Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Kết quả tích cực đã tạo niềm tin cho xã hội

Ngày đăng: 16.12.2016

        Niềm tin đang trở lại
        Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ biểu dương những nỗ lực của toàn ngành giáo dục. Thủ tướng nhấn mạnh, năm học vừa qua, dù còn gặp nhiều thách thức nhưng đáng mừng là ngành giáo dục đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 đã nền nếp, chất lượng hơn năm 2018, tạo niềm tin cho toàn xã hội.
        Để có được kết quả trên, báo cáo tổng kết năm học 2018-2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ rõ: Năm học vừa qua, toàn ngành đã giải quyết tốt những hạn chế, bất cập; cởi bỏ các “nút thắt” trong đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý quan trọng để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện công tác này. Các bậc học như: Mầm non, phổ thông, giáo dục đại học có nhiều kết quả nổi bật. Đối với giáo dục bậc học mầm non, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được quan tâm. Vấn đề trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất dần được giải quyết. Nhiều địa phương có tỷ lệ trường ngoài công lập tăng. Ví dụ, Đà Nẵng, năm học 2018-2019 có tới 66% cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; Bình Dương 67,9%; TP Hồ Chí Minh 64,9%... Chính mạng lưới trường lớp đã góp phần giải quyết bài toán về cơ sở vật chất trong dạy học ở bậc học mầm non, từ đó, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ cũng được cải thiện rõ rệt. Chất lượng giáo dục ở bậc học phổ thông cũng được nâng cao. Số học sinh khá, giỏi ngày càng tăng, kết quả thi Olympic quốc tế của các đoàn học sinh Việt Nam đều xếp thứ hạng cao trên thế giới và trong khu vực.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TRUNG TÂM.
 
        Năm học 2018-2019, chương trình, sách giáo khoa mới ở bậc học phổ thông cũng được đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh có bước chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục đại học ngày càng tăng. Nhiều trường đại học đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển...
        Cần tăng đầu tư cho mạng lưới trường, lớp
        Giáo dục là lĩnh vực có tác động lớn đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Chính vì vậy, chủ trương, kết quả của ngành giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Nhấn mạnh điều này tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chúng ta đã nói nhiều về tầm quan trọng của giáo dục. Tương lai của mọi gia đình, xã hội đều phụ thuộc vào giáo dục. Giáo dục tác động đến mọi người, mọi nhà. Mọi sự đổi mới đều nhận được ý kiến của nhiều người trong xã hội”.
        Cũng chính từ sự quan tâm của xã hội dành cho giáo dục, đòi hỏi ngành phải tập trung khắc phục những vấn đề còn tồn tại để phát huy hiệu quả thực sự, tiếp tục giữ vững và củng cố niềm tin của xã hội dành cho giáo dục. Trong báo cáo, Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ nhận thức cần giải quyết ngay trong năm học mới này, đầu tiên là công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số địa phương vẫn còn tồn tại bất cập, như thiếu lớp học cục bộ. Điều này được cho là do việc quy hoạch tổng thể về trường, lớp ở một số địa phương chưa hoàn thiện; quỹ đất để xây dựng mạng lưới trường, lớp ở các khu dân cư mới, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được chú ý.
        Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nêu ví dụ. Tới đây, số đơn vị hành chính tại tỉnh Hải Dương sẽ giảm 30 xã, đồng nghĩa số trường học cũng giảm. Trường công lập giảm, mạng lưới trường, lớp giảm sẽ là bài toán khó đối với địa phương. Điều này đòi hỏi cần đặt ra những cơ chế, chính sách huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT, trong đó cần nghiên cứu chính sách đặc thù cho địa phương có nhiều khu công nghiệp, di dân cơ học...
        "Các địa phương phải thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp theo nguyên tắc tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh. Tiếp tục rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục, bố trí quỹ đất để xây dựng trường học; giải quyết dứt điểm việc thiếu trường mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
 

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TRUNG TÂM. 

        Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ
        Vấn đề lớn thứ hai được nhiều đại biểu đề cập đến là đội ngũ nhà giáo. Thực tế, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Việc tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục tại số ít địa phương còn cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số, do vậy không có biên chế để tuyển mới dẫn đến thiếu giáo viên. Chính sách đối với nhà giáo chưa thực sự tương xứng với loại hình lao động đặc thù. Chính sách tiền lương đối với đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là đối với giáo viên mầm non hiện tại có phần không còn phù hợp.
        Thực tế này cũng được một số địa phương nêu ra. Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: "Năm học 2018-2019, toàn tỉnh Kiên Giang thiếu khoảng 1.000 giáo viên, trong đó, riêng bậc học mầm non chiếm 60-70%. Từ năm 2015 đến nay, giáo dục địa phương chưa được giao thêm biên chế nên rất khó khăn, phát sinh nhiều bất cập, bố trí giáo viên đứng lớp theo đúng quy định đang là bài toán khó".
        Để giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên trong năm học mới, theo GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì ngoài việc tích cực tổ chức bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện có, ngành giáo dục cần công bố cụ thể số liệu thừa, thiếu giáo viên để xã hội, người học biết, từ đó sẽ là cơ sở, tạo niềm tin thu hút học sinh giỏi đến với ngành sư phạm. Bên cạnh đó, để tăng cường nguồn nhân lực cho giáo dục, GS, TS Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng, Chính phủ cần sớm cấu trúc lại hệ thống các trường sư phạm để đầu tư hiệu quả hơn. Sắp xếp theo các phân khúc, trường chủ lực, trường địa phương, kết nối để tận dụng hệ thống các trường cao đẳng thực hiện bồi dưỡng giáo viên trong tương lai.
        Năm học 2019-2020 được coi là năm học bản lề cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (từ năm học 2020-2021). Vì vậy, khi những vấn đề lớn như mạng lưới trường, lớp, đội ngũ nhà giáo được giải quyết triệt để sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, đồng thời bảo đảm việc đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào thực tiễn bảo đảm hiệu quả.
        * Năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp căn bản. 5 nhóm giải pháp căn bản bao gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT.
 

Tác giả: Minh Thu

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 12651
  • Tuần: 12652
  • Tháng: 100000
  • Tổng: 1100200