Việt Nam đã nỗ lực trong triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn, khẳng định quyết tâm và chính sách nhất quán, tính nhân văn của hệ thống pháp luật và Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của Việt Nam nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng trong thực thi Công ước chống tra tấn, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Lễ Tổng kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan về Công ước chống tra tấn vào tháng 07/2022
Sau khi trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi tắt là Công ước chống tra tấn) vào năm 2015, Việt Nam đã gửi Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước chống tra tấn đến Ủy ban chống tra tấn vào năm 2017 và trình bày trực tiếp, bảo vệ thành công Báo cáo này trước Ủy ban chống tra tấn tại Thụy Sĩ vào năm 2018. Đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục gửi Báo cáo giữa kỳ trả lời các bình luận và khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn về việc thực thi Công ước; cung cấp đầy đủ các lập luận và số liệu chứng minh, góp phần khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ quyền con người nói chung, bảo đảm quyền không bị tra tấn nói riêng.
Cùng với nỗ lực vượt qua những thách thức và khó khăn do đại dịch Covid-19 mang đến, các cơ quan, bộ, ban, ngành Việt Nam quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc thực hiện các cam kết về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền không bị tra tấn. Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là trên các khía cạnh về tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn; nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Công ước chống tra tấn; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn.
Lớp tập huấn về Công ước chống tra tấn tại Học viện An ninh nhân dân
Về phổ biến, tuyên truyền Công ước chống tra tấn và các quy định pháp luật trong nước có liên quan, Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người và chống tra tấn. Trên cơ sở Kế hoạch triển khai Công ước chống tra tấn và Đề án tuyên truyền Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và 63 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các đề án tuyên truyền; biên soạn, phát hành, đăng tải hàng chục cuốn sách, tài liệu tuyên truyền, tài liệu giảng dạy, tin, bài, phóng sự, chuyên đề trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình; tổ chức hoặc tham dự hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực và kinh nghiệm cho hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và người dân, nhất là cho các cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, khám chữa bệnh cho người bị giam giữ về quyền con người và chống tra tấn. Đáng chú ý, đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn Bộ Tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn của Bộ Tư pháp; các lớp tập huấn đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục của đơn vị chức năng Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo pháp luật có liên quan; Cuộc thi video tuyên truyền Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn với 2.530 tác phẩm dự thi và các hoạt động tuyên truyền thông qua sân khấu hóa của Bộ Quốc phòng; cuốn sách của Bộ Công an với tựa đề “Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn” và cấp phát 10.000 cuốn cho các Bộ, ngành, địa phương.
Về nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực, chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều quy định pháp luật trong nước để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn. Nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa vào Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Lớp tập huấn về Công ước chống tra tấn tại tỉnh Phú Thọ vào tháng 01/2022
Nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn được nêu trong Bản khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn cũng đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội như: Nghị định của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự, bao gồm quy định về xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, sổ sách về công tác thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, theo dõi, quản lý người ở cơ sở lưu trú; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế khám, chữa bệnh cho phạm nhân, trại viên, học sinh và người bị tạm giữ, tạm giam.
Các quy định về tái hòa nhập cộng đồng, thi hành án hình sự tại cộng đồng, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc... cũng được ban hành, nhằm hướng dẫn chi tiết quyền của người bị giam giữ, học sinh, trại viên như: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thi hành án hình sự tại cộng đồng; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Nghị định của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.
Trên cơ sở hệ thống các quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tổ chức triển khai trên thực tế. Các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn của cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; tiếp tục triển khai thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự trên phạm vi toàn quốc; bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, lao động, phân loại giam giữ, thăm gặp thân nhân, tiếp xúc lãnh sự, kiểm tra, khám sức khỏe đầu vào và định kỳ, phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định pháp luật; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thực thi công vụ; tiếp tục tổ chức nghiên cứu khả năng xây dựng Cơ quan Nhân quyền quốc gia trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện các khuyến nghị được đưa ra đối với Việt Nam theo Công ước chống tra tấn vào tháng 6/2022
Cùng đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi liên quan đến tra tấn được Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm minh, công khai, theo đúng quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, khảo sát, đánh giá chuyên đề việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo; công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự được tăng cường, kịp thời phát hiện những sai sót để từ đó tham mưu lãnh đạo các cấp chấn chỉnh các vi phạm, nhất là các vụ án có dấu hiệu oan, sai và các vụ án có bị can, bị cáo nguyên là cán bộ cơ quan nhà nước.
Về hợp tác quốc tế, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực tổ chức hàng chục hoạt động hợp tác với đối tác nước ngoài trong tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng giảng dạy và nội dung Công ước chống tra tấn, góp phần tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của Việt Nam nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng trong thực thi Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam có liên quan. Trong giai đoạn từ 2015 – 2021, Bộ Công an đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ, UNDP Việt Nam tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, các báo cáo viên pháp luật, các giảng viên trong trường Công an nhân dân và các cán bộ làm công tác tư pháp ở nhiều địa phương, với mục tiêu sau khi kết thúc các khóa tập huấn này, các cán bộ, chiến sĩ đó sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân.
Với cam kết trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm của Công ước chống tra tấn, vì mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, việc tham gia và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ quyền con người, đồng thời khẳng định nỗ lực, quyết tâm và chính sách nhất quán, tính nhân văn của hệ thống pháp luật và Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người, qua đó, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an
- Quy định cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (11.12.2024)
- Quy định mới về nhiệm vụ của Công an xã trong kiểm tra phòng cháy chữa cháy (10.12.2024)
- Tuyên truyền phòng, chống tác hại ma túy cho các em học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Lê Kha (09.12.2024)
- Cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông dịp Tết và các Lễ hội đầu Xuân 2025 (06.12.2024)
- Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ (06.12.2024)
- Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực: Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của lực lượng Công an nhân dân (06.12.2024)
- Những điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 (05.12.2024)
- Văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an được ban hành và tổ chức lấy ý kiến trong tháng 11/2024 (04.12.2024)
- Tiên phong, đi đầu trong đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả (03.12.2024)