Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long dẫn đầu đã dự và phát biểu tại Hội nghị Thực thi pháp luật khu vực về phòng, chống tham nhũng do Văn phòng Cơ quan phòng, chống tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức tại Thái Lan.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, trong 3 ngày 29-31/8, tại thủ đô Bangkok diễn ra Hội nghị Thực thi pháp luật khu vực về phòng, chống tham nhũng do Văn phòng Cơ quan phòng, chống tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương; Ủy ban Phòng, chống tham nhũng quốc gia Thái Lan và Bộ Tư pháp Hàn Quốc đồng tổ chức.
Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam do Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn đầu dự và phát biểu tại phiên thảo luận. Cùng tham dự Hội nghị có đại diện Thanh tra Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn đầu dự và phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)
Với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ 17 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hội nghị này là sự kiện quan trọng để các đại diện cấp cao từ cơ quan phòng, chống tham nhũng, cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự, Viện Công tố/Viện kiểm sát của các nước trên thế giới thảo luận các vấn đề liên quan đến tham nhũng, xác định các thách thức và định hướng nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng trong khu vực.
Trong ngày làm việc thứ nhất, Hội nghị được chia thành 3 phiên thảo luận lần lượt với các chủ đề “Thách thức và công tác phòng, chống tham nhũng tại khu vực Đông Nam Á;” “Thực thi pháp lý với tội phạm tham nhũng”, “Bài học trong phòng, chống tham nhũng từ các khu vực khác.”
Tại phiên thảo luận thứ nhất, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đã có bài phát biểu chia sẻ những kết quả đạt được và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định việc tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng rất sớm (19/8/2009) đã khẳng định quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Sau gần 13 năm tham gia, Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện Công ước, từng bước đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao nhận thức, tăng cường trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin và tham gia hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Công ước.
Trong những năm gần đây, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, ngày càng đi vào chiều sâu; đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện và rõ rệt và đã được người dân, dư luận cả nước đồng tình, ủng hộ, góp phần nâng cao uy tín và sự chỉ đạo, điều hành của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Kết quả từ năm 2011 đến tháng 6/2022, Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố điều tra gần 3.000 vụ án với hơn 6.000 bị can phạm tội về tham nhũng; đã thu hồi, kê biên, phong tỏa tiền và các loại tài sản trị giá khoảng 23.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác.
Bên cạnh việc thực thi công ước của Liên hợp quốc, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng; đến nay Việt Nam đã trao đổi, ký kết 23 Hiệp định tương trợ tư pháp và 09 bản ghi nhớ về trao đổi thông tin về rửa tiền, phòng chống khủng bố; hợp tác trực tiếp với cơ quan thực thi pháp luật một số nước trong điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, truy bắt đối tượng tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài.
Trong khuôn khổ khu vực, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò là Chủ tịch Nhóm các cơ quan phòng, chống tham nhũng ASEAN (ASEAN-PAC) từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021.
Các đại biểu lắng nghe ý kiến phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, Việt Nam đang tích cực triển khai 5 nhóm giải pháp.
Một là, đẩy mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Hai là, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật trên các lĩnh vực, không để sơ hở, thiếu sót để tội phạm lợi dụng.
Ba là, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, nhân dân và các cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng.
Bốn là, tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan này.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, nhất là bắt giữ đối tượng phạm tội bỏ trốn, ngăn chặn, thu hồi tài sản tẩu tán ra nước ngoài. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng.
Tại hội nghị, đoàn Việt Nam cũng đã đưa ra các kiến nghị thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng.
Các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cần tăng cường hợp tác chặt chẽ trong giải quyết vấn đề tham nhũng có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, nhất là trong trao đổi thông tin, thực trạng, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tích cực phản hồi các yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra, truy bắt, dẫn độ số đối tượng phạm tội lẩn trốn và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán; giúp hiểu được các hệ thống pháp luật của nhau và tìm giải pháp để loại bỏ những trở ngại đối với các hoạt động hợp tác.
Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam cũng đề nghị Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng như chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực điều tra cho cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam, hỗ trợ về trang thiết bị, chuyển giao khoa học công nghệ nhất là đối với kỹ thuật điều tra hiện đại, thu thập chứng cứ điện tử.
Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức của Liên hợp quốc trong phòng, chống tham nhũng. Với vai trò là thành viên ASEAN, Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN nói chung và lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nói riêng.
- Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Bộ Công an, công ty Luật, Văn phòng Luật sư hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa, bị treo (16.04.2024)
- Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc (15.04.2024)
- Chiến dịch Điện Biên Phủ và ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa (14.04.2024)
- Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (11.04.2024)
- Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng (10.04.2024)
- Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (05.04.2024)
- Nguyễn Lương Bằng - người Cộng sản kiên trung, mẫu mực (02.04.2024)
- Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02.04.2024)
- Xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước giai đoạn mới (02.04.2024)