Theo Thông tư số 69/2024/TT-BCA ngày 20/11/2024 quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông do Bộ Công an vừa ban hành, 09 động tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông được quy định cụ thể như sau:
1. Động tác báo hiệu cấm lưu thông tất cả các chiều đường:
a) Đứng nghiêm;
b) Thổi một tiếng còi dài, mạnh; đồng thời, tay phải cầm gậy áp sát vào thân người, quay từ từ về phía trước theo chiều kim đồng hồ và giơ tay thẳng lên, lòng bàn tay hướng vào trước đỉnh đầu, gậy thẳng đứng, tay trái buông thẳng theo đường chỉ quần, động tác này có hiệu lực cấm lưu thông đối với người và phương tiện tham gia giao thông ở tất cả các chiều đường.
Trường hợp người và phương tiện tham gia giao thông còn đang lưu thông trong phạm vi nút giao thông thì cho phép nhanh chóng đi khỏi nút giao thông. Ở nút giao thông có quy định vị trí dừng cho người và phương tiện tham gia giao thông thì phải dừng lại đúng vị trí quy định.
2. Động tác báo hiệu cho phép lưu thông:
Sau hiệu lệnh cấm lưu thông tất cả các chiều đường (khi người và phương tiện tham gia giao thông trong phạm vi nút giao thông đã đi qua hết, trừ nút có quy định vị trí dừng cho người và phương tiện tham gia giao thông phải dừng), phải cho phép lưu thông, thời gian tuỳ theo lưu lượng và tình hình giao thông ở các chiều đường. Trình tự động tác báo hiệu như sau:
a) Từ tư thế thực hiện cấm lưu thông tất cả các chiều đường;
b) Thổi một tiếng còi ngắn, nhanh; đồng thời, tay trái từ từ đưa lên, tay phải cầm gậy quay về phía trước mặt ngược chiều kim đồng hồ cho đến khi hai tay dang ngang bằng vai, tay phải cầm gậy tạo thành một đường thẳng song song với mặt đất, lòng bàn tay úp xuống. Khi thực hiện động tác báo hiệu cho phép lưu thông nếu thời gian cho phép lưu thông nhiều thì Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông có thể bỏ một tay xuống. Động tác cho phép lưu thông là hiệu lệnh cho người và phương tiện tham gia giao thông ở bên phải và bên trái của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông được đi, người và phương tiện tham gia giao thông từ phía trước và sau của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải dừng lại.
Hình minh họa mẫu động tác báo hiệu cho phép lưu thông theo mẫu số 05A, 05B và 05C dưới đây:
3. Động tác báo hiệu cho bên phải đi nhanh hơn:
Từ tư thế báo hiệu cho phép lưu thông, gập cánh tay phải cầm gậy từ khuỷu tay đến bàn tay về phía trước ngực, cánh tay phải và gậy thẳng, sau đó duỗi ra như động tác báo hiệu cho phép lưu thông, tay gập đi gập lại ít nhất ba lần, mỗi lần kết hợp với ba tiếng còi ngắn, nhanh, mắt hướng về bên phải.
4. Động tác báo hiệu cho bên trái đi nhanh hơn:
Từ tư thế báo hiệu cho phép lưu thông, gập cánh tay trái từ khuỷu tay đến bàn tay về phía sau gáy, tay hơi chếch lên, lòng bàn tay hướng vào gáy, sau đó lại duỗi ra như động tác báo hiệu cho phép lưu thông, tay gập đi gập lại ít nhất ba lần, mỗi lần kết hợp với ba tiếng còi ngắn, nhanh, mắt hướng về bên trái.
5. Động tác báo hiệu cho bên phải đi chậm lại:
Từ tư thế báo hiệu cho phép lưu thông, tay phải cầm gậy kéo về ngang thắt lưng, gậy buông thẳng theo đường chỉ quần, lòng bàn tay phải úp xuống, đưa lên đưa xuống ít nhất ba lần, mỗi lần kết hợp với hai tiếng còi ngắn, mạnh, mắt hướng về bên phải.
6. Động tác báo hiệu cho bên trái đi chậm lại:
Từ tư thế báo hiệu cho phép lưu thông, tay trái kéo về ngang thắt lưng, lòng bàn tay úp xuống, đưa lên đưa xuống ít nhất ba lần, mỗi lần kết hợp với hai tiếng còi ngắn, mạnh, mắt hướng về phía bên trái.
7. Động tác báo hiệu cho bên phải dừng lại:
Từ tư thế báo hiệu cho phép lưu thông, tay phải cầm gậy, cổ tay quay từ từ theo hướng thẳng đứng và vuông góc với cánh tay, kết hợp một tiếng còi dài, mạnh, báo hiệu cho phương tiện bên phải dừng lại, mắt hướng về bên phải.
8. Động tác báo hiệu cho bên trái dừng lại:
Từ tư thế báo hiệu cho phép lưu thông, cổ tay trái quay từ từ theo hướng thẳng đứng và vuông góc với cánh tay, lòng bàn tay trái hướng về phía bên trái, kết hợp một tiếng còi dài, mạnh, báo hiệu cho phương tiện bên trái dừng lại, mắt hướng về phía bên trái.
9. Động tác báo hiệu cho phương tiện rẽ trái qua mặt:
a) Từ tư thế báo hiệu cho phép lưu thông, tay phải cầm gậy quay từ từ về phía trước giơ thẳng ngang vai, lòng bàn tay úp xuống, kết hợp với một tiếng còi dài, mạnh. Tay trái đưa từ từ về phía trước mặt theo hướng từ dưới lên trên, tay thẳng, lòng bàn tay trái ở tư thế úp từ từ lật nghiêng đến thẳng đứng, tay đưa đi đưa lại ít nhất ba lần, mỗi lần kết hợp với một tiếng còi ngắn, mắt hướng về phía bên trái, nơi có phương tiện được phép rẽ trái qua mặt;
b) Với tư thế này, các loại phương tiện, người đi bộ từ phía bên phải và phía sau Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông đều phải dừng lại; phía trước, các loại phương tiện được phép rẽ phải; phía bên trái Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông các loại phương tiện được phép đi tất cả các hướng.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Nguyên tắc chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ
Theo Thông tư, công tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ phải đảm bảo các nguyên tắc sau: tuân thủ quy định tại Thông tư này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bảo đảm cho người, phương tiện tham gia giao thông đi lại trật tự, an toàn và thông suốt. Trường hợp có xe ưu tiên tham gia lưu thông thì phải cho xe ưu tiên lưu thông trước, căn cứ theo thứ tự quyền ưu tiên của các xe để mở hướng lưu thông. Chiều đường có nhiều phương tiện thì cho lưu thông trước và thời gian lưu thông nhiều hơn; chiều đường có ít phương tiện thì cho lưu thông sau và thời gian lưu thông ít hơn; chiều đường có xe cơ giới thì cho lưu thông trước chiều đường có xe thô sơ.
Bảo đảm sự thống nhất về tổ chức, chỉ đạo, điều hành, phân công, phân cấp, phối hợp trong hoạt động chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ. Trường hợp gặp xe, đoàn xe chở các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và khách nước ngoài có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải chào theo Điều lệnh Công an nhân dân trừ khi đang thực hiện động tác điều khiển giao thông đường bộ.
Thông tư này áp dụng đối với Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ (Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông); Công an các đơn vị, địa phương; Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2025; thay thế Thông tư số 26/2017/TT-BCA ngày 22 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
H.P (Tổng hợp)
- Người phát ngôn Bộ Công an thông tin một số kết quả phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực năm 2024 (01.01.2025)
- Mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm Quy tắc giao thông đường bộ (31.12.2024)
- Kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (29.12.2024)
- Giải quyết một số trường hợp cụ thể trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ (27.12.2024)
- Tập huấn chuyên sâu về luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành cho lực lượng Cảnh sát giao thông (23.12.2024)