Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ qua các thời kỳ và kinh nghiệm rút ra đối với công tác vận động của

Ngày đăng: 04.03.2017

       “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” là một hình thức hoạt động tự giác, có tổ chức của đông đảo nhân dân lao động tham gia xây dựng, quản lý nền an ninh trật tự và phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đây là một phong trào đặc biệt quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước và ngành Công an quan tâm nhằm phát huy tối đa vai trò của quần chúng nhân dân đối với cách mạng nói chung và cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự nói riêng. Trải qua hơn 72 năm hình thành và phát triển, Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc qua từng thời kỳ, tùy vào những điều kiện hoàn cảnh lịch sử nhất định đã tồn tại với nhiều nội dung, hình thức và tên gọi khác nhau.
        Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, toàn dân đã tích cực tham gia cuộc vận động “ba không”: ở Việt Bắc và vùng tự do là không biết, không nghe, không thấy; ở vùng địch chiếm là không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch. Ở Nam bộ là phong trào “ngũ gia liên bảo”, “tự quản bảo vệ an ninh”, “trật tự thôn, xóm”.
        Năm 1958, để thực hiện kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế xã hội ở miền Bắc, đã phát động quần chúng thực hiện phong trào “ba phòng” (phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn). Những năm đầu thập kỷ 60, rút kinh nghiệm cuộc vận động “ba phòng”, Bộ Công an chỉ đạo tổng kết cuộc vận động và nâng cuộc vận động lên thành phong trào “bảo vệ trị an” ở trong các xã, phường và cơ quan xí nghiệp. Đầu năm 1965, để đấu tranh chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta, Đảng đã có chỉ thị đẩy mạnh phong trào “bảo vệ trị an” từng bước xây dựng xã, khối phố vững mạnh về chính trị và trật tự an ninh.
        Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng đã hợp nhất phong trào “bảo vệ trị an” và cuộc vận động “bảo mật, phòng gian, xây dựng cơ quan, xí nghiệp an toàn” thành một phong trào có tên gọi là “Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong phạm vi cả nước. Từ đó, “Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, yêu cầu của công tác phòng ngừa đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự trong từng thời gian, gắn với địa bàn, lĩnh vực để đưa ra những nội dung mới làm cho phong trào luôn ở thế cách mạng tiến công, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
        Ngày 22/9/2005, tại kỳ họp thứ 8 (khóa XI) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Công an nhân dân. Trong đó, tại điều 11 ghi rõ: Ngày 19 tháng 8 hàng năm là ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Để thống nhất theo quy định của luật Công an nhân dân, ngày 02/5/2007, tại công văn số 756 BCA/X11, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thống nhất tên gọi là “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
        Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có một quá trình phát triển vẻ vang, gắn liền với các giai đoạn cách mạng của cả nước. Xuyên suốt lịch sử phong trào này, chúng ta thấy được vai trò cũng như sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong sự thành công của công tác bảo vệ an ninh trật tự nói riêng cũng như cách mạng Việt Nam nói chung. Qua đó, rút ra một số kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay như sau:
        Một là, công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự phải luôn quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”
        Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do đó sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự cũng là sự nghiệp của quần chúng. Thực tiễn cho thấy sự nghiệp xây dựng và quản lý nền an ninh trật tự của đất nước, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm có đạt hiệu quả hay không, phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp tích cực của quần chúng.
        Cần có niềm tin sâu sắc vào sức mạnh tài năng, trí thông minh sáng tạo của quần chúng nhân dân, không những chỉ dựa vào dân trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước mà ngay trong tư duy nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng chủ trương chính sách, đến quá trình thực hiện, kiểm tra giám sát, uốn nắn, sửa đổi chính sách, sách lược đấu tranh cũng phải dựa vào dân. Phải thực sự vì nhân dân mà phục vụ, tất cả vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Trong toàn bộ hoạt động của mình, cán bộ chiến sỹ Công an phải có tác phong quần chúng, học hỏi những kinh nghiệm của nhân dân. Cần thấy rằng công tác Công an không phải chỉ là chuyên môn đơn thuần mà còn phải làm tốt công tác vận động quần chúng nhằm xây dựng thế trận an ninh từ cơ sở.
        Hai là, công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự phải đảm bảo lợi ích thiết thực của nhân dân được thực hiện và thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ của công dân
        Lợi ích thiết thực của nhân dân trên lĩnh vực an ninh trật tự là việc đảm bảo các quyền cơ bản của công dân; quyền được bình đẳng trước pháp luật, quyền được sống một cuộc sống yên vui, trật tự, lành mạnh, được tham gia quản lý nền an ninh trật tự của đất nước, sử dụng các công cụ chuyên chính để bảo vệ mình… Vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự là nhằm giải quyết những lợi ích chính đáng của quần chúng. Vì vậy, nó luôn được quần chúng đồng tình ủng hộ. Công tác vận động và tổ chức nhân dân chỉ có thể thành công nếu trước hết bảo vệ và đáp ứng được lợi ích thiết thực của nhân dân, từ đó kết hợp hài hòa các lợi ích, gắn chặt quyền lợi và nghĩa vụ công dân.
        Gắn chặt quyền lợi và nghĩa vụ là nội dung cụ thể của quyền làm chủ của nhân dân. Nói đến quyền làm chủ của nhân dân không thể không nói đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Bảo đảm cho quyền lợi và nghĩa vụ của công dân được thực hiện đúng chính sách và pháp luật quy định và làm cho quyền làm chủ của nhân dân có nội dung thiết thực. Quyền lợi và nghĩa vụ của công dân là hai mặt của quyền làm chủ. Hai mặt đó không tách rời nhau, không đối lập nhau, không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, và không có nghĩa vụ nào mà không mang lại lợi ích cho người thực hiện nghĩa vụ.
        Ba là, công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự phải gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn
Kinh tế, xã hội phát triển là điều kiện quan trọng để lamg giảm những nguyên nhân nảy sinh tội phạm; kinh tế, xã hội phát triển, đời sống mọi mặt được nâng cao sẽ làm cho quần chúng phấn khởi tin tưởng, tự giác tham gia công tác xã hội nói chung, trong đó có công tác bảo vệ an ninh trật tự. Do vậy, điều kiện kinh tế, xã hội phát triển là tiền đề quan trọng cho công tác vận động quần chúng. Ngược lại an ninh trật tự được giữ vững là điều kiện cơ bản để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, xã hội được thuận lợi, bền vững.
        Để phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội thì công tác vận động quần chúng phải kết hợp chặt chẽ với các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước, với các phong trào khác của các ngành, các đoàn thể quần chúng. Luôn luôn gắn chặt nội dung của Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với việc bảo vệ phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực tiễn trong mấy chục năm qua đã khẳng định, nơi nào, lúc nào mà công tác vận động quần chúng nói chung và xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói riêng bám sát và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị trung tâm, giải quyết những vấn đề nóng bỏng, thiết thực liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của quần chúng thì nơi đó, lúc đó công tác vận động quần chúng và Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển tốt, vững chắc.
        Bốn là, công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự phải gắn liền với việc đấu tranh phòng, chống tội phạm
        Đấu tranh phòng, chống tội phạm là một mục tiêu, nội dung của công tác vận động quần chúng, là hoạt động thiết thực để bảo vệ an ninh trật tự. Thực tiễn cho thấy, có nơi, có lúc quần chúng thủ tiêu đấu tranh do công tác trấn áp tội phạm chưa tốt, đối tượng đe dọa, khống chế, vô hiệu hóa quần chúng. Vì vậy cần phải tấn công, trấn áp mạnh tội phạm mới phát động được quần chúng.
        Việc tấn công tội phạm phải được tiến hành bằng sức mạnh phối hợp đồng bộ của các lực lượng trong hệ thống tổ chức chính trị, xã hội mà nòng cốt là lực lượng Công an; bằng sự phối hợp trên mọi lĩnh vực và mọi mặt cả về tổ chức và tư tưởng và phải được tiến hành một cách thường xuyên liên tục. Có như vậy mới tập trung được sự quan tâm chú ý của quần chúng, khơi dậy lòng tin, lòng nhiệt tình của nhân dân, tạo đà cho phong trào hình thành và phát triển. Ngược lại, để công tác tấn công tội phạm đạt hiệu quả cao thì phải dựa vào khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân đã được phát động. Sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo quần chúng là chỗ dựa quan trọng để từ đó thu thập tin tức, phát hiện đối tượng trọng điểm, đánh đúng bọn cầm đầu nguy hiểm.
        Năm là, công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự phải đi đôi với xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch vững mạnh
        Lực lượng Công an nhân dân trong sạch vững mạnh thực sự vì dân, được dân mến, dân tin, dân ủng hộ thì công tác vận động quần chúng sẽ thuận lợi. Công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự đạt được hiệu quả như thế nào trước hết phụ thuộc vào phẩm chất, năng lực làm công tác của lực lượng. Vì vậy, để công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh trật tự có hiệu quả và xây dựng được Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trước hết phải có lực lượng Công an trong sạch về đạo đức, lối sống, vững vàng, bản lĩnh về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tác giả: Thu Phương- Huyền Thanh

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 23
  • Tuần: 505
  • Tháng: 2534
  • Tổng: 1100200