Kho tàng dân gian Việt Nam có câu: “Một kho vàng không bằng một nang sách”, người xưa còn dạy: "Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con". Minh triết trong truyền thống Việt rất đề cao vai trò của sách. Người Á Đông ta từ xưa quan niệm: “Thư trung tự hữu nhan như ngọc, thư trung tự hữu hoàng kim ốc"', tạm dịch: Trong sách tự chứa người đẹp như ngọc. Trong sách tự có vinh hoa phú quý,… Hay Đại thi hào Nga M.Gorki đã nói: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Tức nhờ sách ông mới mở mang được tâm hồn, trí tuệ. Dù cách nói nào thì người ta cũng ca ngợi sách với những giá trị bất diệt.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Sách từ lâu được coi là một sản phẩm văn hóa, có chức năng truyền bá tri thức, là phương tiện để chuyển tải những giá trị, những thông tin, những thông điệp, những tình cảm tốt đẹp cho con người… Sách còn giúp con người lưu giữ giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của một dân tộc, giữ lại những ký ức, những khoảnh khắc tươi đẹp, giữ lại cho đời những tìm tòi, phát minh sáng chế… Bởi vậy, khi xua quân xâm lược Đại Ngu vào năm 1407, Minh Thành Tổ Chu Đệ đã ra lệnh cho quân đội nhà Minh phải gom hết sách của nước ta đem về Nam Kinh, hòng làm mất đi giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của ta, để cho dân tộc ta không để tồn tại và phát triển được nữa. Mưu mô thâm độc đó đã khiến nước ta mất mát rất nhiều tài liệu quý giá nhưng với vốn văn hóa lâu đời của người Việt, giặc ngoại xâm đã không thể toại nguyện làm mất đi tất cả các giá trị đó.
Ai cũng hiểu, mỗi cá nhân đọc sách sẽ tạo nên một cộng đồng đọc sách, một cộng đồng có văn hóa, và từ đó, tạo nên phẩm cách của một quốc gia. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Đọc sách có ý nghĩa rất quan trọng, đọc sách không chỉ là để nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt mà còn hình thành nhân cách con người. Cho đến nay đã có nhiều bài viết, nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của việc đọc đối với mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội. Bất cứ thời đại nào, quốc gia nào cũng coi trọng việc đọc và đọc sách chính là phương pháp tự học hiệu quả nhất. Nhiệm vụ xây dựng “xã hội học tập”, “học tập suốt đời” trong xã hội hiện đại cần phải gắn chặt với văn hóa đọc. Do đó, văn hóa đọc hiện nay đang là vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm của xã hội và trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Paris (Pháp) từ ngày 25/10/1999 đến ngày 16/11/1999, tổ chức UNESCO đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là ngày “Sách và bản quyền thế giới”. Đây là một hoạt động nhằm tôn vinh vai trò, giá trị của sách, khuyến khích người đọc và tôn vinh văn hóa đọc. Các hoạt động về sách và văn hóa đọc diễn ra tại nhiều châu lục trên thế giới như ở châu Phi, Bắc Mỹ, châu Âu... Ở châu Á xuất hiện nhiều chương trình như “Một cuốn sách một đóa hồng”; “Ngày hội đọc sách cùng con trẻ” (Trung Quốc); Malaysia với dự án điều tra tổng thể về văn hóa đọc thường xuyên làm trong 20 năm nay... Tuy nhiên, xã hội hiện đại loài người đã và đang tiến vào kỷ nguyên khoa học - kỹ thuật hiện đại dẫn đến vấn đề đọc sách đang chịu sức ép từ sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin. Con người nói chung hay giới trẻ nói riêng ngày càng bị thu hút bởi các thiết bị nghe nhìn các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, facebook, youtube Tiktok,…, tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn.
Tại Việt Nam, vấn đề phát triển văn hóa đọc ngày càng được quan tâm nhiều hơn và có sự tiến triển nhất định, được đề cập đến trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi giới thiệu sách tôn vinh văn hóa đọc... cùng với đó là số lượng đầu sách xuất bản ở Việt Nam trong vài thập kỉ gần đây tăng vượt bậc, hệ thống thư viện công cộng đã phát triển mạnh trên toàn quốc với thư viện tỉnh, thư viện huyện và thư viện, tủ sách cơ sở ở xã. Cùng với sự phát triển của thông tin và khoa học kỹ thuật, văn hóa đọc hiện nay không chỉ giữ phương thức đọc truyền thống (sách in) mà chuyển sang phương thức hiện đại (đọc trên các thiết bị điện tử máy tính, internet, điện thoại...).
Bên cạnh những kết quả đạt được, văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Nhiều nghiên cứu chỉ ra: thực trạng “lười đọc”, “đọc ít” và “đọc theo phong trào”, theo “tâm lý đám đông” của phần nhiều giới trẻ hiện nay. Trong đó: văn hóa đọc mới chỉ dừng lại ở việc đọc chủ yếu là tra cứu tài liệu, đọc sách theo thị hiếu đám đông còn thói quen đọc, kỹ năng đọc như thế nào chưa được bạn đọc chú ý và đầu tư. Theo thống kê năm 2019, trung bình 1 người ở nước ta chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác. Nếu so với con số trung bình 20 cuốn sách/năm của các nước Israel, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản; hay con số 14 cuốn sách/năm của các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan[1] thì số sách người Việt đọc đang là rất ít.
Vì vậy, vấn đề phát triển phong trào đọc sách và nâng cao văn hoá đọc đã và đang là định hướng đặc biệt quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương nhằm không ngừng nâng cao tri thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt với lực lượng Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, để đấu tranh hiệu quả với các hệ loại đối tượng phạm tội thì đòi hỏi lực lượng Công an phải không ngừng học tập, tìm tòi để nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và con đường tiếp cận ngắn nhất để tiếp cận tri thức chính là đọc sách. Tuy nhiên, văn hóa đọc trong Công an nhân dân cũng không nằm ngoài xu hướng chung của văn hóa đọc trong nước. Bên cạnh những kết quả đạt được thì văn hóa đọc trong Công an nhân dân hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, điển hình như: Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách, lười đọc sách, chưa tham gia nhiệt tình các phong trào đọc sách và phát triển văn hoá đọc; nội dung, hình thức các phong trào đọc sách và phát triển văn hoá đọc chưa thực sự phong phú, đa dạng nên đôi khi chưa thu hút đông đảo bạn đọc tham gia; cơ sở vật chất, phương tiện, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa thư viện tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay cả về quy mô, chất lượng và tính hiện đại; nguồn tài nguyên thư viện chưa phong phú, đa dạng, nhất là tài liệu về nghiệp vụ của ngành Công an;...
Vì vậy, phát triển văn hóa đọc trong Công an nhân dân ngày càng trở nên cấp thiết. Thời gian qua, Bộ Công an đã trực tiếp chỉ đạo và chủ trì tổ chức hiệu quả rất nhiều hoạt động như: Lễ phát động phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong Công an nhân dân với chủ đề “Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” nhân dịp kỷ niệm Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam và Ngày sách và bản quyền thế giới, ngày 13/4/2021; Liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách; các cuộc thi viết “Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND”, “Đại sứ văn hóa đọc”... Rất nhiều hoạt động thiết thực, nhiều mô hình, cách làm hay cũng đã được Công an các đơn vị địa phương tổ chức thành công: “Tìm hiểu cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND”, hội thi “Thanh niên CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, “Đơn vị học tập”, “Bạn trẻ đọc sách”, “Chia sẻ tri thức”, “Tự học, tự rèn, tự đào tạo”, “Mỗi tuần một cuốn sách hay, mỗi ngày thêm một kiến thức mới”, “Học đi đôi với làm theo Bác”, “Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một hạt nhân trong phong trào đọc”, phong trào “Giờ đọc báo buổi sáng”…
Tại Trường Đại học CSND cũng đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để phát triển văn hóa đọc trong CAND, như: tổ chức buổi Giao lưu, giới thiệu Tác giả - Tác phẩm, trao đổi kinh nghiệm đọc - viết với chủ đề “Sách và Người thầy”;… đặc biệt khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Nhà trường đã tổ chức triển lãm trực tuyến trên mạng LAN. Ngoài ra, Nhà trường cũng quyên góp các loại sách gửi tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn về tài liệu học tập. Nhà trường phát động, khuyến khích các đơn vị cá nhân tặng sách nhằm góp phần làm đa dạng nguồn thông tin, tài liệu cho thư viện nhà trường; xây dựng, phát triển tủ sách, các mô hình, các câu lạc bộ về văn hóa đọc… Những hoạt động trên đã khơi dậy và lan tỏa tình yêu với sách, với văn hóa đọc đến tất cả cán bộ, chiến sĩ Công an.
Trong thời gian tới, đất nước ta đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, để phát huy được sức mạnh của lực lượng CAND trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, mỗi cán bộ chiến sỹ trong lực lượng cần thiết phải nâng cao ý thức, chủ động đọc sách, tự mình khơi dậy niềm đam mê đọc sách, nghiên cứu sách, báo truyền thống, thực sự là chiến sỹ cách mạng trên mặt trận xây dựng và phát triển văn hóa đọc của nước nhà. Đối với Nhà trường CAND nói chung và trường Đại học CSND nói riêng, để góp phần nâng cao văn hóa đọc cũng như thu hút cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân đến với sách và văn hóa đọc nhiều hơn, cần chú trọng nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng phát huy khả năng tự học, tự đọc của người học; khuyến khích giảng viên, người học tự tìm tòi, nghiên cứu; tránh lối dạy và học lệ thuộc vào giáo trình, thi cử đã làm triệt tiêu động lực đọc sách của học viên và giảng viên. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng cần giáo dục kỹ năng đọc, xây dựng thói quen đọc, phương pháp đọc hiệu quả cho học viên. Từ đó, hình thành thói quen đọc sách và văn hóa đọc cho học viên./.
Tác giả: Thùy Trang - Duy Thuyên
- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (12.07.2023)
- Y tế Công an nhân dân – Những đóng góp thầm lặng (10.07.2023)
- VĐQC tham gia xây dựng mô hình tự quản, tự phòng của CA xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.HCM (03.07.2023)
- Đề xuất quy định chế độ làm việc đối với nhà giáo trong Công an nhân dân (23.06.2023)
- 6 nhiệm vụ trọng tâm trong chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (23.06.2023)
- Lấy ý kiến đối với quy định về công tác thực tế của nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục trong CAND (20.06.2023)
- Lịch sử, ý nghĩa của ngày gia đình Việt Nam 28/6 (19.06.2023)
- Người phát ngôn BCA trao đổi với báo chí về vụ việc phức tạp xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk (14.06.2023)
- Lịch sử, ý nghĩa Lời kêu gọi thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng CAND (13.06.2023)