Sáng ngày 25/10/2023, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Đây là dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đã cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Nhất trí cấp giấy chứng nhận cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới trình bày cho biết, về tên gọi của dự thảo Luật và tên gọi của thẻ Căn cước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước, tên thẻ Căn cước và cho rằng: việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý Căn cước của Nhà nước ta; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số.
"Việc sử dụng tên gọi thẻ Căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về Căn cước của công dân. Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ Căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý Nhà nước về Căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân. Việc đổi tên thẻ Căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân" - Chủ nhiệm UBQPAN lý giải.
Về giấy chứng nhận Căn cước và quản lý người gốc Việt Nam (Điều 7 dự thảo Luật Chính phủ trình), đa số ý kiến nhất trí việc cấp giấy chứng nhận cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ và nghiên cứu quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện để xác định và cấp giấy chứng nhận Căn cước; quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, giá trị pháp lý của giấy chứng nhận căn cước, cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận
Ý kiến khác đề nghị nghiên cứu quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến căn cước của người gốc Việt Nam bảo đảm thuận tiện trong công tác quản lý Nhà nước đối với đối tượng này và phù hợp quy định của dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo chuyển điều này về Chương III (Điều 30), đổi tên Chương III thành "Thẻ Căn cước, giấy chứng nhận Căn cước" và bổ sung, chỉnh lý Điều 5 "Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về Căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu Căn cước", chỉnh sửa toàn diện điều này như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Cùng với đó là điều kiện cấp giấy chứng nhận Căn cước, việc cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận Căn cước; thông tin được thu thập, cập nhật, lưu trữ và việc khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; việc quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận Căn cước…; bổ sung đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Các trường thông tin bảo đảm quyền lợi của công dân khi sử dụng các tiện ích
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại phiên thảo luận
Cũng theo Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu Căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin. Có ý kiến đề nghị phân loại các trường thông tin bảo đảm logic, khoa học, thuận tiện; ý kiến khác đề nghị cân nhắc các trường thông tin bảo đảm tính ổn định, thường xuyên.
Để triển khai Đề án 06, thì việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước là rất cần thiết; đồng thời dự thảo luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong các trường thông tin quy định tại điều này có 7 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp nếu các trường thông tin này chưa có hoặc chưa đầy đủ. Các trường thông tin còn lại là những thông tin nhằm bảo đảm quyền lợi của công dân khi sử dụng các tiện ích, giá trị do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại; các thông tin này sẽ được cập nhật qua cung cấp tự nguyện của người dân và được chia sẻ qua các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ các giao dịch hành chính, dân sự.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng có những quy định bảo đảm độ an toàn cao, bảo đảm kiểm soát an ninh mạng tốt nhất, bảo vệ ở mức cao nhất đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu Căn cước.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận
Về Trung tâm dữ liệu quốc gia quy định tại các điều 9, 11, 12 và 13 của dự thảo luật Chính phủ trình, có ý kiến cho rằng, vừa qua Bộ Chính trị đã thông qua Đề án về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia và giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để xây dựng (Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ), vì vậy, đề nghị nghiên cứu các quy định liên quan để phù hợp với chủ trương của Đảng, đồng thời phù hợp với lộ trình xây dựng và thẩm quyền của Chính phủ.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát các nội dung liên quan và thấy rằng, hiện nay Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương cho phép thực hiện Đề án và Chính phủ đã hoàn thiện các thủ tục, sẽ sớm ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án này trong thời gian tới.
"Như vậy, đến thời điểm này, việc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia cơ bản đã rõ. Việc quy định Trung tâm dữ liệu quốc gia trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở cho việc triển khai kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Trung tâm dữ liệu quốc gia ngay sau khi dự án Luật Căn cước được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định liên quan đến Trung tâm dữ liệu quốc gia trong dự thảo Luật", Chủ nhiệm UBQPAN nêu rõ.
Duy Thanh - Quỳnh Vinh
- Học viên Nhà trường hỗ trợ Công an Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra cư trú (12.01.2025)
- Trường Đại học CSND được Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh tặng bằng khen (11.01.2025)
- Cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường gặt hái thành tích chào mừng Đảng, mừng Xuân năm mới (11.01.2025)
- “Xuân yêu thương” (11.01.2025)
- “Hiến máu đầu xuân – Nhân lên hạnh phúc” (11.01.2025)
- Chỉ đạo điều hành nổi bật của Bộ Công an trong tuần từ ngày 05/01/2025 – 11/01/2025 (11.01.2025)
- Khai giảng Khoá VB10T và LT30 tại điểm đào tạo Thành phố Cần Thơ (10.01.2025)
- Nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa Trường Đại học CSND và Trường Đại học Tôn Đức Thắng (10.01.2025)
- Thăm hỏi, chúc tết chính quyền địa phương, các hộ dân xung quanh khu vực Trường đóng quân tại điểm đào tạo Thành phố Thủ Đức (09.01.2025)