Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Những giá trị nhân văn sâu sắc thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 24.03.2017

        Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua Di chúc của Người mang giá trị cách mạng, khoa học và nhân văn, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
        Tư tưởng lớn có giá trị và ý nghĩa thời sự được đặt lên hàng đầu thể hiện trong Di chúc của Người là tư tưởng về Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Những điều Người viết để lại cho Đảng ta trong Di chúc là sự phát triển, kết tinh tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với CNXH.
        Hiện nay, liên hệ vào thực tế, chúng ta càng thấm thía hơn bao giờ hết việc Người đặt ở vị trí trước hết, trước tiên để nói về Đảng. Điều đó cho thấy, công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng rất cần phải thực hành nghiêm túc trong mọi thời điểm như lời Người dặn trong Di chúc.
        Trong Di chúc, tư tưởng lớn thể hiện tầm nhìn chiến lược và thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cộng sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đó là tư tưởng về con người và phát triển con người ở Việt Nam. Xây dựng, giải phóng và phát triển con người trên cơ sở thực tiễn đó luôn là mục tiêu, là động lực và là một triết lý nhân sinh, triết lý hành động, là thực hành đạo làm người của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ“Đầu tiên là công việc đối với con người”.
        Thấm nhuần đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Người căn dặn phải thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã vì Tổ quốc mà dũng cảm hi sinh và gia đình hậu phương của họ. 
        Không chỉ quan tâm tới việc giúp đỡ cả vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm tới cách thức để cho thương binh “có thể dần dần tự lực cánh sinh” và cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ “có công ăn việc làm thích hợp”, để họ tự mình phấn đấu vươn lên, không thụ động và bất lực trước hoàn cảnh khó khăn. 
        Đối với nông dân - một lực lượng đông đảo, động lực lớn của cách mạng, là những người đã góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Người đề nghị miễn thuế một năm để đồng bào phấn khởi đẩy mạnh sản xuất. 
        Đối với những người còn trẻ, đã qua rèn luyện, thử thách, có nhiều cống hiến trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong, Người yêu cầu Đảng, Chính phủ cần chọn một số người ưu tú để “đào tạo họ thành những công nhân và cán bộ tốt, để họ là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi CNXH” ở nước ta. 
        Đối với đoàn viên và thanh niên nói chung, Người căn dặn cần phải chăm lo giáo dục “đạo đức cách mạng” cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng XHCN vừa “hồng” vừa “chuyên” và nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. 
        Đối với phụ nữ, Người căn dặn Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để “bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ trở thành cán bộ quản lý, lãnh đạo”; đồng thời, Người yêu cầu bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên để thực hiện quyền bình đẳng thật sự cho mình.
        Con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến trước lúc đi xa là con người rất cụ thể, không chung chung trừu tượng. 
        Để con người với tư cách là chủ thể, là động lực của sự phát triển xã hội thì phải hoàn thiện và thực hiện một chính sách xã hội toàn diện, chu đáo cả về đời sống vật chất, tinh thần, về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng. Đó là tư tưởng khoa học, cách mạng; đồng thời thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với con người. 
        Khi viết về Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Giáo sư Trần Văn Giàu đã đưa ra nhận xét tinh tế và sâu sắc rằng: “Tầm cỡ của một nhà hiền triết chưa chắc ở chỗ giải đáp mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ xác định thế giới này là thực tại hay là ảo ảnh, khả thi hay bất khả thi, ở chỗ lựa chọn giáo điều quen thuộc hay sáng tạo mới lạ, mà chung quy là ở mức quan tâm đến con người..., lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó”.
        Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH là một tư tưởng lớn và rất đặc sắc được thể hiện rõ trong Di chúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận CNXH không chỉ ở phương diện chính trị, kinh tế mà cả phương diện đạo đức, văn hóa, trong đó đạo đức là cái tạo nên sức hấp dẫn của CNXH. CNXH trong tư tưởng của Người, trước hết là một chế độ xã hội vì con người, do con người xây dựng nên, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của CNXH. 
        CNXH là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế và văn hóa để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Xây dựng CNXH là sự nghiệp cách mạng lâu dài, khó khăn gian khổ, nặng nề và phức tạp; vừa cải tạo xã hội cũ vừa xây dựng xã hội mới với cả cơ sở hạ tầng, phát triển các ngành kinh tế, sửa đổi chế độ giáo dục, phát triển y tế.
        Theo Người, để tạo ra một xã hội mới với những cái mới mẻ, tốt tươi, loại trừ những cái cũ kỹ, hư hỏng thì phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân. Ở đây, Di chúc toát lên tư tưởng trọng dân, lấy dân làm gốc vốn là tư tưởng lớn, xuyên suốt và nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
        Trong Di chúc, tư tưởng về đổi mới và phát triển đất nước là một tư tưởng lớn, thể hiện tầm nhìn, tư duy lý luận khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang soi sáng cho con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. 
        Nghiên cứu về những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã viết: “Đó thực sự là một đại tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc đã đánh thắng hai đế quốc to, là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển, trù tính cho tương lai đất nước, sau khi cách mạng hoàn toàn thắng lợi đi vào thiết kế, xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa mà mục tiêu cao nhất là hướng tới quyền làm chủ và hạnh phúc của nhân dân”. 
        Cùng với tư tưởng về Đảng, về con người, về CNXH được thể hiện trong Di chúc, tư tưởng của Người về nhiệm củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng được viết rất ngắn gọn nhưng ý nghĩa rất sâu sắc.

Tác giả: ThS. Nguyễn Văn Thi (Khoa CTĐ, CTCT, Học viện Chính trị)

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN