Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ tại Trường Đại họ

Ngày đăng: 03.02.2021

          Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, khó lường. Mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, tranh giành ảnh hưởng dẫn đến những cuộc khủng bố đẫm máu, xung đột vũ trang… Trong nước, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị núp dưới nhiều danh nghĩa, chiêu bài khác nhau ráo riết thực hiện “diễn biến hòa bình”, âm mưu bạo loạn lật đổ hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta; các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, sử dụng bạo lực, hình thành các băng, ổ nhóm, hoạt động có tổ chức phức tạp, tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, có sự móc nối với một số cán bộ công chức nhà nước, hoạt động lưu động, công khai, trắng trợn, gây tâm lý hoang mang lo sợ trong nhân dân… Đáng nói, những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cộng sản, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giảm sút ý chí chiến đấu ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đang là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong và phát triển của chế độ XHCN. Trước tình hình đó, để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, đòi hỏi Công an nhân dân phải là những chiến sỹ xung kích, có bản lĩnh, nhân văn, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức đến hành động của toàn thể cán bộ chiến sỹ, đặc biệt là cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng phong cách, bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng, tư thế, lễ tiết, tác phong, ứng xử văn hoá, văn minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ chiến sĩ.
          Đối với cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân, phong cách bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ biểu hiện cụ thể như sau:
          Phong cách bản lĩnh
          Phong cách có thể hiểu là những lối, cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của một người hay một loại người nào đó. Còn bản lĩnh là ý chí, dũng khí, chính kiến của mỗi cá nhân để linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, phát triển phù hợp với vai trò, vị thế xã hội của mỗi con người trong điều kiện khách quan thay đổi và giúp cá nhân tự đánh giá, phán xử những hành vi và cách cư xử của mình. Phong cách bản lĩnh Công an nhân dân thể hiện qua các khía cạnh sau:
          - Bản lĩnh trong chính trị: Thể hiện qua lời nói, hành động tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và với nhân dân; vững vàng về tư tưởng, không hoang mang, dao động trước khó khăn, thách thức; kiên quyết lên án, đấu tranh với quan điểm, tư tưởng sai trái, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; đấu tranh tự phê bình và phê bình; không ngừng tìm tòi, sáng tạo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; cương quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và chống chủ nghĩa cá nhân.
          - Bản lĩnh trong công tác, chiến đấu: Luôn có thái độ, hành vi văn minh, lịch sự, khiêm tốn, đúng mực; bình tĩnh lắng nghe, nhiệt tình chia sẻ, tận tình phục vụ, khôn khéo xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến người dân; đấu tranh không khoan nhượng với các loại đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; xử lý công tâm, khách quan, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan, sai, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; bảo vệ cái đúng, cái tốt, đấu tranh với cái xấu, cái sai; không nhũng nhiễu, cố tình gây khó khăn với người dân để vụ lợi, vòi vĩnh; không lợi dụng nghề nghiệp, chức vụ, quyền hạn để trục lợi, trả thù cá nhân; có năng lực, tư duy làm việc năng động, sáng tạo, nhạy bén.
          - Bản lĩnh trong quan hệ và sinh hoạt cộng đồng: Luôn đoàn kết, tương trợ, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; nêu cao ý thức đấu tranh bảo vệ uy tín, danh dự của đồng chí, đồng đội và của tập thể; không đố kỵ, bè cánh, lợi dụng tự phê bình, phê bình, dân chủ nội bộ để vu khống, hạ uy tín, trả thù cá nhân, gây rối nội bộ; không suồng sả trong sinh hoạt tập thể; trong sinh hoạt cộng đồng và nơi cư trú phải luôn gần gũi, tôn trọng, giúp đỡ nhân dân; gương mẫu chấp hành quy tắc cộng đồng, phong tục, tập quán, văn hóa, quy định của địa phương và tham gia các phong trào ở nơi cư trú.
          Phong cách nhân văn, vì nhân dân phục vụ
          Nhân văn là những nét đặc trưng thuộc bản chất của con người kết hợp với tri thức văn hóa, văn minh, thể hiện qua cách suy nghĩ, giao tiếp, lịch sử, truyền thống, tôn giáo; nhận thức đúng đắn về bản thân và niềm tin vào trí tuệ, bản lĩnh, khả năng tự hoàn thiện vươn lên của con người, là một trong những nội dung cơ bản của đạo đức là lòng nhân ái.
          Phong cách Công an nhân dân nhân văn, vì nhân dân phục vụ thể hiện ở tình yêu thương đối với con người; nhân ái, khoan dung, sẻ chia nỗi đau của người khác, sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, xã hội từ thiện; “kính dân”, “trọng dân”, “tự tin”, “gần dân”, lắng nghe, tôn trọng nhân dân; tiếp nhận thông tin, giải quyết công việc nghiêm túc, chu đáo, nhanh chóng, đảm bảo đúng quy trình, quy chế và quy định của pháp luật; không nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho người dân; văn minh, lịch sự, ứng xử đúng mực khi tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; tôn trọng pháp luật, phong tục, tập quán nước sở tại; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân.
          Là ngôi trường đào tạo lực lượng Cảnh sát nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại với lịch sử hơn 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đã đóng góp nhiều thành tựu quan trọng cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà nói chung và sự nghiệp giáo dục đào tạo của ngành Công an nói riêng. Để đạt được những thành tích to lớn trên, ngoài việc quan tâm lãnh đạo đến công tác chuyên môn, công tác tổ chức cán bộ, công tác hậu cần kỹ thuật, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường còn đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, coi đây là công tác quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, là nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” do Bộ Công an phát động, ngoài việc triển khai thực hiện nghiêm túc 7 nội dung theo Kế hoạch 377/KH-BCA-X11, ngày 19/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đã xác định 6 nội dung phù hợp với tình hình công tác của Nhà trường, cụ thể:
          Một là, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Nhà trường, học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an và nội dung, biện pháp thực hiện cuộc vận động;
          Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng; tác phong chính quy trong công tác, học tập và sinh hoạt; đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử; kỷ luật kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên;
          Ba là, xây dựng, thực hiện tiêu chí về phong cách người Công an nhân dân có bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng, tác phong chính quy trong công tác, chiến đấu và sinh hoạt; các quy định về quy tắc văn hóa ứng xử, về chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân;
          Bốn là, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, pháp luật, năng lực thực thi công vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên;
          Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong cách người Công an nhân dân có bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ;
          Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, Ban Chấp hành các đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
          Với nhiệm vụ chính trị là giáo dục và đào tạo, qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ phục vụ công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Từ 13 cán bộ chiến sĩ được giao nhiệm vụ xây dựng Trường trong hoàn cảnh miền Nam mới được giải phóng với bao khó khăn, phức tạp, đến nay, Nhà trường đã có gần 700 cán bộ giảng viên, trong đó có 2 Nhà giáo nhân dân, 6 Nhà giáo ưu tú, 1 Giáo sư, 10 phó giáo sư, 62 tiến sĩ, 226 thạc sĩ, 102 nghiên cứu sinh1… Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng 268 khóa học với trên 42,800 học viên, góp phần bổ sung nguồn nhân lực quan trọng cho các lực lượng Công an, Quân đội… Nhiều học viên tốt nghiệp tại Trường đã và đang đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương và địa phương.
          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, khiếm khuyết trong chấp hành điều lệnh, nội quy; trong công tác sinh hoạt còn có những sai phạm khuyết điểm, tuy không lớn nhưng ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng công tác giáo dục đào tạo của Nhà trường, tính từ năm học 2011 - 2012 đến học kỳ I năm học 2016 - 2017, đã có 123 trường hợp sinh viên vi phạm kỷ luật2. Vì vậy, để triển khai hiệu quả cuộc vận động tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, cần thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
          Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 05 của Bộ chính trị về thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, thực hiện đầy đủ kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72, dù ở bất cứ nơi đâu, làm công việc gì “lực lượng Công an của chúng ta thực sự phải là thanh bảo kiếm của Đảng, còn Đảng còn mình”. Định kỳ hàng tháng, cấp ủy, thủ trưởng đơn vị tổ chức cho cán bộ chiến sĩ nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động của đơn vị và mỗi đảng viên, cán bộ chiến sĩ về xây dựng bản lĩnh chính trị, thực hiện đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử; tư thế, lễ tiết, tác phong; tinh thần trách nhiệm trong công việc.
          Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và Công an nhân dân cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên Nhà trường; đẩy mạnh học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận; chủ động đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”; “tự chuyển hóa” trong nội bộ; duy trì nghiêm túc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn điều lệnh Công an nhân dân, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành điều lệnh của cán bộ chiến sĩ.
          Ba là, các đơn vị chức năng tham mưu đề xuất tổ chức tọa đàm; xây dựng bộ tiêu chí về phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Từng đơn vị, từng cán bộ phải có bản cam kết và công khai nội dung đăng ký thực hiện cuộc vận động.
          Bốn là, tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, trao đổi, nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử; tổ chức các cuộc tập huấn, thi tìm hiểu, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp cho cán bộ chiến sĩ. Tổ chức nghiên cứu, bổ sung nội dung giáo dục về bản lĩnh, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường nhằm trang bị cho học viên, cán bộ chiến sĩ những kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp trong khi thi hành nhiệm vụ và trong các mối quan hệ xã hội. Thường xuyên đưa giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử vào nội dung sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, sinh hoạt của từng đơn vị, đoàn thể.
          Năm là, để cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ cần có sự ủng hộ của Công an các đơn vị địa phương, các ban ngành đoàn thể và nhân dân, Tạp chí của trường cần mở chuyên mục tuyên truyền rõ nét về cuộc vận động, như là: Các mô hình, những tấm gương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, hình ảnh đẹp của những cán bộ chiến sĩ Công an gương mẫu, tận tụy, bản lĩnh, văn hóa, vì nhân dân phục vụ... đồng thời đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ hạ thấp uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân; nhắc nhở, phê bình những đơn vị, cán bộ chiến sĩ vi phạm điều lệnh, có tư thế, tác phong, ứng xử thiếu chuẩn mực…
            Sáu là, Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XII. Chủ động, khẩn trương xây dựng kế hoạch để thực hiện nghiêm túc cuộc vận động cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm cán bộ chiến sĩ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, có tư thế, lễ tiết, tác phong thiếu chuẩn mực, vi phạm điều lệnh Công an nhân dân.Đang cập nhật.
Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN