Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, là người nung nấu ý chí cứu nước, cứu dân, người thanh niên Võ Chí Công tích cực cùng cha tham gia hoạt động đấu tranh yêu nước.
Được sự dìu dắt, giúp đỡ của cha và sự giác ngộ của những người cộng sản khác, Võ Chí Công đã tích cực tham gia tổ chức cách mạng bí mật tại quê hương Tam Kỳ, Quảng Nam đầu những năm 1930 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5/1935 tại Chi bộ ghép Mỹ Sơn. Từ người yêu nước trở thành người cộng sản, Đồng chí đã lăn lộn bám dân, bám địa bàn, gây dựng cơ sở cách mạng tại các tỉnh miền Trung.
Từ năm 1936 - 1939, trên cương vị Bí thư chi bộ ghép một số xã, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy Tam Kỳ, Đồng chí đã lãnh đạo tổ chức đấu tranh chống lại sự đàn áp của địch, khôi phục tổ chức Đảng, giữ vững phong trào cách mạng ở địa phương; kiên trì, bền bỉ giác ngộ những người yêu nước để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, tăng cường đội ngũ cán bộ cho Đảng, đồng thời nỗ lực vận động Nhân dân giữ vững niềm tin nhằm duy trì, mở rộng phong trào cách mạng ở địa phương.
Đồng chí Võ Chí Công trò chuyện với cán bộ huyện Tân Biên (Tây Ninh) ở lán làm việc của đồng chí Phạm Hùng trước đây tại Khu Trung ương Cục miền Nam (Căn cứ trong những ngày kháng chiến chống Mỹ), trong chuyến thăm tỉnh Tây Ninh từ ngày 18 đến ngày 23/1/1990. (ảnh tư liệu)
Tháng 9/1939, Phủ ủy Tam Kỳ triệu tập cuộc họp mở rộng tại Trảng Cát Bà Mu, đồng chí Võ Chí Công được bầu bổ sung làm Phủ ủy viên Tam Kỳ. Trên cương vị, trọng trách mới, Đồng chí đã thay đổi phương thức hoạt động bí mật, vượt qua sự săn đuổi, truy sát của kẻ thù và những khó khăn, vất vả, vừa khôi phục hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng tại Quảng Nam, vừa tìm cách chắp nối liên lạc với cấp trên. Và cũng trong quá trình đó, Đồng chí cũng từng bước trưởng thành và được phân công đảm trách Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ vào tháng 1/1940 rồi Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam vào tháng 3/1940.
Những năm 1941 - 1942, trên cương vị Ủy viên xứ ủy Trung Kỳ phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Đồng chí bí mật lặn lội đi khắp miền Trung, vừa lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại sự khủng bố của địch, vừa gây dựng thêm nhiều cơ sở cách mạng, tái lập hệ thống tổ chức của Đảng, phát triển rộng rãi Mặt trận Việt Minh ở Quảng Nam và Trung Bộ.
Năm 1943, Đồng chí bị địch bắt và đã kiên cường vượt qua những tháng năm bị cực hình tra tấn ở nhà tù Hội An, bị đày ải, giam cầm trong nhà đày Buôn Ma Thuột.
Tháng 3/1945, từ nhà đày Buôn Ma Thuột trở về, đồng chí Võ Chí Công tham gia ngay vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam, làm Trưởng ban Khởi nghĩa, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Hội An. Bằng nhiều biện pháp, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ban lãnh đạo khởi nghĩa giành được thắng lợi trong Tỉnh một cách nhanh chóng. Ngày 17/8/1945, ta hoàn toàn làm chủ Tỉnh lỵ; sau đó các huyện trong tỉnh Quảng Nam lần lượt giành chính quyền. Quảng Nam trở thành một trong bốn tỉnh giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất trong cả nước.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên khu V, lãnh đạo Nhân dân Liên khu V kiên cường chiến đấu, tăng gia sản xuất, chia lửa với chiến trường chính Bắc Bộ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Năm 1950, được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Campuchia, trên cương vị Bí thư Ban cán sự Đông Bắc Miên, Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, Đồng chí đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì bám đất, bám dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, tổ chức chỉ đạo quân và dân Liên khu V chiến đấu không lùi bước, giành được nhiều thắng lợi to lớn.
Đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Trung ương 15, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Sau phong trào Đồng Khởi thắng lợi, trên cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Đđồng chí đã xuống nhiều địa phương của Nam Bộ nghiên cứu, khảo sát, đúc kết kinh nghiệm để phổ biến cho toàn miền Nam chống bình định, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch trong Chiến tranh Đặc biệt.
Năm 1964, đồng chí được Bộ Chính trị điều động về Khu V - một chiến trường cực kỳ gian khổ, ác liệt, nơi Mỹ đổ bộ những đơn vị quân viễn chinh đầu tiên để triển khai Chiến tranh Cục bộ, trong đó thành phố Đà Nẵng cùng với Chu Lai trở thành một trong những căn cứ liên hiệp quân sự lớn nhất ở miền Nam. 5 Khu ủy Khu V dưới sự lãnh đạo của Đồng chí, đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và thắng Mỹ trong chiến tranh.
Đồng chí Võ Chí Công gặp gỡ các đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 8, sáng 18/12/1989, tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội). (ảnh tư liệu)
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của đồng chí Võ Chí Công và Khu ủy Khu V, quân ta đã tiến công vào các thành phố, thị xã đạt được mục tiêu, nhanh chóng rút về căn cứ, bảo toàn được lực lượng, ít bị thiệt hại so với những nơi khác.
Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Là người trực tiếp lãnh đạo trên chiến trường, từ sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương, từ kinh nghiệm thực tiễn, Đồng chí và lãnh đạo Khu ủy Khu V xác định: sẽ không có hòa bình ngay, kẻ địch còn tiếp tục đánh phá, phá hoại Hiệp định. Đồng chí coi trọng lãnh đạo công tác tư tưởng, xốc lại đội ngũ, kiên quyết tiến công địch, giành đất, giành dân, xây dựng thực lực về mọi mặt, góp phần đẩy nhanh sự suy yếu của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.
Tháng 3/1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, quyết tâm giải phóng miền Nam. Đồng chí Võ Chí Công đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tham gia chỉ đạo đánh mở màn vào Ban Ma Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên, làm cho quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng cố thủ. Nắm bắt thời cơ mới xuất hiện, Đồng chí đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị, chớp thời cơ tiến công giải phóng Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định. Thắng lợi ở Tây Nguyên và Đà Nẵng góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân ta đánh thắng ý đồ kéo dài chiến tranh của Mỹ, ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Gần 30 năm lãnh đạo quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và Khu V chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Võ Chí Công đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước. Những mốc son trên con đường hoạt động cách mạng thời kỳ này của Đồng chí đã được ghi vào lịch sử của Đảng ta, tô đậm trang sử kháng chiến oai hùng của quân và dân Nam Trung Bộ.
Chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ, gian khổ nhưng đầy vẻ vang của dân tộc. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đồng chí Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác; được Đảng tín nhiệm cử giữ nhiều trọng trách.
Từ năm 1976 - đầu năm 1977, Đồng chí được giao nhiệm vụ trên cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, trong tình hình kinh tế bao cấp, Nhà nước không đủ xăng dầu, phương tiện sản xuất cho ngành hải sản hoạt động. Nhận rõ được ưu thế đất nước có bờ biển dài, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản, Đồng chí đã xuống các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã nghề lâu năm để nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân của sự trì trệ, thua lỗ; đề xuất với Chính phủ những giải pháp thiết thực, giải quyết khó khăn cho ngành hải sản, thực hiện cơ chế tự quản để phát triển sản xuất, xóa bỏ bao cấp. Do có sự đổi mới về quản lý và cách tổ chức, ngành hải sản đã từng bước vươn lên trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Chủ tịch Võ Chí Công thăm hỏi nhân dân huyện Phước Sơn, ngày 30/10. (ảnh tư liệu)
Năm 1978, đồng chí Võ Chí Công được phân công phụ trách khối nông, lâm, hải sản và kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Khi phụ trách ngành nông nghiệp - lĩnh vực công việc mới mẻ, phức tạp và rất nặng nề, Đồng chí ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn của hàng triệu nông dân trong các hợp tác xã. Đồng chí đã đi xuống nhiều hợp tác xã nắm tình hình, ra tận đồng ruộng gặp bà con xã viên hỏi thăm công việc sản xuất và nhận rõ nhiều hợp tác xã thực hiện khoán đến nhóm và người lao động đã đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho xã viên, như các hợp tác xã ở Vĩnh Phú, Hải Phòng. Từ thực tế đó, Đồng chí đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp; phù hợp với lòng dân và được Nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở Chỉ thị 100-CT/TW, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 (năm 1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.
Không dừng lại ở việc đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đã góp phần phát triển tư duy về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của đất nước. Là Trưởng Ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Đồng chí đã tích cực xuống các cơ sở kinh tế, mở nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu, góp phần xây dựng, hoàn thiện trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306-NQ/TW (tháng 4/1986) về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở (bao gồm các cơ sở kinh tế quốc doanh, kinh tế tiểu thủ công nghiệp; kinh tế gia đình và thành phần kinh tế cá thể, tư nhân trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất và kinh tế cá thể trong nông nghiệp).
Ngày 4/2/1989, đồng chí Võ Chí Công thăm xã viên Hợp tác xã Đồng Lý (huyện Lý Nhân) trong chuyến thăm, chúc Tết Kỷ Tỵ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh từ ngày 1 đến ngày 4/2/1989. (ảnh tư liệu)
Sự thành công của cơ chế khoán trong nông nghiệp và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, có sự đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công, góp phần quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, vững chắc.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. Với trọng trách là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước, trong thành công đó có sự đóng góp rất quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.
Những năm tháng là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã tích cực góp ý kiến với Đảng và Ban Chấp hành Trung ương đối với những vấn đề lớn, quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Ban Biên tập
- Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) (29.11.2024)
- Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự (28.11.2024)
- 9 động tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (27.11.2024)
- Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý tăng 20,55% (26.11.2024)
- Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông (25.11.2024)