Ngày 11/10/2022 tại phiên họp của Đại hội đồng liên hợp quốc khóa 77 tại Mỹ, Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là minh chứng rõ nét phản bác các luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người mà các thế lực thù địch, phản động, các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí luôn tìm cách xuyên tạc, chống phá.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam giữ vai trò này sau nhiệm kỳ 2014-2016 và điều này tiếp tục minh chứng cho sự tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người của Việt Nam cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được bình chọn vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc bởi đây là sự nỗ lực cả chặng đường dài từ sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam đã trở thành quốc gia có độc lập, chủ quyền và có tên trên bản đồ thế giới. Nhân dân Việt Nam chính thức trở thành người làm chủ đất nước. Từ một nước bị tước đoạt quyền con người dưới chế độ thực dân phong kiến vươn mình mạnh mẽ trở thành một nước có quyền hưởng tự do và độc lập, trong hơn ba phần tư của thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã xây dựng một Nhà nước dân chủ, công bằng, văn minh và ở đó các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo vệ và không ngừng phát triển. Nỗ lực của Việt Nam đã mang lại những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Còn nhớ trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như vậy, thông qua khẳng định các giá trị của một dân tộc là quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh quyền con người chỉ thực sự được bảo đảm khi gắn liền với quyền độc lập, tự do của dân tộc. Quốc hiệu Việt Nam từ khi thành lập chính quyền cách mạng đến nay cũng nhất quán một khẩu hiệu: “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”. Điều đó có nghĩa là, mục tiêu trước sau như một mà cả dân tộc Việt Nam kiên trì thực hiện là bảo đảm dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.
Qua nhiều lần xây dựng, sửa đổi Hiến pháp, từ các bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đến Hiến pháp năm 2013 luôn giữ một vấn đề căn cốt là hiến định các quyền con người và quyền công dân. Trong đó, Hiến pháp năm 2013 đã thiết kế một chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ngay sau Điều 1 hiến định về chủ quyền địa lý, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân, đó là: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Cũng lần đầu tiên, chữ “Nhân dân” được viết hoa trong bản Hiến pháp để nhấn mạnh đến vị trí, vai trò quyết định của nhân dân trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam đã gia nhập hầu hết các công ước ước nhân quyền quốc tế chủ chốt như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ… Đặc biệt, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở khu vực châu Á tham gia Công ước quyền trẻ em; Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Đến nay, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Những cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế đã được phản ánh trong các văn bản pháp luật trong nước.
Một trong những thành tựu về nhân quyền đáng kể là Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm các quyền cơ bản cho nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành hơn 100 chính sách liên quan đến việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đó, tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,73% (năm 2019). Cả nước hiện có gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đặc biệt, Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những năm qua đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng, hiệu quả của toàn xã hội. Từ một nước lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới, sau hơn 70 năm huy động sức dân, đồng lòng thực hiện sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã trở thành một quốc gia hòa bình, độc lập, được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước tiên phong và là điểm sáng về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.
Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Nhưng không như một số nước “tự do” khác đã để dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Nhân dân Việt Nam đã đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành đã “chiến đấu” dũng cảm, kiên cường nhất để chiến thắng đại dịch này. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” – tinh thần này đã và sẽ tiếp tục là phương châm hành động để các cấp, ngành tiếp tục thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện để bảo vệ tính mạng Nhân dân; các gói an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách thiết thực, hiệu quả để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ những người khó khăn nhất trong lúc dịch bệnh, điều đó thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, đồng thời chính là minh chứng hùng hồn, bác bỏ mọi lời xuyên tạc, vu cáo của các tổ chức theo dõi nhân quyền đối với Việt Nam. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, việc Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quyết tâm bằng mọi biện pháp bảo vệ tính mạng con người trước đại dịch Covid-19, chính là một sự khẳng định rõ ràng về thành tựu, chủ trương nhất quán, toàn diện và đúng đắn này. Hàng nghìn tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp và hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để cứu trợ đồng bào miền trung khắc phục hậu quả “lũ chồng lũ, bão chồng bão” là nỗ lực rất lớn, kịp thời, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tác động của đại dịch Covid-19 và bão lụt, giúp mọi người được hưởng quyền sống, quyền được chăm sóc y tế, quyền mưu sinh, và tiếp tục làm sáng tỏ tinh thần coi lợi ích nhân dân là mục tiêu hàng đầu.
Trong thời điểm khó khăn ấy, cùng với cả nước, lực lượng Công an nhân dân đã đã phát huy vai trò xung kích, tích cực tham gia phòng, chống dịch, giúp dân trong thiên tai bão lũ. Có rất nhiều đồng chí thời điểm đó nhiều tháng không về nhà; 60 ngày “cắm chốt”; 5 tháng chồng, vợ không gặp nhau; cha mẹ gửi con nhỏ cho ông bà chăm sóc, hàng tháng liền chỉ dám nhìn con từ xa; bếp ăn tập thể mỗi người một góc; đồng nghiệp mặt mũi kính bưng chẳng nhìn thấy mặt nhau; ngủ võng, che lều tránh nắng, sương, mưa bốn bề nước tạt tại các chốt … nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ Công an chấp nhận hy sinh, rủi ro, có thể bị lây nhiễm dịch bệnh bất cứ lúc nào trong quá trình thực thi nhiệm vụ để bảo đảm cuộc sống bình yên sức khỏe cho nhân dân.
Lực lượng Công an nhân dân luôn sẵn sàng vì Nhân dân, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân
Vốn chịu nhiều thiên tai bão lũ, khúc ruột miền Trung hầu như năm nào cũng phải ứng phó với thiên tai, bão lũ. Từ Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam tới Quảng Bình, Hà Tĩnh… người dân năm nào cũng phải gồng mình chống chọi với mưa, lũ do bão và áp thấp nhiệt đới gây ra. Thế nhưng, đồng bào miền Trung không đơn độc. Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, tinh thần này lại được thổi bùng lên và lan tỏa mạnh mẽ mỗi khi miền Trung bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Triệu triệu tấm lòng của người con đất Việt lại hướng về miền Trung thân yêu. Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước đều có những hành động thiết thực, phát động ủng hộ miền Trung, chung sức đồng lòng khắc phục hậu quả sau thiên tai, kịp thời có những quyết sách để phòng, chống và hỗ trợ cho nhân dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, để không người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Có thể thấy, trong khó khăn đó, hình ảnh người chiến sĩ Công an xung kích cùng với các lực lượng khác nỗ lực giúp dân chống chọi, khắc phục hậu quả thiên tai đã để lại nhiều ấn tượng, xúc cảm trong mỗi người Việt Nam. Điển hình như đợt lũ lịch sử năm 2020, các huyện, xã của Hà Tĩnh chìm trong biển nước trắng xóa. Công an Hà Tĩnh đã huy động 3.120 cán bộ, chiến sỹ, 75 ca nô, xuồng, 365 xe xuống giúp dân phòng, chống lũ lụt, sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là tại địa bàn bị ngập nặng: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương khê, thị xã Kỳ Anh… giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Trong bộn bề mưa lũ có thể nguy hiểm đến tính mạng, những sản phụ sắp chuyển dạ, người già, trẻ em… đều được cán bộ chiến sỹ Công an Hà Tĩnh di dời đến nơi an toàn. Hình ảnh những chiến sỹ Công an liều mình cứu dân giữa dòng lũ dữ; làm cọc tiêu sống trong biển nước ngập mênh mông để điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông; giúp dân dọn dẹp vệ sinh môi trường để ổn định cuộc sống sau lũ; tiếp ứng lương thực cứu trợ người dân vùng lũ… là những hình ảnh đẹp “vì Nhân dân phục vụ” của người chiến sỹ Công an nhân dân.
Thế nhưng dù cho cả hệ thống chính trị quyết tâm nỗ lực phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thì nhiều năm qua, hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền chống Việt Nam đang được các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước không ngừng đẩy mạnh với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt và nguy hiểm. Các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền để tác động chuyển hóa nội bộ, gây sức ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu “chuyển hóa dân chủ” đối với Việt Nam; kích động biểu tình, phá rối an ninh, trật tự, gây bạo loạn nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội và an ninh, trật tự ở Việt Nam; hậu thuẫn, thúc đẩy hình thành lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội, làm suy yếu tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.
Điển hình như vừa qua, lợi dụng chuyện một số đối tượng như: Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Thị Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Tường Thụy… bị khởi tố về tội “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam”. Từ đó các cơ quan, tổ chức, đối tượng phản động cho rằng Việt Nam đang vi phạm dân chủ, nhân quyền và đưa ra các báo cáo định kỳ xếp hạng chúng ta nằm trong các quốc gia không có dân chủ, nhân quyền. Không chỉ dừng lại ở đó, chúng liên tục đòi yêu sách, trả tự do cho các đối tượng chống đối dưới cái tên “tù nhân lương tâm”; ngoài ra còn trao các giải thưởng “Phụ nữ dũng cảm quốc tế” cho đối tượng đã bị kết án vì tuyên truyền chống nhà nước. Đặc biệt các đối tượng chống đối tại nước ngoài còn liên tục tiếp xúc, phỏng vấn, làm các chương trình cổ xuý cho các hoạt động tiêu cực, chống phá Đảng, Nhà nước.
Thế nhưng dù chúng có ra sức xuyên tạc rằng: Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền, đàn áp mạng xã hội, đàn áp tôn giáo, không lo cho dân, bỏ mặc dân … thì những thành tựu về nhân quyền mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm là minh chứng rõ nét nhất, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở nước ta. Bởi từ trước đến nay Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị luôn quan tâm chăm lo đến mọi mặt đời sống của người dân Việt Nam. Đảng, Nhà nước chẳng có mục tiêu nào khác ngoài hai chữ “Nhân dân”. Vì vậy, chúng ta hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; giữ vững sự ổn định để xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thanh Ngà - Lan Anh
- Các Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 (30.06.2024)
- Những điểm cốt lõi trong Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (28.06.2024)
- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các nội dung về công tác Công an bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới tại Trường Đại học CSND hiện nay (26.06.2024)
- Cuốn sách của tư duy, tầm nhìn và sự tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam (23.06.2024)
- Báo chí Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ và thử thách mới (19.06.2024)
- Những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 (19.06.2024)
- Một số vấn đề về cần lưu ý trên cơ sở Nghị quyết Số 01/2024/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình (18.06.2024)
- Trình tự thực hiện đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi (15.06.2024)
- Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (14.06.2024)