Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Làm rõ bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong giảng dạy các môn lý luận chín

Ngày đăng: 20.02.2017

    1. Tầm quan trọng của việc làm rõ bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin trong giảng dạy các môn lý luận chính trị
   Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống các tri thức khoa học trên các lĩnh vực triết học, chính trị - kinh tế học và chủ nghĩa xã hội khoa học... Đây là một hệ thống những quy luật chung nhất về sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, cung cấp những tri thức cơ bản để nhận thức và cải tạo thế giới. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã khắc phục những hạn chế của những nhà tư tưởng trước đó để chứng minh một cách khoa học sự sụp đổ của chế độ tư bản chủ nghĩa và sự tất yếu ra đời chế độ xã hội chủ nghĩa mà giai đoạn cao là chế độ cộng sản chủ nghĩa, nó khẳng định mục tiêu cách mạng vô sản là đánh đổ chế độ tư bản, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa - chế độ không có người bóc lột người, con người được giải phóng, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, và chỉ ra được giai cấp công nhân sẽ là giai cấp có sứ mệnh lịch sử này. Vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin giữ vai trò là nền tảng lý luận chính trị của các đảng cộng sản và công nhân, là hệ tư tưởng của phong trào công nhân cách mạng, các đảng cộng sản vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, để hoạch định ra cương lĩnh, đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước mình. Do đó, chủ nghĩa Mác - Lênin vừa mang tính khoa học, vừa mang tính chính trị, đây là hai yếu tố không thể tách rời.
   Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Công an nhân dân - lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa cũng là mục tiêu trọng điểm mà các thế lực thù địch nhằm vào để chống phá. Âm mưu “phi chính trị hóa”, “vô hiệu hóa” lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng, là âm mưu cơ bản, là nội dung chính yếu của các thế lực thù địch. Vì vậy, trong đào tạo lực lượng công an nhân dân bên cạnh yêu cầu chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thì các chiến sĩ Công an nhân dân còn phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, lý tưởng cách mạng trong sáng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó các trường Công an nhân dân nói chung và Trường Đại học Cảnh sát nhân dân nói riêng luôn chú trọng đến hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, trong đó yêu cầu đầu tiên là phải xây dựng được niềm tin của sinh viên đối với chủ nghĩa Mác - Lênin.
   Sinh viên Đại học Cảnh sát nhân dân chủ yếu được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua việc học tập và nghiên cứu các môn lý luận chính trị. Thông qua quá trình học tập và nghiên cứu đó mà hình thành nên ở sinh viên những nhận thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tuy nhiên để hình thành được ở sinh viên niềm tin đối với chủ nghĩa này thì điều quan trọng là phải làm cho sinh viên nhận thức rõ được bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong đó khoa học là cơ sở, là tiền đề lý luận của cách mạng. Cách mạng là kết quả tất yếu nảy sinh từ khoa học mà đi tới hành động cách mạng trong thực tiễn, từ giải thích đúng đắn, chân thực thế giới khách quan mà đi tới cải tạo thế giới đó bằng cách mạng. Từ sự nhận thức đúng đắn được bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ hình thành ở sinh viên niềm tin, lý tưởng cách mạng, tạo cho sinh viên một lập trường tư tưởng chính trị vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, qua đó sinh viên sẽ tin tưởng vào con đường mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn, tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sẽ tạo ra được động lực bên trong to lớn để sinh viên nỗ lực, phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
   Trong thời gian qua, hoạt động giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân luôn được nhà trường rất quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nhà trường luôn xác định đây là nội dung quan trọng trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng thế giới quan khoa học và cách mạng cho sinh viên. Vì vậy, hoạt động dạy và học các môn lý luận chính trị đã có nhiều sự đổi mới về phương pháp giảng dạy, chất lượng ngày càng được nâng cao, đã tạo ra cho sinh viên sự yêu thích đối với các môn học này, phát huy được tính tích cực của sinh viên. Bên cạnh những thuận lợi đó thì việc giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân hiện nay cũng đang gặp phải nhiều vấn đề như: thời lượng môn học ít mà hàm lượng kiến thức cần truyền đạt rất nhiều, kết cấu giáo trình có sự thay đổi theo hướng tích hợp nên chuyên môn của từng giảng viên chỉ có thể đáp ứng việc giảng dạy tốt nội dung mà mình được đào tạo chứ chưa thể giảng dạy tốt cả môn học, sự sắp xếp nội dung của các môn học còn những chỗ chưa thật phù hợp... Những điều này đã gây khó khăn không nhỏ đến việc giúp cho sinh viên nhận thức được bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
   2. Những vấn đề cần chú ý trong giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
   Trong hoạt động giảng dạy các môn lý luận chính trị tại trường Đại học Cảnh sát nhân dân để giúp sinh viên nhận thức được bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin cần chú ý đến những vấn đề sau:
   Thứ nhất: Phải làm rõ được tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin
   Chủ nghĩa Mác - Lênin được các nhà kinh điển sáng tạo ra không phải dựa trên ý chí chủ quan mà dựa trên những thành tựu của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, là sự kế thừa có phê phán những thành tựu tư duy của nhân loại. Nhận thức được điều này sẽ giúp cho sinh viên thấy được chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời dựa trên cơ sở khoa học vững chắc.
   Trước đây, khi chưa tích hợp 3 môn Triết học Mác Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học thành môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, thì khi học từng môn đều có phần nghiên cứu về các tư tưởng về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội của các nhà tư tưởng trước Mác. Trên cơ sở đó sinh viên sẽ nắm được những hạn chế của các tư tưởng này, biết được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã phê phán khắc phục những hạn chế đó như thế nào, đã kế thừa nội dung nào và đã sáng tạo, phát triển học thuyết của mình ra sao, làm cho sinh viên thấy được sự sáng tạo của các nhà kinh điển và cơ sở khoa học của học thuyết Mác - Lênin. Hiện nay, khi được tích hợp thành một môn thì những nội dung này bị cắt giảm, và thời lượng học cũng không cho phép giảng viên phân tích sâu những nội dung đó, vấn đề này đã gây khó khăn cho sinh viên có thể nhận thức đúng đắn được tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin.
   Để khắc phục được vấn đề này, giảng viên trước khi vào phân tích những nội dung theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin cần trình bày khái quát về các tư tưởng trước Mác về các nội dung đó, so sánh nó với các quan điểm của các nhà kinh điển để nổi bật lên tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Hoặc sau khi giảng dạy xong một nội dung nào đó giảng viên có thể cho các chủ đề xêmina theo hướng yêu cầu sinh viên phải so sánh quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin với các quan điểm trước Mác.
   Bên cạnh đó, với tư cách là một khoa học, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng giống như các khoa học khác, nó cũng có những nét đặc thù và tính hạn chế lịch sử. Có những luận điểm phù hợp với điều kiện lịch sử này nhưng không phù hợp với điều kiện lịch sử khác. Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống mở ở dạng vận động, thường xuyên được bổ sung và phát triển. Nó phải phát triển không ngừng bằng sự tổng kết, khái quát tri thức của nhân loại ở tất cả các lĩnh vực khoa học và cũng phải trải qua sự kiểm nghiệm nghiêm khắc của thực tiễn để ngày càng phát triển chân lý khách quan một cách xác thực hơn, hoàn chỉnh hơn. Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ phát triển vô cùng nhanh chóng, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển của các nhà máy thông minh, của trí tuệ nhân tạo, của các phát kiến mới trên các lĩnh vực khoa học… đòi hỏi chủ nghĩa Mác - Lênin cũng cần phải được bổ sung và phát triển trên cơ sở tổng kết những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay. Vì vậy, khi giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin giảng viên cũng cần chú ý cập nhật các nội dung mới đưa vào bài giảng để tăng tính thuyết phục và tính khoa học cho bài giảng của mình. Để sinh viên thấy rằng trong giai đoạn hiện nay chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn giữ nguyên giá trị khoa học của nó, những thành tựu mới nhất của khoa học không những chứng minh sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn giúp bổ sung, phát triển, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng phong phú.
   Thứ hai: Phải đảm bảo được tính hệ thống của chủ nghĩa Mác - Lênin
   Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống hoàn chỉnh, không thể chia cắt. V.I.Lênin đã khẳng định chủ nghĩa Mác là một hệ thống lý luận chặt chẽ, vững chắc như một khối thép đúc thành. Để nhận thức đúng đắn và đầy đủ chủ nghĩa Mác - Lênin cần phải nghiên cứu cả 3 phần Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học theo một hệ thống.
   Hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trước hết do đòi hỏi của tính mục đích của nó, nhằm giải phóng giai cấp công nhân và toàn thể loài người khỏi sự áp bức bóc lột, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Mục đích, lý tưởng đó đã được chứng minh một cách khoa học thông qua 3 phát kiến vĩ đại là: Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, Học thuyết giá trị thặng dư và Học thuyết sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, 3 học thuyết này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là cơ sở cho nhau, nhưng lại thuộc 3 phần khác nhau trong môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin.
   Trong giai đoạn hiện nay mặc dù đã được tích hợp thành một môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng việc phân công giảng dạy 3 phần lại được giao cho 3 giảng viên khác nhau đảm nhiệm. Điều này xuất phát từ thực tế đào tạo chuyên ngành của giảng viên và đảm bảo yêu cầu tính chuyên môn và sâu sắc của bài giảng, nếu một giảng viên đảm nhiệm hết cả môn thì sẽ không đảm bảo được chất lượng của môn học. Việc này đã gây khó khăn cho sinh viên nhận thức được tính hệ thống, gắn kết của chủ nghĩa Mác - Lênin vì khi giảng từng phần, giảng viên thường chỉ tập trung phân tích những nội dung các chương trong phần của mình và mối quan hệ của các nội dung trong các chương đó mà chưa có sự liên hệ đến các phần khác nhằm tạo thành một mối liên kết xuyên suốt trong toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lênin.
   Để khắc phục vấn đề này các giảng viên giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin cần phải xác định các vấn đề có liên quan đến nhau trong từng phần, những nội dung nào là tiền đề, cơ sở của nhau. Trên cơ sở đó khi giảng dạy nội dung của mình có thể liên hệ, định hướng cho sinh viên nhận thức được kiến thức của các phần tiếp theo, hoặc trong các phần sau thì giảng viên có thể gợi lại những nội dung có liên quan đến phần trước đó. Có như vậy sinh viên mới có thể nhận thức được đầy đủ chủ nghĩa Mác - Lênin như một hệ thống hoàn chỉnh, điều này cũng giúp cho sinh viên càng nhận ra được tính khoa học và tính biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
   Thứ ba: Phải làm rõ tính thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin
   Cơ sở phương pháp luận của tính phê phán và tính cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin là ở quan điểm thực tiễn, chủ nghĩa Mác - Lênin nhận thức sâu sắc vai trò của con người, con người không thỏa mãn thế giới khách quan và quyết tâm cải tạo nó, biến đổi nó để thỏa mãn những nhu cầu của con người. Quá trình phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin gắn liền với quá trình biến đổi của phong trào cách mạng. Để sinh viên có thể nhận thức được tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin thì cần phải cho sinh viên thấy được Đảng ta đã vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tế ở nước ta như thế nào, chỗ nào vận dụng đúng đã đạt được những kết quả gì, chỗ nào vận dụng sai đã gây ra hậu quả gì, chúng ta đã có sự bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin để phù hợp với thực tiễn cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể ra sao.
   Nội dung vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tế ở Việt Nam trước đây khi còn chia làm 3 môn Triết học Mác Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học sẽ được phân tích vào cuối mỗi chương sẽ làm cho sinh viên dễ có sự liên hệ giữa lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên hạn chế của nó là sẽ gây ra sự trùng lắp với nội dung của các môn học khác như: Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Xây dựng Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Dân tộc học, Tôn giáo học… Nên khi được tích hợp lại thành môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin thì phần liên hệ đã bị cắt đi, và những nội dung này chủ yếu được chuyển sang môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này cũng đã gây khó khăn cho giảng viên khi giảng dạy môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin cần liên hệ thực tiễn ở Việt Nam, còn giảng viên giảng dạy môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và các môn khác cũng không thể nhắc lại các nội dung có liên quan đến chủ nghĩa Mác - Lênin vì thời lượng môn học không cho phép, cũng như không có trong nội dung giáo trình. Dẫn đến tình trạng giảng viên chỉ có thể tập trung vào phân tích những nội dung trong môn học của mình mà không liên hệ đến nội dung các môn học có liên quan trước và sau đó.
   Để khắc phục được hạn chế này cần phải có sự thống nhất, trao đổi giữa những giảng viên giảng dạy môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và giảng viên giảng dạy các môn khác, đặc biệt là môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam về những nội dung có liên quan về lý luận và liên hệ thực tiễn của các môn học này. Để trong quá trình giảng dạy giảng viên có thể phối hợp một cách nhịp nhàng trong việc định hướng, khơi gợi phần liên hệ thực tiễn sẽ được học trong môn học sau và kiểm tra, nhắc lại kiến thức lý luận có liên quan đã học trong môn trước đó, tạo ra một chương trình học xuyên suốt, logic và khoa học, môn học trước là cơ sở cho môn học sau, môn học sau giúp sinh viên hiểu môn học trước rõ hơn, sâu sắc hơn, sẽ giúp cho sinh viên có một nhận thức toàn diện về tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
   Tóm lại, trong giảng dạy các môn lý luận chính trị tại các trường Công an nhân dân nói chung và tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân nói riêng, một yêu cầu hết sức quan trọng được đặt ra là phải làm cho sinh viên nhận thức được bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên cơ sở đó mới có thể hình thành ở sinh viên niềm tin đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã chọn.
 
    ------------------------  
    Tài liệu tham khảo
   1. GS.TS. Hoàng Chí Bảo (Chủ biên), Bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
   2. GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Giá trị bền vững và sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
   3. Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung tâm lý luận chính trị, Tổng kết thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.

Tác giả: Huyền Thanh

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 59
  • Tuần: 252
  • Tháng: 2281
  • Tổng: 1100200