Song song với sự "bùng nổ" của TMĐT, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng nảy sinh những vấn đề nóng, cấp bách...
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương vừa có những trao đổi với Báo Công Thương về diễn biến mới trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giữa bối cảnh thị trường thương mại điện tử phát triển rất nhanh trong những năm qua.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương
Theo thống kê, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD. Ông nhìn nhận thế nào về tiềm năng phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, thưa ông?
Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng và là công cụ, phương thức kinh doanh quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn, thậm chí là có tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn trong và sau đại dịch.
Thực tế, đà tăng trưởng của ngành thương mại điện tử đã bắt đầu từ trước đại dịch với mức tăng trưởng trung bình 25-28%/năm, song trong giai đoạn 2020-2021 có phần chững lại (16-18%/năm). Tuy nhiên trong năm qua thị trường TMĐT đã có sự tăng trưởng bùng nổ và vươn lên mạnh mẽ.
Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2023, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với 2022, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam 2023 đã đạt gần 61 triệu người và ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm 336 USD/năm. Bên cạnh đó, hạ tầng cho TMĐT như logistics, giao hàng chặng cuối, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, hạ tầng viễn thông, internet và những công nghệ mới, giải pháp mới trong TMĐT đã được triển khai ở Việt Nam.
Mặt khác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT cũng hết sức sôi động và cộng hưởng với sức mua có phần tăng mạnh sau đại dịch giúp cho TMĐT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt. Theo báo cáo của eMarketer, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.
Theo Kế hoạch đề ra tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025; định hướng đến năm 2030, tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ năm 2025 đạt 10%.
Có thể nói mục tiêu đặt ra này còn khá khiêm tốn. Theo nghiên cứu của Statista, tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ trung bình của thế giới là 19,4%. Do vậy, TMĐT Việt Nam sẽ còn nhiều dư địa để phát triển.
Năm 2023, việc chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến đã được Bộ Công Thương triển khai rất tích cực và quyết liệt. Ông có thể thông tin thêm về công tác này của Bộ?
Song hành với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ (NGXX), lợi dụng TMĐT để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm cấm, có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia...
Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Bộ Công Thương đã triển khai và tham mưu cho Chính phủ nhiều hoạt động cụ thể để giảm thiểu vấn nạn này nằm hướng tới việc phát triển TMĐT lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng.
Cụ thể, như trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách và quy định quan trọng liên quan tới TMĐT như: Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử, Nghị định số 17/2022/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về quy định xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT. Các văn bản trên đã góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, tăng cường trách nhiệm các bên, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.
Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, tính đến hết năm 2021, Bộ Công Thương (nòng cốt là Tổng cục Quản lý thị trường, Cục TMĐT và Kinh tế số) đã thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc (bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 20 tỷ đồng.
Năm 2022, thực hiện thanh tra, kiểm tra 784 vụ, xử lý 449 vụ, phạt tiền gần 6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về TMĐT. Trong năm 2023, Bộ Công Thương đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành 14 văn bản yêu cầu các đơn vị là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, website/ứng dụng TMĐT rà soát gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật. Kết quả đã gỡ bỏ 23.359 sản phẩm và chặn 6.254 gian hàng vi phạm.
Bên cạnh vấn đề hàng giả, nhiều đối tượng còn lợi dụng TMĐT để bán các sản phẩm cấm lưu hành, sản phẩm gắn bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia như vụ việc: Đồ chơi có hình “Bản đồ cắm cờ thế giới" có "hình lưỡi bò" của Trung Quốc (thu giữ 30 thùng hàng và 2 bao tải chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ); vụ việc đồng 2 đô la Úc có hình "cờ vàng" (Lazada gỡ bỏ 30 sản phẩm và khóa 8 gian hàng; Sendo gỡ bỏ 6 sản phẩm và khóa 2 gian hàng; Shopee khóa 27 gian hàng và khoảng 700 sản phẩm)...
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế… cung cấp thông tin, rà soát và xử lý hàng trăm website, ứng dụng vi phạm mỗi năm. Chuyển hồ sơ Công an xử lý nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự để làm rõ và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại trên quy mô lớn cho người dân.
Trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo và nâng cao năng lực thực thi pháp luật, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông... đăng tải các thông tin, bài viết bao gồm các hướng dẫn về các quy định mới, các thông báo, yêu cầu rà soát, gỡ bỏ sản phẩm, thông tin cảnh báo tới người tiêu dùng, các bài báo tuyên truyền, phổ biến về hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc nắm bắt và phòng tránh các nguy cơ lừa đảo, đồng thời bảo vệ mình trước thủ đoạn của các đối tượng vi phạm pháp luật.
Hàng năm, Bộ Công Thương cũng chủ trì và phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Sở Công Thương các địa phương tổ chức hơn 20 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm về thương mại điện tử trên các địa bàn, với gần 6.000 cán bộ tham dự. Đây chính là lực lượng nòng cốt giúp công tác đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hiệu quả.
Các hình thức sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Bộ Công Thương đã có những giải pháp nào đang được triển khai để kiểm soát và ngăn chặn vấn nạn này?
Thứ nhất, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Chính phủ, lãnh đạo Bộ ban hành các chính sách, pháp luật và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 17/2022/NĐ-CP và nghị định 85/2021/NĐ-CP để đảm bảo thị trường kinh doanh được minh bạch và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi bổ sung các quy định pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hoạt động TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đồng thời khuyến khích TMĐT Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.
Một số vấn đề Bộ đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi như: Bổ sung các các khái niệm mới phù hợp với quy định tại Luật giao dịch điện tử 2023 và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT.
Phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về TMĐT cho các địa phương trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động TMĐT; tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu nền tảng số/nền tảng số trung gian, người có ảnh hưởng; trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động TMĐT như logistics, ISP, dịch vụ tiếp thị liên kết...
Chính sách quản lý mạng xã hội có hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT; quy định quản lý đối với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam; trách nhiệm quản lý nhà nước về TMĐT...
Thứ hai, tăng cường phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Bộ Công Thương và các Bộ Công An, Bộ Tài chính... về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng cấm để xử lý. Trong đó, cần rà soát theo từ khóa những sản phẩm, vật phẩm bị cấm, các sản phẩm nhạy cảm liên quan tới đường lưỡi bò, cờ ba sọc, các sách báo ấn phẩm, xuất bản phẩm điện tử, film bị cấm... Lập danh sách đề nghị kiểm tra, xử lý theo quy định.
Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong TMĐT cho các cán bộ Quản lý thị trường, Công an, Thanh tra... Đặc biệt, các nội dung liên quan tới quy định pháp luật về TMĐT; kỹ năng xác minh, thu thập chứng cứ và xử lý vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử; kiểm soát thông tin trên các sàn, các website TMĐT; kiểm soát kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội...
Thứ tư, để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu.
Bộ Công Thương sắp tới sẽ tổ chức các hội thảo, hội nghị tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cần tuyên truyền để doanh nghiệp cần hiểu và có trách nhiệm bảo vệ, kiểm soát hàng hóa của mình, cố gắng làm sao xã hội hóa để toàn dân cùng bảo vệ hàng hóa cho mình, doanh nghiệp cần dần bỏ đi suy nghĩ coi công tác chống hàng giả chỉ là của cơ quan chức năng.
Các sàn TMĐT cần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường kiểm soát người bán, chất lượng sản phẩm và đánh giá người bán và đánh giá sản phẩm và công khai thông tin đánh giá để người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn và mua sản phẩm phù hợp.
Về phía người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông minh, không tiếp tay cho hàng giả hàng nhái và phản ánh/tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Tiếp tục thực hiện các Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT”, giải quyết tranh chấp, khiếu nại trực tuyến.
Thứ năm, xây dựng các giải pháp, trang bị công cụ, thiết bị và các hệ cơ sở dữ liệu tập trung các bộ ngành cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các Bộ ngành trong công tác phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng hóa nhập lậu và chống thất thu thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 18/CT-TTg. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới Quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.
Cuối cùng, trên thực tế hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bán trên môi trường mạng mà vẫn được bày bán có phần công khai tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại... TMĐT chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch...
Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Hải quan, Thuế), Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng nhà nước... cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu hoặc đấu tranh phát hiện sớm các hành vi vi phạm liên quan tới các vấn đề gian lận thương mại, trốn thuế...
Do vậy, cần quyết liệt và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tại “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 và Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng Cục Quản lý thị trường phê duyệt Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.
Có thể nói, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nói chung và trên không gian mạng nói riêng, người tiêu dùng phải thực sự là "mắt xích" quan trọng, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa, bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Theo https://moit.gov.vn/
- Nhận diện hoạt động lợi dụng hội nhập kinh tế quốc tế để chống phá Việt Nam (28.11.2019)
- Sinh viên Đại học CSND tham gia Ngày hội tin học Việt Nam và châu Á (27.11.2019)
- Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2018 (22.11.2019)
- Bảo vệ Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới (18.11.2019)
- Tập huấn công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo cho cán bộ, giảng viên các học viện, trườn (10.10.2019)
- Bước chuyển mình của đội ngũ nhà giáo Công an nhân dân trong thời đại 4.0 (24.09.2019)
- Từ 01/01/2020 sẽ ghi âm, ghi hình khi hỏi cung trên cả nước (19.09.2019)
- Công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân trước yêu cầu, nhiệm vụ mới (29.08.2019)
- Phân biệt vi phạm hành chính và tội phạm (08.07.2019)