Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Học tập, rèn luyện nhân cách nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 16.11.2016

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đào tạo họ trở thành những cán bộ có nhân cách phát triển toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tư tưởng này của Bác đã khẳng định giá trị cơ bản về nhân cách của một con người và nó lại càng đúng với nhân cách của một người thầy. Bác dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị”. Những phẩm chất nhân cách đó của người cán bộ, giáo viên được Bác Hồ khái quát ngắn gọn trong hai chữ “đức” và “tài”. Đây cũng là chuẩn mực để mỗi cán bộ, giảng viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân không ngừng học tập, rèn luyện phấn đấu. 1. Khái niệm nhân cách Nhân cách hiện là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học khác nhau: Triết học, xã hội học, đạo đức học, mỹ học, văn học, giáo dục học, tâm lý học… Tùy thuộc góc độ nghiên cứu, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra các định nghĩa khác nhau về nhân cách. Ở góc độ nghiên cứu của Tâm lý học thì: “Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của cá nhân quy định giá trị xã hội và hành vi xã hội của con người”. Như vậy nhân cách là sự tổng hòa không phải các đặc điểm cá thể của con người mà chỉ là những đặc điểm quy định con người như là một thành viên của xã hội, nói lên bộ mặt tâm lý - xã hội, giá trị và cốt cách làm người của mỗi cá nhân. Không phải con người sinh ra đã có nhân cách, nhân cách được hình thành dần dần trong quá trình tham gia các mối quan hệ của con người. Việc nghiên cứu về nhân cách cũng là một trong những vấn đề trung tâm của Tâm lý học. Chính nhờ việc nghiên cứu này, Tâm lý học tìm ra được cơ sở khoa học cho việc giáo dục thế hệ trẻ nói riêng, cho việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách cho con người theo yêu cầu của thời đại, của xã hội nói chung. 2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách nhà giáo Trong quan niệm của người Việt Nam thường xem xét nhân cách ở hai mặt: Mặt đạo đức (còn gọi là phẩm chất) và mặt tài năng (còn gọi là năng lực), trong đó đạo đức là cái gốc và tài năng là yếu tố gắn liền với đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm nhân cách chính là tư cách làm người được thể hiện ở thái độ đối với chính bản thân mình, với những người xung quanh, với xã hội và với công việc. Bác Hồ coi nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, cần, kiệm là những phẩm chất cốt lõi của con người. Đối với nhà giáo, Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định nghề giáo là nghề rất cao quý, rất vẻ vang. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Đặc biệt, Người đã khẳng định: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang ấy, theo Bác Hồ, mỗi nhà giáo phải là người hoàn thiện về nhân cách, nghĩa là không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức của người giáo viên. Trước hết, phải không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao năng lực toàn diện. Trên tinh thần nắm vững quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình... Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi”, học phải đi đôi với hành, học để hành ngày càng tốt hơn nhằm nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải mình. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực sự là tấm gương sáng về học tập cho học sinh noi theo. Bác Hồ viết: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho hợp thời đại thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”. Đạo đức của người thầy thể hiện ở việc tâm huyết với nghề nghiệp, sự tâm huyết, tận tụy với nghề nghiệp trước hết phải có tri thức về nghề nghiệp. Muốn có tri thức thì phải học. Trong một lần Người về nói chuyện với thầy và trò Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc 9/1949 (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Người đã đặt bút ghi trong trang đầu quyển sổ vàng của nhà trường “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Theo Bác, học ở đây không phải là làm quan to, quan nhỏ mà là học để có tri thức, học để có đạo đức cách mạng. Trước hết là “học để làm việc”, để nuôi sống bản thân mình, nuôi sống gia đình và làm giàu cho xã hội. Người thầy cũng vậy, muốn làm được việc, truyền thụ được tri thức thì phải học, học những tri thức tự nhiên, xã hội,… tiếp thu tích lũy những kiến thức trong quá trình học tập, từ đó áp dụng những tri thức mình đã học có sự sáng tạo linh hoạt vào thực tiễn làm việc thì mới gặt hái được kết quả. Thứ hai, Người nhắc nhở mỗi thầy giáo, cô giáo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức nhà giáo mẫu mực. Người nhấn mạnh: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”. Để rèn luyện đạo đức, Người luôn nhắc nhở các nhà giáo phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân. “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải tiên ưu hậu lạc nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng” và “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”. Trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo, Người hết sức coi trọng việc xây dựng tình đoàn kết. Người dặn dò: “Trước hết là phải đoàn kết. Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng”. Một phẩm chất khác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đạo đức nhà giáo là phải thật sự yêu nghề, yêu trò. Yêu nghề, yêu trò là phẩm chất, yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo. Bởi đây là cơ sở, động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình. Đó là cái tâm trong sáng và cao thượng của các nhà giáo. Mỗi cô giáo, thầy giáo phải yêu nghề, yêu trò sâu sắc thì mới có thể trở thành nhà giáo tốt, nhà giáo mẫu mực, được xã hội tôn vinh và kính trọng. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?”. Yêu trò - là phải tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự tiến bộ của học trò, “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy”. Yêu nghề, yêu trò còn thể hiện trong cách quan tâm, chăm lo, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần trong trường học. Bác dặn “Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn”. Như vậy, trong một con người “tài” và “đức” phải luôn song hành với nhau. Đây là hai phạm trù khác nhau nhưng giữa chúng có mối liên hệ biện chứng. Trong mỗi con người cái “tài”, cái “đức” không phải ngẫu nhiên sẵn có, mà hai chữ ấy phải được vun đắp, trau dồi và phải được giáo dục ngay từ tấm bé. Việc dạy chữ (dạy cái tài) và dạy người (dạy cái đức) phải luôn luôn đi song song với nhau, không được xem nhẹ hay bỏ một trong hai mặt ấy. Có như vậy con người mới phát triển toàn diện được. Trong bài nói chuyện tại lớp học chính trị của giáo viên năm 1959, Bác Hồ nói: “Chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào”. Bác Hồ khẳng định giữa đức và tài có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ với nhau trong đó đức là gốc: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. 3. Học tập, rèn luyện nhân cách nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh Trường Đại học CSND là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành Công an; nơi đào tạo những cán bộ và cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có trình độ cao cho lực lượng Cảnh sát nhân dân; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phối hợp chặt chẽ với Công an các địa phương, các trường đại học trên lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Vì vậy, Nhà trường luôn quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển một cách toàn diện nhân cách đội ngũ cán bộ, giảng viên cả việc nâng cao trình độ nhận thức về chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác đào tạo trong giai đoạn hiện nay, đồng thời đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ cho Công an địa phương các tỉnh, thành phố ở phía Nam. Quá trình học tập, rèn luyện nhân cách của giảng viên được thể hiện trong quá trình phấn đấu để đạt các chức danh giảng dạy. Ban Giám hiệu đã tạo những điều kiện tốt nhất cho giảng viên, huấn luyện viên nghiên cứu học tập nâng cao trình độ như thạc sĩ, tiến sĩ; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức sư phạm, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ… giúp cho đội ngũ giảng viên phấn đấu đảm bảo các tiêu chí để xét duyệt các chức danh. Mặt khác, đội ngũ giảng viên của trường đã ý thức được trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ và rèn luyện đạo đức nhà giáo để đảm bảo đủ các tiêu chuẩn đề ra cho các chức danh theo quy định của Bộ Công an. Đánh giá quá trình học tập, rèn luyện nhân cách của giảng viên, năm học 2015 - 2016 Nhà trường đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh giảng dạy, huấn luyện tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân”. Trong Hội thảo, các cán bộ, giảng viên của Trường đã trao đổi về quá trình tổ chức thực hiện Thông tư 09/2010/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh giảng dạy, huấn luyện trong lực lượng Công an nhân dân tại trường và các đơn vị trực thuộc; hội thảo đã chỉ ra các thuận lợi, hạn chế và những giải pháp góp phần giúp cho đội ngũ giảng viên nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới. Hiện nay đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đã có: 01 Giáo sư, 10 Phó Giáo sư, 55 Tiến sĩ, 207 Thạc sĩ, 83 Giảng viên chính, 07 Huấn luyện viên cao cấp, 06 Huấn luyện viên chính, 03 Huấn luyện viên, 108 Giảng viên, 52 Trợ giảng. Đó là kết quả đáng tự hào của đội ngũ giảng viên Nhà trường trong quá trình rèn đức, luyện tài, xây dựng và phát triển. Hiện nay, nền giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp trồng người, tuy nhiên cũng còn một số hạn chế cần khắc phục, nhất là về vấn nạn bằng thật học giả, hiện tượng tiêu cực trong thi cử, chạy theo thành tích, dạy thêm, học thêm... Đặc biệt sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ đức và tài, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Trước tình hình ấy, việc nghiên cứu, quán triệt và thực hiện đúng đắn những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập, rèn luyện nhân cách của đội ngũ nhà giáo càng quan trọng và cấp thiết đối với mỗi nhà giáo. Người thầy phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Muốn có tầm nhìn xa, muốn xử lý đúng trong mọi tình thế thì mỗi người thầy nhất định phải tự hoàn thiện, không ngừng học tập và tu dưỡng suốt đời. Như vậy mới có đủ “đức” và “tài” - tiêu chuẩn của một người thầy và vấn đề này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà đồng thời còn là hành động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà trong giai đoạn hiện nay. Thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa đức và tài của nhà giáo vào xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên cho sự nghiệp giáo dục ở nước ta trong tình hình hiện nay là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. ------------------------------ Tài lệu tham khảo 1. Hồ Chí Minh (1996) Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2. Hồ Chí Minh (1996) Toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 3. Hồ Chí Minh (1996) Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 4. Hồ Chí Minh (1996) Toàn tập, tập 8, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 5. Hồ Chí Minh (1996) Toàn tập, tập 9, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 6. Hồ Chí Minh (1996) Toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 7. Hồ Chí Minh (2000) toàn tập, tập 11, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội.

Tác giả: Phùng Văn Nam – Trần Vĩnh Thịnh

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 86
  • Tuần: 86
  • Tháng: 1258
  • Tổng: 1100200