoạch, báo cáo quyết định, quy định do cấp trên hoặc Nhà trường ban hành; biểu mẫu báo cáo, thống kê, phiếu tổng hợp, khảo sát, phỏng vấn; hình ảnh, phim minh họa, tài liệu điện tử, website, sơ đồ… có liên quan đến nội hàm tiêu chí. Trong các nguồn minh chứng, các đơn vị chú ý thu thập, bổ sung các minh chứng có đánh dấu * được xác định tại Công văn số 768/QLCL-KĐCLGD ngày 20/4/2018 của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT.

Quá trình thu thập, xử lý, phân tích, đánh giá minh chứng có thể sử dụng một hay một số biện pháp như sau: Nghiên cứu văn bản, hồ sơ; Quan sát; Thảo luận nhóm; Phỏng vấn; Điều tra, khảo sát bằng bảng hỏi; Xử lý, phân tích số liệu bằng phần mềm chuyên dụng như SPSS, Conquest... nhằm xử lý, phân tích số liệu; Thiết lập các biểu mẫu, dữ liệu thống kê.

- Xây dựng bảng phục lục, thống kê những tồn tại, hạn chế theo từng tiêu chí, tiêu chuẩn đã được Đoàn đánh giá ngoài kết luận, khuyến nghị; phân công rõ ràng trách nhiệm từng đơn vị và mốc chuẩn, nguồn minh chứng cần thu thập

Để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách ĐBCL cho Nhà trường thì các đơn vị lập danh sách đại diện lãnh đạo, cán bộ, giảng viên phụ trách và gửi về Phòng KT&ĐBCLĐT để thuận tiện trong trao đổi, tổng hợp thông tin khi thực hiện quy trình hoạt động đảm bảo, nâng cao chất lượng. Căn cứ quy trình hoạt động đảm bảo, nâng cao chất lượng (PDCA), các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện theo tiêu chí, tiêu chuẩn phụ trách; gửi kế hoạch và kết quả thực hiện về Phòng KT&ĐBCLĐT định kỳ vào ngày 20 hàng tháng. Phòng KT&ĐBCLĐT tổng hợp, báo cáo Ban Giám hiệu và đưa kết quả hoạt động đảm bảo, nâng cao chất lượng vào nội dung báo cáo công tác hàng tháng của Nhà trường. Định kỳ vào ngày 20/5 hàng năm, Phòng KT&ĐBCLĐT xây dựng báo cáo kết quả thực hiện hoạt động đảm bảo, nâng cao chất lượng sau đánh giá ngoài của Nhà trường; gửi Cục Đào tạo (X02) để quản lý theo thẩm quyền.

 

 


[1] Đại học Quốc gia TP. HCM (2017), Hướng dẫn sử dụng bộ tiêu chuẩn AUN-QA cấp cơ sở đào tạo, phiên bản 2.0 (AUN, 2011, p.9)

[2] https://tapchi.ftu.edu.vn/các-số-tạp-chí-ktđn/183-tạp-chí-ktđn-số-110-đến-số-119

[3] Báo cáo tình hình công tác của Phòng KT&ĐBCLĐT năm học 2020-2021

[4] Báo cáo kết quả thực hiện Đề án số 5/1229 từ năm 2018-2019

Tác giả: Trần Bảo Sang

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 6
  • Tuần: 491
  • Tháng: 1844
  • Tổng: 1100200