Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Nâng cao hiệu quả tổ chức phong trào dạy giỏi tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân

Ngày đăng: 23.03.2019

       Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2014 của Chính phủ về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; trên cơ sở quy định Thông tư số 56/2010/TT-BCA, ngày 14/12/2010 của Bộ Trưởng Bộ Công an ban hành của quy định về dạy giỏi trong các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp Công an nhân dân, Ban Giám hiệu - Đại học CSND đã ban hành Kế hoạch số 272/KH-T48, ngày 05/9/2017 về tổ chức phong trào dạy giỏi năm học 2017 - 2018 nhằm cụ thể hóa mục tiêu “Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy hiệu quả tổng hợp của hệ thống các phương pháp, công cụ, phương tiện và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhằm nâng cao tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên; gắn học tập với nghiên cứu khoa học và rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, giúp sinh viên tăng cường khả năng vận dụng vào thực tiễn công tác chiến đấu và công tác xây dựng lực lượng CAND” trong Chương trình công tác của Nhà trường.
          Với sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của toàn thể giảng viên, cán bộ công nhân viên nhà trường hoạt động dạy giỏi tại Trường Đại học CSND năm học 2016 - 2017 đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Trong năm học, toàn trường có 137 lượt giảng viên đăng ký thực hiện giờ dạy giỏi, bài dạy giỏi cấp khoa, bộ môn và bài dạy giỏi cấp trường. Nhà trường đã tổ chức dự giờ đánh giá cho 116 lượt giảng viên thực hiện đạt yêu cầu của giờ dạy giỏi, bài dạy giỏi cấp khoa, bộ môn và bài dạy giỏi cấp trường. Có 44 lượt giảng viên đăng ký danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường, giảng viên dạy giỏi cấp bộ. Nhà trường đã thành lập Hội đồng xét chọn 26 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường và đề nghị Hội đồng cấp Bộ xét công nhận cho 15 giảng viên danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp bộ.
          Trong năm học qua, Nhà trường đã tổ chức thành công Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường lần 3, có 30/30 giảng viên tham gia đều đạt tiêu chuẩn bài dạy giỏi cấp trường, trong đó có 03 giảng viên đạt giải Nhì, 08 giảng viên đạt giải Ba; về thành tích tập thể, Khoa Cảnh sát PCTP Ma túy đạt giải Nhất, Bộ môn Pháp luật đạt giải Nhì, Khoa Cảnh sát điều tra và Khoa Kỹ thuật hình sự đồng giải Ba.
          Ngoài ra, Nhà trường đã tổ chức thành công Hội thảo Thông tư số 56/2010/TT-BCA, ngày 14/12/2010 của Bộ Trưởng Bộ Công an ban hành của quy định về dạy giỏi trong các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp Công an nhân dân và Hội nghị tổng kết phong trào dạy giỏi năm học 2016 - 2017, qua đó, nhiều giảng viên có phương pháp giảng hay, kinh nghiệm thực hiện tốt được giảng mẫu để nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn trường.
          Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào dạy giỏi năm học 2016 - 2017 tại Trường Đại học CSND vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
          Nhìn chung, giảng viên tham gia phong trào dạy giỏi vẫn chưa có đột phá về nội dung, phương pháp và phương tiện giảng dạy, chủ yếu vẫn là các phương pháp lâu nay được sử dụng trong giảng dạy. Việc áp dụng các phương tiện hiện đại còn rất hạn chế, còn thiếu những cách làm sáng tạo, độc đáo để tạo nên những bài giảng có dấu ấn riêng của người giảng viên.
          Một số giảng viên trẻ còn chưa nghiên cứu nắm bắt đầy đủ các quy định về giảng dạy nói chung, về dạy giỏi và xét các danh hiệu dạy giỏi nói riêng. Các tiêu chí mà giảng viên dạy giỏi cấp trường thường thiếu là tiêu chuẩn về giờ khoa học (HC) và minh chứng cho sản phẩm khoa học của năm học đã đạt được đó. Đối với giảng viên dạy giỏi cấp bộ, giảng viên thường sai sót ở việc xác định không rõ ràng tiêu chí biên soạn hoặc đề tài.
          Một số đơn vị thiếu chọn lọc trong việc cử giảng viên thực hiện tham gia phong trào dạy giỏi, cử nhiều giảng viên tham gia để chạy theo thành tích, dẫn đến việc bồi dưỡng về nội dung và phương pháp cho giảng viên bị hạn chế, việc kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của các giảng viên cũng bị buông lỏng dẫn đến tình trạng đơn vị phải đề xuất rút nhiều chỉ tiêu dạy giỏi, thậm chí, giảng viên không thể thực hiện được chỉ tiêu đã đăng ký.
          Bên cạnh đó, sau nhiều năm áp dụng, cho đến nay, một số văn bản điều chỉnh hoạt động dạy giỏi, hồ sơ bài, bộ câu hỏi kiểm tra hiểu biết… đã có nhiều nội dung không còn phù hợp. Vấn đề này đã được Ban Giám hiệu và lãnh đạo các đơn vị thống nhất phương hướng giải quyết trong Hội nghị sơ kết thực hiện Thông tư số 56/TT-BCA và Hội nghị tổng kết phong trào dạy giỏi năm học 2016 - 2017 tổ chức vào tháng 06/2017 tại Trường Đại học CSND, trong đó giao cho Phòng Quản lý đào tạo tham mưu sửa đổi, ban hành mới các văn bản liên quan đến hồ sơ bài và văn bản điều chỉnh hoạt động dạy giỏi cho phù hợp tình hình mới của Nhà trường.
          Việc cho điểm đánh giá của đội ngũ giám khảo trong một số trường hợp chưa sát với tiêu chí, nhất là đối với giờ dạy giỏi, bài dạy giỏi cấp khoa, bộ môn việc chấm điểm còn mang tính hình thức. Tình trạng dự không đủ số tiết theo quy định của Tiểu Ban, Ban, Hội đồng đánh giá giờ, bài dạy giỏi vẫn còn xảy ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính chính xác của những ý kiến đánh giá, nhận xét mà còn làm giảng viên trẻ trở nên chủ quan, thiếu tôi luyện ở những cấp độ dạy giỏi từ thấp đến cao. Việc tổ chức đánh giá đối với bài dạy giỏi cấp trường, bài dự thi trong Hội thi còn chưa được thực hiện tốt, dẫn đến tình trạng những ý kiến đóng góp của đội ngũ giám khảo, chuyên gia không được kịp thời cho giảng viên.
          Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, đưa phong trào dạy giỏi nhà trường phát triển về chiều sâu chất lượng trong thời gian tới việc tổ chức thực hiện phong trào dạy giỏi cần chú trọng một số điểm sau:
          Thứ nhất, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động dạy giỏi trong từng đơn vị. Cần xác định hoạt động giảng dạy và tham gia phong trào dạy giỏi là một trong những nội dung quan trọng trong những nhiệm vụ chính trị mà đơn vị, chi bộ thực hiện theo từng năm học. Cụ thể hóa chương trình công tác năm học của Nhà trường  mà cụ thể là Kế hoạch tổ chức phong trào dạy giỏi của Trường vào đầu năm học, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào dạy giỏi trong đơn vị. Kế hoạch đó phải phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, nhất là về nhân lực và đặc thù giảng dạy và lịch trình giảng dạy của đơn vị trong từng học kỳ, năm học. Không ồ ạt chạy theo số lượng mà cần chú trọng chất lượng, tránh tình trạng đăng ký nhiều nhưng xin rút chỉ tiêu cũng nhiều. Để lựa chọn đội ngũ giảng viên tham gia phong trào một cách phù hợp, lãnh đạo đơn vị cần khuyến khích và tổ chức cho giảng viên đăng ký tham gia dạy giỏi ở từng cấp độ phù hợp với chức danh, ưu tiên bồi dưỡng giảng viên còn đang thiếu tiêu chí để bổ nhiệm chức danh, đồng thời, chọn lọc những giảng viên giảng dạy có chất lượng tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi, bởi đây là gương mặt đại diện cho đơn vị để tham gia thi đấu với các đơn vị bạn.
          Mỗi bài giảng của giảng viên trong đơn vị cần được xem như là đợt sinh hoạt chuyên môn của tổ, đơn vị. Cần có những nhận xét, góp ý cụ thể, sâu sắc về ưu điểm và hạn chế để mỗi giảng viên hoàn thiện mình. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên trong đơn vị được tham dự các buổi thực hành giảng giỏi, các buổi họp xét giờ, bài dạy giỏi, được tham dự các Hội đồng cấp trường, các bài giảng trong Hội thi để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung, chất lượng dạy giỏi nói riêng của đơn vị mình.
          Thứ hai, phát huy cao độ tính tự chủ, sáng tạo của đội ngũ giảng viên. Quán triệt phương châm “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực”1 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
          Một trong những mục tiêu hàng đầu của việc xây dựng và phát triển phong trào thi đua dạy giỏi trong nhà trường là nhằm khuyến khích đội ngũ giảng viên tích cực cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy, khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Thông qua đó để biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào dạy giỏi trong toàn trường nói riêng, trong hoạt động giảng dạy nói chung. Chính vì vậy, mỗi giảng viên cần chủ động tìm tòi những bài giảng hay, những phương pháp tích cực, phù hợp và phải không ngừng sáng tạo trong mỗi bài giảng. Một phương pháp hay, một cách làm mới nếu không được giảng viên trau chuốt, cải tiến sẽ trở thành phương pháp máy móc, lạc hậu. Người giảng viên giỏi cần để lại dấu ấn riêng của mình không chỉ trong phong cách, phương pháp giảng nói chung mà còn để lại dấu ấn trong từng bài giảng của mình.
          Để làm được điều đó, giảng viên phải tích cực từ khi chọn bài giảng, chuẩn bị về hồ sơ bài giảng, lựa chọn các phương pháp giảng dạy, phương tiện, công cụ sử dụng; đúc kết các kinh nghiệm dạy giỏi các các đồng nghiệp đi trước, sắp xếp thời gian tham dự các Hội đồng dạy giỏi để học hỏi kinh nghiệm, kể cả các buổi họp đánh giá của Hội đồng, tham khảo các ý kiến chuyên gia và tiến hành tập giảng. Chủ động đề xuất giảng thử trước đơn vị hoặc những giảng viên có bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy, bổ sung hoàn thiện bài giảng trước khi chính thức thực hiện khâu thực hành giảng trước Ban đánh giá cấp Khoa, Hội đồng đánh giá bài dạy giỏi cấp Trường.
          Đối với các giảng viên đang ký các danh hiệu dạy giỏi, cần bám sát các tiêu chí và có lộ trình thực hiện cụ thể gắn với các tiêu chí đó. Tích cực nghiên cứu hệ thống các văn bản liên quan đến giảng dạy nói chung, hoạt động dạy giỏi nói riêng để có lộ trình đúng đắn, phù hợp.
          Thứ ba, nâng cao hơn nữa hiệu quả tham mưu phục vụ của các đơn vị chức năng trong tổ chức phong trào dạy giỏi.
          Phòng Quản lý đào tạo với chức năng là thường trực của Ban Chỉ đạo phong trào cần có những nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động dạy giỏi phù hợp tình hình thực tế hiện nay của Nhà trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy giỏi thực hiện tại các khoa, bộ môn, nhằm đảm bảo các Tiểu Ban, Ban đánh giá giờ dạy giỏi, bài dạy giỏi cấp khoa, bộ môn được thực hiện đúng thành phần, đúng số lượng, đủ số tiết, đủ khâu theo quy định. Đảm bảo hoạt động nhân rộng điển hình tiên tiến trong dạy giỏi được quan tâm và triển khai thực hiện nghiêm túc ở nhiều lớp, nhiều hệ học.
          Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Ban Giám hiệu đổi mới nội dung, cách thức đánh giá đối với bài dạy giỏi cấp trường, bài dạy giỏi trong Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường để giảng viên nắm được những ưu điểm, hạn chế về kiến thức, về kỹ năng, phương pháp để không chỉ giảng viên thực hiện dạy giỏi rút kinh nghiệm mà các giảng viên khác được học hỏi, hoàn thiện mình.
          Phối hợp với Phòng Hậu cần nghiên cứu, chủ động đề xuất trang bị đến các phòng học thiết bị tương tác thông minh U-Pointer và các trang thiết bị phù hợp khác để ứng dụng vào công tác giảng dạy nói chung, hoạt động dạy giỏi nói riêng của Nhà trường.
          Để nâng cao chất lượng phong trào dạy giỏi của Nhà trường cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị chức năng với các khoa, bộ môn, trong đó đội ngũ giảng viên là nòng cốt của phong trào, có vai trò quyết định. Do đó, mỗi giảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, xem hoạt động dạy giỏi là cơ hội để hoàn thiện bản thân không chỉ ở việc hoàn thiện chức danh mà thực sự trưởng thành trong sự nghiệp dạy học của mình, góp phần cùng Nhà trường thực hiện có hiệu quả tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW tại trường ta.

Tác giả: Phan Thế Hoai

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 39
  • Tuần: 39
  • Tháng: 2742
  • Tổng: 1100200